.
  Chấm thi P2
 
8/6/2014

Truyện ngắn (2)

Ngày đất nước giải phóng, Miêng được lưu dụng tiếp tục dạy học. Mấy năm sau, do hoàn cảnh, anh xin đổi về trường ở thị trấn, huyện nhà. Trớ trêu thay, anh gặp Phước. Phước bấy giờ là Hiệu phó trường, sếp của Miêng.

Sau khi đỗ bằng tú tài, Phước tiếp tục lên đại học (không rõ những cuộc thi, bằng cấp sau này của Phước do thực tài hay do phong bì, những tiệc rượu?). Phước học Sư phạm mà theo hắn bảo vì chán ghét chế độ cũ, chọn nghề thầy giáo để núp né đi sỹ quan. Phước gọi Miêng bằng anh (trước kia Miêng có dạy hắn) và lộ vẻ không thân thiện. Miêng không trách, nghĩ những lỗi lầm của mình lúc đó cũng đáng bị khinh thường. Còn thái độ của Phước không ưa Miêng có lẽ do mặc cảm, nghĩ rằng Miêng đã biết quá rõ về thành tích học tập, văn bằng của mình do sự chạy chọt của gia đình! Nhưng Phước có biết rằng chính Miêng cũng không thể “há miệng mắc quai” về chuyện ấy, bởi Miêng cũng dự phần vào điều gian trá, bất chính!

Lúc ấy là những năm khó khăn của thời bao cấp. Một số giáo viên ngoài giờ lên lớp phải bán thêm giấy số, sửa vá xe đạp … kiếm thêm thu nhập mới đủ sống. Chính Miêng cũng đi bỏ mối thuốc lá, bán khăn dạo. Nỗi lo toan mưu sinh đã làm Miêng không toàn tâm trong công tác, chất lượng dạy của anh có sa sút.

Trong một buổi họp kiểm điểm, bình bầu cuối năm, Miêng bị Phước phê bình: “Giáo án cẩu thả, dự giờ không đạt chỉ tiêu, sổ dự ghi chép lung tung lại lang thang buôn bán làm mất tác phong nhà giáo v.v”. Miêng bị xếp loại yếu. Phước còn ý kiến đề nghị chuyển công tác đứng lớp của Miêng xuống làm thư ký!

Một buổi trưa, trời chang nắng đổ lửa. Miêng ghé vào quán cóc bên lề đường uống nước. Vừa ngồi xuống thì một thanh niên chống đôi nạng gỗ lộc cộc bước đến, chìa ra trước mặt anh một xấp vé số. Ngẩng lên, Miêng thấy một khuôn mặt ngăm đen, khắc khổ, trông có nét quen quen. Anh thanh niên chợt kêu lên:

- Thầy Miêng! Còn nhớ em không? Thầy về dạy ở đây à?

Miêng gật đầu, nhìn ngỡ ngàng giây lát, rồi nhận ra đó là Hai (cậu thí sinh năm xưa).

- Ơ! Hai. Em ngồi xuống. Tình cảnh của em sao lại ra như vầy?

Hai xếp đôi nạng, nhắc cò một chân ghé ngồi lên ghế. Trầm ngâm một chút, Hai nói:

- Sau lần thi rớt ấy, cuộc đời em rẽ sang “bước ngoặt”. Trốn tránh ở nhà được một thời gian ngắn thì bị bắt lính. Chỉ mấy tháng sau em bị thương. Gần hai ngày trời mới chuyển được về quân y viện. Cái chân bị nhiễm trùng nặng, phải cưa đến hai lần.

Miêng nhìn cái ống quần xếp rủ đến tận háng của Hai, day dứt hỏi:

- Có bao giờ em nghĩ gì về lần gặp thầy không?

Nhìn thẳng vào Miêng, Hai nói:

- Về sau em có suy nghĩ thầy là người minh chính; làm theo công tâm, và điều ấy tạo ấn tượng tốt về thầy! Còn em vì năng lực học yếu kém thì phải chấp nhận số phận thôi!

Miêng cảm thấy xấu hổ, đau nhói khi nghe Hai nói nên lảng sang chuyện khác.

- Gia đình giờ ra sao? Còn ba em?

- Dạ, ba mất sau giải phóng. Em đã có vợ và hai con còn nhỏ, vợ em bán xôi. Em bị tàn tật, còn mấy miểng đạn trong người nên sức khỏe rất yếu, không lao động nặng được. Cuộc sống cũng khó khăn lắm.

Miêng nghe nỗi đắng nghẹn trào dâng trong lòng. Chỉ giây phút quyết định lệch lạc theo cảm tính mà tác động đến cả số phận cuộc đời của một con người. Lỗi lầm này làm sao cứu chuộc!

Nhìn khuôn mặt thẫn thờ của Miêng, tưởng anh đang lo nghĩ điều gì, Hai đứng lên:

- Thôi thầy ở uống nước, em đi bán. Thầy còn dạy ở đây, thế nào cũng gặp lại. Chúc thầy và gia đình hạnh phúc!

Hai chống đôi nạng gỗ khập khiễng bước đi, Miêng nhìn theo. Dưới ánh nắng chói chang, bóng dáng Hai rung rinh nhòe nhoẹt. Miêng trào nước mắt!

L.T.N

 

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630233 visitors (2116278 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free