01/7/2013
Tối nay,sau khi thao tác open cái laptop,việc đầu tiên em nghĩ là phải viết về thầy. Kính thưa thầy.Vừa rồi,qua trang web HỘI ĐỒNG HƯƠNG BH,mục văn-thơ em vô cùng ngạc nhiên thấy một bài thơ tiếng Pháp mà dịch giả là một cái tên rất quen thuộc: CHÂU KIM LANG!Đó là nội dung bài thơ nói về buổi sáng ở quê hương Tân Uyên của bác Châu kim Đặng ,thân phụ thầy (cũng là một nhà giáo) .Từ đây xin phép thầy cho em được lùi về quá khứ một chút.
Kính thưa thầy,mới đây mà đã hơn 40 năm,kể từ ngày rời xa mái trường NLS Blao.Nơi đầy ắp những niềm vui ,nỗi buồn,những trò quậy phá của tuổi học trò .Nhất là nơi đây qui tụ những "hảo hán" của "4 vùng chiến thuật",được cha mẹ gửi đến học.Trong số những cô ,cậu học trò chơn chất ,vào trường cặm cụi với sách vở cho mong ước tương lai,thì cũng có một số "cậu ấm,cô chiêu" lấy ăn chơi làm lý tưởng .Nhưng cũng có thể thông cảm về khoản ấy.Học trò thời nào chẳng vậy,nhất là đang tuổi mới lớn lại được xa nhà,thế là anh chị nào cũng muốn thể hiện một chút gì TA ĐÂY cho oai !.
Nhưng thật lòng mà nói,dân NLS có nhiều biệt tài (dân kỹ thuật mà!) ,nhất là văn nghệ. Nhớ mỗi lần trường có tổ chức văn nghệ là các lớp thi đua nhau ở các tiết mục như: hát đơn ca,song ca,hợp ca.,kịch hài cười "bể bụng" luôn ,rồi các ban nhạc (bắt chước các ban nhạc nước ngoài như the Beatles,Abba,......) hòa tấu các bản nhạc thịnh hành lúc đó như : The house of the rising sun ,Be same mucho ,love is blue, apache,....... thật hay.Cũng đầy đủ 4 tay : trống,solo ,bass,accord như các ban nhạc nước ngoài,rất ầm ỉ và khí thế! Nhưng..... thầy có biết không? toàn là đàn "mò" không đó!Thầy có nhớ Nguyễn viết Hy,Nguyễn viết Đình( Đình vì mặt đỏ nên có biệt danh là Đình cà rốt. Đã bịnh chết 2 năm rồi)không?Hai anh em nầy chẳng biết tí nhạc lý nào cả nhưng mở radio ra nghe xong 1 bản nhạc nước ngoài là đàn được ngay. Thật siêu!Rồi Trần thanh Nghị,một tay organ cừ ( đã chết gần ngày 30/4/75).Rồi Đặng cẩm Sơn (biệt danh Sơn cà bẹt,vì 2 chân cong như chân lư) cũng là tay đờn tuyệt vời....
Thưa thầy,thật ra mà nói em lúc đó "chăm chỉ hạt bột" lắm.Chỉ cố gắng học để mong ra trường có một nghề ổn định ,nhẹ được gánh gia đình (vì gia đình em rất đông anh em, ba lại là giáo viên tiểu học phải oằn lưng cơm áo cho 12 đứa con đang sức lớn với mẹ "nội trợ". Tuy nhiên lúc đó có khi em muốn buông trôi,chao đão.Vừa chân ướt,chân ráo lên Bảo lộc có mấy tháng thì nổ ra cuộc tổng tiến công Mậu thân 68 (năm đệ tam ) nên nghỉ tết 1 lèo 3 tháng liền(từ tháng giêng đến tháng 3).Sau đó lên học tiếp thì gặp "tổng động viên".Một số thầy,trò chia tay lên đường nhập ngủ.Trong đó có thầy Bách dạy toán.Rồi có một số chạy vô chiến khu,bưng biền... Lúc đó cái đám học sinh lóc chóc còn lại trong trường tư tưởng không ổn,học không yên,thôi mặc kệ cuộc đời,tới đâu thì tới.
Thưa thầy, em nghĩ lúc đó chắc các thầy cô cũng cảm nhận tình hình thế sự như em?nhưng chức phận làm thầy cũng cố làm tròn khi đứng trên bục gỗ.Nào thầy Huy,ba Trực,ba Hộ,cô Ngọc,cô Kim,cô Thăng,thầy Minh,thầy Hải,cô Vân,thầy Thịnh,thầy Chương,thầy Mẫn dạy Sử địa(thầy Mẫn cũng là người BH,dân cù lao phố,chồng cô Nga dạy Ngô quyền),thầy Định,.........nhưng người em nhớ nhất là ....thầy.
Lúc ấy nhìn dáng hơi khòm, cặp kính cận ,khi lên lớp với phong cách tự tin,lạc quan,em nghĩ chắc chỉ có thầy là người tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.Nhưng vừa rồi được biết thầy là "dân Biên hòa"em lại càng có sự "thiên vị" thầy nhiều hơn.
Em nhớ lần đầu tiên tham dự họp mặt NLS Blao ở nhà hàng Đất phương Nam ,(đường Huỳnh tịnh Của,SG)ngày 01/01/2007 sau mấy mươi năm xa vắng,nhìn thầy cô nào tóc cũng bạc màu sương gió.Em cảm kích nhất là khi đến "trình diện",thì thầy hỏi tên gì,lớp mấy?Em nói là ban Thủy lâm từ năm 1967-70 thì thầy lấy ra 1 quyển A4,được đánh máy cẩn thận trên giấy pelure đã ngã vàng.Trong đó là danh sách các học trò thân thương của thầy từng lớp,từng lớp,từng niên khóa rỏ rệt,không lẫn vào đâu được.Trong đó có tên Lê xuân Sang.Ôi cảm động quá!Từng ấy năm mà thầy vẫn còn lưu giữ trọn vẹn tất cả danh sách của học trò mình.
Kính thầy , nói về đồng hương BH lên học ở NLS Blao nhiều lắm như: Bùi thị Lợi,Khắc Dũng,Đăng Minh ,Văn Trung,Văn Xịch (đã chết),Văn Lê,Văn Phước (đã chết),Chú Hào,xuân Sang,AoVăn Thân(đã chết),Ao Văn Thinh( nguyên là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ),Nguyễn đình Khuê (Khuê "kinh tế"),.....và còn nhiều nữa nhưng em không biết hết.
Thưa thầy,nếu nói quê thầy ở Tân Uyên thì quê em ở làng Bình Long,giáp ranh với Tân uyên chỉ cách con sông Đồng Nai hiền hòa.
Ngày xưa ba má em,"trai tài gái sắc"ở hai thôn khác nhau. Bình Ninh gặp Bình Quới nên duyên vợ chồng( thuộc làng Bình Long,quận Tân Phú).
Em nhớ lúc nhỏ (khoảng năm 1955-65) Mỗi năm được về quê hai lần: Tết và hè.Tết năm nào bác ba cũng đánh chiếc xe tải từ Thủ Đức về BH (nhà ba má em ở tại thị xã )để rước em,cháu về quê thăm bà con thật vui.
Do chiến tranh,vùng Bình long (đây là làng Bình Long,quận Tân Phú,BH ,không phải Bình Long của Bình Dương) được coi là vùng "xôi đậu" lúc bấy giờ.Bà nội bị chết do "Ô-bít"(từ của dân giả hồi đó gọi đạn 105 ly là orbite-tiếng Pháp-) của Tây từ Tân Uyên bắn sang.Sau đó cả nhà nội phải tản mát khắp nơi.Bác ba,chú bảy đưa ông nội về Thủ đức sinh sống, còn ba,cô tư ,cô năm ra thị xã Biên hòa (lúc ấy gọi là Bình Trước)định cư.Ba theo nghề dạy học,đầu tiên ở Tân Ba,rồi Tân Hạnh ,sau cùng về trường Nguyễn Du (nhà em 50/50 là nghề giáo!)cho tới lúc mất 1985.
Cô năm lấy chồng làm nghiệp chủ:chủ lò gạch Ông Tiếp,sát cầu Ông Tiếp,Tân ba
(hồi đó gọi nghiệp chủ,bây giờ gọi là "nhà doanh nghiệp"!).Còn cô Tư,sau hòa bình (1954) khăn gói cùng gia đình trở về quê nội gầy dựng lại cuộc sống ở nông thôn trên vị trí cũ của nhà nội, bấy giờ chỉ còn là nền đất!
Nhớ những lần về quê em thích nhất khi xe chạy qua hai hàng me rợp bóng ở đoạn núi Bửu Long,mát rượi.Hai bên là làng nghề đập đá. Những người thợ đá nhỏ bé nhưng dẽo dai.Chỉ cần vài nhát búa đúng mạch "cát khai" thì dù tảng đá to cở nào cũng bị tách ra làm nhiều mảnh.Bây giờ hai hàng me bên đường không còn nữa do thành phố BH mở rộng tới khu vực núi Bửu Long và đồng thời đường cũng mở rộng cho phù hợp với đô thị hóa.
Em nhớ ở đầu đường dẫn vào nhà nội có cầu Bà Bướm.Ba kể rằng xưa kia Pháp thường chặt đầu những ai đi Việt Minh bỏ xuống cầu nầy. Đây là cây cầu đúc nhỏ bằng bê- tông bắc qua dòng chảy nhỏ , có thể gọi là con lạch thì chính xác hơn.Do đó,lúc nhỏ nghỉ hè về quê nội,bọn trẻ con tụi em khi trời vừa sụp tối chỉ dám ở trong nhà cô dượng tư, chớ hề "bén mảng"ra lộ vì sợ.....ma.Đứa nào cũng sợ ...nổi da gà!Vì thời kỳ đó (1955-60) thôn xóm còn vắng vẻ,xa xa mới có một cái nhà ,hầu hết còn rừng,vì dân đi tản cư do chiến tranh,sau hòa bình mới từ từ quay về quê cha đất tổ(trong số đó cô dượng tư của em).
Cầu Bà Bướm ngày nay không còn nữa.Đường đất đỏ đầy ổ voi ngày xưa được thay bằng đường nhựa cấp phối dễ đi,chạy thẳng tới bến đò qua Tân Uyên.
Em còn nhớ nhà cô tư (được dựng lại từ nền cũ của nhà nội) quay mặt về hướng sông Đồng Nai.Từ nhà ,sau khi qua cái sân nhỏ là triền dốc thoai thoãi xuống bờ sông.Trước kia ông nội cho làm mấy bậc đá nên cũng dễ lên xuống.
Từ bờ sông nhà cô Tư nhìn ra xa,cách 20 phút chèo đò là một cồn cát.Những lúc về quê gặp con nước ròng (chú thích:là nước thủy triều xuống thấp nhất trong tháng)là tụi em thích nhất vì được ba và chú,bác cho ra cồn chơi.Sau khi nhờ ông lái đò trong xóm đưa ra tới cồn,bọn trẻ con được một bửa vui đùa thỏa thích.Chạy nhảy tung tăng trên doi cát dài hàng cây số trong khung cảnh thật là yên bình.Người lớn chỉ có nhiệm vụ "canh me" cho bọn trẻ nô đùa,đến khi thấy thủy triều bắt đầu lên,liếm dần doi cát thì được lịnh "rút quân".Bọn trẻ tụi em sau mấy tiếng đồng hồ phơi nắng đen thui nhưng "anh chị" nào cũng phấn khởi lắm,hẹn "bữa nào đi nữa".Thật giống như đi tắm biển,mà là biển nước ngọt!
Ở phần trên em có đề cập đến cầu Ông Tiếp.Em xin quay lại chút xíu.
Sau khi có chồng ở tỉnh lỵ BH (bây giờ gọi là Thành phố) ,cô dượng Năm mở cơ sở sx gạch bên cạnh cầu ông Tiếp (thuộc Tân Hạnh).Em nhớ lúc nhỏ,nghỉ hè thường đến lò gạch của cô chơi.Lang thang trong mấy láng trại làm gạch,qua sân phơi bạt ngàn gạch hoặc "òn ỉ" xin mấy chú công nhân cho đất sét để nắn hình con chim,con cò...Có khi lấy sức leo lên mấy đụn cát cao như núi để rồi thả trôi xuống như người ta chơi trượt tuyết ,thật vui.(chỗ nầy có mấy vựa cát lớn để bán cho xây dựng). Bây giờ mỗi khi đi ngang đó ,nhìn mấy đụn cát em hay mĩm cười :trời đất,cái đụn cát nhỏ xíu mà lúc nhỏ mình thấy cao và to như núi!Quả thật lúc còn bé thấy cái gì cũng to lớn cả!.
Sau giải phóng,lò gạch được hiến cho nhà nước,cô dượng Năm rút về thị xã sinh sống còn ba của em,sau khi từ Tân Hạnh về Trường tiểu học Nguyễn Du dạy một thời gian thì về công tác văn phòng ty Tiểu học BH.Sau đó kiêm luôn thủ quỹ và phát ngân viên chuyên phát lương cho tất cả giáo viên trong tỉnh BH.Coi vậy mà ba em "oai" lắm nhe.Tất cả giáo viên trong tỉnh BH đều biết bác Lê văn Đấu,vì mỗi tháng tất cả giáo viên đều phải về Ty ,gặp bác Đấu để.... lãnh lương!.Sau giải phóng,ba chuyển về phòng giáo dục TPhố BH làm nhiệm vụ “thiết bị trường học” và mất do đột quị năm 61 tuổi khi quyết định nghỉ hưu vừa ký chưa ráo mực!..........
Kính thầy,sở dĩ em phải "lời quê chắp nhặt dông dài".vì em nghĩ "nhanh lên,có thể sẽ không còn kịp".!Như một triết gia có nói :"việc gì làm được hôm nay,không nên để đến ngày mai".Em cần phải tâm sự với THẦY,với người đồng hương mà em hằng quý mến.Về đất nước,con người xứ "Bình Nguyên Lộc"hiền hòa,hiếu khách,trọng nghĩa,chân tình.
Rồi đây mấy ai còn nhớ tới Tân Phú,Bình Long,Bến Cá,chợ Võ Sa,cầu bà Bướm nữa?Nó thuộc về một thời của quá khứ.Một quá khứ dễ thương trong lòng một người hoài cỗ. Em bây giờ cũng hay "tranh thủ" những việc gì có thể làm ngay,vì cuộc đời em đã vuột mất một cách đớn đau khi những năm đầu giải phóng ,xa nhà,hoàn cảnh khó khăn phải quay cuồng trong cơn lốc "cơm,áo,gạo,tiền",với suy nghĩ có điều kiện sẽ về phụng dưởng cha mẹ ,nhưng thời gian sẽ không bao giờ chờ mình.Khi cuộc sống riêng tư tạm ổn thì ba đã đi xa....Không định khóc mà sao sống mũi cay cay..............
Đến đây xin phép thầy cho em được Shut down .Chúc thầy vui,khỏe .Mong rằng lời tâm sự của em cũng mua "vui được một vài trống canh" .
Lê xuân Sang
Cựu hs Nguyễn Du,Ngô Quyền và NLS Blao
-Chú thích:quận Tân Phú,sau đổi tên là Công Thanh và bây giờ là huyện Vĩnh Cửu). Tân Hạnh,Tân Ba,Tân Uyên sau giải phóng sáp nhập vào tỉnh Sông bé,rồi tỉnh Bình Dương.