.
  Thầy Trần Đăng Thảo
 
10/11/2013

Thầy Trần Đăng Thảo - Thầy Phan Bá Sáu 

 

alt

Thầy Trần Đăng Thảo

“Sống sao cho vừa lòng người”

“Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”

Để mọi người yêu mến mình quả thật là chuyện ‘mò kim đáy biển’. Nói cách khác, sống sao để mọi người chung quanh không ghét mình là một ân huệ trời phú cho, hay do công đức tu tập của bao nhiêu kiếp trước để lại, chứ có khôn khéo cách mấy theo tôi nghĩ cũng chưa đủ.

Trong thời gian khá dài sống và làm việc tại trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc, tôi đã nhận biết được có nhiều người rất tốt, nhất là sau biến cố bể dâu của đất nước, vàng thau đã rõ ràng hơn. Nhưng nói chung, dù được nhiều người thương mến kính phục thì cũng phải chịu sự chê bai của một vài người, thế cũng đã là quí lắm rồi. Duy chỉ có một người mà hình như chỉ có người thương chứ không thấy ai ghét, và người ấy vừa mới từ giả chúng ta để về với Chúa.

Thầy Thảo lớn hơn tôi đúng 10 tuổi, tuy là đồng nghiệp nhưng tôi xem thầy như một người anh và thầy trước sau đối xử với tôi rất chân tình. Có những lúc thầy đã lo lắng cho sự an nguy của tôi. Tôi ở trong trường, còn thầy ở ngoài phố và đang trong tình trạng bị quản chế, nhưng được tin tôi đang sa vào một hoàn cảnh an ninh ngặt nghèo. Không nghĩ đến sự an nguy của mình, thầy đã tìm mọi cách gặp mặt và nói cho tôi biết, để tôi may ra còn có cơ hội thoát nạn. Quả thật, nhờ có chuẩn bị trước, tôi đã may mắn đánh bại những kẻ phản bội để cứu lấy mình trong đường tơ kẻ tóc.

Năm 1967, ngày tôi đến trình diện, thầy Thịnh là Hiệu Trưởng nhưng vắng mặt, xử lý Hiệu trưởng là thầy Trần Đăng Thảo, lúc đó đang giữ chức vụ Quản Đốc Ký Túc Xá. Sau khi làm việc với phòng Hành chánh và Tài chánh, tôi được gặp thầy Thảo ngay tại đó. Ba người làm việc ở phòng Hành chánh-Tài chánh là quí thầy Phạm văn Nhung, Phạm Trịnh Hiển, và Phạm văn Đạt, cùng với Thầy Trần Đăng Thảo quản đốc ký túc xá, là 4 người tôi được tiếp xúc đầu tiên khi đến nhận việc ở trường. Cả bốn vị đều là những con người đáng kính, và đều đã được thử lửa sau ngày đất nước thay chủ. Hoàn cảnh có khác, nhưng tình con người với nhau không khác. Không nói với nhau nhiều, nhưng lặng lẻ ngậm ngùi cho nhau, quí biết bao trong hoàn cảnh nầy. Nhưng phải nói, thầy Thảo nổi trội hơn hết, không ai phật lòng từ lời ăn tiếng nói cho đến công việc làm của thầy. Cái hay là Thầy chẳng xu nịnh hay lấy lòng ai bằng tiểu xảo, mà chính thật là đem tấm lòng của mình mà đối xử với bạn bè. Có thể giúp ai việc gì, có lẽ Thầy không hề từ chối.

Tôi chẳng bao giờ đem mình để so sánh với thầy, vì thật tình dù cố gắng, tôi vẫn sau thầy vài chục năm học hỏi cách làm người. Tuy nhiên, tôi và thầy hình như có một mối thông cảm nhau khá đậm nét, bởi có một vài điểm nho nhỏ tương đồng. Thứ nhất, chúng tôi trở lại nhà trường khi tuổi đã luống. Thầy Thảo vào trường Cao đẳng khi đã vợ con đùm đề, còn tôi 16 tuổi mới học hết lớp 3! Thầy và tôi đều đã trãi qua quá nhiều gian khổ trong kháng chiến, đã giác ngộ và từ bỏ ma đạo! Cuối cùng là chúng tôi là những người đàn ông không hề có mộng tưởng cao sang, chỉ mong muốn làm một người đàn ông hết sức bình thường bên vợ con trong mái ấm gia đình.

Để thoát nhà tù lớn, nhà tù nhỏ, thầy đã hùn hạp với một cựu học viên, đóng một con tàu tại Bến Súc, Bà Rịa. Tương tự như cách làm của thầy, chúng tôi nhóm cựu giáo sư cũng đóng một con tàu nhỏ. Ngày ngày hai con tàu gổ nhỏ nhoi đậu sát bên nhau ở bến Súc. Trong suốt thời gian tìm cách vượt biên, chúng tôi đã chuyền tin tức cho nhau để điều chỉnh kế hoạch. Và tàu chúng tôi đi lọt trước, tại trại tỵ nạn chúng tôi được gặp cháu Hà, con gái thứ hai của thầy cô. Không bao lâu sau, tàu của thầy cũng đi lọt, và cuối cùng thầy cô đoàn tụ với các cháu qua diện bảo lãnh.

Lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ năm nào, cả gia đình tôi đã lái xe đến thăm thầy cô ở Virginia. Thầy cô đã đãi gia đình tôi một bữa ăn tại nhà, do cô làm bếp. Lúc ấy cô còn khoẻ, chỉ có đôi mắt hơi yếu, và thầy thì vẫn còn đi làm. Nhiều năm sau đó, chúng tôi nói chuyện với nhau thường xuyên qua phone. Mỗi lần gọi, đầu dây bên kia nghe tiếng cười của thầy, và câu nói thật dễ thương “nghe giọng nói là nhận ra ngay thầy Sáu Râu”.

Sau khi cô mất, thầy buồn lắm. Chúng tôi vẫn nói chuyện qua phone, nhưng hình như tinh thần của thầy suy sụp nhanh chóng. Mỗi khi nói chuyện với tôi thầy đều than chán lắm, và mong được chết đi cho sớm. Tôi không bao giờ dám có lời khuyên. Tôi biết thầy đã mất đi hai vật hết sức quí giá là Quê hương và Người vợ yêu quí. Thầy không còn lạc thú để sồng.

Sau khi thầy leo thang và bị té gãy xương, tôi cũng còn tiếp tục nói chuyện với thầy, nhưng lúc nầy tinh thần càng suy sụp hơn. Thời gian gần sau nầy, tôi vẫn thỉnh thoảng gọi phone, nhưng khi thì thầy nói không ra câu, khi thì thầy không rõ là đang nói chuyện với ai. Dần về sau, gọi không còn có kết quả, và rồi tin thầy vĩnh viễn ra đi.

Tôi vẫn biết, sự ra đi của thầy là một mất mác quá lớn cho đại gia đình nhà thầy, tôi xin chân thành chia xẻ sự đau buồn nầy, nhưng đồng thời tôi cũng mừng là thầy đã đạt được ước nguyện là được về với Chúa. Được biết sự ra đi của thầy rất nhẹ nhàng, quả là một con người cho đến phút cuối cũng mong muốn giảm thiếu sự phiền hà đến gia đình.

Ở nước Chúa, xin thầy vui lòng nhận lòng chân thành kính phục của người em.

Lục Phan

Gurnee, Oct. 28, 2013

Nguyễn Trung Quân NLS/BL (Sưu tằm nguồn NLS/BL.net.)

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693550 visitors (2231323 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free