.
  Ký ức về một thuở giao thời
 
1/7/2013



 

                                                                                  

Sự đổi thay

Thế hệ của những người sinh vào thập niên 50 ở miền nam vào thời điểm kết thúc chiến tranh 30-4-1975 đang ở lứa tuổi thanh niên đủ trưởng thành về nhận thức để biết và cảm nhận thế nào là chiến tranh tàn khốc, giá trị quý giá của hòa bình; biết cuộc cách mạng chính trị là nền tảng của một sự đổi thay toàn diện: đó là sự chuyển giao quyền lực nhà nước, là sự thay đổi ý thức hệ, thay đổi sinh hoạt cách sống hàng ngày trong gia đình, biết sự điều chỉnh tất yếu trong suy nghĩ và hành động của mỗi người, không ai có thể đứng ngoài, nếu bằng ý thức tự giác thì chuyển biến nhanh còn thờ ơ thì chậm hơn, nếu đứng lại thì thụt lùi; còn chống lại thì bị loại trừ. Không thích nghi thì chọn con đường ra đi. Họ đủ lý trí để nhận biết, so sánh sự khác nhau về hiện tượng và bản chất của các sự kiện xã hội theo qui luật khách quan chi phối từng suy nghĩ của mỗi người với ngổn ngang tâm trạng, những biểu hiện phân hóa sau một cuộc chiến tranh dài cũng là tất yếu..Những ngày đầu giải phóng khí thế cách mạng diễn ra rất sôi nổi với bao nhiêu điều đổi thay trong sinh hoạt xã hội, diễn ra ở từng con đường, góc phố, đi vào nếp sống từng gia đình.

Thắm thoát mà đã gần 40 năm rồi, thế hệ ấy bây giờ đang bước vào tuổi lão, ngẩm lại thấy hạnh phúc bởi họ là những nhân chứng sống của một thuở giao thời, tham gia vào quá trình thay đổi của cái cũ và mới. Họ lớn lên học hành trong môi trường xã hội miền nam trước tháng tư 1975 được gọi là chế độ “ngụy” hay là “vùng tạm chiếm”…là lứa thanh niên vừa đủ lớn vừa đủ trẻ để bước vào vận hội mới của đất nước bằng tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Một số xa quê bởi bao nhiêu hoàn cảnh, nhưng càng trãi nghiệm thì đối với người xa xứ thì quê hương cũng là nỗi nhớ đau đáu trong lòng.

Chuyện nhỏ của tôi.

 Tôi khi đó hơn 20 tuổi, là lứa sinh viên cuối cùng khóa VII Cao đẳng sư phạm NLS ở Sài Gòn thuộc hệ trường nghề, là giáo sư mới ra trường. Hồi đó ngành giáo dục gọi phân biệt: giáo viên là người dạy tiểu học từ lớp năm tới lớp nhứt ( lớp một tới lớp năm ) còn giáo sư là người dạy cấp trung học, dạy từ đệ thất đến đệ tứ ( cấp hai ) thì là giáo sư đệ nhất cấp, dạy đệ tam đệ nhị và đệ nhất ( cấp ba ) thì gọi là giáo sư đệ nhị cấp.

Tháng 12- 1974 tôi tốt nghiệp hạng nhì khóa XII trường Cao đẳng sư phạm SHGĐ ngành Nông Lâm Súc - Nha Học vụ NLS - Sài gòn, khi chọn nhiệm sở xem như được ưu tiên số một ở vùng IV chiến thuật vì chị bạn hạng nhất quê ở Huế chọn về Thừa Thiên rồi. Nhưng danh sách các trường Nông Lâm súc ở các tỉnh không nhiều và đều là những nơi mà chiến sự rất ác liệt, 2/3 là ở vùng I II III chiến thuật; tôi chọn Bạc Liêu dù rất xa nhà nhưng ở đó có thể nương tựa gia đình nhỏ bạn rất thân thời Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ là Nguyễn Thị Kim Thu ( hiện định cư ở Ý ). Hồi đó trước khi nhập học và khi ra trường sinh viên đã phải nộp bản cam kết: phục vụ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt nam cộng hòa nếu bỏ nhiệm sở phải chịu bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo rất lớn và không sẽ còn cơ hội làm công chức. Cái cách cho sinh viên chọn nhiệm sở căn cứ vào kết quả học tập, danh sách nhiệm sở được công bố trước 24 giờ, ghi rõ số lượng nhu cầu ở mỗi trường, đến giờ thì gọi sinh viên theo thứ tự thứ hạng, chỉ trong buổi sáng số phận chúng tôi được định đoạt vì đã chọn thì không được thay đổi, tuy nhiên nếu giữa sinh viên đồng ý hoán đổi với nhau thì đồng làm đơn gửi liền trong ngày sẽ được chấp thuận. Thực ra những chỗ tốt đã được giải quyết cho các trường hợp có ưu tiên thuyên chuyển, sau nầy cô tôi nói cho tôi biết như thế. Lúc đó chúng tôi chỉ biết lấy bản đồ và đo độ dài để tính xa gần ở những địa danh trong danh sách chưa từng được đến, chọn theo cảm tính đơn giản nhưng mà là vận mệnh, hôm ấy lớp Công thôn bạn Mỹ Huy hạng 5 được gọi tên nhưng vắng mặt, nên gọi tiếp người hạng 6 bạn Bồ Văn Nguyệt chọn nhiệm sở Đà Lạt, ngày ấy Huy giận Nguyệt lắm vì đó là nơi mà Huy đã định chọn. Nhưng rồi chúng tôi hóa giải với cái lý tại cái số phận ai biểu vắng mặt ngay lúc đó, Nguyệt đâu cố ý. Mà thật là bạn Nguyệt đã chọn lấy số mệnh ngắn ngủi của mình, bởi từ Đà Lạt trên đường di tản tháng 3-1975 giữa rừng người hổn loạn bạn đã bị chết đuối ở biển Phan Thiết.

Cùng chọn nhiệm sở với tôi có anh Phan Tấn Lợi của lớp Công Thôn, bạn Nguyễn Văn Điệp của lớp Mục Súc, nhưng sau ngày giải phóng tôi không có dịp gặp hai bạn lần nào, nghe nói anh Lợi theo gia đình đi nước ngoài, còn Điệp thì chả nghe tin. Tôi đi nhận nhiệm sở trong vòng 72 tiếng đồng hồ và có 4 tháng làm giáo sư trung học đệ nhất cấp ở trường trung học Nông Lâm Súc Bạc Liêu, đủ để trở thành công chức Ngụy vì khi đến đó thì đã có tên trong danh sách được cấp Chứng thư hành chánh ( nhưng tôi chưa kịp nhận )

Tháng 4- 1975 nghỉ hè, tôi được về nhà, lúc nầy tình hình chiến sự khắp nơi đã căng thẳng lắm, mẹ tôi rất vui, nói với chị em tôi sắp hết chiến tranh rồi và ngày 30-4 đến, không thể diễn tả tâm trạng của gia đình tôi, bởi đây là nỗi mong chờ đằng đẳng của mẹ con tôi, nhưng trong niềm vui chung chen lẫn ngậm ngùi vì nỗi nhớ ba và anh hai tôi đã mãi mãi không về.

 

Người thủ trưởng đầu tiên.

Khi mọi chuyện của những ngày đầu hừng hực khí thế chiến thắng đi qua mọi việc dần ổn định, tôi thì đã muốn bỏ việc rồi, nhưng nghe thông báo nếu quân nhân công chức ngụy không trình diện thì bị liệt vào tội chống đối, nên khi xe đò đã hoạt động trở lại mẹ tôi biểu đi trình diện, phải 3 lần xếp hàng đăng ký vé với giấy phép đi đường của Ủy ban quân quản Châu Đốc, 10-5- 1975 tôi đi Bạc liêu, vì chưa phục hồi xe liên tỉnh nên phải đi 5 chặng, bến nào cũng dằng dặc hàng người chờ trước phòng vé, may mà có ưu tiên cho người có giấy phép đi đường nên cả một ngày di chuyển từ Châu đốc, Long xuyên, Cần thơ, Sóc trăng, tới Bạc liêu hết xe đò, phải đi bằng xe lôi gần 9 giờ tối tới được Giá Rai là nơi tôi ở trọ.

Hôm sau, tới trường mới biết trường đã bị giải tán, toàn bộ nhân sự trường Nông Lâm Súc Bạc Liêu đã giao về Ty Nông nghiệp, Chú Chín Nam Trưởng ty khoảng 50 tuổi, là thương binh cụt cả 2 bàn tay, thấy tôi là nữ duy nhất trong số giáo viên chuyển về, lại ở xa nên không truy cứu chuyện trình diện trể, tạm thời cho trực cơ quan trong khi tất cả đồng nghiệp đều đã đi thâm nhập thực tiển ở vùng giải phóng cũ; chú nói: tướng cô có đi vô trỏng cũng chẳng làm được cái gì; lúc đó tôi chưa biết đánh máy, nẹn tạm thời làm chuyện ghi chép và đóng dấu, còn giải quyết công việc cụ thể thì chú Chín ghi thẳng vào đơn và chỉ đạo trực tiếp, rất ít văn thư giấy tờ, nấu nước châm trà thì đã có chị Sáu phục vụ, tôi thành ra vô tích sự, lại hay khóc vì nhớ nhà; mỗi ngày tôi phải đi về Giá Rai cách hơn 20 cây số mà Ty thì không có chỗ ở nên chú cho đi trể về sớm kịp xe, biết ngày đầu tôi đi lang thang kiếm ăn trưa ở ngoài chú biểu chị Sáu nấu thêm phần ăn trưa cho tôi cùng ăn với chú và tài xế, nhờ vậy tôi phụ việc với chị Sáu và biết thêm về chú qua chuyện của chị. Chú hay ho vì còn vết thương ở phổi, quê chú ở tuốt trong kinh cùng, không nghe nhắc vợ con, chị cũng không biết.

Một hôm tôi đến cơ quan trong bộ đồ bà ba đen mượn, chính chủ là chị du kích thiệt, cháu của Bác ba chủ nhà, tôi cũng ngại vì quần áo có sẵn toàn màu sáng và đúng mốt của trào lưu híp pi 1975, ở nhà chị cho thử rất vừa vặn áo bà ba chích đủ 6 ben, định bụng nếu được thì xin má may mặc cho giống người ta. Khi thấy tôi Chú cười hỏi mượn đồ của ai mà giả làm du kích, đến trưa trong bửa cơm chú mới nói: bộ vó của con dù có mặc đồ nầy và lấy than bôi cho đen cái mặt thì con cũng là con, cái áo không làm nên thầy tu đâu. Chú tài xế cũng tham gia: nó tính làm tiểu thơ du kích đó anh Chín.  Tôi mắc cở chỉ biết cười trừ và bỏ ý định làm cho giống người ta.

Khi chú Chín biết gia cảnh, biết ba tôi cũng là cán bộ cách mạng đã hi sinh, trưa thứ bảy ăn cơm xong, chú biểu viết đơn và cho tôi nghỉ phép dài hạn với lý do chăm sóc mẹ bệnh, còn dặn về Châu đốc xin được chỗ nào chịu nhận thì chú sẽ cho chuyển đi. Nhìn chú dùng hai cánh tay kẹp cây viết để duyệt đơn, tôi thật cảm động và hiểu vì sao mấy hôm trước khi thấy chú viết khó khăn tôi đề nghị: hay là chú đọc cho con ghi rồi chú ký tên, chú không đồng ý

 Tôi về Châu Đốc và theo lời chú dặn mỗi tháng gửi một tờ đơn xin phép, đến tháng 10-1975 tôi làm thủ tục xin chuyển về dạy ở trường Thủ khoa Nghĩa ( lúc nầy gọi là trường phổ thông cấp II-III A  Châu Đốc ).

Trở lại Bạc Liêu, chú Chín cho làm hồ sơ và giấy thôi trả lương ngay trong ngày, cho tôi lãnh lương tháng cuối (36 đồng) chú giải thích: lương mấy tháng trước của con chú chia cho các anh chị đi công tác vì họ vất vả lắm, họ làm thay công việc mà đáng lẽ con phải làm; tôi khóc cảm ơn chú và xin gửi lại cả tiền lương nầy cho anh chị; chú cười không nhận và nói: từ giải phóng tới giờ con không có lương phải không, cách mạng là vậy đó, không có làm thì không có hưởng, còn  đây là tháng lương con phải nhận để nhớ con là cán bộ cách mạng, về trển phải phấn đấu công tác tốt cho xứng là con gia đình truyền thống. Tôi khóc khi từ giả vì tấm lòng của  người thủ trưởng nghiêm khắc, kiệm lời mà sâu sắc tình cảm; thời gian tiếp cận chú thật ngắn ngủi 5 ngày công tác, 4 bửa cơm trưa nhưng đủ để tôi nhớ đời kỷ niệm những ngày đầu làm cán bộ của chế độ mới với người thủ trưởng không có bằng cấp chỉ có chiến công là vết tích chiến tranh ngay trên thân thể. 10 năm sau tôi có dịp trở lại Bạc Liêu hỏi thăm thì biết chú Chín đã về quê nghỉ hưu vì sức khỏe hai năm sau khi tôi đi. Cho tới bây giờ tôi vẫn giữ tờ đơn có thủ bút của chú và luôn ghi trong tâm thức về hình ảnh của người thủ trưởng đầu tiên trong thuở giao thời, người cán bộ cách mạng chân chính, ngoài chuyện tôi lúc đó vô tích sự, có lẽ chú thương tôi là con của đồng chí, với tấm lòng của một người cha, những lời dạy ít ỏi nhưng thâm thúy, trở thành những bài học sâu sắc càng hiểu càng thắm thía về sự cao quý của tình cảm cách mạng.  

Những cuộc ra đi
Được về tôi mừng lắm soạn hết hành trang ở trọ vào vali lớn để về nhà, lưu luyến giả từ gia đình Bác Ba, gia đình đã cưu mang thương tôi như con gái, nhỏ Thu cứ khóc mùi, tôi thấy lạ, chừng mấy tháng sau hay tin vợ chồng nó theo tàu biển đi vượt biên bị mất tích, tàu nó bị cướp không còn nhiên liệu, đồ ăn nước uống, đã phải quăng xuống biển những người chết vì tàu lênh đênh trên biển nhiều ngày, khi tàu tuần tra Italia cứu  vừa kịp lúc con của nó đã kiệt sức, 5 năm sau biết tin nó an toàn. Giờ có nhà cửa cơ ngơi ở một hòn đảo nhỏ thuộc Italia, họ cấp đất cho nhà, nuôi ăn thời gian đầu với điều kiện phải nhập tịch và trở thành con chiên của chúa, định cư bắt buộc. Vì sự sống họ không có lựa chọn nào khác, nhóm người Việt Nam lưu lạc trên chuyến thuyền ấy trở thành công dân Ý. Bạn tôi không thể thực hiện mục đích khi ra đi: sang Pháp nơi ở của gia đình nhà chồng, hoặc đi Mỹ nơi cả họ hàng nhà nó đang sống. Bạn tôi: một sự thay đổi cuộc đời không được lựa chọn, bắt đầu từ một ý định muốn đổi thay.

Còn 110 bạn cùng khóa sư phạm của tôi có 2/3 nhiệm sở ở vùng ngoài và Tây nguyên đều trãi qua cuộc  di tản chiến thuật kể từ tháng 3/1975. Mãi sau nầy gặp lại, kể nhau nghe, dần dần tổng kết: bạn Bồ Văn Nguyệt lớp Công thôn chết, bạn Bùi Văn Mạnh mất tích mà chắc là đã chết trong chiến dịch di tản ấy, số biết tin thì gần 1/3 bạn định cư nước ngoài, trong đó một số đi ngay thời điểm ấy, họ không hề toan tính cho chuyến đi xa của mình, cũng không được chọn lựa, chỉ theo bản năng sinh tồn, để được sống họ đi theo đám đông không định hướng. Họ trở thành nhữngViệt kiều vì chiến tranh đã bất đắc dĩ ra đi và bất đắc dĩ thay đổi cuộc đời. Một số ra đi chậm hơn thì có kế hoạch chủ động hơn trong lựa chọn. Họ trãi qua các trại tỵ nạn rồi đựợc định cư dần, rồi cũng qua khủng hoảng, đã có người thành đạt.

…Và còn bao nhiêu là chuyện của thuở giao thời mà khi nhớ lại, so với thực tại có chuyện ngở là chuyện cỗ tích, kể cho con cháu nghe chúng ngơ ngác không hiểu và không tin.

Với tôi thì đó là ký ức không phai, là những hành trang kỷ niệm riêng tư mà tôi luôn thấy bằng lòng với niềm vui nỗi buồn mà mình đã trãi qua, bởi vì nó đã góp phần làm nên cuộc đời../.


 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693646 visitors (2231584 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free