21/8/2013
Hằng năm cứ đến rằm tháng bảy. Tất cả các chùa tổ chức "Đại lễ Vu lan" mùa báo hiếu. Bông hồng cho ai còn mẹ. Còn bông hồng nào dành tặng cho ai? Đó là bông hồng trắng cho những ai không còn mẹ!...
Dù trong mọi lứa tuổi nào ai còn mẹ bên cạnh là điều hạnh phúc nhất. Tiếng "mẹ" thân thương không biết dùng ngôn từ nào diễn tả về mẹ, về những tình yêu thương cao cả vô bờ bến mà cả một đời mẹ vất vả chăm lo cho con. Từ lúc con tượng hình trong mẹ, mẹ mang nặng chín tháng mười ngày. Đến giờ phút lâm bồn mẹ trải qua những cơn đau quặn thắt. Vượt qua giây phút khó khăn ấy mẹ gần như kiệt sức. Bởi có câu "Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình" Thật đúng như vậy, chỉ một mình mẹ gánh lấy sự đớn đau mà tạo hóa đã xếp đặt cho những người mẹ phải gánh chịu.
Con lớn dần theo năm tháng mẹ quá đổi vui mừng. Nhìn con trong giấc ngủ mẹ thật sự hạnh phúc. Những lúc con sốt vì mọc răng, mẹ thức trắng đêm bên con sự lo lắng hằn sâu trên khuôn mặt mẹ với đôi mắt thâm quầng. Thỉnh thoảng đưa tay sờ trán con, thăm chừng con đở sốt chưa, mẹ tìm được niềm vui mỗi khi bệnh tình con thuyên giảm. Mẹ là biển rộng, là sông dài là cả một bầu trời mênh mông. Ôi! Bất tận. Hơi ấm của mẹ truyền sang con mỗi khi đông về giá rét. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo nhường con. Những món ăn ngon mẹ không bao giờ dám bỏ tiền ra mua ăn cho mẹ, nhưng với con, con bảo thèm ăn món nọ, món kia mẹ sẵn sàng cho con. Vì mẹ luôn quan niệm "Con là tất cả".
.
Cố nhạc sĩ Y Vân một chiều đi dạo chợ Sài Gòn ông chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh bà mẹ gánh con trên đôi quan gánh một bên là con, một bên là gánh hành rong. Cảm xúc của ông lúc ấy dâng tràn, đứng giữa lòng phố thênh thang nên ông viết bài "Lòng mẹ". Bản nhạc ấy giờ đây trở thành bất hủ, hầu hết tất cả trong chúng ta ai cũng biết. Riêng nhạc sĩ Y Vân là nhạc công các phòng trà ở Sài Gòn cuối thập niên 1950. Mẹ ông làm nghề giặt đồ mướn đến hai giờ sáng mới về, có lần bị cảnh sát bắt giữ vì đi trong giờ giới nghiêm. Nước mắt ông chực như muốn ứa ra, khi biết mẹ phải hy sinh một đời cho ông và cho những đứa em. Bản nhạc lòng mẹ ra đời từ hai hình ảnh ấy.
Có những cụ bà tuổi bước sang thất thập cổ lai hy, phải lặn lội qua những hẻm hóc lượm ve chai về nuôi con bệnh tâm thần tuổi năm mươi. Trong chúng ta thử hỏi với tình yêu thương vô bờ ấy của mẹ luôn dành cho con mấy ai không khỏi đau lòng. Nếu ai còn mẹ sống trên đời hãy biết trân trọng và tôn kính mẹ. Tôi không còn may mắn, mẹ tôi đã qua đời khi tôi được mười hai tuổi, cái tuổi đủ để tôi nhớ mãi về ký ức tuổi thơ của mình, giờ tôi đã trưởng thành, khao khát, ao ước được trả hiếu cho mẹ nhưng mẹ tôi mãi mãi không còn hiện diện trên cõi đời này nữa.
Nếu có kiếp tái sinh tôi sẽ được sống gần bên mẹ chính tay tôi sẽ dưng cơm, dời nước để tỏ một chút lòng hiếu thảo của con. Ấy vậy mà có những người không biết yêu thương trân trọng cha mẹ. Đối xử với cha mẹ không ra gì thậm chí khi các cụ về chiều con cái đùn đẩy nhau, không dám cho vào nhà sợ chết mất công chôn cất. Những ai xấu xa như vậy hãy quay đầu sám hối đi nhé! Nếu ngày nay ta sống không biết gieo công đức, đối xử không tốt với đấng sanh thành, một ngày không xa lắm hậu quả sẽ đến với ta "Gieo nhân nào gặp quả ấy"...
Mẹ ơi! tháng bảy đã về
Mùa Vu lan đến não nề trong con
Năm xưa bên mẹ vuông tròn
Dầm mưa dãi nắng nuôi con tháng ngày
Chân trần đầu đội mưa ngâu
Trên đôi quan gánh mõi mòn bước chân
Giờ đây mẹ khuất đâu còn
Tuyền đài mẹ náu, trần gian con chờ.
Kim Hoa
Mùa Vu lan năm 2013
viết để nhớ về mẹ
Mời quí vị nghe nhạc: