05/01/2014
Từ một huyện miền núi Quảng Ngãi, chị xuôi về làng chài lao động thời vụ rồi làm mẹ đơn thân. Chị nói: “Kiếm con nuôi, nó bi bô cho vui. Còn chồng thì khỏi…”.
Minh họa: DAD
|
Mỗi ông một đứa
Chị kể, thằng Cu đầu mới một tuổi rưỡi đã có em. Để cho trật tự, chị cứ Cu Một, Cu Hai mà kêu. Ai cũng tưởng cảnh mẹ giá con côi, chắc chị thôi đẻ. Chẳng ngờ hai năm sau thằng thứ ba ra đời. Sẵn trớn, chị đặt tên là Cu Ba. Có người góp ý, nói cái tên Cu Ba nghe… phiền phức lắm. Hơn nữa, Cu Ba dễ gợi ra Cu Bốn, Cu Năm, hổng chừng tới Cu Sáu nữa. Em lấy gì nuôi? Chấm dứt đi em. Đừng để mấy thằng đểu lợi dụng nữa.
Nghe có lý, chị đổi tên thằng Cu Ba thành Cu Chót.
Đã ba lần sinh nhưng mới tuổi hai lăm nên trông chị vẫn giòn xinh như chưa hề qua “lứa” nào. Bàn nhậu của cánh đàn ông trong làng cứ “nóng” lên mỗi lần ai đó nhắc đến chị. Người nói gái ba con trông mòn con mắt. Người nói tiên sư mấy thằng “săn gái”, gửi con cho người đẹp thế, sướng quá còn gì.
Làm phụ hồ, chị như bông hoa rừng giữa đám thợ đùm đề vợ con. Tay nào cũng kêu “hồ em ơi” để được đụng cái tay, được say con mắt. Làm công nhân sơ chế hải sản giữa một đống tôm cá lấm lem, chị vẫn “thơm” riêng cho khá nhiều chàng trai biển khiêng cá lên vựa.
Học chưa hết cấp 2 nhưng chị hay nói “chữ”. Bà cán bộ phụ nữ quở chị đẻ dày quá, chị cười lỏn lẻn, nói tại tạo hóa chớ đâu phải tại em. Còn “quân số” hả, ba đứa cho vừa vặn “Phước - Lộc - Thọ”. Đâu có nhiều? “Em tính rồi, mỗi ông mỗi đứa thôi. Chứ một ông mà hai đứa sau này tụi nó ỷ chúng hiếp cô, kéo bè kéo cánh thì chết đứa kia ngay”, chị nói.
Chị kể: Vừa rồi có ông mon men tới phỉnh chị, nói cho anh “kỷ niệm” một đứa nhé. Bốn đứa mới thành tứ hải giai huynh đệ. Em nói “nô”, tui khóa sổ rồi.
Bịt mắt bắt dê
Người nào hỏi cha tụi nó là những ai thì tùy đối tượng mà chị có cách trả lời khác nhau. Gặp phụ nữ, chị hỏi lại: Nếu chị là em, ai hỏi vậy chị có buồn không? Nếu là đàn ông, chị nói: Giả dụ anh là “tác giả”, tui lu loa lên, anh thấy sao?
Thôn trưởng dỗ ngon dỗ ngọt, nói em khai đi, thôn sẽ trình với xã làm sổ hộ nghèo, khai sinh cho lũ nhỏ. Em cũng được đưa vào diện cấp nhà tình thương. Chị nói cám ơn thôn, mẹ con em có cái chòi ở rìa làng được rồi. Còn cha tụi nó hả? Ai trồng khoai đất này. Cũng là người xã nhà cả thôi. Nhưng mấy ổng nói đừng khai thì tháng nào cũng có trợ cấp. Còn khai thì mấy ổng bị “ngăn sông cấm chợ”, em cũng sẽ bị ghen tuông phiền phức, lại không có đồng nào nuôi con.
Chị kể mới đây, giữa khuya có một gã mò vô chòi tự xưng là thầu xây dựng, nói cho anh “tâm sự” chút, anh sẽ điều xe chở vật tư tới cho em làm nhà. Bốn mẹ con em lủi thủi trong cái chòi chật chội này anh thương lắm. Em nói thôi khỏi, nhà em có bốn ngọn nến lung linh, à quên, bốn ngọn nến… rung rinh đủ mệt rồi, thêm ngọn thứ năm chắc tối tăm mặt mũi. Gã vẫn lì lợm kéo ghế ngồi sát giường. Em bấm mấy đứa con. Cu Một tốc mền, hét lên: “Cu Hai, Cu Chót dậy chơi bịt mắt bắt dê với anh”. Gã vọt nhanh như sóc. Kể tới đây chị cười rũ rượi.
Gặp mấy đứa con chị, ai cũng nhìn chằm chằm rồi đồn đoán: Cu Một là con ông X. vì cái cằm y chang. Cu Hai là con ông Y. bởi tướng đi giống hệt. Cu Chót là… Mặc kệ! Mấy đứa nhỏ vẫn bụ bẫm dễ thương. Riêng chị, chị vẫn đang tươi cười với thị phi, vẫn vui sống với dị nghị để nuôi con, và cũng để... đẹp nữa chứ!
Trần Cao Duyên
(Theo Báo TN ngày 30/12) VTN ( sưu tằm)