.
  Công viên Thành phố ven sông
 
08/1/2015


 
Từ hồi nhỏ xíu tôi và đám bạn thường chơi đùa ở bồn cỏ gần nhà, chỉ khi nào học giỏi mới được mẹ dẫn đi công viên bờ sông, còn được ăn kem, tôi xem đó như một phần thưởng thích thú nên ráng học, có lần mẹ than: sao mà con học nhiều điểm 10 vậy. Bao giờ công viên cũng là điểm lý tưởng của nhóm bạn tôi tập họp để vui chơi, nhưng phải lén bảo vệ để được chơi trên cỏ mát rượi có tấm bảng: yêu cầu không dẩm lên cỏ, mà một lần tôi đã phụng phịu nói với chú bảo vệ, chú cho tụi con ngồi chơi ở đây đi tụi con chỉ ngồi chớ không có dẩm. Chú phì cười mà bảo: ngồi hay đi cũng là dẩm làm cho cỏ hư, nên phải bảo vệ cho nhiều người cùng hưởng.
Tôi nhớ hoài con đường bờ sông có hàng me rợp bóng, cái công viên nhỏ và hẹp kéo dài theo bờ sông với các dọc cỏ không đủ chỗ cho bọn tôi bày trò nên hồi đó tôi đã có lần nói với bạn bè, mai mốt tao làm lớn tao sẽ làm cho công viên nầy rộng hơn, lớn hơn chơi mới đã. Tôi thích nhất là đoạn đường đi bộ trong công viên có mái che rợp bóng hoa móng tay nhiều màu rất đẹp, thân dây leo nhẹ nhàng nở hoa quanh năm và tỏa mùi hương rất nhẹ, nhất là về đêm cứ thoang thoảng không nồng như dạ lý hương.
 Đặc biệt cái cầu Quan nho nhỏ nhô ra sông tôi hay ngắm cái cột đèn kiểu Pháp ở trên cầu mà hồi đó tôi từng thắc mắc không biết cái đèn đó có là hình ảnh để ai đó tức cảnh mà ngâm nga: Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc; Dốc nào dốc bằng dốc Nam Vang… như là dấu tích của một thời thuộc địa còn lưu giữ ở vùng đất tiền tiêu được họ chọn để đóng đồn. Tôi lớn lên và luôn có một phần trong sinh họat của mình ở công viên, nhưng  đặc biệt là công viên lại không phải là chỗ hẹn hò của tôi một thời thiếu nữ, tôi chợt nhớ lại: ừ nhỉ, có lẽ vì bao giờ mẹ cũng cho phép tôi tiếp bạn trai tại nhà, thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn hay xem phim, nên tôi không có cơ hội sử dụng công năng thơ mộng vốn có của công viên, cũng tiếc.
Có lẽ vì ký ức tuổi thơ thấm đậm kỷ niệm mà khi lớn lên công tác và có một chút trách nhiệm ở địa phương tôi luôn đau đáu trong lòng làm sao bảo vệ và làm lớn hơn hiện đại  hơn công viên bờ sông vốn rất đẹp ở nơi tôi sống. Tôi đã đến thành phố Venise của Italia, nhiều lần đi dọc sông Saine trên bộ dưới thuyền giữa thủ đô Paris ở Pháp ngẩn ngơ bởi cái cách mà người ta đối xử một cánh trân trọng ưu đãi của thiên nhiên có dòng sông chảy qua thành phố mà ao ước mà ngẩm nghĩ liên tưởng đến cái địa thế thiên nhiên của thị xã ngả ba sông nơi nối sông Tiền sông Hậu một lưu vực quan trọng của dong sông Mê kông huyền thoại, mà nuôi mộng rồi đây thị xã sẽ là một phố thị bên sông đẹp nhất. Tôi không rành phong thủy nhưng vẫn tin vượng khí thổi từ sông là quý giá cho cả cộng đồng, xuất phát có lẽ chỉ vì điều đơn giản thích sự thóang đảng.Với mong muốn thị xã có một dãy công viên ven sông tôi luôn có ý tưởng quy họach lại để phục hồi cái thế tiền tam giang… Đến khi được tham gia xây dựng dự án tầm nhìn 20 năm Quy họach tổng thể lần đầu tiên của Châu đốc đến 2010 tôi tha thiết đề xuất về cái ý tưởng thành phố bên sông, cố công tìm nhiều dữ liệu, cơ sở khoa học để chứng minh thuyết phục tập thể và được nhiều ý kiến đồng tình, khi Chính phủ phê duyệt, trong đó suốt bờ sông từ Bến đá đến đầu kinh Vĩnh tế, Vĩnh Nguơn sẽ là công viên bờ sông, tôi hạnh phúc vì mơ ước từ bé có thể thành hiện thực. Nhưng rồi cái khó do nhiệt tình và quyết tâm nên đã để cho trở ngại trong đền bù giải tỏa, không thực hiện được phương án chung cư khu tiệm rượu cũ dành cho thị dân ở phía bờ sông tái định cư, nên dự án thành bế tắt, nên sau 20 năm thành phố bên sông với dãy công viên xinh đẹp vẫn còn là ước mơ.
Công viên được xây mới quy mô hơn, hoa cỏ đẹp hơn, cầu Quan được giữ lại, đường hoa cũng được chăm chút kỹ hơn, cả công viên có vòng rào cỗng to chắc chắn có nội quy, có bảo vệ …nhưng sau một thời gian công năng của nó bị lệch lạc, sự kín đáo nhưng thiếu ánh sáng nên nó cũng là môi trường của tệ nạn xã hội ẩn náo, người lành không dám đến công viên. Phải thay đổi công viên là một tất yếu, nên trong nhiệm vụ của mình tôi hòan tòan thuận lợi khi đề xuất phương án cải tạo, nâng tầm công viên Châu đốc như là một minh chứng thực thể về giá trị sử dụng, một bờ sông thoáng đảng đẹp mắt là tài sản vô giá cho cả cộng đồng, cho bộ mặt thị xã, làm tiền đề cho dự án thành phố bên sông; vì vậy tôi đã chuẩn bị chu đáo những dữ liệu cơ sở khoa học với lý do chính đáng gia cố bờ kè chống sạt lỡ và chỉ làm công trình công cộng; bởi con sông Bassac còn có sự quản lý của tổ chức quốc tế Ủy ban sông Mêkông, Thị xã đã tiến hành mở rộng xây dựng công viên như ngày nay.
Công viên bây giờ còn được gọi là công viên tượng đài cá basa, đã rộng hơn, thoáng đảng sạch sẽ, là nơi tản bộ của du khách, nhất là khách nước ngoài họ chào hỏi thân thiện sánh bước cùng đi người bộ, họ nhìn ngắm bình minh hay hòang hôn ở ngả ba sông, hay chụp ảnh quay phim, chỉ chỏ bình luận các bức tượng đặt rãi rác trong công viên; là sân cho người cao tuổi tập dưỡng sinh, là nơi các em bé được ba mẹ ông bà tập đi tập chạy, các nhóm học sinh tập võ, tập nhẩy hiện đại, là chốn hẹn hò của nhiều cặp tình nhân, là nơi mà các nhóm trẻ họp nhau sinh họat, tổ chức sinh nhật…là quãng trường để tổ chức các sự kiện, lễ hội, biểu diễn văn nghệ…nói chung công viên thực sự phát huy hết công năng của một tụ điểm văn hóa công cộng.
Chỉ tiếc là con đường hoa bây giờ rộng hơn dài hơn với hai đoạn: một đọan trồng hoa hoàng anh, hoa đẹp nhưng không có hương, chỉ đẹp khi ngắm từ xa, còn đi dưới đường hoa rất rậm rạp chỉ mát chứ không thưởng thức được màu vàng rực rở trên đầu. Còn một đoạn trồng lan tím chỉ nở rộ theo mùa tỏa mùi tỏi ngào ngạt làm cho nhớ tới thịt bò, có người nhăn mũi nói vui: chắc mấy ông nầy chống cúm cho ai đi công viên mới trồng thứ bông nầy; còn tôi biết ra tại sao bông hoa xinh đẹp lại có tên là lan tỏi, khi héo lại không rụng nên xấu màu; ước gì đây là giàn hoa móng tay như xưa thì thơ mộng biết bao nhiêu!
Khi công viên là tụ điểm lễ hội, nghĩa là đám đông đang tham gia vào một hình thức sinh hoạt văn hóa, nhưng sau lễ hội thường để lại một quãng trường đầy rác, rác tỉ lệ thuận với quy mô lễ hội và lượng người tụ tập trở thành gánh nặng cho công nhân vệ sinh.Tụ điểm thì phải đông, công cộng là của nhiều người, sẽ không thể có được văn hóa công cộng khi mà nhiều người còn vô tư sử dụng của công tùy tiện, thiếu ý thức giữ gìn. Thấy mà thương công nhân vệ sinh vất vả, nhưng quan trọng hơn là nó phản ảnh tình trạng ý thức rất kém văn hóa của cộng đồng xã hội.  
Bây giờ thói quen đi bộ trong công viên vào buổi sáng hay buổi tối, nhất là những thời khắc chuyển mùa như lúc nầy đang vào chớm đông, chỉ có ở công viên tôi mới có thể cảm nhận đấy đủ cái se lạnh thoảng qua của mùa gió bấc, sự chuyển mình của hoa lá chung quanh và cái rộn rịp như là chợ hoa Tết họat động rất sớm ở công viên. Tôi hạnh phúc tự thưởng thức thành quả mà hồi đó mình có một chút công sức góp phần, tôi tự vui vì ít ra mình đã đầu tư tâm trí tham gia từ là ý tưởng gia cố mở rộng, đến khảo sát lập dự án, vào quá trình thiết kế, phê duyệt một cách khó tính, chọn lựa từ kiểu dáng băng đá, bồn hoa di động, đài phun nước, kiểu hàng rào, cột đèn ánh sáng, đèn trang trí, cây kiểng, hoa cỏ… Và tôi lại chứng kiến, quan sát ngẫm nghĩ và lại tiếp tục ước mơ: ước gì mọi người Châu đốc đều muốn công viên nầy sẽ được kéo dài suốt tuyến dọc bờ sông Hậu chảy qua trung tâm thị xã như quy họach ban đầu để có thành phố bên sông xinh đẹp xứng tầm là điểm đến của hàng mấy triệu lượt khách mỗi năm, bởi vì lòng người chính là khó khăn lớn nhất. Tôi cầu mong và tin tưởng ước mơ nầy lại linh nghiệm như ước mơ thời thơ bé, nhưng mà thời gian thì ngắn thôi chứ tôi chắc không chờ kịp tới mấy mươi năm.
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630120 visitors (2115697 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free