.
  Nhìn Người tủi Ta ( bài kết )
 
27/11/2014



 
Bài kết

     Từ khách sạn ở Hagoya, chúng tôi di chuyển một đoạn đường bằng tàu cao tốc Shinkansen tiếng Nhật nghĩa là “Đường tàu mới”, hay còn được gọi là”Bullet train”(Tàu viên đạn) do hình dáng thon gọn của đầu tàu, cùng tốc độ chẵng kém gì viên đạn bay ra khỏi nòng súng.


 
    Con tàu cao tốc đầu tiên của Nhật Bản, cũng là của thế giới ra đời năm 1964 với vận tốc 210 km/giờ, hiện nay Nhật Bản có 2.459 km đường sắt cao tốc, nối liền hầu hết các thành phố lớn, với vận tốc đến 300 km/giờ. Trong lần chạy thử năm 1996, tàu shinkansen đạt với tốc độ 443 km/giờ và lập kỷ lục thế giới 581 km/giờ trong lần thử nghiệm 2003.



    Tàu shenkansen của Nhật chạy trên hai khổ đường sắt 1.067 mm và 1.435 mm, loại đường tàu khổ 1.067 mm đang được loại bỏ dần, thay thế bằng loại khổ lớn hơn. Chúng tôi chỉ mất hơn 10 phút, để di chuyển một đoạn đường gần 50 km giửa hai trạm dừng.






 
   Đến cố đô Kyoto (như Huế của Việt Nam), chúng tôi tham quan Chùa Vàng (Kinkakuji), hay còn gọi là Ngôi đền vàng, ban đầu là khu nghỉ dưỡng của tướng Ashikaga, tổng tư lệnh dưới thời Muromachi (1336-1573). Sau khi ông chết, ngôi nhà trở thành một ngôi đền được dát toàn vàng lá. Ngôi đền bị phá hủy vào năm 1950 ( do một tiểu tăng là con của sư trụ trì đốt cháy toàn bộ, cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng trong chùa) và được khôi phục lại năm 1955, nhưng cũng từ đó đền không còn được coi là quốc bảo nữa, và được dát vàng trong lần tu phục vào năm 1987.
      Kinkakuji là một cấu trúc ấn tượng, được xây dựng chung quanh một cái hồ lớn, và là tòa nhà duy nhất còn lại trong các khu nghỉ dưỡng của Yoshimitsu. Tầng đầu tiên của kinkakuji, được xây theo phong cách shinden sử dụng cho các tòa nhà cung điện, với trụ cột làm bằng gỗ tự nhiên, tường thạch cao màu trắng, tạo nên sự tương phản nhưng lại làm nên nét hài hòa cho 2 tầng trên được dát vàng.
   Sau khi nhìn kinkakuji từ trên hồ, chúng tôi qua khu nhà cũ của vị sư trưởng Hojo, nhưng nhà nầy không được mở cửa tham quan, tiếp tục đi qua phía sau kinkakuji là khu vườn của ngôi đền dẫn đến ao Anmintaku, ao được cho là không bao giờ khô cạn, và một bức tượng mà mọi người ném đồng xu vào để có được sự may mắn
   Rời Kinkakuji chúng tôi đến chùa Thanh thủy (Kiyomizu-dera), tọa lạc ở giửa lưng chừng núi Otawa thuộc miền Đông của thành phố Kyoto. Chùa Thanh thủy là ngôi chùa cổ điển, xây dựng từ năm 778 trước khi Kyoto trở thành thủ đô Nhật Bản.

\

      Kể từ khi thành lập đến nay, ngôi chùa đã bị hỏa hoạn nhiều lần. Hầu hết các tòa nhà được xây dựng lại bởi Đại tướng Tokugawa lemitsu, đời thứ ba, thuộc giai đoạn đầu của thời Edo (1631-1633).
   Ngôi chánh điện của chùa được xếp vào hạng báu vật quốc gia, ngoài ra còn có nhiều di sản văn hóa quan trọng khác, như là cổng Deva cổng phía tây của chùa, ngôi tháp 3 tầng và tháp chuông, vào năm 1994 chùa được Unesco đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.



 
    Chùa có 2 công trình kiến trúc nổi tiếng, thứ nhất là ngôi chánh điện, nơi tôn thờ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đồng, có ngàn tay, ngàn mắt và 11 cái đầu, Ngài là vị Bồ Tát nổi tiếng có nhiều quyền năng, và thường đáp ứng lại lời cầu nguyện của mọi người. Thứ hai là ban công Kiyomizu được xây dựng theo phương thức đặc biệt, những cái cột lớn bằng gỗ keyaki cao 12 mét, được lắp ráp với nhau mà không cần đến một cây đinh, và sàn nhà thì được lắp ghép từ hơn 410 miếng gỗ Bách tạo thành.
   Chùa Thanh Thủy được đặt theo tên thác nước Otawa, một dòng nước được bắt nguồn từ trên núi và đổ xuống khuôn viên của ngôi chùa. Kiyomizu tiếng Nhật có nghĩa là nước tinh khiết, nước trong sạch. Bên dưới ngôi chánh điện là thác nước Otawa, nơi 3 dòng nước cùng đổ vào một cái hồ lớn. Du khách có thể hứng nước nầy và uống vì nước rất tinh khiết, và người ta tin rằng nếu ai uống được nước nầy thì mọi ước nguyện đều được thành tựu (chúng tôi không uống được vì du khách xếp hàng rất dài, không có thời giờ chờ đợi).
   Trong ngôi điện thờ của chùa, có một ngôi điện đặc biệt, được gọi là điện Jishu, điện nầy thờ thần Ôkunimishi (Địa Quốc Chủ), một vị thần tình yêu và “se duyên tốt lành” điện Jishu có một cặp đá gọi là “Cặp đá tình yêu” được đặt cách nhau 6 mét, người ta tin rằng, người nào độc thân mà bước qua giửa hai phiến đá nầy, nhắm mắt lại mà cầu duyên thì sẽ gặp được tình yêu tốt lành (tôi nhận thấy nhiều bà vợ đứng chận đường, không cho các ông chồng bước vào giửa hai phiến đá)
   Buổi trưa chúng tôi rời Kyoto, và di chuyển đến Osaka tham quan lâu đài Hạc Trắng (Lâu đài Osaka) tên nguyên bản là Ozakajo. Lâu đài nầy được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 16 bởi Toyotomi Hideyoshi, một vị lãnh chúa nổi tiếng, đã cai trị toàn bộ nước Nhật trong những năm 1590. Lâu đài từng bị thiêu hủy và xây dựng nhiều lần.
   Lâu đài Osaka có chiều cao khoảng 40 m, tổng cộng 8 tầng, từ tầng 1 đến tầng 7 là nơi trưng bày các vũ khí, áo giáp và vật dụng dân gian của thế kỷ trước. Riêng tầng 8 được thiết kế như một đài quan sát và ngắm cảnh. Mái ngói của tầng 8 được thiết kế theo phong cách truyền thống Nhật Bản và tất cả đều được mạ vàng ròng.


 
     Xung quanh lâu đài là một công viên rộng lớn với diện tích khoảng 6 ha, được bao phủ bởi những rặng anh đào. Vào mùa xuân nơi đây trở thành một trong những điểm đẹp nhất để ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản.
      Vào mùa hè, dòng sông Osaka ở phía Tây Bắc lâu đài trở thành sân khấu chính cho lễ hội Tenjinmatsuri, một trong 3 lễ hội lớn nhất Nhật Bản. Lễ hội nầy được tổ chức hoành tráng với hơn 100 đội thuyền đi dọc dòng sông cùng với màn pháo hoa rực rỡ.


 
      Khu vực thành cũng trở nên rộn ràng với những gian hàng bán đồ ăn dạo, mùi thơm ngon của món ăn cùng những âm thanh của những người đánh trống Taiko.

    Rời lâu đài Hạc Trắng, chúng tôi đến Shinsaibashi là một trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất ở Osaka, để mua đồ lưu niệm vật dụng cần thiết trước khi về Việt Nam.
     Sáng hôm sau ra sân bay Osaka làm thủ tục về Sài Gòn, kết thúc chuyến du lịch lý thú và bổ ích.
 
     Nhìn Người tủi Ta:
    Nhật Bản là nước có dân số già, nông dân đa số là người luống tuổi (tuổi trung bình hơn 70), trong tổng số 1,5 triệu nông dân Nhật chỉ có 420 ngàn người làm toàn thời gian. Diện tích đất nông nghiệp Nhật Bản 4, 61 triệu ha trong đó đất trồng lúa là 2, 51 triệu ha. Trung bình mỗi hộ dân canh tác 2,1 ha, riêng Hokkaido (Bắc hải đảo là vùng đồng bằng ven biển) là 22,3 ha. Tuy nhiên Nhật mới tự túc được 40% lương thực, đang phấn đấu nâng tỷ lệ lên 50%.
    Vì tuổi của nông dân khá cao, nên chánh phủ Nhật Bản luôn hổ trợ và khắc phục mọi cách để công việc đồng áng bớt nặng nhọc, luôn tạo điều kiện có thu nhập cao, đưa máy móc dể sử dụng về cho nông dân, cung cấp giống mới có năng suất cao.
     Để ngăn chặn chuột phá hoại mùa màng, người Nhật dùng bẫy điện để diệt chuột, bẫy điện nầy có cường độ thật nhỏ, chỉ 0,2 A, nhưng điện thế cao 700 V đủ làm chết chuột nhưng không ảnh hưởng đến tánh mạng con người.
 
    Nông dân Việt Nam tuổi đời rất trẻ, sung sức, tuy nhiên nông sản làm ra không đủ cho người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” có cuộc sống đầy đủ, vì trồng cây gì, nuôi con gì đều bị lỗ, chưa kể nạn trộm cắp đang hoành hành, cướp đêm lẫn cướp ngày, Riêng việc diệt chuột, bao nhiêu tai nạn làm chết người do dùng bẫy điện có cường độ và điện thế của dòng điện sinh hoạt hằng ngày. Bẫy diệt chuột của nông dân Nhật Bản rất đơn giản và không nguy hiểm đến tính mạng, với khả năng, thì Việt Nam thừa sức sản xuất, nhưng do tư duy phục vụ bà con nông dân mình không có, nên những nhà chức trách để mặc cho nông dân đùa giởn với tử thần 

 
Dương văn Phương  
 
   
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 643276 visitors (2138339 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free