.
  Người thành phố
 
14/12/2014




NGUYỄN THỊ MÂY

Như có ai ném một viên đá cuội xuống mặt hồ yên tĩnh, làm sóng gợn lăn tăn. Xóm hàng gòn xôn xao bàn tán về con bé người thành phố về quê…ở nhờ.

Tôi với thằng Thà lúp ló bên ngoài hàng rào dâm bụt trổ hoa đỏ ối, nhóng cổ nhìn vào nhà bà Tư. Bọn tôi muốn biết mặt mũi người thành phố ra sao? Có bậm trợn, dữ dằn hơn tụi tôi hay không? Tôi thật sự thất vọng khi trông thấy con bé thơ thẩn đi ra sân. Nó ốm nhom. Mặt tròn như cái bánh tráng. Chỉ có đôi mắt đèm đẹp một chút, nhờ to, đen láy và hàng mi dầy cong vút. Tức cười nhất là phía trên cánh môi bên trái có một nốt ruồi ăn hàng. Con nít loại này làm lợi cho mấy bà bán hàng rong lắm đây! Tóc nó vàng hoe, được cột gọn thành một cái đuôi gà con ở sau ót. Bộ đồ nó đang mặc càng không giống ai ở đây. Cái áo trắng ngắn củn cởn, cái quần sọc ca rô đỏ đen dài tới đầu gối , để lộ cặp giò thẳng đuột như hai khút tre. Thằng Thà dùng cùi chõ thúc vào hông tôi:

- Người thành phố đâu có gì lạ hén!

Bật cười, tôi gật đầu:

- Tưởng ba đầu sáu tay! Ai dè mặt cũng ngố quá trời. Nhìn thấy hoa trâm ổi mà nó cũng xuýt xoa như mới thấy lần đầu.

Thà nhoẻn cười. Tôi vỗ đùi đánh bốp:

- Để tao hát chọc nó chơi:

Tì tay lên cổng rào, tôi nhóng cổ gắng hát thật to:

- Ra đây mà xem!

Con gì nó ngồi trong…sân.

Nó đưa cái chân ra ngoài

Ấy là con ngố

Con ngố nó ngồi chong ngóc.

Nó đưa cái lưng ra ngoài .

Ấy là …con ngố con!

Con nhỏ người thành phố đứng bật dậy, chưa kịp mắng, hai đứa tôi đã chạy biến theo lối mòn.

Con nhỏ làm quen hay dễ sợ! Chiều đó, vừa nhác thấy bọn tôi thả diều, nó đã chạy lại gần, cười mơn:

- Cho tui chơi với nhá!

Thắm bỉu môi:

- Xí, chơi với! Hổng lẽ tụi tao đưa con diều cho mầy thả?

Thà nghênh mặt, hai tay níu sợi dây giật giật làm con diều uốn éo trên cao. Bỗng, “Bựt” Sợi dây diều đứt ngang. Trên cao, con diều lảo đảo bị gió cuốn băng băng ra xa, mất dạng. Thà ỉu xìu, bọn tôi khoái trá cười rộ. Thà chợt chạy đến trước mặt con bé thành phố rồi nhe răng như thị uy:

- Tại mầy nè! Con diều đang lên tít mù, mầy tới là nó băng.

Nghe vậy, Thắm thu dần dây diều của nó:

- Ừ, tại nó đó. Nãy giờ mấy con diều yên ổn, đâu có bị đứt dây.

Con bé xụ mặt:

- Tui xin lỗi nghen! Bộ hồi đó tới giờ các bạn không hề bị đứt dây diều hả?

Con nhỏ ghê thật! Câu xin lỗi của nó có một cái cù móc khiến thằng Thà nhột, đỏ mặt, nói ngang như cua:

- Ừ, không bao giờ!

Con nhỏ nhoẻn cười, để lộ hai cây răng cửa to cộ, tôi buột miệng :

- Răng khủng long, ta ơi!

Con bé lại cười. Tôi bắt đầu có cảm tình với người thành phố.

Từ hôm ấy, trước khi bày trò chơi, tôi thường đảo qua nhà bà Tư để gọi Tân Di nhập bọn. Thấy vậy mà nhỏ Tân Di…tiếp thu nhanh lắm. Chỉ sơ sơ là nó biết cách đùa giỡn liền. Di thường nhường nhịn bọn tôi. Chơi trò trốn tìm, Di thường bị gạ làm người tìm. Chơi trò “Cá sấu lên bờ” Nó bị phân công làm cá sấu. Nhỏ Thắm lý sự:

- Mầy hay khóc mà cũng mau nín. Nước mắt mầy trong như nước mắt cá sấu vậy đó.

Di nhìn bọn tôi đánh cờ gánh một lần là biết ngay. Nó bảo:

- Chơi cờ thích thật. Nhưng mỗi bàn chỉ có hai đứa được đánh, còn những đứa khác phải đứng coi. Hay tụi mình đánh cờ người đi. Vui hơn nhiều.

Cả bọn nhao nhao:

- Đánh cờ người?

- Ừ, tức là dùng người thay sỏi. Như vậy mỗi bàn sẽ có mười sáu người được chơi cờ.

- Ồ, thích quá! Nhưng bọn mình chỉ có tám người.

- Dễ ẹc! Sau khi bị gánh, bạn đó sẽ chạy vô chỗ còn trống chơi tiếp.

- Tụi nầy vẫn chưa hiểu.

Di chỉ vào bàn cờ:

- Các bạn đứng ở những chỗ nầy nè. Ví dụ như tui điều khiển tướng thì tui…dắt hai bạn làm tướng tìm cách gánh quân. Còn bạn Thắm điều khiển quân thì dắt những quân sĩ của mình đi thế nào để tướng không…gánh được mà còn vây tướng.

Di lấy que tre vẽ lên mặt đất một bàn cờ khổng lồ. Chúng tôi bắt đầu trò chơi. Mỗi lần tướng gánh được quân, cả bọn cười rộ lên, vui không thể tả.

Di khóc cũng lạ lắm. Nước mắt lưng tròng chứ ít khi ràn rụa tràn xuống má. Có lẻ do hoàn cảnh gia đình mà nó trở nên mít ướt. Ba mẹ Tân Di giận nhau. Họ thường xuyên đấu khẩu. Mỗi lần cuộc chiến tàn, ba nó bỏ đi nhậu, mẹ nó trùm mền nằm khóc, không thèm nấu cơm, không thèm ăn uống…Chẳng ai nhớ có Tân Di trong nhà. Nó buồn lắm. Hôm đó, cô Út Tím lên thành phố thăm ba mẹ Tân Di, nhằm lúc họ …cãi nhau . Cô Út lấy quyền…làm em lên lớp anh chị. Họ ngồi nghe nhưng …không thèm làm theo ý cô. Út Tím giận. Út thu xếp quần áo Tân Di dắt nó về quê, trước khi tuyên bố một câu xanh rờn:

- Anh chị cứ tiếp tục cãi nhau. Muốn li dị cũng tự nhiên. Còn con Di để tui nuôi.

Đang lúc giận, họ để cô dắt Di về quê. Bà Tư , mẹ cô với bà con chòm xóm hốt hoảng, trách cô nóng nảy , lỡ hai vợ chồng ly dị thiệt rồi làm sao? Cô thản nhiên bảo:

- Thì tui nuôi nó, coi nó như con. Nhưng má với bà con đừng lo. Bây giờ cho con Di ở đây nghỉ hè một thời gian rồi tui sẽ có cách.

Không ai tin cách của cô vì chính cô còn …chưa chồng. Làm sao biết cách gì làm cho hai vợ chồng làm lành . Tôi cũng tin cách của cô…dở òm. Tân Di đã ở đây gần nửa tháng. Da nó không còn trắng xanh mà rám nắng vì đi chơi với bọn tôi. Nó biết ăn những món đồng quê như cá lóc nướng trui bằng rơm, dế cơm nhồi đậu phộng xong rồi đem chiên, đuông chà là hấp, ốc bươu hấp tiêu chấm cơm mẽ…Biết đi cà kheo đua với bọn tôi, biết qua cầu khỉ không cần ai dắt. Nó trở thành người nông thôn tự bao giờ.

Nhưng sáng nay, ba mẹ Tân Di đã …nắm tay nhau về quê khi nhận được điện tín của cô Út Tím. Vỏn vẹn có năm chữ mà hiệu quả thiệt:” Di hấp hối, xuống gấp!” Họ xuống thiệt và gặp một Tân Di khỏe mạnh.

Di theo ba mẹ về thành phố, bọn tôi buồn lắm. Cô Út Tím biết được an ủi:

- Tụi bây đừng lo, để rồi tao sẽ có cách cho nó mỗi năm về quê một lần”.

Tôi thầm nghĩ, không lẽ cô nói dối:”Út Tím hấp hối, xuống gấp!” Liệu Di tin không nhỉ?

Nguyễn Thị Mây

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 643395 visitors (2138682 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free