.
  Vườn xuân nho nhỏ
 
27/10/2013

                                                               

 Không biết bắt đầu từ khi nào mỗi độ năm hết tết đến chợ hoa tết nằm cặp công viên bờ sông xuất hiện như một nét riêng báo hiệu mùa xuân đã về rất sinh động của Châu đốc. Ở chợ hoa Tết, người ta thường quan sát về số lượng và chất lượng hoa kiểng đủ loại, ở các nơi đưa về cũng là cách ăn tết lớn hay nhỏ, càng về sau thì quy mô càng lớn, khoảng thập niên gần đây thú chơi cây cảnh phổ biến, đặc biệt là hoa mai và bonsai các loại, tết cũng là dịp đọ sức của các nghệ nhân qua các tác phẩm của mình, người mua thì thỏa sức lựa chọn nếu chọn được dáng cây, cành, nụ, đẹp nở vào đúng 3 ngày tết thì cũng là điềm hưng thịnh, ai yêu mai mà không có khả năng sở hữu thì mản nhản ngắm nhìn. Năm nào cũng người đông tấp nập, hoa thì có năm tiêu thụ hết, có năm thì người xem nhiều hơn người mua, nhà vườn phải dọn về trong đêm giao thừa, nhìn hoạt động của chợ hoa và sức mua có thể nhận định về tình hình đời sống kinh tế xã hội trong năm. Nhưng cái đáng yêu về cách ăn tết của người Châu Đốc là dù giàu hay nghèo hầu như ai cũng có nhu cầu mua hoa tết, mới thấy ai cũng yêu thích mùa xuân, nhìn người ta chuyên chở hoa bằng đủ cách, bưng bê đi bộ, chở trên xe máy, xe lôi, xe ô tô và cả xe tải…tất cả đều toát lên sự vui vẻ mang ý nghĩa: mọi người đang chở mùa xuân về nhà.

  
(ảnh minh họa từ internet)  

Với tôi cho tới bây giờ gần 60 năm, chợ hoa tết vẫn thấm đẩm kỷ niệm gia đình, tôi nhớ từ hồi nhỏ xíu tết năm nào mẹ cũng dẫn chị em tôi dạo chợ hoa nhiều lần, không chỉ để ngắm, để mua nhiều thứ hoa chưng; mà đó cũng là cách ăn tết sớm của mẹ con tôi; có lẽ thói quen đó đã thành sự yêu thích, thành nhu cầu tinh thần của chị em tôi, cho tới lớn mỗi đứa có gia đình riêng nhưng năm nào trước tết chị em cũng họp mặt, cùng  đi chợ hoa tết ngắm nghía tìm tòi hoa lạ, cây đẹp, chọn mua về chăm sóc như một cách thưởng thức mùa xuân và cùng nhớ mẹ. Riêng cậu út chơi hoa theo đẳng cấp của nghệ nhân, chuyên sưu tầm hàng độc., ở lầu thượng là giàn hoa lan với nhiều loài rất đẹp quý, còn hoa kiểng cậu  mua hẳn một nền phố để làm nhà vườn.

   Hồi đó dù mẹ không phân công nhưng bao giờ tôi cũng siêng năng tưới nước tỉa cành mấy chậu hoa tết, hay len lén chọn đóa đẹp nhất để trên bàn học, nhưng rồi qua tết hoa cũng tàn phải bỏ đi. Vì ở nhà sàn trên kênh khi nghe tôi muốn trồng để lúc nào nhà cũng có hoa, mẹ tôi nói nhà không có cục đất chọi chim, thì nói gì đến chuyện trồng hoa kiểng. Có lần vào năm tôi thi đệ thất, sau tết bội hoa cúc héo khô chuẩn bị bỏ đi chờ xe hốt rác, tôi thấy có một mầm xanh nhu nhú từ trong rễ, tôi cắt gọt và nuôi cái mầm xanh be bé ấy ở một góc sân, mẹ tôi thấy vậy nói: không chắc là nó sống, mà có sống chắc cũng không nở hoa, con phải chịu khó chăm sóc kỹ mới được, tưới làm sao để đất không khô mà cũng đừng ứ nước. Vậy mà tôi chăm chút đếm từng chiếc lá mầm…cho tới ngày nó trở thành cây cúc cao khỏe xanh um và hé những nụ hoa, mẹ khen tôi giỏi và thưởng cho một chiếc chậu sành để thay cho cái thùng nhựa bể mà tôi nhặt để trồng cây cúc. Rồi dần dần tôi có tay nghề và cậu út tham gia nên cái sân xi măng nhà tôi có thêm những chậu cây xanh hoa kiểng, tới trung học tôi chuyển qua yêu thích chăm chút hoa hồng, nhất là hồng vàng. Tôi vẫn ao ước nhà mình có một cái vườn nhưng nhiều lần chuyển nhà vẫn là ở phố, nên vẫn trồng hoa kiểng trong chậu kê chen chút ở bờ rào.

Cho đến hồi tôi được ra riêng, nhà ở được phân phối theo tiêu chuẩn chế độ và theo đợt nên không thể chủ định lựa chọn địa điểm phương hướng gì, nhưng ai cũng nói tôi may mắn nên tuy chậm mà lại được mua nhà phố mặt tiền trên đường lớn, tuy có xa trung tâm chợ một chút, khi đi coi nhà, tôi thích nhất là phía sau nhà có một khoảng đất trống, trong đầu đã nghĩ tới một mảnh vườn bé xíu cho mình. Vợ chồng bàn bạc để sửa chửa nhiều thứ và điều làm tôi cảm động là trong kế hoạch sử dụng, cái khu đất chừng hơn 30m2 chồng tôi nói sẽ là vườn hoa nho nhỏ cho tôi. Thật thích.

Thế là như kẻ khó chưa từng thấy của, bao nhiêu thứ tôi muốn trồng được đưa về, nào cây, nào kiểng, nào hoa lớn bé…Hè hụi tôi bứng rồi trồng, cây nầy chen khóm hoa kia, hổn độn, chồng con cười tôi làm vườn tạp! Tôi cũng thấy cần phải cải tổ lại, nhưng rồi không đành chặt bỏ, cây nào hoa nào cũng là công sức mình chăm bẳm, chồng tôi góp ý mãi cũng chán nên không bàn tới nữa.

Rồi năm 2000 nước lụt cao, vườn nhà tôi ngập hơn 5 tấc nước gần cả tháng trời, hai cây xoài cát hòa lộc rất ngon, cây dừa cây mít đã cho trái…và nhiều thứ không kê kích chạy nước được đều chết, tôi buồn thiu, còn cha con nhà nó thì cười tủm tỉm. Đến khi nước rút cũng nhằm đợt tôi đi học hai tháng ở thành phố, ở nhà cha con nó âm thầm thiết kế lại khu vườn, chỉ trồng lại một cây xoài ở ranh đất, còn lại là các luống hoa, xếp đặt các chậu kiểng và bonsai theo lối đi khá đẹp mắt. Biết tôi có thú vui tìm cây cỏ lạ về chăm sóc, anh dành  cho tôi một góc thoáng với nhiều chậu trống và đất cùng phân bón. Khi tôi về thì vườn đã hoàn tất và xanh tốt, tôi rất vui và nhận ra trước đây mình đã không để ý đến tính mỹ thuật trong cách bày trí mảnh vườn.

 

Cứ như vậy cái góc của tôi có nhiều cây và hoa lạ tôi mang về, theo các chuyến đi, mà tôi làm du lịch nên hay đi đây đó. Nguyên trong lần đoàn VCCI Việt Nam đi hội chợ ở Hạ Môn - Phúc Kiến ( Trung Quốc ) Việt Nam có tham gia một gian triển lãm, tôi mua một bình hoa tươi trang trí cho gian hàng mất 40 tệ ( tiền Trung Quốc). Sau 3 ngày khi thu dọn gian hàng, bó hoa héo được thẩy vào sọt rác, nhưng 3 cành lá vẫn xanh tốt chen lên trên, tôi thấy nó có vẽ sống dai muốn đem về trồng thử, bèn lấy một nắm giấy vệ sinh thấm nước cuộn gốc rồi bao lại bằng bọc ny long để giữ ẩm, cho vào thùng hàng mẫu, vì hành trình còn cả tuần lễ nữa mới về nước. Nó bẹp dúm theo thùng hàng quăng lên thẩy xuống qua mấy chuyến bay, về cơ quan lại bị bỏ quên; cả tuần sau nhân viên mới soạn hàng, gom mấy nhánh cây héo đem bỏ, đến trưa tôi mới phát hiện nó nằm trong giỏ rác, thấy nó vẫn còn xanh nên mang đi ngâm nước và trồng vào chậu chăm chút thật kỹ như là tự chuộc lỗi vô tình của mình, vị chi 14 ngày kể từ lúc tôi cho nó vào bọc ny long ở TQ và hai lần bị quăng vào sọt rác. Vậy mà nhờ sự chịu đựng bền bĩ và không kén thổ nhưởng nên từ rất xa xôi nó đã đến sống và sinh sôi thành một chậu bonsai rất lạ trong góc vườn nhà tôi.                                                               

                                                         

 Tôi gọi nó là cây trường tồn vì nó có dáng như cây trường sanh của mình, nhưng thân cứng, lá nhỏ  xanh thẩm hơn và mỗi lá nổi bật đường gân vàng ở giữa, lá mọc đối xứng nhỏ dần về phía ngọn, rất chậm lớn chịu hạn tốt.

Đây là mấy chậu hoa treo với thật nhiều hoa be bé màu tím xanh ngăn ngắt nở rộ mỗi ngày, cánh mỏng nhưng hai ba ngày mới tàn, ai thấy cũng khen, số là trên đường mới mở đi từ Nha Trang qua Đà Lạt trong chuyến công tác với chương trình GTZ, xe dừng ở một đoạn đường qua núi thật vắng vẻ để các ông giải quyết nỗi buồn, tôi thì muốn tìm một ít xương rồng núi về trồng và hốt một ít cát trắng, nên cũng xuống xe, bỗng phát hiện bông hoa tím tí xíu nằm chơ vơ trong kẹt đá, không có một chút đất nào, rễ thật mảnh bám vào đá, tôi cố nhẹ nhàng để nhặt nó ra, lên xe khoe với mọi người bông hoa dại xinh xắn, rồi như quán tính tôi cho nó vào bình  đá trà thừa của ngày hôm qua. Hai ngày sau về nhà thấy còn tươi tôi cho nó vào chậu và chăm sóc, nó sống tốt và nẩy mầm mạnh, nở hoa liên tục, tôi đặt tên là hoa GTZ.

Còn lần đi Phú Quốc, dự hội nghị ở khách sạn Sài Gòn Phú Quốc, trên bàn đại biểu cắm những đĩa hoa tươi rất đơn giản bằng hoa kiểng ngoài vườn, nổi bật là là đài hoa như những chiếc lá to màu vàng anh bao bọc những đóa hoa vàng 5 cánh như hoa mai nhưng bé xíu trông giản dị và trang nhả. Sáng sớm trên đường rời khách sạn, thấy các luống hoa nở vàng hấp dẫn nên động lòng mê bèn bứng khô một cây nho nhỏ đem lên xe ra thẳng sân bay, nó lại được ở lẩn với hành lý gửi nên bầm dập, tới nhà thấy lá héo, rể khô ít hy vọng nhưng tôi cắt gọn nhánh lá rồi chăm chút, vậy mà nó sống và nở hoa, chừng thấy có bán ở chợ hoa Tết, hỏi tên hoa nhưng hai chỗ bán kêu hai tên khác nhau  ( lạ lẩm, khó nhớ, khó tin ) rốt cuộc chưa biết tên đúng là gì, đành tự đặt tên mai Phú quốc. Chị bạn đem từ Malaysia về cho 5 cái hạt bé xíu nói: trồng đi, hoa nó ngộ lắm; tôi ươn và theo dõi 3 cây lên tốt, thân lá giống hệt cây ngải bưởi nên tôi không để ý nữa, cho đến lúc cả 3 cây cùng nở hoa cánh dầy màu hồng phấn đăc biệt ở nhụy hoa có hình con chim xanh rất đẹp, mỗi nhánh thì bao giờ cũng có hai hoa cùng nở và đôi chim luôn ở thế chuẩn bị hôn nhau nên tôi kêu là hoa  uyên ương, cả tháng mới tàn, tôi hiểu chữ ngộ mà chị bạn tả về nó.

Cứ như thế cứ mỗi tết lại cộ về một số hoa kiểng và cả nhà đi đâu thấy có hoa lạ, cây ngộ ngộ thì mang về, nhiều hoa dại, phần lớn không biết tên và cứ tự đặt theo ý mình, ví như chồng tôi bứng một bụi cây ven đường lá xanh dáng như lá môn có mùi như ngãi cứu, trồng lên xanh tốt gọi tên thiên lộc; con trai đem về cây thân mộc hoa trắng xám nhỏ, trái li ti đỏ…gọi tên cây ngộ ngộ…Chị tôi mua một chậu hoa khá đẹp người bán nói là hoa hồn nhiên, tôi quan sát cây thấy ngờ ngợ, mấy ngày sau hoa tàn và thành trái, mới phát hiện là cây cà độc dược. Có một số tự mọc thấy lạ nên chăm sóc chừng hoa nở đẹp, truy tìm tên mới biết là hoa long châu, hay bạch lan cánh mỏng. Sau năm 2006  vườn nhà tôi nhiều thêm lên vì tiếp nhận gần hết cả cái vườn của cậu em út, nó qua đời vì bệnh; riêng giàn lan rất quý tôi đành không dám nhận vì không có điều kiện chăm sóc, cặp mai bonsai rất giá trị, phải gửi cho nghệ nhân chăm sóc nhưng cũng hư dần dần, tiếc nhất là gốc mai vàng 10 thế ngủ phúc, chân tượng quỳ, có bề hoành đến 90 phân, cao chỉ khoản 1,2 m, tán lá hình dù …rất quý không giữ được tôi tự thấy như mình có lỗi. Một chậu chủ đề phụ tử cũng héo khô sau đó.

Bộ sưu tập vườn của tôi rất hằm bà lằng, nhiều loại cây, hoa, cỏ, dây leo, bông bụp thì tôi có được 8 loại, hoa 10 giờ và sam nhật hay rau dừa cạn, hoặc trăm ổi thì đủ màu, và phần lớn là những loài nào giỏi chịu đựng thì sống tốt vì cách chăm sóc của tôi đơn giản lắm, qua đó tôi biết loại nào dễ tính, loại nào đỏng đảnh, chậu treo, chậu lớn, nhỏ chen chút…không lớp lang trật tự, phần vì chật chỗ, nhưng tôi thích sự lộn xộn đó.Thích có hoa nở xuân, hạ, thu, đông, sáng  trưa chiều đều có hoa nở …ngày nào cũng nhiều sắc lắm hương làm cho trong vườn lúc nào cũng như bức tranh pha màu vụng về, không hôm nào giống hôm nào, trông vui mắt cho cả nhà., nhất là  quanh năm tôi có vườn xuân nho nhỏ của riêng mình, ở đó có cả niềm thương nỗi nhớ.

Có đận cả vườn hoa bị bọn kiến riện và bọn rệp sáp trắng tấn công, chúng bám đầy, làm cành lá quăn queo, bông hoa xơ xát, bắt hoài không hết, tôi lấy bình xịt muỗi để diệt kiến, diệt rệp, một lần, hai lần, ba lần…chúng chết nhưng đồng thời cũng diệt luôn nhiều chậu hoa, tiếc nhất là cây trường tồn, chậu GTZ cũng chỉ còn trong ảnh, nhiều cây khác héo dần tàn lụi. Trận đó tôi ray rức vì sự dốt nát của mình, tự suy gẫm sử dụng chất hóa học phải có kiến thức, phải học.

 Bây giờ thì theo quy hoạch phát triển, nhà tôi đã lọt vào nội ô, người thì đã là dân thành phố, tốc độ đô thị hóa cũng đã lan tới mảnh vườn nho nhỏ của tôi, dù không muốn nhưng đành phải cắt phía cuối 5m để cất nhà kho chứa những đồ dùng gia đình ít sử dụng nhưng không thể bán ve chai, nền đất vườn phải lát gạch để loại trừ bọn chuột cứ đào hang đun đất mất vệ sinh; mà quan trọng hơn là cần có chỗ cho cháu nội cháu ngoại chạy nhảy an toàn, cho nên vườn của tôi  lại trở về mơ ước, mèo lại hoàn mèo, chỉ còn cách cố mà giữ những chậu hoa lớn nhỏ san sát nhau, vẫn sưu tầm để giữ được sự đa dạng sắc màu, vẫn được thư giản tưới nước tỉa cành, ngắm hoa, lấy ảnh đăng facebook với danh xưng hoa ở vườn nhà, cho nên tôi chẳng buồn, chẳng tiếc, tự bằng lòng với cái mình có, rồi cũng ổn ./.

 

Phan thị Thúy Truyễn ( Ca Giao)

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693622 visitors (2231535 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free