.
  Cơn bệnh
 
14/8/2014

 

Truyện ngắn (P1)



(Lâm thành Nghiêm)

1. Từ lúc ba đứa con lần lượt có gia đình, mỗi đứa một nơi với cuộc sống riêng tư thì Tân không còn đi buôn nữa. Anh đã lớn tuổi, tiền bạc chẳng còn là nhu cầu bức thiết như trước. Nghỉ bán, Tân rơi vào sự thảm hại của sự nhàn rỗi buồn chán. Anh không chuẩn bị một công việc khác thích hợp, hoặc giả một thú vui nào cho khuây lãng tuổi xế chiều, “Nhàn cư vi bất thiện”. Tư tưởng bi quan buồn chán của Tân dưới một góc nhìn tâm lý cũng là sự bất thiện của tâm hồn?. Chính nó dìm nội tâm vào cô đơn, trầm cảm.

Căn nhà trống vắng hắt hiu, các con đều ở xa, đứa gần một hai tuần, đứa xa đôi ba tháng mới về, cũng chỉ một hai buổi lại đi. Chim đủ lông, cứng cánh rời tổ bay xa cũng là lẽ thường tình, sao Tân vẫn thấy chạnh lòng. Còn với Hằng, vợ Tân, lại luôn khắc khẩu, khắc tính không thể dung hoà thông cảm dù có 30 năm chung sống. Tại sao hai kẻ không có tình yêu, chẳng hiểu nhau mà vẫn trói buộc với nhau suốt đời? Có phải nghiệp chướng? Lúc còn trẻ, những gây gỗ, xung đột giữa hai người xảy ra luôn, suýt đổ vỡ, chia lìa. Định mệnh hay trách nhiệm với các con lôi kéo để không tan rã, để không xẻ nghé chia đàn. Bây giờ cả hai tuổi đã cao, không còn xung đột nữa. Khi phải chịu đựng tình trạng quá lâu, người ta trở thành chai sạn, quen đến chẳng còn muốn thay đổi. Và im lặng là tỏ thái độ đã nhập vào bản tính của Tân. Có bạn lâu ngày không gặp hỏi Tân lúc này làm gì?, anh trả lời “làm thinh”, bạn lại bảo Tân đùa.

Nói cái gì? Có ai để chuyện trò tâm sự. Tân sống với tâm trạng hụt hẫng, thấy dòng thời gian trôi chậm chạp như tắc nghẽn. Mỗi ngày như mọi ngày. Câu hỏi thường mọc ra ám ảnh: Làm gì?, sống ra sao?. Câu hỏi bế tắc không có lời giải đáp. Cuộc sống trở nên vô vị và cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì!. Nỗi bi quan đè nặng lên nội tâm Tân, anh không tìm được sự xẻ chia, dần dà trở thành xa lạ với chung quanh, tách biệt cùng không gian mình sống. Anh tự giam nhốt mình.

Cùng nỗi cô đơn trầm cảm, sức khoẻ của Tân đã có vấn đề. Sức khoẻ suy sụp làm nặng hơn cơn bệnh tinh thần. Ở tuổi 65, Tân bị cao huyết áp và suy tim, căn bệnh trước kia người ông và ba Tân mắc phải, suốt ngày Tân nghe mệt, cứ nằm lì lịch hết giường tới võng. Hơn hai tháng trước, anh có đi khám ở Đại học Y Dược. Nghe kể về tình trạng đông nghẹt người khám bệnh ở đó Tân đón xe đi lúc khuya, đến nơi tờ mờ sáng nhưng đã có nhiều người rồi . Chen chúc đóng tiền bắt số và ngồi chờ đến trưa mới đến lượt. Bác sĩ đặt ống nghe, hỏi đúng ba câu chẩn đoán, Tân bị nhồi máu cơ tim trước vách, cho toa thuốc dài ngoằng. Ra ngoài nộp toa, đóng hơn triệu bạc, lại chờ đến xế trưa. Về nhà uống thuốc cả tháng không suy giảm nên Tân ngừng lại.

Thời gian gần đây cơn đau nhói nơi ngực trái xảy ra thường hơn, đau xuyên thấu đến cơ sườn sau lưng. Trái tim như bị vật nhọn đâm vào, lại thêm nhức đầu, tê cứng hai hàm, xuất vã mồ hôi. Đó là biểu hiện của nhồi máu cơ tim, Tân ôm ngực cảm thấy cái chết rất gần. Cuộc đời lặng lẽ nhạt nhòa, có danh phận bạc tiền chi mà ham hố, nuối tiếc. Tân không lo sợ trước cái chết, nhưng mỗi lần nghĩ đến là nỗi cô đơn cùng cực tràn ngập tâm hồn. Đến một mình rồi cũng đi một mình, Tân biết mình có thiên hướng u buồn nên chẳng nhìn sự việc giản dị, lạc quan, mà cứ nghĩ ngợi bế tắc rối mù, từ hư vô con người bước đến rồi lại đi vào một chốn bí ẩn xa xăm làm gì? Câu hỏi không lời giải đáp. Cõi trần ngắn ngủi phù du, con người lại gây bao điều khổ lụy, hạnh phúc hiếm hoi mà nước mắt tràn đầy!

Tân rất khốn khổ mỗi lúc trân mình chịu đựng cơn đau . Địa ngục ở chính trần thế lúc con người bị bệnh tật hoành hành thân xác, bao nhiêu người coi thường cái chết phải chịu khuất phục trước tra tấn. Không chịu nổi thường bị tra tấn nên Tân định đi khám lại dù rất ngán ngại, khám mà sợ phải nằm viện, chỉ muốn uống thuốc tại nhà. Tân rất dị ứng với không khí nơi bệnh viện, phòng cấp cứu, anh sẽ chọn cái chết hơn là phải nằm đằng đẵng ở nơi ấy. Đó là một nơi mang sắc thái lạ lùng, vừa lạnh lẽo trắng bạch, vừa hỗn độn phập phồng. Trước kia mỗi lần phải ở bệnh viện trông nuôi ba má, Tân đều bị cái trạng thái bất an, ngầy ngật khó chịu, cảnh xô bồ quá tải của bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh nhân chen chúc hai người một giường cá nhân, còn thân nhân nuôi bệnh nằm lăn, ngồi lết bên ngoài hành lang, cái khung canh ấy làm liệt rũ sinh khí cả người khoẻ mạnh.

 

 

2. Dân gian có câu: “ghét của nào trời cho của ấy”. Trời ở đây là sự run rủi, buộc mình phải chấp nhận chịu đựng cái mình chán ghét dị ứng với nó. Đúng như có một sự xếp đặt đưa Tân gặp lại em học trò cũ và chính em ấy dẫn đưa Tân vào nằm bệnh viện.

Tân gặp Hường trong dịp tham dự buổi họp mặt một nhóm cựu học sinh trường Trung học Nông Lâm Súc, buổi họp do Hương tổ chức. Hương từ Mỹ trở về sau nhiều năm xa cách quê nhà, cả hai em đều học trường Nông Lâm Súc Định Tường, nơi Tân dạy học ngày xưa. Sau tháng 4/1975, ngôi trường bị tiếp quản rồi giải thể , thầy trò tứ tán. Tân “mất dạy”, ra ngoài bươn chải, lao đao vất vả với đủ nghề: làm mướn, họa hình, bán dạo,… Công việc anh làm lâu dài nhất là lấy quần áo may sẵn vào các xã xa bỏ mối các sạp vải, tiệm tạp hoá, có lẽ nhờ sự “mất dạy” mà các con anh được “dạy”, được ăn học. Thấm thoát đã hơn 30 năm, bao biến chuyển đổi thay, thầy trò đã thành U60, U70, mái tóc điểm bạc, giây phút gặp lại đầy xúc động và ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì một số khuôn mặt đã thành xa lạ, quên bẵng vóc dáng, họ tên. Cố nhớ, cố moi móc quá khứ, những hình ảnh ngày xưa, nhắc lại bao kỷ niệm khi vồn vã hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện nay. Hường hiện ở Sài Gòn, có chồng và hai con, làm trong một bệnh viện, em hỏi chuyện gia đình sức khoẻ của Tân và anh thật tình kể về tình trạng sức khoẻ không tốt của mình, Hường cho Tân địa chỉ, số điện thoại và dặn: “Thầy phải thu xếp lên Sài Gòn, em sẽ đưa thầy đến một bác sĩ quen chuyên khoa về tim mạch để khám và chữa trị. Nếu trị vài ngày thì thầy ở nhà em.”. Tân gật đầu và nghĩ là do sự xúc động, quan tâm của tình thầy trò lâu ngày gặp lại. Không ngờ cái gật đầu ấy lại thành sự thật len vào lòng Tân mối ân tình.

Mười ngày sau buổi họp mặt ấy, cơn đau lại nổi lên. Thôi thử ghé nhờ Hường đưa đến ông bác sĩ này xem sao? Cái câu “phước chủ may thầy” ngẫm sâu chẳng phải hoàn toàn vô lý. Tân lên Sài Gòn vào ngày thứ bảy cuối tuần, ghé nhà đứa con trai và chiều hôm ấy nó chở anh tìm Hường. Vợ chồng Hường nhiệt tình đưa Tân đến phòng khám tư của bác sĩ quen, anh bác sĩ hỏi Tân:

-         Chú đau ra sao?

-          Tôi bị đau nơi ngực trái, mấy ngày gần đây xảy ra thường xuyên. Cơn đau kéo dài khoảng năm đến mười phút.

-         Có những biểu hiện nào khác kèm theo lúc ấy?

-         Hai quai hàm tê cứng, đầu hơi nhức và xuất mồ hôi.

Bác sĩ liền đo huyết áp, chụp ống nghe ở ngực và ở lưng, nghe nhịp tim rồi dùng máy ghi điện tâm đồ cho Tân. Xong, anh bác sĩ nhìn Tân lo lắng .

-         Chú bị suy tim nặng lắm, mấy lần bị nhồi máu nhưng rất may mắn, bây giờ chú phải nhập viện ngay.

Anh bác sĩ viết giấy giới thiệu cho Tân vào phòng cấp cứu bệnh viện Nguyễn Trãi, nơi anh và Hường công tác, đây là bệnh viện cấp thành phố, chủ trì về bệnh tim mạch. Khi Tân đứng lên, đứa con vội choàng tay đỡ và dìu ra. Thái độ hành xử của người ta có khi khác ngay, thay đổi ngay chỉ qua phán xét của ai đó. Mới vừa rồi nó thấy Tân vẫn bình thường, để anh tự lên ngồi xe, nhưng qua lời nói của bác sĩ, Tân liền biến thành một bệnh nhân nguy kịch. Hường đứng ngoài cửa cũng nghe hết, nói:

-         Em đưa thầy nhập viện.

Tân bất ngờ với những diễn biến vừa xảy ra, chưa có sự chuẩn bị tinh thần, tiền bạc, nên muốn hoãn lại.

-         Hay để đến thứ hai.

-         Không được, dứt khoát em không để thầy về. Thầy đừng ngại, em làm ở bệnh viện này nên quen biết. Mọi việc thầy để em lo.

Thế là Tân phải vào phòng cấp cứu ngay buổi chiều hôm đó và bắt đầu sống trên chiếc giường sắt chuyên biệt có bánh xe gắn dưới chân nên dễ dàng xoay trở, nệm giường có thể nâng cao hay hạ thấp. Một cô y tá đưa Tân thay bộ y phục màu trắng và qua bộ y phục Tân đã trở thành bệnh nhân của bệnh viện.

Phòng cấp cứu tim mạch dài, rộng, có trên 20 giường kê hai hàng dọc theo tường. Trên giường đều có bệnh nhân mang những ống dây nhựa lủng lẳng ghim mắc dây truyền dịch, dây thở oxi. Điều đầu tiên Tân phải chịu đựng cho quen sự vướng víu của những ống dây và không gian màu trắng.Tân như bị dìm nhận vào vùng trắng lạnh lẽo, ngộp thở. Đèn neon mở sáng suốt ngày, từ trần chiếu loá vào tường sơn trắng, rồi tấm khăn trải giường, đồng phục người bệnh, y phục bác sĩ, y tá đều trắng toát. Sao không là màu hồng, hãy sơn tất cả tường trần của bệnh viện thành màu hồng, trang phục của bác sĩ, y tá cũng thành màu hồng. Tân tin màu hồng có tác dụng tâm lý, làm tinh thần bệnh nhân hưng phấn, đỡ mệt mỏi hơn.

Phòng cấp cứu bệnh tim nặng không cho người nhà ở trực tiếp trong phòng. Những bệnh nhân không thể tự mình xuống giường tiêu tiểu được thì nhờ y công gọi thân nhân ở ngoài vào. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nằm trên giường không đi lại cử động mạnh, tránh xúc động. Bệnh tim là bệnh dễ gây đột tử, người bệnh đứng bên bờ vực thẳm, sinh mạng rất mong manh. Đây là lúc bác sĩ cố gắng đẩy họ xa bờ vực.

Suốt đêm ấy Tân không tài nào ngủ được, nằm mỏi mê, chập chờn, nếp sinh hoạt thường bị đảo lộn không thể thích ứng. Trong phòng hầu hết là người già, tiếng kêu rên , tiếng ho, khạc nhổ và tiếng ú ớ mê sảng cứ vang lên. Tân nghĩ đến đứa con đang bên ngoài, có lẽ suốt đêm nó cũng không ngủ.

Sáng hôm sau cô y tá mở cửa phòng sớm vì là ngày chủ nhật. Các thân nhân chờ sẵn ùa vào, họ vội vã đến vây bên giường người bệnh, hỏi han đến không kịp trả lời, bởi mục đích của việc thăm là hỏi. Trong phòng nhiều người trở nên xô bồ , ồn ào như cái chợ, là chợ thì đủ hạng người.

Con Tân báo tin cho mọi thành viên trong gia đình, nên cả hai con gái cùng chồng, con dâu, vợ Tân và cả đứa cháu mới 20 tháng tuổi đều có mặt. Có lẽ họ đi sớm, một sự hội tụ đầy đủ hiếm có. Từ trước đến nay Tân có bao giờ được quan tâm lo lắng đến như vậy! Tự dưng một ý nghĩ lạ lùng là sẽ rất thuận tiện để tổ chức đám ma cho anh! Xác Tân được mang về nhà, các con, dâu, rể mua quan tài , đồ tẩm liệm, dọn bàn che rạp, rước thầy tụng,…. Khách đến viếng loe hoe vài người và hôm sau Tân được mang thiêu (lúc sống anh có trối với gia đình như vậy). Rồi các con anh ai trở về nhà nấy, tất cả mọi sinh hoạt trở lại bình thường,….. Trí tưởng tượng của Tân bị cắt đứt vì tiếng nhắc nhở mọi người ra ngoài, chỉ một người được ở với bệnh nhân mà thôi. Thế là những đứa con bước vào trước mặt Tân rồi đi ra. Tân lại thấy giống như việc thân nhân đến giở tấm khăn phủ mặt người chết nhìn lần cuối, Tân nhớ nhất là đôi mắt tròn xoe của đứa cháu gái có lẽ ngạc nhiên vì thấy khung cảnh lạ lùng. Đời người trải qua các cửa: sinh, lão, bệnh, tử. Tại nơi đây. Phòng cấp cứu đủ ba cửa.

LTN

(còn tiếp)

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630115 visitors (2115668 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free