.
  Cơn bệnh , P2
 
17/8/2014

 

Truyện ngắn (P2)

                                            CƠN BỆNH


(Lâm thành Nghiêm)

3. Thế là đã 4 ngày trôi qua, thời gian như cuốn trôi mọi chuyện. Cái gì đến thì lặng lẽ đến, cái gì đi thì lặng lẽ đi, nào phải muốn hay không muốn mà được.

Hàng ngày bác sĩ khám hai lần: sáng và chiều, đặt ống nghe nhịp tim. Bác sĩ trẻ thường hỏi người bệnh, có câu tưởng chừng không chút liên quan gì đến bệnh trạng, còn bác sĩ lớn tuổi chẳng mấy khi mở miệng, nhân viên nói nhiều nhất lại là các y công. Xen giữa hai lần khám là các y tá đến đo thân nhiệt, huyết áp, điện tâm đồ, thay dịch truyền, trích máu xét nghiệm, chích thuốc, phát thuốc rồi các sinh viên thực tập cũng làm một số việc như vậy, các bệnh nhân bận rộn không yên vì các công việc của họ.

Trưa và chiều vợ Tân hay đứa con nào có mặt lên canteen mua hộp cơm, chai nước chờ giờ mở cửa đem vào. Giờ thăm nuôi phòng rất đông, Tân thích quan sát chung quanh, cũng đầy hỉ nộ, có nước mắt, có nụ cười. Có thân nhân của bà nằm bên trái Tân là quan lớn hay đại gia gì đó, họ khoa trương đẳng cấp sự giàu có của gia đình mình, coi bệnh của bà cụ quan trọng nhất phòng, chi tiền để được ưu tiên mọi thứ. Họ khoe đang lo hồ sơ thủ tục để đưa sang Mỹ điều trị. Thấy trò rởm đời kia, Tân nghĩ đến cái phù du mong manh của một kiếp người. Một vị vua hay kẻ ăn mày vào phút cuối cũng chỉ là cái rùng mình thở lướt.

Bốn ngày, Tân vẫn chưa tìm được giấc ngủ bình thường. Hàng đêm, nằm chập chờn mê mỏi, cứ nhớ về quá khứ, cái quá khứ lặng lờ, vui ít buồn nhiều. Những quãng đời đã sống cùng bao khuôn mặt người thân, những lỗi lầm mình đã tạo ra… Rồi thấy rằng chính nhờ cơn bệnh này mà tình vợ chồng, nghĩa cha con được khơi gợi biểu lộ, được trân trọng giữ gìn. Bây giờ trong gia đình Tân là nhân vật được quan tâm, anh ngồi lại vị trí tinh thần quan trọng trong gia đình, cái vị trí mà bình thường nó nhạt nhoà, chìm lắng. Con người chỉ thấy cần thiết trân trọng những gì sắp mất, sắp xa lìa! Cái câu: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nghe vậy mà xốn xang.

Rồi tình bạn bè như thân thiết hơn, gần gũi hơn. Khi tình cảm mở ra, con tim giao hoà thì cục sắt vô tri cũng cũng lên tiếng. Vâng, chính thế mà chiếc điện thoại di động của Tân rung đến bốn, năm lần mỗi ngày, chẳng bù trước kia nó lặng câm bất động có khi cả tháng. Đó là những cuộc gọi thăm hỏi của bạn bè, một niềm vui nhỏ len vào lòng. Cái cảm giác lẻ loi cô độc như lúc ở nhà không còn ám nặng lòng Tân. Ít ra trong cái nhìn của bạn bè, Tân còn đủ chuẩn mực để họ thương nhớ, nghĩ đến.

Đến ngày thứ sáu, Tân muốn xin về. Cả năm ngày qua cơn đau nhói nơi ngực đã không xảy ra, như vậy là do thuốc uống hàng ngày đã có hiệu quả, thế tại sao Tân phải nằm kéo dài ở đây? Chịu tù túng bực bội trên chiếc giường và khung cảnh không thể nào thích ứng nổi. Tân xin về điều trị tại nhà, uống thuốc và kiêng cữ mọi thứ theo chỉ dẫn. Lúc bác sĩ đến khám, ông có vẻ bất ngờ trước đề nghị xin xuất viện của Tân. Ông nói: “Bệnh của ông rất nặng, tôi không thể cho về, nhưng nếu ông cương quyết, viết giấy cam kết tôi sẽ ký. Tôi khuyên ông hãy suy nghĩ”. Đến chiều bác sĩ ấy đi cùng bác sĩ khác và người này nói với Tân: “Chúng tôi đã xác định bệnh của chú, phần động mạch vành bên phải đã tắc nghẽn, hai động mạch vành bên trái cũng trong tình trạng sơ hoá. Cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu may mắn thì chú cũng sống tối đa hai năm nữa, nhưng nếu được can thiệp bằng cách đặt stent vào mạch vành bên phải thì tuổi thọ kéo dài năm năm hay hơn, nhưng phải tuân thủ tốt việc uống thuốc đều đặn và mọi kiêng cữ về bệnh tim. Chi phí ca mổ 40 triệu, gia đình chú có khả năng không?”. Tân im lặng. Bác sĩ hỏi tiếp: “Chú có bảo hiểm y tế?”, câu hỏi làm Tân nhớ tấm bảo hiểm y tế mà đứa con rể mua cho anh đã lâu và chưa bao giờ sử dụng đến. Tân trả lời: “Có”, “Vậy chú chỉ trả 40%, tôi nghĩ gia đình cố gắng được, chú quyết định rồi cho người nhà đến gặp tôi”.

Đêm ấy, Tân trằn trọc nghĩ ngợi, nếu mổ phải trả 16 triệu. Một số tiền lớn đối với Tân mà hiện nay anh không còn buôn bán hay có một thu nhập nào chỉ để kéo dài cái sống ba năm? Tân biết các con mình sẵn lòng cung ứng tiền bạc , dù có cao hơn giá đó, mặc dù chúng không dư giả gì. Điều làm Tân ray rứt là những gì sau đó…

Sau đó, hàng ngày anh phải uống thuốc trong suốt năm năm (đời anh còn năm năm sao?). Tiền thuốc mỗi tháng cả triệu bạc. Tân phải chấm dứt những thói quen ham muốn trước đây. Trước tiên là thuốc lá, Tân đã hút và ghiền gần năm mươi năm! Bao nhiêu lần muốn bỏ mà chẳng được, bây giờ thì phải được rồi. Kế đến là bia rượu, cà phê. Lâu lâu gặp bạn thân mà: “Đầu trò tiếp khách trầu không có. Bác đến chơi đây ta với ta” chỉ nói chuyện suông thì cũng nhạt nhẽo mất vui. Ngoài ra còn kiêng cữ làm tim đập mạnh, cả sinh hoạt tình dục! Tân không thể làm bất cứ công việc nặng nhọc. Tóm lại, cuộc sống từ đây chỉ còn loanh quanh ăn ngủ với cái đầu khốn khổ sống như loài động vật, như con khỉ đột bị nhốt trong chuồng! Trước đây cuộc sống có cô đơn buồn chán, nhưng chí ít mình Tân gánh chịu, chẳng phiền luỵ đến ai. Bây giờ thêm mặc cảm với vợ con, thấy cái sống của mình là sống thừa, sống bám chỉ gây tiêu tốn cho người thân mà chẳng ích gì. Như vậy sống hai năm hay kéo dài thêm vài năm thì có nghĩa gì? Giá trị đời người đâu phải sống lâu, sống thọ. Với những trăn trở bi quan ấy, Tân quyết định không mổ mà xin xuất viện.

Tân điện cho gia đình, kể lại lời bác sĩ và ý định của mình. Hôm sau vợ và các con Tân có mặt. Ai cũng phản đối, vợ anh thì khóc, Tân xốn xáng trước nước mắt của vợ. Anh hiểu dù không hoà thuận nhưng tận đáy sâu còn có cái tình cái nghĩa. Thế nên việc muốn sống muốn chết của mình bị ràng buộc vào người khác. Đó là món nợ tình cảm đời người hay là cái nghiệp đeo mang! Sống khó mà chết cũng chẳng dễ, mấy đứa bạn thân biết cũng bảo: “Mày chỉ nghĩ đến mình. Rằng như vậy là nhẫn tâm với vợ con”, đứa có đạo nói: “Tôn giáo lên án việc tự hủy hoại thân xác. Thân xác này do cha mẹ sinh ra, cưu mang, nuôi dưỡng đằng đẵng xiết bao khổ nhọc nên mình không có quyền hủy hoại. Việc mắc bệnh tật không chữa trị, cố ý nuôi bệnh cũng là gián tiếp hủy mình, là mang  tội”. Đứa khác đoán vì sợ gây tổn phí cho con của Tân nên hứa cho mượn vô thời hạn số tiền phải đóng, những tác động ấy lung lay ý nghĩ và Tân cho con mình định đoạt . Hai đứa con gái Tân vào gặp bác sĩ và ký tên vào giấy xin mổ.

 

 

4. Trong khi chờ ca mổ, Tân được chuyển ra phòng ngoài gần đó, phòng chỉ có tám giường. Ở đây thân nhân ra vào thoải mái. Người bệnh đã qua cơn nguy kịch, biết bệnh trạng của mình, không còn phải mang những ống dây nhựa. Trong phòng có sự cởi mở thân thiện giữa các người bệnh, Tân nhanh chóng rõ tên tuổi của người nằm hai bên. Thật ra nếu không làm quen thì cũng biết vì mỗi lần đẩy xe đến phát thuốc, cô y tá đều bảo người bệnh nói tên tuổi, đó là nguyên tắc để không phát lộn thuốc.

Phía trái Tân là giường bà cụ đã 70 tuổi, tên Thy, ông chồng lớn hơn bốn tuổi ở nuôi vợ. Nhìn hai mái đầu bạc trắng lụm cụm bên nhau lúc đời xế bóng mới cảm hết cái tình chồng vợ, cái nghĩa “bạn đời”. Tân se lòng khi  nghĩ đến tình cảnh của mình bấy lâu, cũng hai vợ chồng thui thủi lại chẳng thuận thảo yêu thương, lại gây buồn chuốc khổ cho nhau!

Hàng ngày, ông chăm sóc cho bà từ miếng ăn, giấc ngủ. Buổi chiều nhạt nắng, trời trong, ông dìu bà ngồi xe lăn, tự tay đẩy dạo ngoài sân rộng phía trước, cử chỉ nhẹ nhàng như với đứa con bé bỏng. Ông coi việc mình làm là niềm vui, là món quà lễ vật nhận được vì hiểu rằng một mai bà mất đi ông sẽ rất lạc lõng cô đơn. Bà Thy cũng tỏ âu yếm nhắc nhở chồng nghỉ ngơi ăn uống, kẻo lại ngã bệnh thì chẳng ai lo. Ông giải bầy với Tân vì câu của vợ: “chẳng ai lo”.

-         Hai vợ chồng tôi có bốn người con, trai gái đầy đủ. Chúng đều khá thành đạt, sẵn lòng đưa gởi tiền bạc, nhưng đứa nào cũng rất bận rộn công việc làm ăn nên không có thời gian ở nuôi hay thường đến thăm!

Ông nói tiếp với giọng buồn trách:

-          Nào phải xa xôi, cơ ngơi nhà cửa của chúng tại thành phố vậy mà vợ chồng tôi vẫn ở riêng tư.

Cái thời gia đình truyền thống “tam tứ đại đồng đường” mà ông bà con cháu chung sống dưới một mái nhà đã hết và sẽ mất đi khi xã hội càng ngày càng phát triển. Tân nghe tình trạng nhiều người già ở các nước tiên tiến, vật chất dồi dào, tuổi thọ tăng cao nên xã hội rất nhiều người già nghỉ hưu. Không việc làm, họ bị cô lập và sống cô đơn, suốt ngày ru rú trong nhà hay bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão. Tân tưởng tượng đến một vấn nạn lớn trong tương lai khi thế giới lúc nhúc ông già bà lão trầm tư, ngẩn ngơ, sống u buồn với lũ robot vô hồn phục vụ những sinh hoạt của họ. Bệnh viện tâm thần, tu viện và viện dưỡng lão xây dựng khắp nơi…

Nằm giường bên phải Tân là một phụ nữ 57 tuổi tên Hà. Đàn bà ở tuổi ấy đã thuộc hàng niên lão, nhưng sắc vóc của Hà, dù đang đau bệnh đã đánh lừa phán xét, trông cô chỉ độ 50. Hà nằm gần hai tháng rồi, cô bị nhồi máu cơ tim, biến chứng tiểu đường, cậu con trai tên Sơn ở đây lo cho mẹ, Sơn rất thương mẹ qua những thể hiện hàng ngày: thay đồ, lau  rửa, đút từng muỗng cơm, viên thuốc… Tự tay làm vệ sinh cho mẹ chẳng hề ngại ngùng. Buổi tối em ngồi xoa chân, đấm bóp, giỗ giấc cho mẹ. Mỗi chiều Tân thường thấy một cô gái rất giống Sơn, ẵm đứa con cùng chồng vào thăm Hà. Họ quây quần trò chuyện rất nồng ấm, đó là tất cả thành viên trong gia đình Hà.

Sơn tỏ ra lễ phép và hay giúp đỡ Tân những lúc người nhà vắng mặt, lên canteen mua giúp hộp cháo, hộp cơm, rót hộ ly nước, đỡ xuống giường. Nhờ có Sơn nên Tân bảo vợ và các con không nhất thiết phải có mặt thường xuyên ở đây, hãy lo công việc của mình. Bao giờ đến ngày mổ hoặc có chuyện cần thiết anh sẽ gọi điện báo.

Ngay lúc vào phòng nằm gần Hà, Tân nghe lòng xao động. Hà có đôi mắt to buồn, làm xao xuyến người đối diện, khuôn mặt phúc hậu, hiền thục. Hẳn lúc trẻ Hà rất đẹp. Tình cảm là điều lạ lùng, có khi không giải thích được. Có phải từ vô thức, cái uẩn nào đã âm thầm tác động vào tình cảm hai người để mới gặp nhau đã thấy gần gũi tương thích, như đã quen biết lâu rồi? Và trong cảnh nằm dài, thời gian thừa mứa thế này, họ dễ dàng bộc lộ tâm sự chuyện đời mình. Nhập viện mới năm ngày mà thấy quá lâu, quá bức bối. Giờ buồn cười khi anh có ý muốn ca mổ hãy chậm lại.

Câu chuyện đời Hà rất giản dị, nhưng diễn biến không giản dị mà đầy nghi vấn, chẳng có cái hậu ngọt ngào. Hà lập gia đình từ tình yêu tìm gặp, như đến bến sông gặp con đò thì bước xuống. Gia đình hai bên không thuận mà chẳng cản ngăn. Thời gian đầu cũng đầy hạnh phúc và êm ả bình thường, những năm sau đó dù cuộc sống nhiều cơ cực trong cuộc mưu sinh. Lần lượt Giang và Sơn ra đời, những tưởng cuộc đời bình lặng trôi xuôi. Lúc Sơn được mười tuổi, bỗng người chồng bỏ đi rồi từ đó cắt đứt liên lạc, không thư từ tin tức gì! Giữa vợ chồng không có mâu thuẫn, bất hòa gì đến nỗi anh phải chia tay bỏ đi âm thầm như vậy! Hà hoang mang với bao nghi vấn: anh bị tai nạn mất xác không ai biết? Anh vượt biên? Anh vướng căn bệnh nguy nan không muốn lây lan phiền lụy vợ con? Hay anh đã phản bội, thay lòng? (Thỉnh thoảng Tân có đọc báo tin nhắn tìm người mất tích mà hầu hết chẳng biết nguyên do). Thời gian trôi đi, bao hy vọng chờ đợi một chút tin tức dù xấu nhất để an lòng chấp nhận. Giang và Sơn còn nhỏ, Hà vô cùng vất vả nuôi dạy chúng. Bây giờ chúng là niềm vui lẽ sống còn lại của Hà. Giang đã có chồng, Sơn đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì Hà đổ bệnh, Sơn không thi vào đại học mà tìm việc làm để giúp mẹ chữa bệnh. Cách đây mấy tháng cơn bệnh thêm nặng, Hà phải vào bệnh viện, Sơn nghỉ làm để lo cho mẹ.

Nhắc lại chuyện buồn của mình, Hà nói:

- Đã hơn mười năm rồi, em vẫn có linh cảm anh ấy còn sống. Dù sao cũng nghĩa vợ chồng. Em trối dặn hai con lúc em nhắm mắt hãy đăng cáo phó trên báo, mong ba chúng nhận tin mà quay về để chúng không mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Tân thấy lạ lùng khó hiểu với hành vi của con người. Tại sao người chồng kia có thể dứt bỏ nhẹ nhàng người vợ hiền thục và hai đứa con như vậy? Họ cũng có một thời yêu thương và cuộc sống êm đềm. Tân cho rằng một kẻ vô trách nhiệm như vậy dễ dàng đánh mất lương tâm. Trước lòng bao dung cam chịu của Hà, có nỗi tức thương trỗi dậy và Tân nói với Hà, giọng phán xét:

- Không phải tất cả, nhưng có những đàn ông hèn nhát, chọn cách trốn tránh, cắt đứt quá khứ để giải quyết vấn đề riêng của mình. Và với những người vô trách nhiệm như vậy Hà còn mong chờ hy vọng chi cho nỗi đau thêm dày vò.

Hà buồn bã:

- Em nghĩ đến hai con, đến nỗi hụt hẫng tình cảm của kẻ mồ côi.

Là người có thiên hướng u buồn, nên qua tâm sự của Hà, Tân cảm thấy mình gần gũi nàng hơn. Lại một đêm trằn trọc thao thức, bất chợt Tân nhớ mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ ứng hợp tâm trạng của mình:

“Xanh lên đời chốc lát

Mà tình cờ gặp nhau

      Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu

Lúc tan xuồng, lại mỗi người mỗi ngã…”

Quay sang Hà cũng chưa ngủ, không kềm được trào dâng, Tân nói với Hà:

- Một run rủi cho tôi với Hà gặp nhau, nằm bên nhau trong buổi xế bóng đời người. Ngày mai hay mốt có thể mình sẽ đi vào cõi hư vô hay trở về thường nhật bấy lâu. Dù thế nào thì những ngày nơi đây cũng coi như là kỷ niệm cuối đời. Xin là bạn thân với nhau một quãng đời, có khi một quãng ngắn mà lại rất dài. Cảm ơn Hà cho tôi một chút đời xanh lại cuối đường đời. Bạn bao lâu, được chừng nào hay chừng ấy!

- Thì mấy ngày qua mình chả là bạn sao, em thấy thời gian trôi nhanh quá, có lẽ em đang sống trong khu vườn địa đàng nào đó.

Ôi! Lời của Hà đủ xác nhận lòng nàng cũng rung động xiết bao, và giây phút ấy Tân thấu cảm riêng rất sâu sắc hai câu thơ của thiền sư Mãn Giác:

    “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

      Ngoài thềm vẫn nở một cành mai…”

Và Tân nói:

   - Cảm ơn sự gặp gỡ này.

Rồi ngày mổ cũng tới, bác sĩ dặn Tân cữ ăn trước đó, vệ sinh chỗ háng. Anh phải chịu đến hai đợt mổ: mổ chụp mạch vành và mổ đặt stent. Đây là mổ nội soi kỹ thuật cao, không gây mê toàn thân mà chỉ gây tê nên Tân tỉnh táo, nhận biết tất cả. Tân bình thản chẳng thấy lo lắng dù sự bất trắc có thể xảy ra như lúc nông mạch sẽ làm vỡ cả động mạch gây tử vong tức khắc. Trước hai ca mổ Hường đều đến thăm khích lệ, động viên.

Vết mổ kín, nên chỉ một ngày sau tháo băng ở đùi và Tân xuất viện. Từng bị dị ứng với bệnh viện vậy mà bây giờ Tân lại bâng khuâng như chẳng muốn rời! Giây phút từ biệt Tân lại nhớ đến câu thơ: “Xanh lại lên đời chốc lát…”. Anh viết vội lên giấy và trao cho Hà, Hà liếc đọc và xúc động, rưng rưng:

   - Anh về nhớ uống thuốc đều đặn, giữ lòng vui sống với vợ con.

   - Cảm ơn, chúc Hà chóng bình phục.

Bỗng Hà có chút ngập ngừng rồi nói:

   - Mai mốt có dịp lên Sài Gòn, mời anh ghé nhà cho biết. Em mong còn được gặp anh.

Hà đọc tên đường, địa chỉ. Số nhà có hai dấu sur, hẳn nằm trong một con hẻm. Vợ Tân quay nhìn Hà, cái nhìn chăm chăm nghi vấn? Đã biết bao lần Tân nghe câu nói khi từ giã một người quen “mai mốt ghé chơi”, “có dịp đến nhà mình”, Tân cho đó là câu xã giao mà người được mời chóng vánh quên đi và “cái dịp”, “cái mai mốt” ấy sẽ chẳng bao giờ có. Nhưng qua giọng nói và ánh mắt của Hà, Tân biết là lời mời thực sự chứ chẳng là xã giao buôi bãi.

LTN

(Còn tiếp)

 

 

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630194 visitors (2116057 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free