30/2/2014
Em vẫn nhớ đến Lâm từ lúc em vừa tròn 19 tuổi. Thời gian trôi qua mau, bây giờ đã 64, em lại nghĩ về Lâm.
Lúc đó, em và anh chẳng là cặp tình nhân gì. Cũng đã chẳng là vợ là chồng của nhau. Chỉ một thoáng tình cờ quen nhau! Ấy thế mà hình ảnh anh đã ở trong em mãi mãi trong suốt cuộc đời này!
Năm đó, em lên Pleiku thực tập về canh nông đồng thời quan sát phương pháp trồng lúa rẫy của nông dân thuộc sắc tộc thiểu số, trùng đúng vào lúc anh đến Pleiku gần một tháng để thăm gia đình. Chuyến về lại Saigon, trên máy bay Hàng Không Việt Nam, cả hai được sắp xếp chỗ ngồi bên nhau. Rồi thì chúng mình bắt chuyện làm quen. Em khám phá ra anh là một người con trai hiền lành, tử tế. Hai mắt anh thực to, tròn, đôi má đầy đặn, cái cầm vuông vức tỏ ra nét phúc hậu, dễ thương! Khi máy bay cất cánh, anh đã luôn hướng về phía cửa sổ, nhìn xuống phi trường với vẻ buồn, nuối tiếc phải rời xa Pleiku, cái thành phố mà anh gọi là “Phố núi cao” với khí hậu lành lạnh tương tự như Đà Lạt!
Sinh tại Pleiku, anh là con của ông Trưởng Ty Phát Triển Sắc Tộc tỉnh này. Anh nói mẹ anh gốc Kinh còn bố gốc Thượng, Anh kể cho em nghe về nỗi kinh hoàng của gia đình khi chứng kiến trận đánh khốc liệt tại Pleime giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Việt Cộng, trùng đúng vào lúc anh lên Pleiku thăm gia đình vào năm ngoái. Anh nói về Biển Hồ, một hồ trên núi với nước thật trong và xanh, nơi anh hay lui tới để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên vào những dịp cuối tuần. Anh nhắc lại về những kỷ niệm với bè bạn, thầy giáo, tại trường Bồ Đề nơi anh đã theo học từ nhiều năm trước. Dường như thành phố nhỏ bé này đã để lại trong anh nhiều nhung nhớ khó quên! Anh lưu luyến nơi này lắm, nơi mà anh đã diễn tả là vào những ngày nắng chỉ thấy toàn bụi đỏ, còn vào những ngày mưa, bùn bám dính gót chân! Giọng nói rõ ràng, rành rọt, và trầm ấm nghe không giống chút nào giọng của một người gốc Thượng! Cũng thực giản dị, thành thật, và cởi mở! Chiếc áo chemise mầu xanh lơ làm nổi bật dáng vạm vỡ với nước da ngăm ngăm đen của anh.
Chuyến bay hơn một giờ đồng hồ thoảng qua nhanh. Rồi thì cả hai chia tay. Em trao anh địa chỉ của em và nhận địa chỉ của anh - một địa chỉ chưa thực đầy đủ chi tiết vì lẽ gia đình anh nay mai sẽ di chuyển về sống tại Saigon, mọi việc còn đang sắp xếp -.
Sao hồi đó em bận rộn quá đi! Chỉ biết tập trung trong việc học, tối ngày cắm cúi vào sách vở, và luôn phải bận tâm là nếu thi rớt sẽ làm buồn lòng ba mẹ! Dù mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất lớp sư phạm ban Canh Nông, cuộc sống của em dường như gắn bó với nha Học Vụ Nông Lâm Súc, nơi em hàng ngày tham dự khoá học. Con đường Mạc đĩnh Chi với hoa phượng vĩ đỏ, đẹp mang lại cho em nỗi mong, nhớ khôn nguôi! Thời giờ nghỉ ngơi, lo chuyện cho riêng mình thật quá ít! Nhiều lần em chợt nghĩ đến anh. Hình ảnh người con trai có dáng điệu thư thái và nụ cười hồn nhiên nhiều lúc thoáng đến với em rồi lại biến đi! Cho tới một ngày, em có tìm đến khu Khánh Hội, nhưng không kiếm ra được nhà anh.
Một hôm, em đi đâu đó và khi về đến nhà, cô em chạy ra, nói: “Chị, có người nào tên Lâm đến tìm chị”. Em giật mình nghe tiếp: “Bố chạy ra mắng, đuổi, nói từ nay không được đến đây nữa”. “Dường như Bố không thích người Thượng”, cô em nói tiếp. Lòng cảm thấy buồn vô hạn, em ngỡ ngàng không nói nên lời. Thú thực, em không thấy oán trách mà còn cảm thấy thương Ba em. Ra đời, lớn lên, Ba em đã lo buôn bán, kiếm tiền nuôi gia đình; trong cuộc sống sinh nhai, ông cụ đã không chú tâm nhiều trong việc làm giầu, chỉ lấy sự thanh liêm, siêng năng, và đạo đức làm gương cho các con. Nhưng, có thể ông đã không thích, và có vẻ xem thường người Thượng vì nhiều năm trước đây, lúc sinh sống tại một nông trại gần Tùng Nghĩa, một số nông dân Thượng đã trồng rẫy lấn sang thửa đất quí báu của ông. Sự “lấn đất” này có thể chỉ là vô tình, thiếu hiểu biết về phạm vi khai khẩn vì họ là dân “du mục”, năm nay canh tác chỗ này, năm sau chỗ khác, cho đến khi đất hết mầu mỡ thì trở lại chỗ trước đây! Em không ngờ ba em để tâm lâu như vậy! Qua cuộc sống, em rõ được là người trở về già thường thay đổi tâm tính. Có người trở nên khó khăn, cố chấp hơn, còn người khác thì lại dễ dàng, cởi mở và thân thiện hơn với mọi người. Công tâm mà xét thì về sau này khi đã trên 70 tuổi, Ba em thuộc loại người thứ hai.
Em bình thản lo học hành. Mặc dù có xung đột trong nội tâm, em luôn giữ được sự trầm tĩnh. Thành thật mà nói thì giữa em và anh chưa có một ràng buộc, liên hệ chặt chẽ gì! Và, thực sự thì trước ngày anh tìm đến nhà em, em đã có tưởng nhớ đến anh, có phút nằm mơ là sẽ tìm đến với anh, trở thành cặp tình nhân thân thiết với những hẹn hò, gặp gỡ, và sau đó nên duyên vợ chồng. Dáng dấp anh, giọng nói cười hồn nhiên của anh thường hiện trong óc em. Bước vào tuổi đôi mươi như em, người con gái nào chẳng có những mộng mơ, phải không anh? Ngồi gần nhau trên chuyến bay chỉ có hơn một tiếng đồng hồ thực đã mang lại sự ấm lòng, niềm vui, và hy vọng cho em! Em có lãng mạn lắm không?
Một lần khác, em lại tìm đến khu Khánh Hội, nhưng vẫn chẳng kiếm được nhà anh. Em đã định tâm là nếu gặp anh, em sẽ xin lỗi để anh bỏ qua chuyện buồn đã xảy ra. Em thông cảm được cái đau khổ của bất cứ người con trai nào khi nghe Ba em nói những lời quá thậm tệ thật không thích đáng chút nào. Trước ngưỡng cửa đại học, anh hẳn đang nuôi nhiều tham vọng thành đạt! Cũng với nhiều ước vọng, mộng mơ! Có thể anh cũng đã có cảm tình, do đó mới tìm cách gặp em. Anh thực vô tội! Khờ khạo và chân thật, chắc hẳn anh đã ngỡ ngàng, buồn tủi khi va chạm với thực tế đau thương, phũ phàng! Em tin chắc là trên đường về nhà hôm đó, anh đã cảm thấy thực xấu hổ, và có thể nước mắt đã ràn rụa tràn đầy trên khuôn mặt uất ức của anh!
Rồi thì em lập gia đình với một người con trai khác, chính gốc Pleiku. Trên chuyến bay đến “Phố Núi” để ra mắt gia đình bên chồng, em có nghĩ đến anh. Nhớ lại chỗ mà anh và em đã ngồi trước đây, em ngoảnh mặt nhìn sang hàng ghế đó và chợt nhận ra một cặp nam nữ đang vui vẻ chuyện trò. Ồ! Chẳng phải là anh, chẳng phải là em! Kỷ niệm năm xưa lại hiện ra và những đối thoại hôm ấy giữa chúng mình lại chợt đến với em! Em thấy thấm thía, thấu hiểu thế nào là định mệnh, duyên nợ! Chẳng ai tránh được những gì đã và sẽ xảy đến cho mình! Ngay cả cái chết, chỉ đến khi nằm xuống, buông xuôi mọi sự, mình mới thực rõ cái tận cùng của cuộc đời!
Lâm! Giờ này anh ở đâu? Hơn 40 năm qua, không rõ có lần nào anh hỏi thăm về tung tích, tình trạng của em? Em nghĩ là không, bởi vì có lẽ trong anh chỉ toàn là thù hận về em, về Ba em! Anh có quyền hành xử như thế bởi vì anh chẳng có một lỗi gì khi tìm đến với em, đến với một người mình có lòng quí mến. Chính em có lỗi, lỗi đã không kịp giải thích rõ ràng để Ba em hiểu sự liên hệ giữa em và anh, lỗi đã thất vọng và bỏ cuộc trong lúc tìm kiếm anh. Em thực quá tiêu cực! Ờ nhỉ, sao em ngu đần đến thế! Em có mấy người bạn thời trung học làm tại Bộ Phát Triển Sắc Tộc, sao em đã không nghĩ tìm đến nơi đó để hỏi các bạn về tung tích địa chỉ Ba anh! Em cũng có thể tìm đến trụ sở khóm, phường, khu Khánh Hội để truy ra địa chỉ nhà anh! Và, còn nữa, sao em đã không thể dẹp hết ngượng ngùng, tự ái, để có thể nép vào một gốc cây nào đó trước cửa trường Văn Khoa để tìm ra bóng dáng anh! Trên chuyến bay, anh đã chẳng nói với em là đang theo học năm đầu cao học ở Văn Khoa là gì! Từ nha Học Vụ Nông Lâm Súc tại đường Mạc đĩnh Chi đến Đại HọcVăn Khoa đường Cường Để có xa gì đâu anh nhỉ! Em đã để thời gian trôi qua, lo nghĩ đến học hành mà không nghĩ đến mình, đến đối tượng, đến mục tiêu của cuộc đời mình! Em đã chẳng xâu sắc, thực chỉ toàn nông cạn, tầm thường thôi!
Bỗng nhiên, hôm nay, một người bạn gửi e-mail nhờ em viết bài cho Nội San của Hội Ái Hữu Pleiku. Em không xuất xứ từ nơi đây, cũng không là hội viên. Nhưng, khi viết bài này gửi đăng trên Nội San Hội Ái Hữu Pleiku cũng là lúc em nhớ và nghĩ về anh. Cả một khung trời kỷ niệm đã trở về, sống lại trong em. Em chẳng mong anh sẽ đọc được bài này. Chẳng còn gì quan trọng với em. Em đã có chồng con và cuộc sống với niềm vui, hạnh phúc. Nhưng, thực sự, em luôn bị dằn vặt về những gì đã xảy ra trong đời và luôn phân vân, tự hỏi về anh. Có lẽ sau những chuỗi ngày buồn phiền, anh đã trở lại với cuộc sống bình thường và rồi có một gia đình hạnh phúc với những đứa con kháu khỉnh. Em chỉ luôn cầu mong như thế!
Gần cuối cuộc đời rồi, một người đã trên 60 và người kia cũng xấp xỉ 70. Duyên nghiệp đã cho chúng mình gặp nhau trên chuyến bay Hàng Không Việt Nam khởi hành từ Pleiku. Định mệnh cay nghiệt đã không cho chúng mình kết hợp với nhau! Viết những giòng này, hồi tưởng lại những gì đã qua, em thực lòng tạ lỗi cùng anh. Lâm! Anh hiểu cho em nghe! Em cảm thấy nhẹ nhàng lắm khi viết ra được những ẩn ức của mình.
Nguyễn Thiệu
------------------------