.
  Đại học Cần Thơ..
 
25/9/2014





 Đại học Cần Thơ trong ngày khai giảng. Ảnh: Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) - Đại học Cần Thơ (TBKTSG Online) - Đại học Cần Thơ sẽ “thương mại hóa” kết quả nghiên cứu khoa học, để các kết quả này thực sự đi vào cuộc sống, theo phát biểu của PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ tại lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 sáng nay, 19-9.
Ông Hà Thanh Toàn nói, sau 48 năm xây dựng thương hiệu Đại học Cần Thơ, một trong bảy nhiệm vụ của nhà trường từ năm học mới này là: “Mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các địa phương, nhất là với doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài. Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện “thương mại hóa” kết quả nghiên cứu khoa học”.
Trao đổi với TBKTSG Online về giải pháp cho công việc này, PGS.TS Hà Thanh Toàn cho biết nhà trường sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu trường Đại học Cần Thơ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Các sản phẩm này bao gồm phân hữu cơ, thuốc trừ bệnh sinh học cho cây trồng, vật nuôi, thức ăn atermia cho tôm, các loại thực phẩm và đồ uống.
Cụ thể, ông Toàn cho biết Đại học Cần Thơ đang hợp tác với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thương mại hóa sản phẩm Trichoderma; hợp tác với Công ty Phân bón - Dầu khí Cà Mau sản xuất phân bón vô cơ và hữu cơ; chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ với Công ty Tân Kim Phúc; hợp tác với Công ty Bóng đèn và phích nước Rạng Đông, Công ty Bia Việt Nam, Công ty cổ phần Phân hữu cơ Đồng Nai, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam… với các hợp đồng trị giá hàng chục tỉ đồng.
Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo hướng này, theo PGS.TS Hà Thanh Toàn là “nhằm mục tiêu trở thành một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu cả nước” và nằm trong đề án “Nâng cấp Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” (từ nguồn vốn ODA Nhật Bản) mà nhà trường đang đeo đuổi.
Đến nay, trường Đại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực với các tỉnh, thành ở ĐBSCL như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang và với Ban Kinh tế Trung ương.
Hiện Đại học Cần Thơ đang có hơn 53.200 sinh viên bậc đại học (trong đó có trên 8.000 tân sinh viên khóa 40) và hơn 3.700 học viên sau đại học theo học tại 90 ngành và chuyên ngành. Năm học vừa qua, đã có gần 8.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chính qui, 562 sinh viên tốt nghiệp cử nhân khóa 1 đào tạo từ xa, hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp hệ vừa học vừa làm, hơn 1.000 học viên tốt nghiệp thạc sĩ và năm học viên nhận bằng tiến sĩ.
Trong năm học mới này, Đại học Cần Thơ sẽ thành lập thêm ba đơn vị là Khoa Ngoại ngữ, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ ĐBSCL.
 
Xem thêm:
 
 Khởi công xây dựng vườn ươm công nghệ VN-Hàn Quốc
Huỳnh Kim
Thứ Bảy,  23/11/2013, 16:30 (GMT+7)









TBKTSG Online – Vườn ươm công nghệ-công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) vừa được khởi công xây dựng sáng nay 23-11 tại TP Cần Thơ, phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển về chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo.

Ảnh Huỳnh Kim

Theo thông cáo báo chí của Sở Thông tin và truyền thông TP Cần Thơ, dự án KVIP sẽ xây dựng hai tòa nhà rộng hơn 13.000 mét vuông để lắp đặt thiết bị phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc 3 ngành công nghiệp chính là chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo. Tổng kinh phí của dự án là 21,13 triệu đô la Mỹ, trong đó Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu đô la Mỹ, còn lại là vốn của Việt Nam. Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KITECH) giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ và phối hợp với Đại học Cần Thơ và Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ đưa ra danh sách thiết bị cần thiết phục vụ dự án này.
Theo kế hoạch, đến năm 2015 dự án hoàn thành và vận hành thử. Trước mắt, vào ngày 18-12-2013, tại khách sạn New World TPHCM, KITECH sẽ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Cần Thơ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong khuôn khổ Chương trình hợp tác điện hạt nhân - năng lượng - công nghiệp, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất đầu tư xây dựng Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ. Đây là dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ tiếp cận, đổi mới công nghệ và phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, dự án sẽ tạo thêm động lực để thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế của TP Cần Thơ và các địa phương khác ở ĐBSCL”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đảm bảo để dự án hoạt động hiệu quả và bền vững; tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và ưu tiên hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư nhiều hơn vào Cần Thơ và ĐBSCL.
Đại diện Chính phủ Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Jick - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc - nhấn mạnh: “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 40 lần và Việt Nam là quốc gia đầu tư lớn nhất trong khu vực ASEAN đối với Hàn Quốc. Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác hợp tác tốt nhất của Việt Nam”.

Ông Yoon Sang-Jick nói tiếp: “Cần Thơ thuộc ĐBSCL, một vựa lúa danh tiếng và có tài nguyên thủy sản phong phú. Dựa trên tiềm năng đó, ngành chế biến thực phẩm nông thủy sản và ngành công nghiệp máy móc nông nghiệp là hai ngành kinh doanh mũi nhọn của KVIP. Với kinh nghiệm và công nghệ của Hàn Quốc, tôi tin sẽ giúp cho tiềm năng ấy thành hiện thực. Theo đó, không ít doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư thêm vào TP Cần Thơ thông qua KVIP này”.
Ông Yoon Sang-Jick lạc quan cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo sẽ được sinh ra thông qua KVIP và họ sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, sân chơi hợp tác kinh tế chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TPHCM sẽ được mở rộng, tạo thêm cơ hội hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp của hai nước sẽ tìm kiếm sự cạnh tranh mới, cùng nhau khai thác thị trường thế giới”.
BĐH (St) Nguồn TBKTonline

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693266 visitors (2230433 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free