.
  Nhòa nhạt kiếp người P4
 
25/5/2014

 

Tản văn (4)



 Lâm Thành Nghiêm

Thế là Nữ đã ra đi, để lại khoảng trống mênh mông trong hồn tôi, nỗi cô quạnh nặng nề hơn. Bao nhiêu kỷ niệm cùng bóng hình Nữ cứ ám ảnh không nguôi. Nhưng tự sâu lòng, tôi mong Nữ được nguôi ngoa, yên phận xứ người …

Má tôi mất đúng hai năm sau ngày Nữ ra đi, rồi hai năm sau đến lượt ba tôi. Nỗi bất hạnh mất mát như có một chu kỳ nhất định. Mỗi khi nhớ đến cái chết của hai người, tôi có dấu hỏi ray rứt. Con người từ cõi hư vô bước đến trần gian rồi sẽ trở lại với hư vô, thế nhưng trong quy luật tuyệt đối ấy hầu như có sự phân định? Có cái chết thanh thản nhẹ nhàng và cái chết kéo dài tra tấn đau đớn. Căn quả mỗi người không được ân giảm!

Má tôi bị loãng xương trầm trọng. Lại thêm di căn ung thư từ trước, thoái hóa cột sống … bao nhiêu chứng hiểm nghèo dồn lại. Rồi thời gian nằm một chỗ quá lâu tạo nên các vết lở loét ở lưng, ở đùi càng tăng thêm đau nhức. Má nằm liệt, ăn uống phải mớm đút, tiêu tiểu tại chỗ. Thân thể co rút, chỉ còn lại bộ xương cong quằng. Trừ lúc cơn mê biến bà thành người vô giác còn khi thức tỉnh phải chịu đau đớn hành hạ, cơn đau phát ra từ xương tủy. Má kêu rên thảm não, tiếng rên nghe đến xé lòng. Nếu có sự trừng phạt do căn quả thì đây là kiếp nạn mà má tôi phải trả. Tôi cho rằng thiên đàng hay địa ngục ngay ở trần gian.

Ba tôi suy tim nặng. Bệnh án ghi: suy tim cấp ba, hở van hai lá, nhũng não, tràn dịch màng phổi … Suốt ngày đêm ông ngồi co quắp người rên rỉ, chịu đựng sự tra khảo liên tục, sống dở chết dở kéo dài đến hai năm. Bệnh tim có di truyền không? Trước kia nội tôi cũng chết vì bệnh nầy, và thời gian gần đây, tôi thường bị mệt, thỉnh thoảng đau nơi ngực, nhoi nhói trái tim. Tôi lại không bỏ được thuốc lá.

Chứng kiến bệnh hoạn hành hạ người thân, lòng tôi xốn xang và thường cầu mong cái chết nhanh chóng đến giải thoát. Ít nhất một lần trong đời, ai cũng có điều mong cái chết cho người khác. Nhưng khi ba má đã chết thì tôi bị dày vò vì ý nghĩ ấy của mình. Thêm nỗi ân hận thấy mình là đứa bất hiếu, tôi chẳng chăm sóc phụng dưỡng được gì cho hai người. Mỗi cuối tuần về nhà, chỉ phụ đôi chuyện vặt vãnh và nhói lòng nhìn nỗi khốn khổ của người thân mà bất lực. Thương nghĩ có thể hiện cụ thể mới gia giảm, nguôi ngoai ân hận về sau, tôi chẳng làm được điều nầy.

Lan là đứa con có hiếu. Nhà rất đơn chiếc, Lan phải buôn bán kiếm tiền nên thuê người giúp việc, nhưng chuyện tắm rửa, đút cơm nước, lo thuốc men cho cha mẹ một tay Lan làm lấy. Trong suốt những năm nầy, thái độ của Lan đối với tôi lạ lẫm. Lan hờ hững như không có sự hiện diện của tôi, coi tôi như khách lạ. Dưới đánh giá của Lan tôi là thằng tắc trách, vị kỷ, vô cảm … Đau! Nhưng đúng là những điều tôi tự rủa xả mình. Từ nhỏ lớn lên đi học rồi đi dạy, tôi có làm được điều gì cho cha mẹ, tôi có chia sẻ cuộc sống với đứa em mình. Mà đời Lan có thể còn đau buồn, hụt hẫng hơn tôi! Lan chỉ chấp nhận tôi làm một việc cuối cùng: Mang khăn tang và đưa ba má ra nghĩa trang, lo xây mộ phần với đồng tiền của Lan bỏ ra. Mộ ba má tôi nằm chung nghĩa trang với ông bà nội.

Giờ chỉ còn mỗi mình Lan, tôi nghĩ mình phải ghé nhà thường hơn, phải quan tâm gần gũi hơn cùng em mình. Nhưng việc đó không dễ dàng. Sự khắc khẩu, khắc tính biến tôi với Lan thành xa lạ, hay chúng tôi là hai kẻ không bình thường! Tôi gợi chuyện thăm hỏi việc sinh hoạt buôn bán, Lan gượng gạo trả lời, đối đáp nhát gừng. Tôi mất tự nhiên, ngồi thừ một chỗ, đến thắp nén nhang trên bàn thờ rồi buồn bã ra đi …

Ở trường, nơi chái lá riêng rẽ, tôi đặt hai tấm ảnh bán thân của ba má trên bàn viết. Đó là hành trang duy nhất tôi mang theo. Tôi không bày lư hương vì nơi nầy có phải là nhà đâu mà lập bàn thờ, mà rước vong linh ba má tôi về. Mà về chi với thằng con bất hiếu, lạc lòng …

Những buổi chiều tan học, không gian vắng lặng, ngôi trường im sửng trong bóng hoàng hôn nhòa nhạt. Tôi ngạc nhiên nhận ra mình ở đây đến 12 năm rồi. Mười hai năm sao không thấy thân quen, vẫn như chốn lạ, như tôi là kẻ lạ trong cuộc đời nầy. Mỗi ngày trôi qua như mọi ngày. Thời gian vô nghĩa với cuộc sống mờ nhạt cùng niềm đau quá vãng. Mà đời mình có thật éo le bi đát như bao số phận nghiệt ngã khác? Hay: “Với loài kiến thì một giọt sương cũng là trận lũ”. Một kẻ tầm thường cứ trầm trọng hóa nỗi buồn của mình. Tôi ứa nước mắt vì cái tầm thường.

Điều quan trọng bây giờ là đối mặt với cuộc sống, cũng như đồng sống cùng quá khứ của mình. Cái quá khứ thời thơ ấu với một lỗ đen trong tâm hồn, hụt hẫng tình mẹ và một nơi chốn để tha thiết nhớ về. Quá khứ đau buồn với cuộc tình gãy đổ và nỗi ân hận bởi chẳng làm được điều gì cho ba má vui lòng, rồi đứa em duy nhất cũng thành xa lạ … Tất cả đã như vậy không thể nào thay đổi, không thể nào khác đi. Nếu được khác đi thì sẽ ra sao?

Ba tôi chẳng nói: “Mỗi người đều mang một chướng nghiệp”. Thôi thì cứ sống, chấp nhận nó. Có dễ dàng không? “Thật ra thì quá khứ của một người cũng chính là cuộc sống của người đó, vì nếu không có quá khứ thì chẳng lẽ sống với hư vô hay sao?”. Tôi đọc câu nầy trong một cuốn sách. Hãy tưởng tượng lúc tôi sinh ra bị chứng bại não. Tôi không có trí nhớ, không có ý niệm về không gian, thời gian về ông bà cha mẹ … Tôi sống như loài thực vật. Bỗng 36 năm sau thoát khỏi căn bệnh quái ác, phục hồi đầy đủ ý thức và tình cảm. Lúc đó, tôi ra sao? Không có quá khứ để hoài niệm, 36 năm sau lưng là cái hố thẳm hư vô mù mịt!

3.        Lúc dọn dẹp căn chái của Thanh, tôi nảy ý muốn đến đó ở. Mấy năm nay, những ngày đi dạy tôi trọ nhà anh Năm lao công trường, cũng không có điều phiền phức, nhưng dù sao riêng tư một mình vẫn thoải mái hơn. Tôi tin có linh hồn và chuyện ma hiện hình do một tương hợp tâm linh ở vài kẻ nào đó, dân gian gọi là “người mạnh bóng vía”. Nếu hồn Thanh có hiện về với tôi, cũng là “ma bạn”.

Tôi ngủ trên chiếc giường của Thanh. Một đêm nửa khuya chợt giấc nghe có tiếng động, bên ngoài mưa rả rít, gió thổi ù ù. Cho rằng tiếng động ấy do gió, tôi kéo mền trùm người dỗ lại giấc ngủ. Và trong cơn chập chờn, tôi thấy Thanh bước vào, anh kéo ghế ngồi cận giường. Khuôn mặt xanh xao buồn bã, anh đọc bài thơ:

                 “Linh hồn ấy ngục xin kham

               Lời sai trên miệng sẽ không là lời

                  Xin mùa lá rụng và rơi

               Sẽ lên đường gặp ấy trời mùa sau

                  Ra đi hẹn với xuân đầu

     Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh…”

Tôi lạnh người tỉnh hẳn, ngồi dậy bật đèn. Và thật lạ lùng, nhìn thấy một tờ giấy nơi kẹt bàn. Sao những ngày qua không thấy? Tờ giấy chép bài thơ “Lời xuân” của Bùi Giáng mà chính Thanh vừa đọc. Có những điều trùng hợp không giải thích được. Bỗng nhớ ngày mai là đúng thất tuần của Thanh. Nhiều người tin, đó là thời điểm linh hồn người chết rời khỏi dương trần đi về cõi khác? Có phải Thanh đến giã biệt tôi?

Ngay hôm sau, xong tiết dạy buổi sáng, vừa về chái lá của mình thì Trọng bước đến, vẻ mặt quan trọng. Anh nói: “Có một phụ nữ tìm Thanh, cô ta bao honda ôm tìm trường từ sáng đến giờ. Tôi đoán đó là Nữ, người yêu của Thanh mà chú có kể cho nghe. Chú rõ chuyện Thanh, nhờ chú tế nhị khéo léo nói chuyện với cô ấy. Tôi lên văn phòng mời cô xuống”.

Chưa gặp bao giờ, nhưng vừa nhìn người phụ nữ, tôi biết ngay đó là Nữ. Da trắng, mái tóc đen dài, ánh mắt u buồn. Đúng là Nữ. Đã đọc câu chuyện đời Thanh, biết qua gia cảnh của chị. Hiểu tâm trạng chị đang nôn nao sau sáu năm chờ mong hy vọng. Tôi cố nhấn nhá thời gian cho chị bớt hồi hộp lo lắng trước khi nhận một cú giáng thẫm sầu. Tôi hỏi: “Chị về bao giờ, bác trai có khỏe mạnh?”. “Mới hôm qua. Cha tôi đã chết hơn hai năm rồi!”. “Thật không ngờ, xin chia buồn cùng chị. Bà cô còn ở dưới thị xã?”. “Cô đang sống cùng tôi bên Mỹ. Cha kịp bảo lãnh cho cô trước khi chết”. Rồi không còn kiên nhẫn, chị hỏi: “Cậu giúp cho biết Thanh đang ở đâu, ra sao?”. Tôi bối rối, thấy quá khó khăn khi phải báo một tin làm tan vỡ con tim người khác, như người có lương tâm buộc phải làm một hành vi tội lỗi! Thu hết can đảm, tôi nói: “Chị hãy bình tĩnh, thật bình tĩnh. Anh Thanh chết cách nay đúng 49 ngày!”. Nữ ngồi phịch xuống giường. Tôi đưa tay choàng sau vai chị, lo chị té ngã. Đôi mắt chị mở to, tôi chỉ có thể mô tả đó là ánh mắt lạc hồn của người vừa hướt hơi thở cuối cùng! Và từ đôi mắt ấy, hai dòng lệ tuôn xuống. Đôi vai rung rung, chị mím môi câm lặng. Thời gian chết sững. Tôi nhớ trong quyển vở, Thanh có viết: Trước nỗi đau to lớn, Nữ bị ức chế ngôn ngữ. Tôi nói để muốn kéo chị về hiện tại: “Đây là căn phòng trước đây Thanh ở và cũng chết tại chiếc giường chị ngồi!”. Tôi lấy quyển vở đưa cho Nữ: “Còn đây là kỷ vật của anh”. Chỉ nói được hai câu ấy rồi tôi ngồi thừ ra, suy nghĩ lang man: Nếu Nữ về sớm hơn, biết đâu mọi chuyện sẽ khác đi? Tình yêu có những điều huyền diệu. Hạnh phúc ngỡ mất gặp lại, sự dâng tràn niềm vui sẽ nông rộng làm dãn nở mạch máu tim Thanh. Nhưng thật oan nghiệt, có phải định mệnh định đặt như vậy! Sáu năm đăng đẳng xứ người, nay trở về tìm lại cuộc tình đã mất, mong bắt lại nhịp cầu xưa. Nhưng tất cả sụp đổ thê thiết. Sự trở về còn đau đớn hơn lúc ra đi, trở về là vĩnh biệt! …

Tôi có thể nói gì, an ủi gì với chị ngoài kể lại nguyên do cái chết của Thanh, bảo là: “Dù sao anh cũng ra đi nhẹ nhàng, nhanh chóng như một giấc ngủ say”. Rồi chị cũng mở lời: “Xin nhờ cậu đưa tôi ghé căn nhà Thanh từng ở, chỗ anh đang nằm”. Tôi lên gặp Trọng xin nghĩ giờ buổi chiều, mượn chiếc Honda của anh chở Nữ về nhà Lan ngoài thị trấn.

Khi tôi và Nữ bước vào, thấy Lan đang tụng kinh trước bàn thờ đặt di ảnh của Thanh kê dựa vách bên phải, đối diện bên trái là hai bàn thờ lớn hơn của ông bà cha mẹ. Lan quay lại nhìn, khẽ gật đầu, miệng vẫn đọc kinh. Tôi hiểu ý bảo Nữ ngồi chờ. Lan mặc chiếc đạo tràng màu nâu mà những người quy y Phật vẫn mặc, tóc cắt rất ngắn. Khuôn mặt Lan có vẻ bình thản, không biểu lộ xao động vì sự có mặt của Nữ và tôi. Tôi nhận ra sự thay đổi ở Lan và cả căn phòng. Một bàn thờ lớn ở giữa đặt pho tượng Phật Thích Ca, cùng chuông mõ, lư hương được bày trí như chính điện một ngôi chùa nhỏ. Tiếng mõ đều đều hòa với lời tụng của Lan vang lên âm thanh trầm mặc u buồn. Rồi ba tiếng chuông báo dứt hồi kinh, Lan quay ra chấp tay chào chúng tôi: “A di đà Phật”. Cô nhìn Nữ: “Trong tâm thức, tôi nhận ra chị ngay. Hôm nay đúng 49 ngày anh ấy mất. Tôi tụng kinh cầu siêu cho anh”. Thấy chiếc khăn tang trên bàn thờ, có lẽ của Lan hôm đám, Nữ lấy bịt lên đầu. Chị thắp nhang quỳ lạy, bật khóc thành tiếng. Tôi cũng thắp nhang, ứa nước mắt. Chờ Nữ lạy xong, Lan nói: “Món nợ lớn nhất của đời người là tình yêu. Đau khổ lớn nhất cũng là tình yêu khi mất nó. Việc mất còn là lẽ vô thường, tất cả đều do căn nghiệp mỗi người. Mong rằng chị ngộ ra điều ấy để lòng vơi bớt khổ sầu …”. Lan nhìn ảnh Thanh, nói như tự thú với chính mình: “Do cái nghiệp từ vô thức khiến tình cảm của tôi lệch lạc với anh. Bây giờ tịnh tâm buông bỏ thì anh đã đi xa …”
  Tôi ra ngoài thềm để hai người trò chuyện. Hai phụ nữ cô đơn, mang mặng tâm trạng riêng về cùng một người đã mất,đã nói gì với nhau? Đến khi Nữ bước ra, tôi chở chị vào mộ Thanh, Nữ thắp nhang và ngồi im lặng rất lâu, ánh mắt vời vợi u hoài.
  Mặt trời ngã bóng hoàng hôn, nghĩa trang thật vắng lặng. Khi tôi nhăc chị giờ về đâu thì chị bật khóc: " Về đâu! Tôi trơ trọi một mình". Tôi buột miệng:" Hồn trơ trọi nhưng xác thân phải có một chốn đi về"." Ngày kia tôi về bên ấy. Cậu chở tôi ra bến xe, cám ơn cậu nhiều lắm.../.

L.T.N

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641863 visitors (2135888 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free