.
  Viết lại cho anh
 
23/11/2014



Anh! Trinh của anh thuở xa xưa đây.

Em vừa được đọc bài của anh “Viết cho một người tên Trinh”, và đây, những gì em viết lại cho anh.

Chắc anh ngạc nhiên lắm, tự hỏi làm sao bài anh viết lại đến tay em! Thực kỳ lạ, huyền diệu đó anh. Em suy nghĩ cứ tưởng là hoang đường! Chuyện của chúng mình từ thuổ hơn 40 năm trước tưởng sẽ chìm đi theo với tháng, năm cho đến khi cả hai không còn trên thế gian này nữa!

Hôm đó đang sửa soạn nấu cơm, người mail-man gõ cửa đưa em một phong bì lớn. Em liếc nhìn thấy ngoài bì có địa chỉ của “Hội Nông Nghiệp Việt Nam Hải Ngoại”. Khi mail-man đi rồi, em định mở bì thư ra xem, nhưng chợt nhìn thấy tên người nhận không phải là em. À, thì ra bưu điện giao lộn địa chỉ! Đúng ra họ phải giao tại nhà cô bạn thân của em ngụ cùng một đường phố, cách xa nhà em khoảng vài block! Em và cô bạn này quen với nhau hơn 15 năm nay. Tụy cả hai đã định cư tại Úc khá lâu, tụi em chỉ biết nhau kể từ khi cô bạn move đến ở khu em. Tụi em chẳng biết gì nhiều về nhau nhất là về nghề nghiệp, học vấn. Em vẫn tưởng cô ta chuyên ngành Luật vì đang hành nghề Phụ Tá Pháp Lý cho một văn phòng Luật Sư ở đây! Không ngờ cô ta thuộc giới Nông Nghiệp!

Sau khi đem phong bì chuyển lại cho cô bạn, em chẳng để tâm gì đến nữa. Hai tuần sau, một hôm cô bạn ghé nhà chơi, cầm theo phong bì này. Cô ta nói: “ Này, Trinh! Có một ông tên Thiệu viết gửi cho người nào đó trùng tên với mày. Tự nhiên tao linh cảm là mày đó. Đây này đọc đi”. Khi cô bạn đã rời nhà, em ngồi đọc bài “Viết cho một người tên Trinh” của anh trong nội san Nông Nghiệp. Nước mắt em chan hoà, em tức tưởi khóc như chưa từng được khóc. Em cảm thấy bối rối! Đúng là anh rồi chứ còn ai nữa!

Những kỷ niệm cũ lại trào đến với em. Giống như gió bão đang xầm xập thổi đến! Giống như thuỷ triều đang cuồn cuộn dâng lên! Đúng rồi, ngày đó chúng mình ngồi kế bên nhau trên chuyến máy bay Hàng Không Việt Nam khởi hành từ Pleiku. Đúng như anh viết, Pleiku đã cho em nhiều kỷ niệm với “Phố Núi” cao, với ngôi trường Bồ Đề đẹp đẽ, thanh thoát, với “ Biển Hồ” thơ mộng mà em và gia đình thường lui tới  vào những ngày nghỉ. Pleiku! Ô! Những ngày nắng chỉ thấy toàn bụi đỏ và những ngày mưa bùn bám dính gót chân!

Ngày trên, em liếng thoắng , huyên thiên quá, phải không anh? Anh thì lại không nói nhiều, dường như anh chỉ thích nghe em kể chuyện!  Anh quả điềm đạm, gương mặt anh trắng trẻo, trông  như một thư sinh mà lại có vẻ ngây ngô nữa. Giọng nói của anh đều đều, có hơi chút lắp bắp! Lúc đó, em nghĩ  là lúc còn nhỏ có lẽ anh có thời nói “cà lăm”! Thế nhưng, những cái đó lại khiến em để ý và muốn tìm hiểu nhiều về anh.

Ngồi cạnh nhau hơn một giờ đồng hồ, chúng mình đã quen nhau, thân mật kể với nhau từ chuyện này sang chuyện khác. Anh thực quá cởi mở! Biết là gia đình em đang thu xếp dọn vào sinh sống tại Saigon -em chỉ là đi trước lo việc học -, anh khoe với em là anh có một số bạn rất thân, tốt. Anh nói:” Ít ra em cũng phải ra lại Pleiku 1-2 lần nữa, nếu cần gì, cứ liên lạc với anh Nguyễn Minh, Trưởng Ty Nông Nghiệp Pleiku nhờ giúp” “Bạn chí tình và thân thiết của anh đó”, anh nói tiếp. Trước khi rời phi trường, chúng mình đã trao đổi địa chỉ cho nhau.

Ngày định mệnh đã đến với em! Hôm đó, em bỗng nhớ lại gương mặt của anh, giọng nói của anh, và những mẩu đối thoại của chúng mình trên chuyến bay. Tự  nhiên, ma đưa lối, quỉ đưa đường, em đạp xe tìm đến khu Tân Định, vòng qua vòng lại nhiều lần khu có rạp chiếu bóng “Moderne”. Do dự mãi, rốt cục thì em dẫn xe vào hẻm Lý Trần Quán, dựng xe nơi bờ tường ngoài đường, và bước vào nhà anh. Ô! Em táo bạo quá phải không anh? Quả thực lúc đó tim em đập thình thịch! Một cô gái trẻ đẹp mà em đoán là em anh ra chào em. Em còn đang lúng túng trả lời thì một ông cụ mà sau này em mới biết là Ba anh đi vội ra, mặt hầm hầm, nói: “Nó đi vắng rồi. Sao lại đến tìm nó? Là con gái đi tìm trai, cô không thấy xấu hổ à?”. Em lắp bắp, chân đứng không vững nữa. Mắt em hoa lên, với giọng nói yếu ớt, em tỏ xin lỗi!

Trên đường về, nước mắt em dàn dụa. Đây đúng là cái đau khổ tận cùng của đời em! Trời nổi cơn mưa, nhưng em không còn bình tĩnh dừng lại trú tại mái hiên các nhà hai bên đường . Về đến nhà, em đóng cửa buồng, nằm dài người, mặc sức mà thút thít! Em không cảm thấy đời đáng sống nữa!

Theo giòng thời gian, em nguôi ngoai phần nào. Đúng ra, lúc đó em đang có nhiều việc phải làm, em đang bận rộn hàng ngày đến trường, lo học bài, thi cử. Em còn có Ba Mẹ hết lòng lo cho em, vỗ về, an ủi trong cuộc sống hàng ngày.

Khổ nỗi, hình ảnh anh cứ hiện ra trong óc em nhiều lần! Em chẳng để tâm oán trách Ba anh. Có thể là ông cụ đã quen với lối sống cổ truyền thời xa xưa! Em vẫn tin là anh rất tốt, và biết đâu đấy anh cũng có cảm tình với em như em đã có với anh! Em tự nhủ có lẽ anh không hay biết gì về chuyện đã xảy ra cho em tại nhà anh! Có thể cô em anh không kể lại cho anh nghe! Một hôm đi học về đạp xe gần đến Khánh Hội, con hẻm gần nhà,  em thấy một chiếc xe “con cóc”, hiệu Citroen 2CV thì phải, từ hẻm trong băng ra, ngược chiều với em. Xe chạy không nhanh nhưng vì xe đạp của em đang ép vào tận sát phía bên phải của hẻm và trời lại đang lất phất mưa nên em không nhìn rõ người lái. Em quá sức tưởng tượng, lầm thầm :”Dám là anh ấy lắm”. Em mơ mộng, hy vọng hão huyền quá, phải không anh?

Em phải tìm cách gặp anh để hiểu rõ được mọi sự. Trên máy bay, lúc trao đổi địa chỉ cho nhau, chính anh đã khẳng định là sẽ gặp lại em mà. Dĩ nhiên bây giờ em không thể đến nhà anh một lần nữa. Xấu hổ với Ba và Em của anh, ngượng ngập và ngại ngùng không thể cho phép em biện bạch, giải thích gì hơn. “Tại sao hôm đó mình đã không có can đảm, từ tốn, trình bầy cho ông cụ rõ liên hệ giữa hai chúng mình? Mình có tội gi đâu!”. “Thôi được, mình sẽ tìm gặp anh tại địa chỉ số 28 Mạc Đĩnh Chi, Saigon”, em tự nhủ thế khi nhớ ra là trên máy bay anh đã cho em hay về địa chỉ chỗ làm của anh.

Em tìm đến Nha Khuyến Nông. Lạ thật, trước khi bước vào văn phòng, em  nhìn thấy một chiếc xe “con cóc” hiệu Citroen 2CV đậu bên hông.  Ơ! Sao giống y như chiếc xe mà em đã nhìn thấy ở hẻm Khánh Hội hôm trước đây. Bây giờ qua thư anh viết trong nội san, em mới biết là anh đã hai lần đi tìm nhà em ở khu Khánh Hội! Nếu đúng hôm đó anh đã lái chiếc xe này tại con hẻm gần nhà em,  và nếu xác thực 100% là em đã nhận ra anh, có lẽ cuộc đời của chúng mình đã đổi khác, hoàn toàn đổi khác, phải không anh!

Em lại thất vọng nữa! Văn phòng nha Khuyến Nông cho em hay là anh đã không còn làm tại đây nữa. Anh đã xin nghỉ việc và hiện đang làm cho một công ty sản xuất nông phẩm gi đó. Không ai biết được rõ tên và địa chỉ nơi làm mới của anh. Chúng mình chẳng có duyên phận gì với nhau! Sao mọi diễn tiến toàn gặp chuyện lủng củng quá đi!

Trong bài anh viết, có đoạn anh đã tự trách mình là đã không tìm đến bộ Tài Chánh, nơi một số bạn anh đang làm, để truy tìm ra địa chỉ Ba em. Phần em, anh biết không, với thất vọng quá mức, em chợt nghĩ đến lời anh nói trước đây về anh bạn Nguyễn Minh của anh tại Pleiku. Em lấy bút ra viết cho anh ấy với ý định nhờ truy ra địa chỉ nơi làm mới của anh. Viết xong, xé đi, viết lại và lại xé đi, tính ra không biết bao nhiêu lần nữa! Cuối cùng thì em đã không gửi thư cho anh ấy! Tự ái, niềm tự trọng của con bé vừa tuổi đôi mươi này lớn như thế đấy!

Lại nữa, anh cũng đã tự nhủ sao anh đã không khôn ngoan tìm đến trường Nguyễn bá Tòng, nép vào một gốc cây bên đường, để cố tìm ra hình bóng em ! May quá anh đã không làm việc đó bởi vì sau khi nói với anh trên máy bay là em sẽ theo học tại Nguyễn bá Tòng thì ít lâu sau em lại đã được chấp thuận nhập học tại Trưng Vương.

Vài năm sau đó, theo thúc đẩy của Ba Mẹ, em lập gia đình. Vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật tại Pleiku, Ban Mê Thuột , và Đà Lạt. Trên chuyến bay Hàng Không Việt Nam đi Pleiku hôm đó, em nhìn sang hàng ghế mà em và anh đã từng ngồi cạnh nhau vào năm xưa ấy. Kỷ niệm với những đối thoại giữa chúng mình lại hiện ra rất rõ ràng! Giống như anh đã viết, em cũng cảm thấy thấm thía, thấu hiểu thế nào là định mệnh ! Chẳng ai tránh được những gì đã và sẽ xảy đến cho mình! Ngay cả cái chết, chỉ đến khi nằm xuống, buông xuôi mọi sự, mình mới thực rõ cái tận cùng của cuộc đời!

 

Thời gian vùn vụt trôi qua! Với trách nhiệm làm vợ, bổn phận với gia đình, chồng con, dần dà rồi em cũng đã nguôi ngoai mọi sự.  Sau biến cố tháng 4/1975, gia đình em đã định cư tại Úc, nay các con đã khôn lớn, học hành nên người. Lòng em thanh thản, tuy có lúc nghĩ về quá khứ, em thường tự hỏi sao mình quá long đong trong đường tình cảm! 

 

Anh! Bây giờ thì tự nhiên chúng mình lại liên lạc được với nhau! Có phải do định mệnh mà nội san của Hội Nông Nghiệp Việt Nam Hải Ngoại được Bưu Điện gửi lộn đến địa chỉ em?  Có phải do duyên nghiệp của chúng mình mà vào giờ phút này, sau trên 40 năm xa cách, tự dưng anh viết về em, và kỳ lạ hết sức em đã được đọc và biết về những ẩn ức của anh? Không giải đáp được những suy tư của mình, em chỉ còn cách tin là mỗi người chúng ta có một số mệnh phải chấp nhận. Đúng rồi, bây giờ một người đã ngoài 70, người kia ngoài 60!

Gần suốt cuộc đời, hơn 40 năm nay, trong tâm nghĩ, em luôn chỉ có hai câu hỏi:” Anh vẫn được an lành chứ? “, và :“Anh có yêu em không? “ Bài viết của anh đã giải toả hai thắc mắc kể trên! Em cám ơn anh! Em cám ơn Đức Phật từ bi đã run rủi cho em biết được mọi sự! Em cảm thấy mình được sung sướng với quá nhiều ân điển!

Anh! Bây giờ thì chúng mình đã biết được địa chỉ hiện thời của nhau, một người ở bên Mỹ và người kia bên Úc. Không gian xa vời vợi, nhưng với kỷ nguyên tân tiến này, không có gì là không nối tiếp được với nhau! Tuy thế, em xin anh hiểu cho, đây là thư lần đầu và cũng là lần chót em viết cho anh. Em mong bài “Viết cho một người tên Trinh” cũng là bài cuối cùng anh viết cho em. Em thực mãn nguyện lắm rồi. Mình ngừng lại đây nghe anh! Đừng tìm đến với nhau nữa. Ráng lo cho gia đình riêng của chúng mình nghe anh. Hãy sống trọn vẹn cuộc đời còn lại để vui với hạnh phúc của gia đình mình!  Em tin là tình yêu của hai đứa mình sẽ trở nên quí báu và cao thượng hơn nếu chúng mình biết dừng lại nơi đây. Và, biết đâu đấy, kiếp sau này, duyên nghiệp sẽ cho phép chúng mình nối vòng tay lại với nhau.

 

NGUYỄN  THẾ  THIỆU



 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 702967 visitors (2252346 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free