.
  Mỹ Tho xưa với nhân danh..
 
01/01/2015
Bài biên khảo



 
 
Bất cứ ở đia phương nào cũng đều có những nhân vật tăm tiếng lẫy lừng; dù có thể hay không gắn liền với địa danh nơi ấy. Mỹ Tho là vùng đất được thành lập đã hơn ba trăm năm nên trong quá trình phấn đấu chống thiên nhiên từ thời mở cõi, đến qua bao cuôc chiến đấu chống ngoại xâm, đã sản sinh ra không biết bao nhiêu nhân vật tên tuổi để đời, cũng như bao địa danh mà tiếng tăm vang rền khắp nước. Đây là một đề tài lớn, cần phải có thời gian nghiên cứu chu đáo; người viết xin hẹn một dịp khác; trong phạm vi bài viết nhỏ nhoi nầy, chúng tôi chỉ xin được trình bày về những nhân danh, địa danh hạn hẹp trong không gian thành phố Mỹ Tho, và trong thời gian không lấy gì làm “xưa” lắm; chỉ chừng năm sáu chục năm trước đây; nhưng chúng cũng đã một thời vang bóng, và cho đến nay, cũng có thể là mãi mãi, nó không hề bị quên trong kí ức mọi người.
Thành phố Mỹ Tho lúc trước (55-75) không có những băng nhóm sát thủ đâm thuê chém mướn cộm cán, càng lại không có một thế lực “xã hội đen” nào (từ “xã hội đen” chỉ xuất hiện gần đây). Nên với những học sinh bỏ học, lập băng đánh nhau, mà mục đích chỉ vì “lấy tiếng” hơn là quyền lợi. Họ chẳng có thu nhập nào ngoài cơm cha áo mẹ, nhưng những trận thư hùng làm náo loạn đường phố cũng đủ làm cho họ có chút tiếng để đời. Đó là Hoàng Than, Hoàng Tỷ, Hoàng Sữa, Hoàng Thân. Trong bốn “Ông Hoàng” nầy, Hoàng Than là người có phong độ công tử và đẹp trai nhứt, nhưng yểu mạng khi tuổi đời chưa tới hăm lăm!
Ờ khu vực bên kia Cầu Quây thì có Tám Lửa mới đúng là giang hồ thứ thiệt! Anh là người ân oán phân minh, có nghĩa khí, “miệng nói tay tới”, người dân ở vùng nấy nghe đến anh thì tùy đối tượng mà thương ghét khác nhau.
Băng nhóm dao búa thì không nhiều, nhưng những tụ điểm bán dâm thì hẻm hốc nào cũng có, từ đó cũng phát sinh nhiều tú bà khét tiếng; với các biệt danh Bà Sáu Khoai Lang, Bà Đại Úy. Biệt danh Bà Sáu Khoai Lang dù có đúng hay chỉ là chuyện phịa, người viết cũng không tiện nói ra; nhưng với Bà Đại Úy thì không phải bà ta là vợ của ông đại úy nào đó, mà chỉ là “chức vụ” phong tặng của dân làng chơi với một người đã “thâm niên quân vụ” trong nghề bán phấn mua hương, mà công lực có thể “tiếp chiêu” cả một tiểu đội lính xa nhà!
Thành phần bác sĩ thì có bs Nguyễn Kiểng Bá với “nhà thương Ông Bá”, hiện là Nhà Văn Hóa Thành Phố; bác sĩ Trần Văn Tải với “nhà sanh Ông Tải” trên đường Trương Công Định; bác sĩ Thanh, với “bệnh viện Ông Thanh” (với bệnh viện nầy, không biết sao người ta không gọi là “nhà thương”!), là Bệnh Viện Mắt bây giờ; Bác sĩ Trần Công Trực với “nhà thương Ông Trực” ở giao lộ Lý Công Uẩn – Lê Lợi; bác sĩ Ngô Văn Bửu ở đường thủ Khoa Huân bên hông Viện Giám Sát; bác sĩ Nguyễn Văn Cẩn ở dưới dốc Cầu Quây; bác sĩ Lê Thiện Điền ở Chợ Hàng Bông. Tùy theo khả năng đoán bịnh, và tấm lòng từ mẫu, hay… ác mẫu mà người thời đó đã có những đôi mắt nhìn các vị ấy có chút khác nhau!
Về hàng kinh doanh thì khu vưc Năm Nồi có… Năm Nồi! Năm Nồi tên thật là Lê Văn Phan, ngoài nghề chánh là trại hòm, ông còn có 2 lò quay heo. Ngoài “ngôi nhà bánh ú” nổi danh ở mặt tiền gần ngã ba vô nhà máy xay lúa Trần Minh Ký bây giờ vẫn còn, ông còn hàng mấy chục căn nhà cho thuê ở khu vực nầy. Khác với những người chưa biết rõ về ông; ông là một háo phú, thường giúp đỡ tiền bạc, tặng hòm cho những người nghèo khó, và không lấy tiền thuê nhà với những ai có những hoàn cảnh bi thương. Ông xứng đáng là một Mạnh Thường Quân thời bấy giờ vậy.
Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Thầy Hài. Ông là chủ hãng xe Á Đông. Cơ xưởng nằm ở góc đường Alexsandre de Rhodes (giờ là Nguyễn Tri Phương) – Lê Lợi. Từ Á Đông, đến Tân Á, Liên Á, hãng xe của ông hàng mấy trăm chiếc đã làm mưa làm gió trên các tuyến đường Nam, Trung bộ.
Xe Á Đông có một lợi thế là “dài đòn”, máy tốt; đặc biệt là sau đít xe được thiết kế phình ra to (đít mà lị), hồi ấy có từ “đít Á Đông” để chỉ những ai có cái mông quá khổ hơn bình thường! Những chủ xe có đôi ba chiếc lẻ tẻ khi găp xe Á Đông đều phải nhường đường nếu đi ngược chiều; và không bao giờ dám “qua mặt” khi cùng chiều, vì sợ “va chạm” cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng! Chính vì thế mà hành khách thường thích đi xe Á Đông hơn!
Thầy Hài có thể nói là người giàu có và tiếng tăm nhất thành phố Mỹ Tho vào thời điểm 60 – 75. Tuy giàu có nhưng dáng sang trọng thì … “có phần hạn chế”: Ông mập mạp, cục mịch, tiếng nói oang oang; thường vận bộ bà ba đen không mấy gì sạch sẽ lắm; thỉnh thoảng lại còn… nhai trầu! Mỗi buổi sáng ông thường ghé tiệm Kỳ Hương đầu nhà lồng chợ Mỹ Tho uống cà phê với … con chó của mình, và mỗi lần như vậy, con chó của ông cũng được “hưởng xái” cái “woòng páo” (vương bao / bánh bao loại lớn nhất), khiến lũ trẻ chúng tôi nhìn mà phát thèm!
Vào những rằm lớn, ông luôn đem đến Văn Phòng Hành Chánh Xã Điều Hòa (giờ là TT Thương Mại) một tấn gạo để phân phát cho đồng bào nghèo. Với kẻ thuộc quyền (bao gồm nhân công tại xưởng và tài xế), mỗi khi gia đình họ “có chuyện”, ông thường giúp đỡ tận tình, chu đáo. Một người giàu có và đầy lòng hảo tâm như vậy, tưởng chừng tài sản ăn mấy đời không hết, nào ngờ khi nhắm mắt lại không mua được cái quan tài!
Không kể những ngôi chùa ở TP Mỹ Tho như Vĩnh Tràng, Bửu Lâm, hay đình Điều Hòa ngày nay vẫn được nhiều người biết đến bởi nó vẩn còn tồn tại thì cũng có những địa danh mà “xác hồn đều mất” và có khi chẳng hề có trong sổ hộ của nhà nước, nhưng với người dân Mỹ Tho ở mọi lứa tuổi cũng không thể nào không biết. Đó là Bến Tắm Ngựa, Cầu Vĩ, Xóm Hàng Còng, Ngã Tư Quốc Tế, xóm Năm Nồi, Ngả Ba Sở Rác
Bến Tắm Ngựa là một bãi sông nằm cuối đường Nguyễn Huỳnh Đức, đó là nơi mà trước kia Tây thường mang ngựa ra tắm, và sau nầy “chuyển tiếp” cho những người Việt ta hành nghề đánh xe ngựa chở khách. Vào năm 62, 63 nghề xe ngựa đã lùi vào quá khứ, Bến Tắm Ngựa từ đó trở thành nơi lấy nước sinh hoạt và thành bến tắm… giặt của hầu hết bà con xung quanh đó và chạy dài đến ngã tư Chợ Cũ cũ!
Cầu Vĩ được mọi người biết tới không phải là vì nó là cây cầu hiện đại, mà ngược lại đằng khác. Nó chỉ là cây cầu sắt nhỏ với mặt cầu lát gỗ, và đang lâm trọng bệnh vì già yếu, nhưng nó là chứng nhân của hai cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc. Thời Pháp, “bên kia Cầu Vĩ” là vùng căn cứ bất khả xâm phạm; còn thời sau nầy thì “bên kia Cầu Vĩ”, lính bước qua cũng phải lạnh giò!
Làm thân con gái thời chiến tranh, ở một khía cạnh nào đó, có một nghề ít vốn và không sợ bị thất nghiệp là nghề bán trôn nuôi miệng! Còn xuân sắc thì bán bar, có khi ma chó dẫn mà vớ được thằng chồng lính ngoại quốc thì cuộc đời sẽ lên hương. Xuống dốc, thì đăng kí vào các khách sạn, phòng ngủ mà ăn chia với chủ; đến khi quá “đát” (date) thì co cụm vào những hẻm hốc. Loại nầy gọi là “hàng dạt, giá bèo”, mà Xóm Hàng Còng (khu vực đường Tết Mậu thân từ hồ bơi đến Lê Thị Hồng Gấm), Ngã Tư Quốc Tế (giao lộ Đinh Bộ Lĩnh và Trịnh Hoài Đức - khu vực nầy cũng là giang sơn của Bà Sáu Khoai Lang và Bà Đại Úy); Xóm Năm Nồi (khu vực UBNDP 5 bây giờ) là những nơi “chị em ta” tụ tập nhiều nhất.
Gọi Xóm Hàng Còng vì con đường nầy trước kia có những cây còng (me tây) cổ thụ.
Gọi Ngã Tư Quốc Tế bởi đó là nơi bát nháo, đủ mọi thành phần bất hảo, mà đĩ điếm là một.
Cũng như hai địa danh trên, gọi “Xóm Năm Nồi” là người ta nghĩ ngay là động chứa gái; nhưng bản thân ông Lê Văn Phan tức Năm Nồi lại không dính dáng vào cái nghề nhiều tai tiếng nầy. Chẳng qua ông là người nổi tiếng, nên người ta mượn danh ông mà chỉ điểm cho dễ tìm mà thôi! “Cây Xăng Năm Nồi” là trường hợp tương tự như vậy.
Song song với những điểm nhớp nhúa nổi tiếng trên, TP Mỹ Tho có một khu hết sức thanh lịch, đó là Vườn Ông Khánh. Đây là một thửa vườn rộng nằm phía sau chùa Phổ Hiền ở đường Vòng Nhỏ (Trẩn Hưng Đạo bây giờ). Chủ nhân là dược sĩ Trần Văn Khánh có nhà thuốc ngay dốc Cầu Quây, tại góc đường Trưng Trắc – Thủ Khoa Huân. Vườn Ông Khánh có thể nói là một sở thú nho nhỏ, một “khu du lịch sinh thái” thời bấy giờ, mà “du khách” đông nhất là học sinh các trường trung học; họ mượn sự thanh vắng, mát mẻ để “gạo” bài thi!
Đề bài viết không phải là đề tài lớn, chính vì vậy mà tư liêu dường như không có. Người viết chỉ dựa theo kí ức và những thông tin cực kì hiếm hoi của những bậc lão thành, cho nên chắc chắn không tránh được nhiều thiếu sót. Kính mong quí bạn đọc, quí bậc cao niên, nhất là với những vị có tên trong bài viết nầy hãy niệm tình tha thứ, và chỉ bảo thêm.
KHA TIỆM LY
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641524 visitors (2135499 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free