.
  Thầy giáo đi gạo
 
3/7/2014

    

     Sau năm 1975, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Các nước tư bản bao vây cấm vận và chính sách kinh tế bao cấp làm cho cuộc sống người dân vô cùng khốn khó. Cơn lũ đói nghèo đã ập xuống. Sản xuất công nghiệp như khựng lại vì thiếu vật tư nguyên liệu. Mọi nhu cầu vật chất thông thường đều hạn chế, từ cây kim, sợi chỉ, viên đá lửa … Không phải chỉ người thất nghiệp mà cả những cán bộ, công nhân viên chức cũng thiếu thốn mọi bề, ngay đến cái ăn hằng ngày.

     An là giáo viên chế độ cũ được lưu dụng. Hằng tháng anh lãnh 54 đồng (sau đợt đổi tiền lần đầu), mua trợ giá 13 ký gạo và một ít nhu yếu phẩm như xà bông, bột ngọt, mắm muối … Gia đình với vợ và hai đứa con gái mới lên năm, lên ba thì thu nhập ấy không thể nào đủ, ngay cả chỉ riêng bản thân anh. Điều lo lắng nhất là gạo nấu hằng ngày. Thức ăn có thể qua quít với tương chao, rau đậu, nhưng gạo thì không thể thiếu. Mười ba ký gạo, dù có dè xẻn độn thêm khoai bắp cũng chẳng thể đủ cho bốn miệng ăn trong tháng. Mua gạo ở thị trường chợ đen bên ngoài giá rất cao, tiền đâu để An kham nổi. Vợ anh mua rau cải bán dạo trong xóm, đồng lời rất ít, chủ yếu kiếm thêm chất độn cho bữa ăn.

     Mới giữa tháng, nhà đã hết gạo. Chiều hôm qua, vợ An vét mót hủ còn gần nửa lon. Chị mang về một rổ lớn rau đắng, thứ rau lá nho nhỏ, mặt dưới màu tím, thân rễ trắng, thường mọc hoang nơi chân ruộng góc vườn, vị rất đắng. Vợ An nấu nồi cháo lõng bõng. Rau rửa sạch cho vào tô lớn trộn với ít mỡ nước và rắc thêm chút muối, chút bột ngọt. Xong múc nước cháo nóng vào tô. Cần ăn nóng vì để lâu rau chín sẽ rất dai và càng thêm đắng. Đứa nhỏ không thể nào nuốt được thứ ấy, còn chị nó vì cơn đói cồn cào nên phải cố ăn. Nhìn con trợn trạo nhăn mặt nuốt nhúm rau trong miệng, lòng An xốn xang. Cả ba đều ăn rau để chút phần cháo đặc cho đứa nhỏ. An ăn nhiều lần nên đã quen, rồi cảm thấy ngon. Từ vị đắng tiết ra chất ngọt ngọt. Lòng thấm thía vị ngọt cơ hàn ẩn trong cái đắng nghét cuộc đời. Nhưng An chẳng thể cầm lòng nhìn hai con đói thèm dù chỉ là cơm lạt. An nghĩ đến chuyện về quê xin gia đình ít gạo. Anh cũng biết chuyện mang gạo từ thôn quê ra tỉnh là vi phạm chủ trương chính sách nhà nước, nhưng đâu còn giải pháp nào khác. Và anh cũng hy vọng có thể giải bày tình cảnh của mình nếu bị chận xét.

     Gạo bấy giờ là mặt hàng lương thực bị quản lý và kiểm soát rất gắt gao. Mỗi tỉnh đều lập ra các chốt trạm ngăn cấm người dân mang lúa gạo rời khỏi địa phương. Một trạm nổi tiếng mà tất cả xe đò miền Tây đều ngán ngại là trạm T.H. của tỉnh T.G. Ngoài trạm cố định, còn có những toán du kích lưu động đột xuất. Có quyền khám xét tịch thu tất cả mọi nhu yếu phẩm từ gạo, bắp, cá thịt đến cả vài xấp bánh tráng, vài đòn bánh tét. Chính việc ngăn cấm nầy làm cho giá gạo mỗi nơi mỗi khác và biến động hằng ngày. Từ quê An cách thị xã chỉ hơn 30 cây số mà giá gạo chênh lệch gấp bốn lần (có lẽ cái câu: Một vốn bốn lời phát sinh từ đó).

     Sự chênh giá quá lớn nầy tạo ra đội ngũ đông đảo người buôn chuyến, đi gạo lậu. Họ là dân thành thị, không nghề nghiệp, không việc làm và đa số thuộc thành phần vợ con các quân nhân, công chức chế độ cũ. Nạn thất nghiệp tràn lan đã sinh ra những nghề chưa hề có trước kia: Bơm mực viết bi, bơm quẹt ga, vá dép, chạy xe đạp ôm, quấn thuốc lá …

     Dọc theo quốc lộ khi ấy, người ta chứng kiến từng toán người thường là phụ nữ, có cả trẻ em và người già. Họ mang đội những bao gạo đi bộ giữa trời chang nắng, Các xe đò không dám nhận chở họ vì sẽ bị phạt nặng, giam xe nếu cán bộ bắt gặp có gạo trên xe. Gần đến trạm kiểm soát, cả toán tách lộ, lội ruộng băng đồng, đi luồn lách trong vườn để vượt qua trạm. Có những cảnh tượng mắc cười mà đau thắt: Những phụ nữ gầy gò hóa thành mụ robot phì nộn bởi nhiều bịch gạo hoặc các tản thịt heo độn vào bụng, bó vào tay vào đùi, che phủ bên ngoài bộ áo quần rộng thùng thình. Và các chị chạy nhanh như vận động viên khi gặp quản lý thị trường, du kích chận xét. Cũng có điều cay xót ở các trạm thường thấy cả đống thịt hôi thối chưa kịp mang chôn hoặc nhiều bao gạo bị vứt đổ tung tóe, ẩm ướt mốc meo. Và những chuyện tiêu cực thì thời nào cũng có. Cán bộ mắng nhiếc, tịch thu người mang năm mười ký gạo, nhưng có kẻ chở cả tấn gạo qua trạm dễ dàng trót lọt. Đó là những tay buôn lậu gộc, đã móc nối chung chi với trưởng trạm hay có trong tay giấy phép của ông lớn nào đó!

*       *

     Buổi trưa trên quốc lộ xuôi về miền Tây, trời nắng đổ lửa. Nhựa đường như tan nhão dưới sức nóng rang rang. An lầm lủi đạp xe, phía sau ba ga cột chặt bao gạo 15 ký mà gia đình gởi cho. Trên đường xe cộ ngược xuôi ít hơn ngày trước. Xăng dầu khan hiếm nên phương tiện vận chuyển cơ giới hạn chế. Người dân có khi phải xếp hàng chờ đợi hơn nửa ngày mới mua được chiếc vé xe đi năm sáu chục cây số. Đã xuất hiện những chiếc xe cải tiến chạy bằng than đá, phun khói bụi mịt trời.

     Thỉnh thoảng An gặp từng toán năm bảy người đi dọc lề lộ, người nào cũng vác một bao trên vai hoặc tay xách chiếc giỏ đệm. Phía trên giỏ ngụy trang chất vài nải chuối, mấy trái đu đủ. Chắc chắn bên trong bao và dưới giỏ đệm ấy là gạo. Đi hơn nửa đường, An thấm mệt, mồ hôi rịn khắp người. Anh tưởng tượng đến khuôn mặt hí hửng của con lúc anh về và nỗi vui mừng được ăn bữa cơm không độn thật no. Sự tưởng tượng giúp An thêm sức, anh nhấn mạnh bàn đạp.

     Bỗng xuất hiện hai cậu du kích trờ ra chận ngay trước xe An. Họ đứng khuất sau một thân cây ven đường nên trước đó An không nhìn thấy. Một người cầm cây gậy nhỏ đầu nhọn chọt đâm vào bao gạo phía sau nói:

- Ông đi gạo lậu, bị tịch thu. Mời sang bên kia đường lập biên bản.

     Đã lường nghĩ đến trường hợp nầy nên An bình tĩnh dắt xe qua lộ, lòng hy vọng gặp người tổ trưởng sẽ trình bày và xin lại gạo. Đẩy xe vào sân căn nhà nằm ven lộ, thấy phía trước thềm nhốn nháo nhiều người. An biết họ là dân đi gạo lậu bị bắt. Có lẽ đây là trạm kiểm soát đột xuất của địa phương nên họ bất ngờ và không kịp thông báo cho nhau. Bên trong nhà phía góc sau chất đầy các bao lớn nhỏ, các túi đệm đựng gạo. Chệch phía ngoài, một cán bộ còn rất trẻ, tay mang băng vải đỏ, vẻ mặt nghiêm nghị đang ngồi trước chiếc bàn nhỏ. Có nỗi mừng khi An nhận ra đó là Dứa , đứa học trò lớp 9 của mình trước năm 75. Sự gặp tình cờ càng dấy lên nỗi hy vọng tràn đầy mình sẽ nhận lại được gạo. Anh bước đến bàn, cũng có chút e ngại của người phải xin xỏ. Dứa ngẩng lên, khẽ gật đầu nhận ra thầy mình nhưng nét mặt vẫn lạnh lùng. Cậu ta nói ngay:

            - Ông là thầy giáo có hiểu biết về chủ trương, chính sách nhà nước mà còn đi gạo lậu, tiếp tay phá rối thị trường. Vậy ông còn dạy ai!

     An như bị xối gáo nước lạnh vào mặt. Tiu nghỉu, lòng quặng nỗi đau. Bao ý định giãi bày tan biến, An im lặng bước vội ra ngoài, thấy bao gạo của mình bị anh du kích vụt chồng lên đống gạo. An suýt đụng một bà lão ngồi lom khom quét bằng tay, gom những hạt gạo rớt vãi ra đất do các bao bị lủng rách lúc mang vào góc chứa. Nét mặt bà buồn buồn, lo lắng. An đoán bà cũng là người đi gạo bị bắt?

     Từ đám người đứng trước hiên nhà, một cô gái bước lại bên An. Có lẽ cô nghe câu vừa rồi của Dứa, hỏi An:

            - Thầy còn nhớ em không? Em là Liên, học trò cũ của thầy.

     An quay lại, nhận ra cô học trò trước đây. Anh gật đầu và nói: “Liên Miên” để xác nhận mình nhớ cả đến biệt danh của em. Liên có nước da ngâm ngâm, nét mặt rất có duyên. Cái duyên khó tả, dễ gây cảm tình người đối diện. Có thể nhại câu thành ngữ để bảo: Cái duyên đâm xuyên cái đẹp. Các bạn trong lớp chọc đùa, đặt biệt danh là “Liên Miên” (Người Campuchia có da ngâm đen gọi là người Miên).

     Liên hỏi:

            - Thầy còn đi dạy không?

     Câu mỉa mai của Dứa: “Vậy ông còn dạy ai” vẫn âm vang trong đầu nên An trả lời như một phản ứng cay cú:

            - Không, thầy nghĩ rồi.

            - Chắc thất nghiệp nên thầy đi gạo, phải đến nông nỗi nầy?

     An chẳng muốn kể lể tình cảnh của mình với đứa học trò mới gặp nên khó trả lời, bèn hướng câu chuyện:

            - Hoàn cảnh gia đình em ra sao? Em cũng bị bắt gạo?

     Giọng buồn buồn, Liên kể:

            - Mẹ đang bệnh, nhà còn hai em nhỏ. Em phải liều đi buôn.

     Liên lấy một túi nilông, sớt từ chiếc giỏ đệm ra chừng hai ký gạo đưa ấn vào tay An:

            - Thầy cầm lấy về dùng. Cho em chia sẻ với thầy

     Liên nói tiếp như để An không kịp phản ứng, không kịp từ chối:

            - Em bị tịch thu 50 ký, năn nỉ van xin đủ cách họ mới cho lại 10 ký … Thôi, em chào thầy.

     Liên vội bước nhanh ra lộ. Cầm bịch gạo trong tay, An xúc động, nói với theo:

            - Thầy cảm ơn em.

     Tiếng cảm ơn như ép con tim làm An bật ứa nước mắt. Chẳng biết nước mắt vì nghĩa cử của Liên hay vì câu trọ trẹ của đứa con nhỏ chiều hôm qua bỗng vang lên: Con đói bụng quá ba ơi!

     Máng bịch gạo vào tay cầm xe, An đạp đi. Tấm lòng của Liên làm An nhớ lại mới vừa tháng rồi, cũng vào ngày cuối tháng, nhà hết gạo. An đến Sang, người bạn rất thân ở cùng khu phố, cùng học chung rồi dạy chung một trường. Tình bạn gần 20 năm, đủ dài lâu để hai gia đình khắng khít thân tình. Vợ Sang cũng quý mến An, nhà có đám tiệc đều mời gọi nhau. Lúc bạn hữu sự thiếu kẹt tiền bạc, An sẵn sàng cho mượn mà chẳng hề suy tính.

     Lúc qua nhà Sang, gặp chị vợ. An hỏi mượn đỡ hai lít gạo. Chị có vẻ suy nghĩ, lưỡng lự rồi nói:

            - Nhà tôi cũng hết gạo rồi. Anh thông cảm.

     An khựng cả người nghe vợ Sang từ chối. Mới hôm qua, lúc ngồi uống trà, Sang còn hồ hởi khoe: Có thằng em vợ làm trong ban quản lý thị trường. Nó tịch thu gạo của dân buôn, mang cho tao hơn hai chục ký. Lặng nỗi buồn thế thái nhân tình, An tự biện bác: Trong thời buổi khó khăn, người đàn bà nào cũng lo xa, phòng thủ cho gia đình chồng con mình.

     Lúc bình thường dư giả người ta có thể giúp nhau dễ dàng, nhưng trong tình cảnh khốn khó thể hiện được tấm lòng chia sẻ với nhau mới thật trân trọng đáng quý. Thế nên đôi lít gạo của Liên đã làm An xúc động, rưng rưng …

*       *



     Dù không nghĩ nhiều về chính trị, nhưng sự thay đổi của đất nước hôm nay đã minh chứng một điều: Trong một chính thể có những lãnh đạo sáng suốt, luôn lo nghĩ đến dân, biết trăn trở với những khiếm khuyết sai lầm. Mạnh dạn tìm cách thay đổi, không bảo thủ giáo điều thì chắc chắn đất nước ấy sẽ tiến bộ, chính thể ấy sẽ được lòng dân, được dân tin tưởng. Lòng tin nơi chế độ đã thể hiện khi một số người trước kia từng vượt biên đôi ba lần, nay lại tuyên bố: Nếu được cho ra đi tự do không điều kiện thì cũng chọn ở lại quê hương nầy, và nhiều Việt kiều đã trở về sinh sống làm ăn.

     Vâng, sau hơn 20 năm đổi mới, từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường có định hướng, mở cửa hội nhập với các nước, xã hội thay đổi rất nhiều. Bộ mặt đô thị phát triển mở rộng đến ngỡ ngàng người xa xứ. Cuộc sống người dân sung túc đầy đủ. Chuyện sắp hàng chen lấn, chờ đợi cả buổi chỉ để mua ký đường, mét vải nghe như trong cổ tích. Các vật dụng từng là cao sang quý giá trước kia như máy lạnh, máy giặt, xe gắn máy … trở thành tiện nghi thông thường của cư dân đô thị. Lúa gạo dồi dào, xuất khẩu gạo đứng hạng nhì thế giới. Nhiều gia đình kén chọn, chỉ ăn gạo ngon gạo thơm đặc sản.

     Giờ đây, tuổi đời gần xế bóng, đôi lúc An bùi ngùi nhớ lại chuyện ngày xưa, chợt thèm tô rau đắng nước cháo thuở cơ hàn. Vị đắng của thứ rau tầm thường như thấm sâu vào ký ức kéo nhớ đến lần bị bắt gạo, đến cô học trò tốt bụng. Từ đó đến nay An chưa gặp lại Liên, anh suy đoán có thể Liên đang định cư ở Mỹ vì ba em là sĩ quan chế độ cũ. Còn với gia đình Sang, An vẫn giữ thân tình như thuở trước.

     Cứ nghe An nhắc chuyện khó khăn thời bao cấp, hai đứa con gái cho rằng An lẩm cẩm, bảo: Phải sống theo thời, khi có điều kiện thì cứ tiêu xài thỏa thích, việc gì phải ép mình tiết kiệm, chết có mang theo đâu! Nhưng sự thiếu đói của ngày ấy và chứng kiến hiện nay còn không ít người vẫn khó khăn làm An luôn tiếc xót, bức xúc trước thói xa hoa, tiêu xài hoang phí. Trong nhiều tiệc liên hoan, cưới hỏi ở nhà hàng, những tô cơm trắng, những dĩa thức ăn vung đầy cá thịt bỏ thừa mứa, mang đổ bỏ. Hình ảnh đứa con mếu máo vì đói, hình ảnh bà lão ngồi lượm từng hạt gạo rơi rớt lại hiện ra trong trí tưởng của An.

Lâm Thành Nghiêm

 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693330 visitors (2230613 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free