12/6/2014
Có tận mắt nhìn rừng vào lúc hoàng hôn, mới thấu hiểu thế nào là rừng thay áo .Tôi có diễm phúc khi tham gia họp mặt du lich của ban Công thôn tại bãi biển Vịnh Hy (Phan Rang) vào một buổi chiều tà, khi ánh dương từ từ buông phủ, chiếc áo màu xanh của khu rừng dầy đặc, biến dần màu vàng tươi, chuyển màu hồng nhạt, cuối cùng là màu đỏ thẫm.
Màu đỏ thẫm khiến tôi nhớ lại cuộc chiến tương tàn vừa qua, cuộc chiến chắc chắn sau nầy sẽ được lịch sử phê phán, đánh giá một cách trung thực sòng phẳng người Việt cầm súng bắn giết người Việt ngay trên mãnh đất Việt, mà được gọi bằng một cái tên mỹ miều, hết sức oai hùng đẹp đẽ , là cuộc chiến giành độc lập, chống ngoại xăm. Tuổi trẻ chúng tôi thay vì ra sức làm giàu đất nước, gầy dựng tổ quốc phồn vinh, lại bị điều khiển như hai con rối bởi hai gã ngoại bang đầu xỏ, để rồi anh em ly tán, hận thù nhau một cách phi lý, trong một gia đình, dòng họ đều có người đứng cả hai bên chiến tuyến, bơm đạn vô tình gây cảnh nồi da xẻ thịt.
Tuổi trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Nam, đã chứng kiến những buổi chiều rừng thay áo, trên những địa điểm hành quân, cứ mỗi buổi chiều như thế, ngắm nhìn màu áo dần thay, và chuẩn bị đón nhận những quả đạn pháo, hoặc những đợt xua quân tấn công từ những cánh rừng trước mặt, khi màn đêm buông xuống.
Sau mỗi đêm như thế, bên nầy và bên kia, đều có những người nằm lại, không biết khi ở bên kia thế giới, bên nầy gặp mặt bên kia có còn hận thù chém giết nữa không?, hay là anh em ruột thịt xót xa cho cha mẹ già, phải sống ra sao khi những đứa con thân yêu không còn nữa, cái cảnh tre già khóc măng non xãy ra hằng giờ, hằng ngày trên mãnh đất Việt Nam đau thương dằn vặt.
Khi tiếng súng tạm thời lắng xuống, thì đến cảnh vượt biển ra khơi, lại chia lìa, lại nhớ nhung, lại chờ mong ngày đoàn tụ, trong chiến tranh người vợ người con không nhận được xác chồng, xác cha, mà thay vào đó là tờ báo tử, nếu người chồng người cha hy sinh một cách dũng cảm,liệt oanh thì nhận được lá cờ tổ quốc thay cho lời tri ân sâu sắc của đất nước. Nếu ta cố ý lắng nghe những bài hát cầu nguyện chiến tranh chấm dứt, của những đứa trẻ xa cha trong buổi lễ giáng sinh, hay những lời xin lỗi của những người con, khi xuân nầy con không về, thì mới thấm thía nỗi khổ đau của dân tộc, chiếc áo khổ đau, chia cách luôn phủ trên mình tổ quốc tôi, tại sao ánh sáng mặt trời không thay được màu áo ấy.
Hôm nay vài mươi bè bạn Công Thôn họp mặt, ở đâu đó, kể cả nước ngoài còn nhiều lắm, nhiều nhiều lắm, những người bạn thân thương còn phiêu lãng, chắc cũng đang nhớ về kỷ niệm xưa, nhớ những buổi trưa hè lội ruộng, cày từng lát đất, hay nạo vét kinh mương khai thông dòng chảy, mang nước về nuôi lúa, góp sức nhà nông tạo ra hạt cơm, của cải vật chất, cho đời sống mọi người được ấm no, đầy đủ, một ước vọng bình thường, giản dị cho quê hương là được đóng góp chút công lao trả nợ đời, thế nhưng có mấy người thực hiện được…
Rừng kia mỗi ngày thay ba sắc áo, Mẹ Việt Nam mặc hoài chiếc áo thương đau,hận thù, ly tán đã mấy mươi năm…Mẹ ơi! Bao giờ Mẹ mới được thay áo đây…?
Nhưng rồi ngày 01/4/2014” Người anh cả Bắc Kinh”, ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương -981 trong lãnh hải Việt Nam gần đảo Hòang Sa, sự việc nầy đã cho thấy dã tâm của bọn giặc Tàu xâm lược, và giải đáp một phần lý do tại sao bọn chúng hà hơi tiếp sức cổ vũ cho cuộc chiến tranh trên quê hương Việt Nam, nếu không phải cố tình gây cảnh nồi da xáo thịt để làm suy yếu tiềm lực nước ta, và chờ thời cơ thực hiện mộng thôn tính bá quyền của chúng là gì?
Giàn khoan HD- 981 cắm sâu vào bờ biển Việt Nam, cũng là lúc mặt nạ giả nhân giả nghĩa của kẻ thù muôn thuở từ: Hán- Mông- Nguyên- Thanh luôn nuôi mộng xâm lược nước ta,rơi xuống đáy đại dương, và cũng là lúc những đứa con của Mẹ tự nhìn lại mình, xóa đi những lỗi lầm, thù hận vô lối, chung tay thay màu áo cho Mẹ được đẹp đẽ, đàng hoàng hơn, chiếc áo đoàn tụ, phồn vinh giàu mạnh đủ sức chống giặc Tàu phương Bắc, giử vững cõi bờ nước Việt bốn ngàn năm văn hiến.
Dương văn Phương