.
  Bác sỹ Mỹ Tho xưa
 
11/8/2015
Loạt bài biên khảo



Nói mà không sợ mích lòng; cái nghề thầy thuốc ở thời nào cũng là cái nghể dễ hốt bạc. Chừng nào còn con bệnh là chừng ấy nghề thầy thuốc còn hái ra tiền; “hái” được mức độ nào thì ngoài tài năng của người thầy thuốc; còn tùy vào lương tâm nghề nghiệp và mánh lới “chém chặt”, vẽ vời của người trị bệnh.

Nghề y luôn được tán dương là một nghề cao quý, nên cũng luôn được tâng bốc tận mây xanh với những từ hoa mỹ như “thiên thần áo trắng”, “thầy thuốc như mẹ hiền”… nhưng những ai đã từng đến “nhà thương” sau khi đọc những lời đó cũng phải e dè, cân nhắc!

Chúng tôi không hề quơ đũa cả nắm, vì ngoài những “lương y như…ác mẫu” (sic), cũng còn nhiều vị thầy thuốc rất xứng đáng với danh “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Bài nầy chỉ xin nói về những bác sĩ của Mỹ Tho xưa (thời gian từ 1955 đến 1975)

Theo người thời ấy nhận định thì có thể nói BS Mỹ tho xưa có hai hạng: Hạng giàu và hạng “từ mẫu”. Hạng giàu thì có BS Nguyện Kiểng Bá, có phòng khám ngay chốt đèn ngã tư Lê Lợi – Thủ Khoa Huân. Ông còn có một nhà thương tư, thường gọi là “nhà thương Ông Bá”, giờ là Nhà Văn Hóa Thành phố. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Pháp (Bác sĩ trước năm 75 đều là tiến sĩ y khoa).

BS Ngô Văn Cẩn, phòng khám ngay dười dốc cầu Quây, chỗ ngân hàng Sacombank bây giờ. Cũng như BS Bá, ông được tiếng là chẩn bịnh đúng, cho “thuốc hay”, được bệnh nhân tin tưởng. Ông có một… con chó cũng nổi tiếng không kém gì ông: Nó luôn phát hiên ông khi xe ông còn ở … trên dốc cầu Quây trên đưởng về nhà sau giờ làm việc ở “nhà thương lớn” (từ gọi BV Đa Khoa bây giờ). Đến nay khi nhắc đến ông, người ta cũng không quên nhắc tới con chó nầy!

BS Cẩn và BS Bá là hai vị trị bệnh giỏi, đều từng làm Giám đốc “nhà thương lớn”. Bệnh nhân đến “thăm” một trong hai ông thường luôn hết bệnh.

BS Thanh cũng có một nhà thương tư thường gọi là “nhà thương ông Thanh”, nay là Bệnh Viện Mắt.

BS Trần công Trực gốc người xã Đồng Sơn, Gò Công Tây có bệnh viện ở giao lộ Lê Lợi – Lý Công Uẩn, thường gọi là “nhà thương Ông Trực”.

Như vậy, ngoài “ nhà thương lớn” và “nhà thương sanh” là của nhà nước, tp Mỹ Tho xưa còn có ba nhà thương tư như đã nói ở trên.

Bác sĩ Mỹ Tho xưa, nhất là các BS lớp tiền bối thường ít ai thân thiện với bệnh nhân. Tìm được nụ cười của quý ngài còn khó hơn tìm nụ cười của Bao Tự! Bệnh nhân tới phòng khám ngoài việc mất tiền khám bịnh, còn có thể … mất hồn vì lời nạt nộ của các quan thầy! (thời bấy giờ vẫn còn ít người dùng từ “Quan thầy” để gọi bác sĩ). Đừng dại dột mà tự khai bịnh khi chưa được hỏi tới, hoặc giả tự đoán bịnh cho mình trước; đại loại như: “… tôi làm như đau thận (hay đau gì đó) sao mà cái lưng nó ê ẩm….”; hoặc: “BS coi con tôi sao nóng quá, ở nhà tôi có cho uống mấy viên Aspirin mà không hết” Lập tức, liền bị quan thầy quát: “Vô đây đừng có nói xàm! Biết bịnh thì vô đây làm chi?”; hay cái trừng mắt: “ Biết trị bịnh, sao không ở nhà trị; tới đây làm chi?” (nguyên văn)

Thói quan liêu, khinh rẻ bệnh nhân thường tiềm ẩn trong máu nhiều BS thời trước: có nhiều vị sau khi khám một con bệnh, thì thường rửa tay bằng một cái khăn được tẩm cồn, như thể sợ bị vi trùng tấn công, sát tử họ vậy! Nhưng nếu để ý, thì sau khi nhận tiền của bệnh, (vốn là vật mang vi trùng nhiều nhất), thì quan ngài lại không ghê sợ chút nào, bởi quan ngài không có rửa tay!)

Hạng “từ mẫu” có thể nói trước tiên là BS Lê Thiện Điền, phòng mạch gần “hủ tiếu cây me lớn” bên hông chợ hàng bông. Ông là một trong những bác sĩ trẻ nhất trong hàng BS được kể ở trong bài nầy. Ông một mực “bình dân”, thân thiện với bịnh nhân và thường “không ăn tiền” với những người lao động nghèo khổ như xích lô, ba bánh, vác mướn, lao công…. (BS lúc đó chỉ khám bệnh, kê toa. Bệnh nhân vác toa thuốc nầy đến mua thuốc bất cứ nhà thuốc nào mình thích; không có việc BS tự bán thuốc từ… trong ngăn kéo của mình như bây giờ!)

Kế đó là BS Trương Hán Bật. Vào năm 1962, (dường như lúc đó ông giữ chức vụ Giám đốc “nhà thương sanh”). Một chiều khi ông xuống ca, ông vừa định lên xe về Sài Gòn (Tp HCM giờ), thì một y tá từ phòng sanh hối hả chạy ra bảo rằng có một ca sanh khó. Ông lập tức chạy vào, và mấy giờ sau ông mới bước ra phòng sanh. Ông nói với người chồng sản phụ “mặt như đưa đám” đã chực chờ ở cửa phòng sanh: “ Ổn cả rồi! Anh yên tâm… Hôm nay tôi phải về Sài Gòn có chuyện, nhưng tình trạng vợ anh nếu không có tôi thì không xong… (ông đưa tay xem đồng hồ). Giờ thì không cần về nữa rồi!”. Người chồng của sản phụ đã xúc động rơi nước mắt và xin phép được lấy tên ông mà đặt tên cho con mình: Trương Hán Bật!

Một BS khá đặc biệt là BS Trần Văn Tải; “đặc biệt” vì ông là một thầy thuốc nhưng lại là người rất yêu mến văn chương. Ông làm thơ, viết văn, là chủ tờ báo Tiếng Gọi Miền Tây. Phòng khám của ông ở trên đường Trương Công Định, (dãy mấy quán thịt Cầy bây giờ). Nơi đây cũng là Nhà Bảo Sanh của ông, thường gọi là “nhà sanh Ông Tải”. Ông cũng luôn miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khốn khó; và mỗi thứ bảy, nhà xe của ông là “phòng khám và phát thuốc từ thiện” cho những con bệnh nghèo.

Nhưng nổi tiếng “từ mẫu” hơn hết vẫn là BS Ngô Văn Bửu, phòng khám của ông nằm tại đường Thủ Khoa Huân, (cách tiệm chụp hình Phong Lan vài căn/ có thời gian phòng mạch ông ở đường Đinh Bộ Lĩnh). Ông không đẹp trai (mặt rỗ hoa mè), nhưng lại là người có trái tim Bồ Tát: Bệnh nhân nghèo ông không bao giờ lấy tiền, mà còn “chị lấy chút đỉnh về xe”, nếu bệnh nhân ở xa; hoặc “tôi cho tiền cháu mua cái áo mới”, hay vò đầu đúa bé: “ Sao không đội nón vầy nè? Để BS cho tiền cháu mua cái nón nhen!”! Ông thường nựng, “dỗ ngọt”, cũng như trấn an các bệnh nhân ở tuổi thiếu nhi. Ông lại là người từ tốn khiêm cung với người ăn kẻ ở trong nhà, không phân biệt chủ tớ (như ăn cơm chung mâm), Với người nhà của những người giúp việc mỗi khi đến thăm, ông luôn niềm nở hỏi thăm, và bảo lo chu đáo cái ăn, chỗ ở. Thế mà vị Bổ Tát có một lần nổi nóng: Bữa đó có một bà mẹ trẻ đẹp, khá sang trọng hối hả bồng con mình chạy vào phòng khám. Vừa thấy đừa bé giãy giụa, mặt mày tím ngắt, ông liền tuột nhanh quần em bé ra thì thấy một cọng thun siết chặt “thắng nhỏ” của đứa bé. Ông vội cắt cọng thun, rồi “bốp” một cái nháng lửa vào mặt bà mẹ: “Đàn bà hư! Sao lại làm thế nầy?”. Bà mẹ trẻ lắp bắp: “Dạ…dạ… em sợ nó đái ướt áo em!” (!)

Cũng nên nói thêm, vợ ông cũng là người đàn bà đức hạnh, nhân từ, không chút kiêu căng ngạo mạn như thường gặp ở những “bà bác sĩ” khác!

Sau nầy BS Bửu dời phòng khám lên Sài Gòn, đã để lại không biết bao nhiêu thương mến luyến lưu cho những người đã biết về ông.

Một chuyện thật, khá khôi hài: Có một vị bác sĩ (xin được giấu tên) thích chơi xập xám. Một đêm ông trực ca, nhưng máu … xập xám hối thúc, ông bèn nhờ … tài xế trực thay và bảo nếu có bệnh nhân thì phải tức tốc đến nơi ông “binh” để chở ông về. (Hồi đó chưa có ĐTDD và bệnh nhân ít lắm). Khi về phòng khám thì thấy một bệnh nhân đang ôm bụng, oằn oại kêu la. Ông vội khám và quyết định cho xuống phòng mổ (ruột thừa). Xong ông đi “binh” tiếp! Dọc đường tài xế hỏi: “Sao hồi nãy BS không đặt ống nghe vào tai mà lại để ngay cổ?”. Vị BS ấy hoảng hồn, nói: “Vậy sao? Trở về phòng mổ mau!”. Xe chưa kịp dừng hẳn thì vị BS ấy vừa chạy vào phòng mỗ, vừa hối hả nói: “Khoan mổ!”. Rất may là ca mổ chưa “khai đao”! Vị BS khám lại, rồi phán: “ Ruột thừa, mổ đi!”; đoạn ông bỏ ra ngoài, lau mồ hôi trán, để lại sự ngạc nhiên cùa các chuyên viên! (Mỗ một bệnh nhân phải qua nhiều thủ tục giấy tờ, người viết rút gọn nội dung)

Ngày nay khi con bệnh hay người nhà của con bệnh bức xúc về phẩm hạnh của những người trị bệnh, họ thường liên tưởng đến những thầy thuốc có tấm lòng từ mẫu thực sự nói trên với cả tấm lòng… hoài cổ!

Kha Tiệm Ly


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693306 visitors (2230543 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free