-----™˜-----
Đặt thùng tưới xuống đất, tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là xong. Mấy chục gốc mai trong vườn vừa được tắm mát, chúng hân hoan chìa những chiếc nụ bum búp, be bé ra đón nắng. Đó là niềm hy vọng của ba tôi, giấc mơ làm giàu của ba sắp trở thành hiện thực.
Mấy hôm trước, ba bảo tôi vặt lá mai. Theo dự tính của ba thì đây là thời điểm thích hợp nhất. Hái lá sớm quá, chưa tết, mai đã ra hoa. Còn chậm, tết xong, mai mới từ từ nở thì ... xuân muộn. Chắc hẳn không ai thèm chọn mua những cây mai như thế. Và, ba sẽ bán ế, giấc mộng vàng tan vỡ. Gia đình lại được dịp xào xáo. Ba mẹ thay phiên trách móc nhau. Tết sẽ buồn như ... chết. Vì thế, tôi phải ra tay nghĩa hiệp, giúp ba ép mai nở đúng giờ giấc. Tôi ngắt lia, ngắt lịa, từng chiếc lá thi nhau lìa cành. Chúng bay tản mạn quanh tôi nửa như luyến tiếc nguồn cội, nửa như chế giễu: “Chưa hết đâu, còn phải quét lá nữa, bé ạ!”. Thấy vẻ mặt ủ rũ của tôi, ba an ủi: “ Bao nhiêu lá là bấy nhiêu tiền đó con!”. Tôi chẳng phấn khởi chút nào. Những điều ba nói thường ít có sức thuyết phục đối với mẹ và tôi. Bởi lẽ, kế hoạch nào của ba cũng vĩ đại nhưng thành quả đạt được luôn ... hạn chế. Làm việc gì ba cũng phô trương ầm ĩ nhưng thu hoạch thì lặng lẽ, im lìm.
Sau mấy lần đi buôn chuyến bị lỗ đến cụt vốn, ba chuyển sang nghề trồng cây cảnh. Ông đoán trước một tương lai xán lạn chưa từng thấy. Một vốn, chín mười lời! Theo ba, xã hội ngày càng đổi mới, phát triển. Đời sống nhân dân thoải mái, sung túc nên nhu cầu giải trí cũng được nâng bậc. Ngoài những phương tiện hiện đại như truyền hình màu, cát - xét, xe máy, ... Phong trào chơi hoa kiểng, cây cảnh cũng rầm rộ. Thú vui tao nhã này được rất nhiều người ủng hộ. Từ nhà nghèo đến nhà giàu đều yêu thích. Không có một biệt thự nào vắng bóng cây cảnh trong nội thất. Thiếu màu xanh cây lá như thiếu khí trời và không có cây cảnh, chủ nhân ngôi nhà trở nên kém thẩm mỹ, trình độ văn hóa xem như còn thấp. Người ta đua nhau bỏ tiền ra mua tiếng lịch lãm, tao nhã. Ba tôi lý luận: “Cái gì nhà giàu thích thì chẳng mấy chốc trở nên quí báu và lên giá”. Để minh họa, ba kể rằng:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nhà kia đã nghèo còn đông con. Họ làm lụng quanh năm suốt tháng vẫn không đủ sống. Một hôm, chịu hết nổi cảnh bữa no bữa đói, hai vợ chồng bàn nhau tìm cách tự tử cho rảnh nợ. Họ dắt đàn con vào rừng sâu tìm trái độc. Ở đó, họ bắt gặp một loại trái kỳ lạ, vỏ vàng xanh, ruột màu cam và hột lại đen bóng, mọng nước. Đoán chắc là trái độc, họ chia nhau ăn rồi chờ ... chết. Nhưng, một lúc sau, họ chỉ thấy ... no và còn có cảm giác khỏe khoắn như vừa được tẩm bổ. Hai vợ chồng chợt tỉnh ngộ. Họ thấy chết là ngu ngốc. Quanh họ còn biết bao điều bí ẩn, hay ho trời sinh ra để cho con người hưởng. Chưa chi đã vội đầu hàng hoàn cảnh. Hai vợ chồng liền dắt đàn con ... về nhà. Hằng ngày, họ thay phiên trở vào rừng hái trái cho gia đình đỡ dạ. Nhưng, ăn hoài, họ phát ngán, bèn đem trái ra chợ bán. Lúc đầu, người nghèo mua ăn vì giá rẻ. Số tiền bán trái rừng vừa đủ để đổi gạo sống qua ngày nên hai vợ chồng gọi nó là Đu Đủ. Lâu dần, những người giàu cũng “thèm trái lạ”. Từ khi họ bắt đầu để ý tới đu đủ thì nó trở thành mặt hàng cao cấp, quí báu và giá bán tăng gấp mấy lần. Ba tôi kết luận: “Cây cảnh cũng thế. Loại nào, cây nào nhà giàu để ý có thể bán một hai chỉ vàng như không. Đây là cách làm ăn hợp thời, vừa mau phát đạt vừa được xem là nghệ nhân”.
Để thực hiện ý định, ông vào rừng truy tìm cây quí. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, ba đã ra đi và đến mặt trời chếch bóng, ông mới quay về. Cái sọt cột sau poọc - ba - ga đầy nhóc cây là cây. Khi thì mai già, lúc lại toàn bồ đề con hay cây xanh. Ba giải thích, loại này quí lắm, chỉ cần nhìn mấy cái gốc, nó ngoằn ngòe cong queo tựa như những chú rắn bé tí cuộn vào nhau dưới vòm lá xanh um. Những nhánh bằng thăng nho nhỏ trông hao hao mấy cụm mây màu lục trôi là đà trên mặt đất.
Tôi thắc mắc:
- Sao chỉ toàn là lá, chẳng có hoa làm sao đẹp?
Ba nạt ngang:
- Đâu phải cứ phải hồng, đỏ, tím, vàng mới đẹp. Màu xanh là màu ... hy vọng. Con nít mà biết gì?
Thấy sắp có “chiến tranh”, mẹ vội kéo tôi vào nhà, để ba mặc tình trồng trọt, tỉa tót.
Chỉ trong vòng mấy tháng, khoảng sân nhỏ nhà tôi rợn ngợp màu xanh cây cảnh. Chỗ này toàn mai, chỗ kia cau kiểng, chỗ nọ bồ đề. Ba tôi chỉ chừa một lối đi hẹp ơi là hẹp. Vậy mà ông vẫn chưa hài lòng, cứ tiếp tục vào rừng. Mẹ tôi thường rầu rĩ than thở:
- Ôi, chắc ba con định lập một khu rừng tại trung tâm thị xã đây mà!
Nhưng, chiều nọ, ba tôi trở về với dáng vẻ “thân tàn ma dại”, mặt mày hốc hác, kinh hoảng như vừa gặp yêu quái trong rừng. Cái sọt trên poọc - ba - ga biến mất. Cả cây cuốc và dao phay cũng chẳng thấy. Sau một hồi thở dốc, lấy lại bình tĩnh, ba thều thào:
- Đúng là đồ ... ăn cướp mà!
Mẹ tôi hết hồn, kêu lên:
- Trời, ông gặp cướp à?
Ba khua tay, múa chân:
- Bà coi, cây mai đó là của tôi. Tôi đã “xí phần” lâu rồi. Tôi làm một cái rào để bảo vệ nó. Vậy mà sáng nay có mấy thằng ôn hoàng tới đào.
Mẹ tôi nổi nóng:
- Sao ông không đòi lại?
- Đòi chứ sao không? Tôi đâu có sợ tụi nó.
- Rồi sao? Mẹ tôi hỏi.
Ba tiu nghỉu:
- Tụi nó không trả còn vây đánh tôi. May là tôi ... có võ, không thì làm sao chạy thoát về đây.
Trong lúc tôi che miệng cười khúc khích thì mẹ tôi ấm ức:
- Tức chết đi được. Còn cái sọt đâu?
- Tôi bỏ luôn rồi. Tụi nó tới bốn thằng. Vả lại cái cuốc của tụi nó dài và bén lắm. May là chiếc xe đạp gởi ngoài bìa rừng...
Ba lí luận:
- Bà với con phải biết “ Mãnh hổ nan địch quần hồ”.
Từ đó, ba tôi không vào rừng nữa mà bắt đầu giai đoạn tỉa tót, uốn nắn. Ba mua hàng kí lô dây chì để tạo dáng cho cây cảnh. Ông quấn quanh thân cây, bắt nó ưỡn ẹo đủ cách. Cây vươn cao, cây khom khom, lùn xuống, trông chúng co rúm thấy mà tội nghiệp. Thoạt nhìn như những tên tử tội bị trói, chờ giờ xử trãm. Mấy gốc bồ đề được ươm trồng trong những cái chậu tuyệt đẹp nhưng phải kèm cặp, chống chỏi đủ thứ vì hai phần ba rễ khoe mình trên mặt chậu, phần còn lại chỉ cắm hờ hững xuống lớp đất. Đau khổ nhất là mấy chục cây mai. Chẳng biết ai bày cách mà ba chặt ngang thân chúng. Ba cho rằng làm như vậy mai sẽ đẹp hơn. Khi mọc nhành mới, cành lá sẽ xum xuê. Tất nhiên hoa sẽ nhiều. Nhưng lúc bấy giờ, nhìn chúng, tôi muốn khóc, tưởng mình đang đứng giữa một nơi hoang phế, chết chóc với hàng mai cụt ngọn.
Chưa hết, ba tôi còn bỏ ra hai chỉ vàng để mua về mấy cây si già cỗi. Ông chọn chỗ tốt gần nhà để dễ trông chừng. Nhưng, cây chưa kịp bén rễ thì “không cánh mà bay”. Sau một đêm mưa dông, sáng, ra vườn, ba kinh hoảng gào lên “Trời ơi là trời”. Tôi và mẹ chạy tới cũng hoảng hồn vì chẳng thấy mấy cây si. Tại đó, còn lại những cái lỗ sâu hóm, lưng lững nước. Chưa bao giờ tôi thấy ba đau khổ như vậy. Ông không ăn, không ngủ mà chỉ ... nhậu và nhậu. Ông say lúy túy. Hết chưởi đời đến chưởi trời, chưởi đất. Ông tự làm khổ mình cho đến khi ... ngã bệnh. Đã vậy, năm đó, tết đến, mấy cây mai cụt ngọn không chịu ra nhánh nhanh chóng. Chúng hưỡn đãi nhú vài ba cụm lá non xèo. Báo hại ba tôi thêm chán nản. Ông ủ rũ suốt ngày như cây nhớ rừng, xơ xác.
Mẹ và tôi yêu ba lắm. Vì thế, cả hai âm thầm góp sức chuyển biến khu vườn này. Mẹ về ngoại xin mấy chậu Thiên Tuế. Tôi học hỏi các bạn cách trồng hoa hồng, hoa cúc, mãn đình hồng, ... rồi ươm cây vào chỗ trồng cây si dạo nọ. Mấy chục gốc mai dường như thấu hiểu lòng tôi cũng vội vàng đâm chồi nẫy lộc, cành lá xum xuê, báo trước một mùa xuân tươi đẹp. Cây cối trong vườn thi nhau xanh tốt, nhẫy nhượt. Ngoài việc chăm bón, tôi còn bảo vệ cây trồng bằng cách treo trước cổng một cái bảng to tổ bố với hàng chữ: “ Coi chừng chó dữ và điện 220”. Kết quả, mùa đông sắp tàn, xuân sắp đến, toàn bộ cây cảnh không bị tên trộm nào để ý. Có lẽ những mặt hàng này chỉ thông dụng nhưng không quí lắm. Dù sao, nó cũng giúp tôi nuôi dưỡng niềm tin. Tôi chẳng có tham vọng làm giàu mà mơ ước được sống hạnh phúc với ba mẹ trong mái ấm gia đình.
- Cô bé ... ơi cô bé!
Giật nẫy mình, nhìn ra cổng, tôi trông thấy hai người lạ ăn mặc sang trọng, một già, một trẻ đến bên rào. Tôi lễ phép hỏi:
- Dạ thưa, hai ông định tìm ai?
- Có phải đây là vườn hoa kiểng của ông Hai Phi không cô?
- Dạ phải! Tôi đáp.
- Tôi là người quen cũ của ông Hai, muốn gặp để hỏi mua ít cây cảnh. Người đàn ông lớn tuổi bảo.
Tôi mừng quýnh:
- Dạ, mời hai ông vào.
Người đàn ông còn trẻ trêu chọc:
- Không mở cổng làm sao vào, cô bé?
- Dạ, xin lỗi, tại mừng quá nên cháu quên.
Gã con trai nói với người cùng đi:
- Chú thấy chưa, người ta chờ mình từ lâu lắm.
Tôi nguýt dài và nghĩ thầm: “Người đâu mà nhiều chuyện thấy bắt ghét”. Tôi liền hù:
- Coi chừng chó dữ đó, ông kia.
Hắn quay lại cười, nhe hàm răng trắng như ... răng chó!
- Hổng dám sợ đâu mà hù. Làm như người ta là con nít không bằng.
- Chó dữ thiệt đó, coi chừng ...
Hắn lại cười:
- Người dữ thì có!
Tôi đỏ mặt, định cãi thì người đàn ông cao tuổi lên tiếng:
- Trà, không được trêu chọc người ta.
Trà làm bộ le lưỡi rồi tủm tỉm cười, thấy phát ghét. Mời hai chú cháu vào nhà gặp ba, tôi trở ra vườn ngồi chống càm bên hàng cúc đại đóa, lòng bổng dưng buồn bã khác thường. Rồi đây những hàng cây, những đóa hoa đẹp sẽ rời bỏ nơi này về nhà khác. Chúng góp phần trang trí, tô điểm mùa xuân của một chỗ nào, không phải nhà tôi. Rồi đây, khi nhà nhà rực rỡ, lộng lẫy để đón giao thừa thì nơi này sẽ chỉ còn trơ khoảng sân cằn cỗi, bạc màu. Thảng hoặc sót lại vài loại cây hay hoa kém hương sắc. Cuối cùng, nỗi buồn cũng thấp thoáng quanh tôi.
- Người đẹp hay hoa đẹp?
Tôi giật mình quay lại. Gã “nhiều chuyện” lại làm tôi bức mình.
- Vô duyên!
Tự động ngồi xuống bên tôi, gã ... bắt đầu nhiều chuyện:
- Hình như trên trán tôi có hai chữ “vô duyên” thì phải?
- Vô ... duyên! Tôi buột miệng.
Trà bật cười:
- Thấy chưa? Lại vô duyên. Có lẽ hai đứa mình “vô duyên nên đối diện cứ ... cãi liền”.
Tôi che miệng cười khúc khích. Tưởng tôi hài lòng, Trà liền tấn công:
- Bé cười, tôi mừng như chết đi được sống lại.
- Xạo.
- Hai đứa mình hợp nhau lắm chứ bộ. Cùng xạo có cỡ. Nhà không có nuôi chó mà dám treo bảng hù dọa.
Trà bước đến bên rào, ngắt một cọng dây tơ hồng đưa ra trước mắt tôi:
- Bé nè, dây điện 220 đây phải không?
- Ừ đó, rồi sao?
- Tốt, sẽ có người trèo rào vào hái trộm hoa.
Trời! Liệu gã này có phải là kẻ gian không đây. Tôi liền đề cao cảnh giác. Chỉ vào cây cuốc đặt gần đó, tôi thản nhiên bảo:
- Thử xem rồi sẽ biết.
- Hãy đợi đấy, cô bé!
Đêm nào tôi cũng thức rình đến khuya lơ khuya lắc. Không có ai lẽn vào vườn. Ngày Tết càng gần, cây cảnh trong vườn càng xanh tốt, ngào ngạt hương thơm, tôi càng lo lắng, sợ kẻ gian cướp mất công lao động khó nhọc bao ngày và mang theo cả niềm hy vọng của ba. Bây giờ, tôi lại mong bán được cây càng sớm càng tốt.
Không uổng công chờ đợi, số mai trong vườn được người săn cây cảnh và cả những người yêu hoa thật sự tới mua gần hết. Các loại hoa cũng đem lại lợi nhuận đến cho gia đình tôi khá cao. Đúng lúc ấy, Trà và chú anh quay lại. Người đàn ông cao tuổi chọn mua mấy chậu thiên tuế. Còn Trà, anh ra vườn, sau một hồi ngắm nhìn, Trà chọn cả chục chậu hồng với giá một trăm ngàn đồng. Trao tiền cho tôi xong, trước khi ra về, Trà dặn dò:
- Giữ giùm tôi nghe, cô bé. Hôm sau tôi cho người tới chở.
Những đóa hồng nở rộ, tươi vui. Ong bướm dập dìu trong vườn hoa. Ai đi ngang cũng trầm trồ, khen ngợi. Vậy mà Trà đâu chẳng thấy. Anh đã trễ hẹn hai ngày. Ba mươi tết rồi còn gì nữa. Mặt trời chếch bóng đằng Tây. Đêm sắp về. Giao thừa gần kề. Không lẽ anh quên mấy chậu hoa ở đây. Thấy tôi nóng ruột, đi ra đi vào, ngồi đứng không yên, ba tôi bảo:
- Ối, hơi đâu con lo. Họ là người quen cũ của ba. Hai chú cháu giàu lắm. Một trăm ngàn đối với họ có đáng là bao.
Mẹ tôi cũng an ủi:
- Ừ, kệ nó. Ai biểu mua mà không nhớ, ráng chịu. Đâu phải lỗi tại mình.
Tôi thở dài:
- Dù biết thế nhưng con vẫn thấy không ổn đâu ba mẹ. Chẳng lẽ tốn tiền mà không mua được gì. Làm sao đây ba?
Ba nổi nóng:
- Ai mà biết. Khi không họ đem tiền tới đây chớ ba có ép buộc gì đâu!
Bỗng nhiên mẹ tôi tròn mắt, đưa một ngón tay lên môi:
- Mẹ nghi quá! Hay là thằng này ... khùng!
Tôi bật cười nhưng sau đó cảm thấy mẹ nhận xét có phần hơi tàn nhẫn. Xem ra, Trà cũng ... dễ thương chứ bộ.
- Không phải vậy đâu, ảnh khôn thí mồ!
- Vậy con ở đó đoán già, đoán non một mình đi. Để mẹ lo nấu nướng, rước ông bà.
Thời gian như ngừng lại trước thềm năm mới. Đêm trừ tịch len lỏi vào khu vườn tĩnh mịch của tôi. Mùi khói nhang từ trong nhà lan tỏa, quyện lẫn hương hoa ngọt lựng, thanh thoát. Tôi bồi hồi đón giao thừa và chờ đợi những điều mới lạ đến với mình, dù vui hay buồn.
- Chào cô bé! Chúc cô bé một năm vui vẻ, hạnh phúc.
Trà đã đến, tuy có hơi muộn nhưng dù sao cũng còn kịp nhận hoa, không phải chờ sang năm mới, tôi mừng quýnh, reo to:
- Anh Trà! Tới nhận hoa phải không?
Trà mỉm cười vui vẻ:
- Không, anh tới để chúc tết hai bác và tặng hoa cho bé.
- Tặng hoa cho em! Hoa gì?
Trà chỉ những chậu hoa hồng:
- Tất cả những chậu hoa này, anh xin tặng cho bé.
Quá sức tưởng tượng của tôi. Cả chục chậu hồng, lẽ nào anh ... khùng thật. Tôi cảm thấy bứt rứt không yên:
- Mua hoa để tặng người bán hoa à? Em không dám nhận đâu!
- Sao vậy?
- Như thế chẳng khác nào khi không mà nhận tiền người lạ.
Trà đưa hai tay lên trời như cầu cứu:
- Trời ơi là trời! Còn khách khí nữa, rõ khổ! Mình có phải là người lạ đâu. Chú anh quen ba em thì hai đứa cũng ... quen luôn.
Trà bỏ hai tay vào túi quần, đi tới đi lui một hồi rồi ngừng lại, nghiêm chỉnh hỏi:
- Bây giờ chịu nhận chưa?
Tôi thản nhiên:
- Chưa.
Trà phì cười, anh cú nhẹ vào đầu tôi một cái:
- Ngu quá! Thôi thì cho anh gởi lại đây, qua tết anh mang đi.
Tôi thắc mắc:
- Qua tết còn mang đi tặng ai được nữa?
- Chờ rằm tháng giêng, anh đem vào chùa để cầu ... duyên. Còn em, nếu em không thích hoa thì anh sẽ tặng “quả” vậy.
Trà đứng thẳng người, tay phải đưa lên ngực, giọng trang nghiêm như đang tuyên thệ:
- Anh xin tặng “quả tim” của anh cho em. Chịu chưa?
Vừa thích thú vừa thẹn thùng, chẳng biết làm sao, tôi nguýt Trà một cái rồi bỏ chạy vào nhà. Trà và tiếng cười đuổi theo.
Tôi bắt gặp ba mẹ đứng bên hiên tự lúc nào. Cả hai nhìn chúng tôi rồi bảo nhau:
- Mùa xuân thật tuyệt vời!
Nguyễn Thị Mây.
|