.
  Câu chuyện của Mẹ tôi
 
5/6/2014
 

Đêm hôm ấy, tôi đã lẻn về quê thăm được Mẹ.

          Gặp Mẹ lần nầy, tôi trông thấy người càng già uá và cằn cỗi thêm nên lòng tôi đau xót dạ. Gặp được tôi thì người cũng mừng vui ra mặt. Biểu hiện rõ nét là vẫn với nụ cười quen thuộc của ngày nào, nhưng sao, tôi vẫn thấy trên gương mặt quen thuộc ấy cứ mãi tăng thêm nhiều nếp khô khan, nhăn nhíu. Nụ cười của người thật dịu dàng nhưng không dấu được nỗi lo âu nào đó trong lòng nên phải lên tiếng thố lộ:

          -“Gặp được con thì Mẹ mừng vui thật dạ, nhưng sao trong lòng nầy mang nặng nhiều nỗi lo.”

          Lòng tôi cũng ngạc nhiên nhiều chẳng kém nên thắc mắc:

          -“Có việc gì đã xãy ra để khiến Mẹ phải lo âu trong lòng nhiều đến thế?”

          Mẹ tỏ vẻ chần chừ chẳng muốn nói ra, nhưng tôi lại cố tình gạn hỏi, người cũng phải buông tiếng thở dài:

          -“Thật tình là Mẹ không muốn nói ra cho con biết. Nhưng nếu giữ kín mãi trong lòng thì chỉ ngại có ngày Mẹ sẽ mất cả con. Mẹ nghe các anh lớn nơi nầy đã có ý ngăn cấm con trở về thăm nhà nếu không đăng ký lại tên trong hộ khẩu gia đình…”

          Tôi phải bật cười lên tiếng trấn an:

          “Tưởng là điều gì khác, chớ còn chuyện nầy thì con cũng đã rõ. Mẹ chớ quá lo, bởi chuyện nầy thì hãy còn nhiều thời gian để cho các anh ấy, hay cho con suy nghĩ lại.”

          Sau khi nghe tôi giãi bày, chẳng rõ Mẹ có an lòng được phút giây nào chăng. Nhưng Mẹ ơi! người có biết cho rằng, cũng chính sự việc nầy đã khiến lòng con cũng phải hứng chịu những đêm dài không an giấc. Khi tin nầy được nghe đến tai,lòng con cứ phải nhớ lại khoãng thời gian của những ngày xa xưa ấy…

 

Cho dầu khi đấy phải mang tiếng là người thua cuộc, kẻ hèn nhác đã bỏ trốn… Việc đó chỉ có các anh mới biết rõ lòng dạ của chính mình. Ngày đó, biết tôi cũng sẽ ra đi tìm vật đánh mất, thì chỉ có Mẹ buồn rũ lòng chớ các anh trong nhà ấy thì không. Có anh đã tỏ lời nhân từ nhắn nhủ:

          -“Chú mầy đã quyết định như thế thì anh đây cũng chẳng có ý chi ngăn cản lại. Nhưng anh cũng nhắc cho chú mầy rõ, rằng sẽ không được mang theo bất cứ vật dụng gì từ trong căn nhà nầy.”

          Có người thì đã không dấu được niềm sướng vui trong lòng:

          -“Đi đâu thì chóng đi cho khuất mắt ta. Mi có ‘cút’ khỏi nơi nầy thì tớ mới có danh chính ngôn thuận mà ‘xí’ được cái nầy của mi chứ.”

Cũng có kẻ thì lại không tiếc lời nguyền rũa gởi kèm theo:

          -“Mầy ra đi thử xem có đủ làm mồi nạp cho lũ cá mập ngoài khơi ấy hay không.”

          Rồi mọi việc sau đó đều đã diễn ra đúng như ý của các anh và tôi đã mong đợi. Các anh đã tóm thu được những thứ gì mong muốn; còn tôi thì đã không được mang theo những gì ngoại trừ khối óc với con tim. Và mai mắn thay, tôi đã được Phật Trời phù hộ để không phải bỏ xác lại trên đại dương như lời ai kia nguyền rũa.

          Thế nhưng cũng từ ngày đó, tôi phải cài thêm vào người những cái tên khác: kẻ không nhà, người không quê hương.

          Gần bốn mươi năm sau, từ trong nội tỉnh ra tận ngoại thành, các anh đã và đang tận hưởng được tất cả những sự giàu sang, sung sướng trong những biệt thự tráng lệ, huy nga, sau những bức tường cao, rào cản là đàn chó săn bên trong ngăn chận lũ trẻ nghèo ăn xin từ ngoài tìm đến.

          Lòng Mẹ xót đau thấu tận cả tim gan, nên người vẫn phải tìm vào trú ngụ trong ngôi nhà tranh, vách lá , để mỗi ngày lại phải quầy gánh nặng trên đôi vai già, tão tần nuôi đàn con cháu nghèo khổ, mồ côi không nơi nương tựa.

 

          Thấy tôi lại đang mơ màng nên Mẹ lên tiếng hỏi:

          -“Thế thì…Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Con sẽ quyết định như thế nào cho mình?”

          Vẫn biết là Mẹ rõ lòng của tôi hơn ai, thế nhưng tôi phải lên tiếng trấn an người:

          -“Dẫu mai kia, chuyện có xãy ra có thay đổi thế nào, nhưng con vẫn hứa sẽ về quê thăm Mẹ. Con cũng có thể về thăm được Mẹ như đêm nay chẳng hạn.”

 

          ….

 

Đêm qua, tôi lại lẻn về quê thăm Mẹ như đã hứa.

Gặp lại Mẹ đêm nay, tôi vẫn thấy người già uá, cằn cỗi, nên dạ lại đau xót lòng. Gặp được tôi thì người cũng mừng vui rõ nét bằng nụ cười quen thuộc của ngày nào, với nhiều nếp khô khan, nhăn nhíu. Mẹ cũng không dấu được nỗi lo âu trong lòng, nên người lại lên tiếng thố lộ với tôi:

-“Gặp được con thì dạ thật vui, nhưng sao lòng Mẹ vẫn mang nặng nỗi lo.”

Tuy đã biết những chuyện gì đang xãy ra để khiến người phải mang nặng nỗi lo trong lòng, nhưng tôi vẫn cố lên tiếng trấn an:

-“Chẳng có chuỳện chi hệ trọng đâu mẹ. Anh em trong nhà của mình như trước kia, thỉnh thoãng thì vẫn còn có chuyện hiềm khích để mà đấm đá với nhau. Chớ còn bà con láng giềng quanh đây, thì đôi khi cũng phải có chút chuyện xích mích với nhau chứ.”

-“Nói như thế có nghĩa là con chưa biết được những gì đang xãy ra nơi nầy cả?”

Sợ Mẹ buồn, tôi phải đính chính ngay:

-“Dạ. Tuy chúng con ở ngoại thành, nhưng tất cả cũng đều đã rõ.”

Mẹ nhanh tiếng hỏi ngay:

-“Thế thì… anh nhỏ của nhà mình đã có suy tính ra sao?”

-“Thưa Mẹ, tuy là mối hiềm khích khi xưa của các anh vẫn chưa phai trong lòng, nhưng con nghĩ cũng phải có lúc tạm quên để cùng giãi quyết việc nhà chung với nhau.”

Tôi thấy đôi mắt Mẹ chợt sáng lên.

-“Anh em thì phải như thế mới không phụ công lao dạy dỗ của ông bà, cha mẹ.”

Tôi chẳng biết là Mẹ đã có chút vui trong lòng nào chăng, nhưng vẫn lắng nghe người kể tiếp:

-“Đêm hôm đó, anh lớn của con lại bầm dập mặt mài bước vào nhà. Mẹ hỏi thăm sự việc gì đã xãy ra? Anh ấy cũng chẳng nhả lời gì ra mà cứ đi thẳng vào phòng tắm soi gương. Mẹ nghe trong đấy, tiếng anh ấy cứ lẩm bẩm mãi câu: “Môi hở! Răng lạnh!”

Chợt nhớ đến câu nói quen thuộc nầy của các anh ngày trước, nên tôi lại nhanh miệng giãi thích:

-“Anh ấy nói như thế có nghĩa là…sẽ không có chuyện gì quan trọng xãy ra đâu, xin Mẹ chớ quá lo âu. Làm láng giềng với nhau thì cũng như là môi với răng. Gặp phải tiết trời đông giá, nếu môi bị hở thì răng sẽ bị lạnh đấy mà.”

Biết là tôi cố tình tìm cách giãi thích để trấn an, nhưng lần nầy thì Mẹ cũng không tỏ ý giận hờn gì, trái lại, người còn nở miệng mình ra cười mà nói với tôi:

-“Nầy! Anh kia hãy nhìn cho kỹ hàm răng nầy của Mẹ đi. Mẹ thì nay cũng chỉ còn chừng ấy chiếc xót lại để mà nhai cơm thôi. Môi nầy thì cũng đã nhăn nhíu đến độ nầy, thì có còn đáng chi mà che chở cho đôi răng kia chứ?”

Trông được nụ cười của người lòng tôi cũng vui lây trong giây phút.

 

Mẹ Việt Nam ơi! Nơi nầy, ngoài kia tiết trời đang vào hạ, nhưng sao trong con, đêm thu nơi kia vẫn cứ mãi tìm về.

 

 

Viết tại Cali, ngày 14 tháng 04 năm 2014,

TL12
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641400 visitors (2135358 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free