.
  Oan ơi, cái túi ny long
 
10/8/2014



Vào cái thời mà cả nhân loại đang báo động đỏ về môi trường sống với bao mối nguy cơ nào là: Chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, cái ăn cái uống là nguồn dinh dưỡng là nhu cầu thiết yếu để nuôi sống nhân loại mà cũng chính đó là cửa ngỏ để bao thứ độc hại len lõi vào cơ thể, tiến bộ khoa học càng cao thì sự ứng dụng vào chế biến thực phẩm càng phức tạp, song song với các nghiên cứu về tác nhân của các hóa chất đối với sức khỏe con người; và rồi qua đó thế giới cũng rộ lên với rất nhiều phát hiện động trời: bao nhiêu thứ hóa chất độc hại được sử dụng làm phụ gia, những phát hiện ghê rợn về việc sử dụng nguyên liệu ôi thiu biến chất trong chế biến thực phẩm một cách vô tội vạ vì mục đích cho đẹp, cho ngon và cho có lời; tạo cho nhân loại có cảm giác không an toàn: bất lực trong kiểm soát, mù mờ trong nhận diện, đối mặt với sự hám lợi của nhưng người sản xuất thiếu hiểu biết và thiếu lương tâm. Riêng ở nước ta đáng sợ nhất chính là sự kém hiểu biết mà vô tình trở thành độc ác của người làm ra sản phẩm nguy hiểm cho người tiêu dùng, đang hiện diện khắp nơi trong cộng đồng xã hội. Tôi nhớ câu chuyện vui rất thâm thúy mà vị Bộ trưởng từng được bình chọn là nhân vật tiêu biểu nhất năm 2006, đã tham gia các cuộc đàm phán quốc tế cam go để Việt Nam là thành viên của tổ chức WTO. Lúc mà Hà Nội đang rộ thông tin bánh phở có formol nhưng ông vẫn chiêu đải nhóm khách miền Nam ở một hiệu phở danh tiếng ở Hà thành, Ông nói vui: dẫu có không an tâm nhưng không tránh được nên chúng mình phải vẫn ăn phở và dùng thức ăn thức uống chế biến sẵn; cả xã hội đang cùng tham gia, nên các bạn cứ nghĩ mình cũng có đóng góp vào một công trình khoa học tầm cở tương lai, vì chắc chắn vài trăm năm sau, Việt Nam sẽ được thế giới công nhận công trình khoa học độc đáo về xác ướp, vì bây giờ chúng ta đang ướp xác ngay khi còn sống. Một thái độ sống dù biết mà bất lực, mà cam chịu, tôi luôn có cảm giác đó về an tòan vệ sinh thực phẩm.

Còn chuyện vệ sinh môi trường, chuyện tình hình biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng lên làm băng tan chảy, chuyện những dòng sông chết vì nhiễm độc, chuyện các cánh rừng dần dần biến mất, chuyện bầu khí quyển ô nhiễm với bao nhiêu thứ khói bụi công nghiệp, rác thải mà lá phổi của con người phải trường kỳ kháng chiến trong thế thủ suốt thời gian hiện hữu của cuộc sống được gọi là tuổi thọ.

 

Người ta có các động thái phản ứng để bảo vệ nhân loại với nhiều phong trào, nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch: nói không với túi nylong là loại bao bì thông dụng hàng đầu hiện nay, đó là các loại túi nhựa đủ loại đủ cở từ cao cấp đến cực rẻ đang trở thành một loại vật dụng đa năng gọn nhẹ, sạch, bền, là thứ được tái chế quay vòng nhiều nhất và tiện dụng nhất không ai có thể phủ nhận, nhưng gần đây thông báo khoa học cho rằng túi nhựa không tự họai, là rác tồn tại dai dẵng đến hàng trăm năm, nên đang là vấn nạn của môi trường, trở thành tội phạm bị người ta lên án. Một số hành động hưởng ứng được xem là tích cực của một số siêu thị nhằm hạn chế sử dụng túi ny long là: bán một lọai giỏ to cũng bằng nhựa tự hoại để người mua đựng hàng thay vì bình thường phải tặng các túi ny long chứa hàng cho khách ( trong khi bên trong giỏ vẫn phải có nhiều lắm túi ny long nhỏ bảo quản từng món hàng hóa). Tôi ngẫm nghĩ và chợt buồn chuyện luận công và kết tội. Cái túi nylong nhỏ xíu vô tri vô giác mà lại tuyên chiến với nó thì e không đúng đối thủ, bởi nó không tự sinh ra, nó cũng không thể tự có mặt để thành rác vương vãi gây hại cho môi trường, đáng ra phải tuyên chiến với người đã sử dụng nó mà bỏ bậy nó; vậy nên theo tôi phải là: nói không với hành vi bỏ bậy túi ny long.

 Cứ nhớ chuyện hồi 50 năm trước mẹ tôi phải chịu khó mang theo gà mên khi đi chợ để mua cho chị em chúng tôi những món ăn loãng, chị em tôi mừng mẹ đi chợ về như thú vui, thi với nhau đoán xem hôm nay mẹ mua gì: nào xôi, khoai, chuối, đủ thứ bánh, các lọai chè mà món chè đậu trắng chan nước cốt dừa sống là món ăn yêu thích nhất của chị em tôi, mẹ thường thưởng khi chúng tôi ngoan, học giỏi…mà khi lớn lên trở thành nhu cầu tình cảm làm tôi nhớ da diết những lúc xa nhà. Nhớ có lần mẹ hứa sẽ thưởng chè vì cả 3 chị em đều mang về bảng danh dự của tháng, hôm đó mẹ về bằng xe lôi, chuyện hiếm vì mẹ rất tiết kiệm thường xách bộ, thì ra mẹ quên mang gà mên nên hai tay bưng hai túm lá sen đựng món chè đậu trắng, mẹ nói không thể mua nhiều hơn vì không thể cùng lúc cầm được nhiều hơn hai tay, chị em tôi tíu tít chuyển đồ đạc từ xe xuống, tôi được mẹ chuyển cho hai túm chè dặn cẩn thận, nhưng tôi vụng về khi để hai túm chè xuống bàn thì một bị nghiêng đổ, một phần chè còn trên bàn mẹ hốt lại nhưng nước dừa thì chảy hết trơn, mặc dù mẹ đã phân đều các phần cho các con với lời an ủi hôm nào mẹ sẽ bù cho, tôi ăn chè trong tâm trạng người có lỗi nên không ngon. Tôi tò mò mở và làm lại lá sen xếp đôi túm phần rìa lá theo kiểu tai bèo rồi ghim bằng một que tre, cái túm khá đẹp mẹ khen tôi khéo tay, khi ấy trong suy nghĩ của đứa bé 8 tuổi đã ước: phải chi có cái gì không thấm nước mà gọn nhẹ an tòan hơn để chè không đổ. Rồi cái túi nylong  xuất hiện, các bọc chè của chị em tôi gọn gàng sẵn phần không phải chia, kể cả cái thú gặm bọc chè rất thích mà không phải rửa chén; tôi chưa biết cụ thể khi nào và ai là nhà phát minh ra chất liệu đa năng gọn nhẹ, lại rất rẻ tiền, vô cùng tiện dụng, cho nên cái túi nylong trở thành bình thường đến tầm thường, nhưng tôi xem đó là người ơn của nhân loại, giúp người ta giữ sạch nhiều thứ từ chất rắn đến chất lõng ở mọi kích cở, mọi không gian thời gian, thậm chí để xử lý ngăn mùi, ô nhiễm trong những trường hợp thối rửa; đều có thể nhờ nó; tôi nghĩ nếu không có bọc ny long thì cái giỏ đi chợ hàng ngày của các bà nội trợ sẽ như mẹ tôi 50 năm trước, còn trong các ngăn tủ lạnh, làm sao ngăn mùi cá, thịt, trái cây lẫn lộn mà tiết kiệm diện tích nhất như các túi nylong….Thử mà hình dung một ngày không có túi ny long ở chợ hay ở nhà khi mà chất liệu giấy và lá tươi trước kia không thể đảm đương?!

 

Còn công năng riêng của túi ny long mà tôi rất thích là giải quyết rác vương vãi: một hôm nhóm bạn bè tôi cùng đi công viên và không thể thiếu thú vui ăn quà vặt, khi mua hạt sen, đậu phọng do thói quen, tôi nói với người bán xin thêm một túi không để đựng vỏ, nhỏ Vân nói: sao mà lẩm cẩm như bà già, cứ như bồ công nhân vệ sinh thất nghiệp hết rồi.

 

 

Tôi nói vui: Cái túi nhựa không nầy tuy nhỏ xíu nhưng nó giúp người ta thể hiện nhân cách, là văn hóa, là phương tiện bảo đảm vệ sinh công cộng gọn gàng lắm đó nghen.

 

 Bạn tôi cười: Thôi thôi chuyện vệ sinh  công cộng là chuyện cổ tích giữa đời thường, ai cũng vậy mà, bộ định làm người dị thường hay sao, một mình bồ giữ nỗi cho cả cái công viên nầy hông?  chuyện nhỏ như con thỏ mà  quan trọng thành nhân cách, là văn hóa, đúng là cô giáo.

 

Vừa lúc cả nhóm đi ngang một băng đá có một cặp tình nhân đang vung vãi vỏ chôm chôm chung quanh chỗ họ ngồi;và chính Vân bị ném trúng vào người, nó bực mình nhưng thấy không tiện cự nự, vì họ ngồi xoay lưng và ném ngược. Nó vừa đi vừa càu nhàu: cái đồ vô giáo dục.

 

 

Chúng tôi tìm đến quán nước mía, cả bọn vui vẻ tán chuyện ăn quà, không để ý nhưng các bạn tôi đều bỏ vỏ vào cái túi không tôi bày ra bàn. Vân như còn bực mình nên giơ cái túi đầy vỏ hạt sen đậu phọng nói: bây giờ mới thấy cái túi của bà già lẩm cẩm nầy cũng có giá trị sử dụng, duyệt! tôi bèn vui: Má tao dạy mà sao không có lý được. Khi tính tiền, nhìn túi rác được buộc gọn gàng, tôi định xách đi tìm thùng rác, anh chủ quán nói: mấy cô để đó tui dẹp luôn, phải chi ai cũng được như mấy cô thì đở cực cho tụi tui biết bao nhiêu. Khi đi ra ngang xe nước mía, thấy cái bao nylong to để chứa xác mía ép gọn gàng chứ không thẩy bừa xuống đất quến ruồi như thường gặp; tôi chỉ và nói với các bạn: ông nầy biết giữ vệ sinh, mai mốt mình tới đây uống nữa héng. Bấy giờ  nhỏ Vân  ôm vai tôi nói: chuyện cho thêm cái túi nhựa không vào các bọc thức ăn sinh  rác của bồ đúng là chuyện nhỏ mà không nhỏ.

 

 

 Vậy đó, đáng lẻ phải đặt vấn đề là người sử dụng túi nylong khi tận dụng công năng của nó xong phải bỏ nó ở đâu để không thành rác vương vải, có nghĩa là tìm ra cách thức để hạn chế tác hại, biết tận dụng công năng hiệu quả đa dụng của nó, tôi thấy thật là oan ức khi kết tội và tẩy chay nó!?

 

Có lẽ rồi đây các nhà khoa học sẽ tìm ra một chất liệu nào đó để thay thế tốt hơn, hay là cách xử lý nylong hiệu quả hơn cho việc bảo vệ môi trường.

Nhưng dù cho là chất liệu nào thì chính ý thức trách nhiệm của mọi người biết tự bảo vệ mình, biết sử dụng đúng, biết ngăn chận tác hại mới là quyết định nhất và cụ thể nhất để bảo vệ cộng đồng cho nên việc cần làm ngay trong lúc nầy là gây ý thức tự giác tạo thành thói quen cho mỗi người là biết bỏ rác đúng chỗ thì sẽ không có rác vương vải như vậy cái túi ny long vô tri mà hữu dụng sẽ không bị lang thang, bị kết tội oan ức phủ phàng,bị nói không với nó mà phải là: nói không với hành vi bỏ bậy túi ny long.

   CA GIAO.

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638925 visitors (2128744 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free