.
  Ân tình thiên thu
 
16/3/2014



 

Tôi còn nhớ lần đầu tiên được quen biết anh trong buổi họp mặt Tất Niên năm 2000, tổ chức tại nhà
anh bên Quận 9 để mừng đón Thầy Hà Văn Thân ở Pháp về thăm quê hương.

Thoạt nhìn tôi cứ ngỡ anh học trên tôi chừng 1 hay 2 lớp vì trông anh rất trẻ, và tôi cũng tưởng
 anh là học sinh Nông Lâm Súc Huế, nên khi nghe anh tự giới thiệu mình là học sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc, tôi hết sức ngạc nhiên.
Từ lâu tôi được Thầy Châu Kim Lang giao cho bản sao danh sách học sinh NLS Bảo Lộc các lớp các khóa từ năm 63 – 75, nên tôi cũng nhớ được khá nhiều tên của các anh chị và các bạn, thế nhưng thú thật tên Nguyễn Khỏe của
anh nghe lạ quá. Tôi tò mò hỏi anh học lớp nào thì anh cười, mãi hồi sau mới nói năm 65-66 anh đã có mặt trên trường rồi. Tôi không tiện hỏi thêm về anh vì anh còn tiếp Thầy và các bạn nên trong lòng tôi cứ còn hoài nghi vấn.
 
Sau đó tôi mời anh đến tham dự các buổi họp mặt truyền thống NLS ngày 1 tháng 1 hằng năm. Anh tỏ ra hoạt bát, quen biết nhiều Thầy Cô và bạn bè, dù vậy tôi vẫn chưa biết được chính xác anh học lớp nào. Mỗi năm, tôi chỉ được gặp anh vài lần trong các cuộc sinh hoạt NLS. Thấy anh vui vẻ, điềm đạm, hòa đồng với mọi người, nhưng tôi vẫn chưa có dịp quen thân với anh, chỉ biết anh rất hào phóng, luôn đóng góp hậu hĩ cho quỹ sinh hoạt NLS.

Khi chúng tôi phổ biến dự định làm Kỷ Yếu NLS, anh ủng hộ nhiệt tình và sốt sắng đóng góp kinh phí trước tiên. Vậy mà ban biên tập Kỷ Yếu đã nhầm lẫn đưa tên anh vào danh sách lớp MS 70, anh cũng chỉ cười chứ không chịu đính chính.

Trong những năm cuối đời, Thầy Hà Văn Thân về ở luôn Sài Gòn, anh dành riêng cho Thầy căn phòng đầy đủ tiện nghi trong căn nhà xưởng của anh bên quận 9. Tôi nhiều lần đến đây thăm Thầy và nghe Thầy kể nhiều về anh. Trong bài viết Một Cõi Đi Về và Tiếp Theo, tôi có giới thiêu đôi nét về anh bạn đồng môn nầy, hôm nay tôi muốn viết thêm.

Anh sinh năm 1946 tại Quảng Trị, học xong Tiểu Học ở quê nhà, năm 63 anh chuyển vào học trường Trung Học Nông Lâm Súc Huế. Trong kỳ thi tuyển Huấn Sự năm 64, anh tình cờ nhận được sự giúp đỡ của Thầy Hà Văn Thân lúc đó làm Chánh Chủ Khảo, rồi từ đó phát sinh mối ân tình sâu nặng mãi đến bây giờ. Nghe anh kể trong kỳ thi năm đó, anh vô tình không biết thí sinh ngồi bên cạnh copy bài làm của mình. Giám khảo cho là anh vi phạm trường qui nên đưa ra hội đồng kỷ luật.  Lúc đó Thầy Hà Văn Thân hoàn toàn chưa quen biết anh, nhưng với lương tâm một người Thầy sáng suốt nhận định sự việc, Thầy Hà Văn Thân đã bênh vực và che chở cho anh. Anh nói nếu như lần đó không có Thầy thì cuộc đời anh không thể có được như ngày nay. Vì vậy mà anh ghi nhớ suốt đời.

Sau khi được trúng tuyển Thầy còn hướng dẫn anh chuyển vào trường NLS Bảo Lộc học tiếp để thi Tú Tài NLS. Không được ở nội trú, anh thuê nhà trọ trước cổng trường, sống khép kín, ít bạn bè. Anh được Thầy Mai Bách Huyên quan tâm và giúp đỡ. Anh kể là anh học cùng thời với bộ ba Minh-Dự-Kế, anh cũng nhớ là học chung lớp với chị Ngô Thị Độc Lập (bây giờ thì chúng ta biết anh học lớp nào rồi).

Niên học 65-66, một lần nữa anh lại lận đận trong thi cử, bài thi môn Công Thôn của anh chỉ thiếu có ¼ điểm mà Thầy Phạm Phi Hoành nghiêm khắc không chịu cho thêm khiến anh phải học thêm một năm nữa.
 
Đến năm 68 tốt nghiệp xong, anh về Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm rất vất vả. Anh quen chị Dược Sĩ Lê Nhất Hiền, nhờ chị cho nhận thuốc tây đem đi bán lẻ. Buổi tối anh nhận đi dạy kèm tại tư gia để có thêm thu nhập. Duyên may anh được Giáo Sư Võ Long Triều nhận về trường Cao Đẳng NLS phụ trách kỹ thuật, giúp hướng dẫn sinh viên thực hành nông trại. Đến năm 71 thì bị động viên vào lính, anh được bổ nhiệm chức vụ Chỉ Huy Phó Phân Đội 3 ngành Quân Y. Thời gian nầy anh được anh Bùi Xuân Cảnh K2 CĐ, là cấp trên trực tiếp của anh tạo điều kiện cho anh theo học tiếp CĐ NLS.  Anh chưa kịp tốt nghiệp thì xảy ra biến cố 75, anh bị tập trung đi học tập cải tạo đến tháng 10 năm 77 mới được thả về.

Sau đó anh được tuyển vào làm ở Phòng Nông Nghiệp Quận Bình Thạnh. Ở đây, Tiến Sĩ Nông Học Trần Như Long biết anh là học trò giỏi của GS Võ Long Triều nên giới thiệu anh về làm quản lý Trại Heo Bình Thạnh, sau đó chuyển qua Công Ty Giết Mổ Gia Cầm Vissan. Đến tháng 12 năm 84 anh xin tự ý nghỉ việc.

Định mệnh đã dẫn dắt cuộc đời anh sang bước ngoặc mới. Rời bỏ ngành nghề chăn nuôi Thú Y, từ giã những kiến thức đã học và kinh nghiệm bao nhiêu năm. Anh bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực sản xuất các dụng cụ bằng nhôm, bằng đồng rồi bằng inox. Với sự thông minh cần cù sáng tạo, với ý chí vượt khó và bàn tay khéo léo,  nghề đã dạy nghề cho anh thành công vượt bực trong ngành sản xuất và kinh doanh vật dụng bằng inox. Anh chưa chịu dừng lại ở đây mà lần bước sang kinh doanh thêm ngành Khách Sạn. Công khó của anh đã được đền bù, bây giờ anh đã tạo dựng được một cơ ngơi vững chắc. Thành công nhưng anh không tự mãn, lúc nào cũng thấy anh khiêm tốn, hòa nhã với mọi người, luôn sẵn sàng đóng góp cho quỹ cứu trợ NLS. Anh rất ít khi nói về mình, những việc tốt anh làm, thường thì bạn bè vẫn kể cho nhau nghe. Tôi tình cờ được đọc trên mạng bài viết của anh Bùi Xuân Cảnh K2 CĐ và anh Nguyễn Hoài Cận K5 NLM viết về anh, tôi càng thêm ngưỡng mộ và quí mến tấm lòng nhân ái của anh.

Năm 2012, anh nhờ tôi tổ chức lễ cúng giỗ cầu siêu cho Thầy Hà Văn Thân tại chùa Lâm Tế. Không ngờ lúc đó anh đã nhuốm phải căn bệnh hiểm nghèo. Năm 2013, sức khỏe của anh ngày càng sa sút, nhưng anh vẫn nhớ ngày cúng giỗ cho Thầy, vi không đến chùa được, nên anh đưa tiền nhờ tôi chu đáo lo mọi chuyện. Anh còn tặng riêng cho quỹ NLS một số tiền dành khi thăm viếng bạn bè đau ốm bất chợt. Thay mặt bạn bè chúng tôi chân thành cảm ơn anh.
 
Một ngày đầu năm 2014, tôi đến thăm anh tại nhà, thật xót xa khi nhìn thấy anh gầy gò nằm trên giường bệnh, một mình chống chọi cơn đau, sức lực cạn dần như ngọn đèn dầu trước gió. Nhưng anh vẫn ân cần tha thiết dặn dò người thân những tâm nguyện sau cùng. Anh gởi lại số tiền đủ để lo việc cúng giỗ cho Thầy Hà Văn Thân liên tiếp 10 năm sau khi anh không còn nữa. Anh muốn lễ tang của mình sau nầy không nhận vòng hoa phúng điếu, để dành tiền đó làm việc từ thiện giúp người. Anh còn muốn gom chút hơi thở cuối cùng, viết lại kinh nghiệm bản thân dành cho bạn bè người thân biết cách phòng ngừa bệnh Ung Thư và chữa trị kịp thời chứ không để quá muộn như anh. Hai đứa con của anh du học nước ngoài cũng đã về từ lâu để thay anh quản lý việc kinh doanh. Vợ anh, người phụ nữ đảm đang, hiền lành, nhân hậu, đã từng chia ngọt xẻ bùi với anh trong suốt đoạn đường đời từ khó khăn vất vả cho tới lúc thành đạt, giờ đây cũng chỉ biết ngậm ngùi cầu nguyện. Vì dù rất muốn và sẵn sàng, nhưng chị không làm sao chia sẻ được với anh nỗi đau thể xác anh đang chịu đựng. Bạn bè cũng quan tâm theo dõi tình trạng sức khỏe của anh với lòng chân thành.
 


 
Dù mong manh nhưng tôi vẫn hy vọng, vẫn cầu nguyện, anh đã một đời giúp người, xin Ơn Trên ban phép lành để giúp anh vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo. Xin Trời, Phật hãy cứu giúp anh, anh bạn đồng môn của tôi, anh Nguyễn Khỏe.

Viết xong ngày cuối tháng 2/2014
Bùi Thị Lợi

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693418 visitors (2230873 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free