8/3/2014
Truyện ngắn:
Tôi biết chị Chính Trinh lần đầu trong một cuộc lễ hội quốc gia mà đơn vị của chị là chủ trì, chị là Giám đốc nên tất bật như bơi trong hàng đống công việc, biểu hiện sự quán xuyến của người chỉ huy và tính đảm đang của phụ nữ Nam bộ, rất cụ thể tận tụy sâu sát nên hay bị gọi là ôm đồm, thường thấy ở các vị lãnh đạo cơ quan đi ra từ chiến trường của thời kháng chiến.
Tôi thầm đoán chị đã quá tuổi 50, nhưng còn giữ nét sắc sảo của một phụ nữ đẹp, sự thanh tú hài hòa đến là khéo của cái sóng mũi, cặp mắt tròn đen, đôi môi như vẽ, lại còn hai cái đồng tiền nơi khóe miệng vẫn rất tròn khi chị cười nói, làn da trắng hồng vẫn còn mịn màng làm tôi phát ngượng khi tự thấy mình phải nhờ đến mỹ phẩm dù mới chớm trung niên. Tự nghĩ hồi tuổi trẻ chị phải là người đẹp và có thời oanh liệt lắm, tôi đâm ra tò mò.
Đến tiệc liên hoan cuối lễ bàn dài dành cho khách víp mấy vị quan chức tỉnh chủ nhà và khách trung ương tỉnh bạn, phe phụ nữ ít nên chúng tôi gom vào một phía bàn, mặc cho các ông khiếu nại. Vì là lính mới trong ngành tôi phải nhờ chị giới thiệu làm quen với khách trong bàn tiệc, chị cũng muốn chăm sóc bèn kéo tôi ngồi gần. Trong tiệc mấy ông mượn men tấn công cánh phụ nữ, có chị cầm đầu nên phe chúng tôi ăn miếng trả miếng rất vui, chị tỏ ra là thủ lĩnh có nghề mà người ta hay hình tượng bằng thành ngữ: tay bằng miệng, miệng bằng tay. Hóng chuyện, tôi nghe gọi là chị chín, theo cách mà mọi người trao đổi tôi biết chị là phụ nữ đơn thân, đoán chắc là nửa đường gãy gánh nên thầm thấy thương hồng nhan bạc phận.
Gần cuối tiệc cánh đàn ông xem ra đã thấm rượu chuyện đấu võ mồm cũng vơi đi, một ông như nóng mũi đứng lên quơ tay, giọng nhè lắm.
- Mấy cha nói gì cũng không qua nổi mấy bà này đâu, bây giờ chỉ hỏi chín Trinh thôi, cô chín nghe đây: Bây giờ mận mới hỏi đào, vườn hồng đã có ai vào hay chưa - mà chưa thì đón anh vào- để không thì uổng má đào em ơi- cho em cũng biết mùi đời... kẽo không thì chết làm ma không.... chồng. Ông ta đọc như nói lối rồi xuống câu vọng cổ khá ngọt. Có vài tiếng vỗ tay lạc lõng.
- Ông Ba nầy, say thì nghỉ thôi. Một người kéo ông ta ngồi xuống. Tôi hỏi và biết ông ta vốn là thủ trưởng củ của chị chín.
- Chị đỏ mặt nói như phân bua: Ông này xỉn hay nói xàm, giọng nặng trĩu, buồn thiu, hình như ông ta chạm phải yếu huyệt của chị, bửa tiệc chùng xuống nhiều người lên tiếng chào về. Chị chín nói vài lời cảm ơn khách sáo.
Chúng tôi ra hiệu với nhau rút khỏi bàn tiệc, khi đưa tôi ra xe, chị ôm tôi thân mật dúi vào tay tôi tấm danh thiếp, hẹn sẽ gặp lại nhau, chị nói : thấy em như hình ảnh chị hồi đó, nhớ điện cho chị nghe.
Trên xe, tôi xem danh thiếp: Trần Chính Trinh, Giám đốc Sở TM-DL, vậy mà tôi cứ ngỡ chín Trinh chị thứ chín tên Trinh. Tôi thấy thích chị và tự nhũ sẽ tìm hiểu về chị.
Mấy tháng sau chúng tôi cùng đi dự hội nghị Tổng kết ở Hà Nội, thú vị là nhìn nhau trong bữa điểm tâm ở khách sạn mới biết miền nam ra chỉ có bốn nữ, chị lên tiếng đề nghị chuyển qua ở chung phòng với tôi, thích thật tôi chưa kịp ngỏ ý, nhất định tôi sẽ khai thác các ngóc ngách tâm tình của chị.
Hà Nội những ngày cuối năm 2000 thời tiết ban ngày dễ chịu, nhưng đêm thì rất lạnh, đêm ấy Tổng Cục tổ chức cho chúng tôi tham quan và dự lễ giao thừa thiên niên kỷ tại Thủ Đô, không hẹn nhưng chị và tôi đều không dự và cũng từ chối lời mời của bạn bè, tôi nói sợ lạnh, ở nhà coi trực tiếp ti vi cho khỏe, thật lòng Hà Nội tơi đi nhiều lần nên không náo nức, cái chính là tôi nhớ chồng con, nhà tôi có kế hoạch đón giao thừa thế kỷ các thứ đã chuẩn bị ở nhà, vậy mà tôi lại phải đi chồng con buồn thiu, tôi thấy như có lỗi nên chẳng muốn vui riêng, điện thoại về nhà xong tôi buồn muốn khóc, vào giường trùm chăn, chị cũng theo vào.
- Nhớ chồng con rồi hả, em được mấy cháu, sướng nghen có người để nhớ, còn chị muốn cũng chẳng được.
- Việc gì cũng có cái giá của nó chị ơi, có lúc cũng cực lòng lắm, nhưng được cái anh ấy tốt em có một trai một gái, đang học cấp hai, chúng cũng ngoan. Tôi sơ lược về mình để gợi chuyện.
- Chắc mấy cháu của chị đã lớn rồi hả chị. Tôi dè dặt thăm dò.
- Làm gì có con mà lớn với nhỏ, chị có một mình từ nào đến giờ, không nghe mấy cha chọc ghẹo là chị chưa biết mùi đời đó sao.
- Trời đất, chị đẹp vậy, chắc phải tình sử trắc trở và kỷ niệm sâu sắc lắm lắm đây. Tôi ngạc nhiên.
- Ừ, lắm mối tối nằm không, yêu thì nhiều nhưng khổ cũng nhiều.
Tôi ôm chăn gối sang giường của chị đầy dụng ý: chị kể em nghe với, đêm nay nhớ nhà, mà trời ngoài nầy lạnh thiệt .
Bằng các câu hỏi đầy gợi ý tôi cố tình khai thác, chị thì như có người để san sẻ kỷ niệm chất chứa tự bao lâu nên trút cạn tâm tình, giọng tự sự chị kể. Thế là tôi có gần một đêm trắng để thỏa mản sự tò mò.
Có thể hình dung chuyện của chị như vầy:
Hơn 40 năm trước, chị là nữ sinh thuộc loại hoa khôi trường tỉnh, cả gia đình tham gia kháng chiến, chị tham gia họat động trong phong trào sinh viên học sinh, học đến đệ tam ( lớp 10 bây giờ) thì phải thoát ly vào vùng giải phóng vì hoạt động nội thành bị lộ. Thời gian trong cứ chị yêu một anh sinh viên mang bí số hoạt động nội thành ở Sài Gòn, chỉ biết qua giọng nói và đôi mắt vì nguyên tắc bí mật vào căn cứ phải mang bao mặt. Lần cuối anh chủ động hẹn, đôi bạn tình có dịp biết mặt nhau bày tỏ bao nỗi niềm, , anh nói sắp tham gia một chuyến công tác đặc biệt, anh mơ ước một gia đình bảo chị chờ anh, cả hai cùng hẹn ước, chị biết nụ hôn đầu đời, dưới ánh trăng cảm xúc như được nâng lên nồng nàn mãnh liệt..., nhưng anh định tỉnh. Họ chia tay trong nước mắt.
Sau đó anh hy sinh, chị để tang mối tình đầu bằng cuộc sống khổ hạnh, từ chối mọi sự chăm sóc của đàn ông xung quanh, chị xung phong vào bộ đội chỉ lo đánh giặc.
Ngày giải phóng chị là cán bộ trẻ, có học, thành phần cơ bản nên chị là hạt nhân có mặt ở nhiều cơ quan nắm chức vụ chủ chốt ở huyện. Kể cả chuyện vừa là phó chủ tịch ủy ban kiêm lãnh đạo bệnh viện ở huyện.
Vào cái hồi khó khăn đủ thứ, bệnh viện thiếu thầy, thiếu thuốc… chị chủ trương mời số bác sĩ, y sĩ từ phong trào sinh viên yêu nước ở thành phố về giúp bệnh viện, trong số đó có một bác sĩ chế độ cũ, anh vừa tham gia phong trào nhưng vừa là sĩ quan quân ý, vốn là bạn của người yêu đã hi sinh của chị, anh có chuyên môn vững vàng, tận tụy và chịu khó, lịch sự, nhưng trong cơ quan vẫn bị phân biệt đối xử vì cái nhản bác sĩ quân y được ngụy đào tạo, bị phê bình tác phong tiểu tư sản. Xuất phát từ mục đích bảo vệ cái đúng, chị hay để ý, đồng tình với những ý kiến hợp lý trong chuyên môn cũng như những đề xuất về điều hành quản lý bệnh viện của anh; đến khi chị tự phát hiện là chị quan tâm đến anh hơi nhiều, ngấm ngầm bảo vệ anh không chỉ với tư cách của người cộng sự, nội bộ cơ quan xầm xì chị có cảm tình với anh. Một lần chị ngã bệnh, phải qua phẩu thuật do chính anh thực hiện, anh chăm sóc chị không chỉ với tư cách của người bác sĩ. Chị hồi tỉnh lúc nửa đêm, anh đang ngồi bên âu yếm nhìn chị, không thể quên được nụ cười rạng rỡ của anh, bàn tay ấm của anh đan vào tay chị, bằng cử chỉ dịu dàng nhất anh cúi xuống hôn lên trán chị và nói nhỏ . Chúc mừng em.
Chị tiếp nhận tình yêu của anh tự nguyện, hạnh phúc. Anh chị bí mật yêu nhau, cái cảm giác lén lút trong tình yêu rất thú vị, anh chu đáo bao dung và tự trọng. Đến lúc anh thẳng thắn đặt vấn đề cưới xin cũng là lúc tổ chức chính thức yêu cầu chị phải cắt đứt quan hệ, vì anh ấy là bác sĩ nhưng là đại úy quân y, là sĩ quan ngụy, mặc dù mẹ anh ấy cũng là cán bộ kháng chiến, bản thân anh là trí thức yêu nước trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn; còn chị là cán bộ cốt cán, là thủ trưởng là cấp ủy, áp lực đè nặng, chị không chịu nổi sự dè bỉu, bóng gió của những người đố kỵ với danh xưng là bảo vệ uy tín cách mạng để đấu đá; chị trở thành đối tượng bị kiểm điểm như là một thành phần hủ hóa. Tổ chức phân công người khác về bệnh viện nhận công tác thay chị. Rồi để bảo vệ chị, anh xin thôi việc, về thành phố.
Một lần không thể tự lừa dối mình, chị đi tìm anh ở thành phố, sự bộc phát tình cảm đã đưa chị tới quyết định từ bỏ tất cả để chọn lấy hạnh phúc, chị biết cái mình cần. Anh mừng lắm, đêm ấy hai người nói hết những trăn trở nhớ thương, nhưng khi anh hỏi chị có bằng lòng về thành phố sống với anh, có hỏi ý kiến của ông anh hai của chị đang là lãnh đạo tỉnh ra sao? Chị nói là bất chấp, chị sẵn sàng bỏ hết, thì sá gì ý kiến của ai, lúc chị khao khát được yêu, mà sự hiến dâng như cách để chị khẳng định tình yêu của mình, thì anh dừng lại. Anh nói rằng: nếu trên đời này anh được chọn lựa thì anh sẽ chọn lấy tình yêu của mình, anh yêu em hơn bất cứ gì khác. Nhưng anh không có quyền làm em phải khổ, phải dằn vặt, phải sống trong mặc cảm, phải thay đổi lý tưởng mà em đã chọn, em khó mà thoát khỏi môi trường sống đã thành máu thịt, trong cuộc đời dài trước mặt em sẽ phải đối mặt với nó, tình yêu của mình không đủ sức để che khuất nó, tương lai em đang mở ra, đừng bỏ dở bởi vì sẽ có lúc em phải hối hận. Anh biết em yêu anh, thế là đủ.
Vậy đó, với lý do để bảo vệ chị, trân trọng tình yêu thiêng liêng đẹp đẽ... anh từ chối yêu cầu của chị được làm vợ anh dù chỉ một lần rồi thôi.
Chị thất tình, lăn vào công tác và học như là sự trút giận, càng thăng tiến trong sự nghiệp chị càng cô đơn. Thật ra không phải chị muốn khép chặt cửa lòng, chẳng phải thiếu người theo đuổi, chẳng qua chị cứ cân nhắc so sánh với người yêu cũ, đáng lấy thì lấy, không thì thôi, nhất định không quơ quàu cho có.
Hơn 30 tuổi, chị đi học cao cấp ở Hà Nội 2 năm, vốn bị viêm mũi và thấp khớp, chị khổ sở với cái lạnh của miền Bắc, thời may trong nhóm học viên từ miền Nam khóa trước có anh bác sĩ - lại cũng là bác sĩ - thường xuyên thuốc men, chăm sóc. Được bạn bè vun quén, chị dần quen sự có mặt của anh, sự ân cần rất tin cậy, cả hai lại lén lút đi chơi riêng, bị bạn bè chọc phá, chị như sống lại tuổi học trò, yêu đương hò hẹn, như để bù lại cái thời nữ sinh chưa kịp hưởng. Một năm qua nhanh, anh xong khóa học. Trong buổi liên hoan chia tay bạn bè lớp anh ra trường, hai ông lớp trưởng kiêm bí thư Đảng ủy đã bắt tay làm thông gia, lớp tổ chức tặng hoa trao nhẫn xem như là lễ đính hôn cho hai người.
Chị sống trong cảm giác nhớ thương xa cách, đều đặn viết thư tình mỗi tuần một lá cho nhau, anh tranh thủ công tác ra Bắc, chị cứ chờ nghỉ phép để về Nam.
Theo kế hoạch, khi chị học xong về báo với tổ chức thì cưới, chị chăm chút để đón chờ hạnh phúc. Niềm vui còn được nhân đôi khi chị và anh đều được cơ cấu vào cấp ủy cho mùa đại hội sắp tới.
Nhưng chuyện đời trớ trêu hay vận mệnh chị phải chịu, cùng lúc cả hai cơ quan của anh chị nhận được thư thỉnh nguyện của một phụ nữ xưng là đang có mang với anh, nhờ tổ chức giải quyết tác hợp. Chị không tin, chị hẹn gặp anh, anh thú nhận là có nhưng anh là nạn nhân, bị sắp xếp trong cơn say, anh không chủ động. Chị bàng hoàng, chị không giữ bình tỉnh, tuyên bố cắt đứt.
Rồi khi bình tâm, chị tìm hiểu và biết anh nói thật, anh là nạn nhân của cái cách để người ta loại anh ra khỏi cơ cấu của thành ủy, người đàn bà kia thì thương anh thật lòng, đang bị lợi dụng để giành lấy anh. Anh thư cho chị, tỏ ý sẽ bỏ hết về sống với chị. Chị thương anh quá, hẹn anh về nhà chị ở quê, đêm ấy chị chuẩn bị đón anh trong tâm thế của một người vợ, chị không thể quay lưng lại với hạnh phúc của mình. Nhưng một lần nữa số phận từ chối hạnh phúc của chị, anh bị tai nạn trên đường nên đêm ấy không về được, phải ngày hôm sau chị mới được tin, chị tất tả đi thăm anh ở bệnh viện, anh chưa tỉnh. Ở đó chị gặp Phỉ, người đàn bà ấy. Phỉ chủ động tìm đến với chị, thái độ nhún nhường, nói đã muốn tìm chị để năn nỉ chị thương tình, Phỉ tự nhận mình không đẹp bằng chị, không có địa vị gì nhưng chắc chắn là Phỉ yêu anh nhiều lắm, mong chị thương cho đứa con của chị ta - nhìn cái bụng sắp vượt mặt, vẻ nhợt nhạt nhẫn nhục của Phỉ, chị thấy thương hại. Phỉ còn ngọt nhạt nói với chị rằng hãy cứu lấy tương lai sự nghiệp chính trị của anh ấy, vì chú của Phỉ đã hứa nếu anh chịu cưới Phỉ để hợp thức hóa hành vi hủ hóa, anh vẫn được cơ cấu vào Thành ủy và giữ chức vụ quan trọng...Đến lúc Phỉ bù lu bù loa khóc lóc kể lễ thì chị đâm ra rối trí, chị bỏ về, không gặp anh nữa. Chị lại cân nhắc giữa hạnh phúc và sự nghiệp, tình yêu và hy sinh... Chị quyết định xa anh để bảo vệ anh.
Ngày nghỉ chị trốn về nhà trong quê, đêm trăng buồn ảm đạm, chị cứ trằn trọc không ngủ được, giữa khuya anh xuất hiện, như trong mơ. Chị ôm anh mà khóc, anh vồ vập như sợ mất chị, anh nói anh đã quyết định bỏ hết, anh không thể xa chị, anh khóc khi chị khuyên anh nên tỉnh táo vì sự nghiệp tương lai, chị không thể chịu tiếng đời mai mỉa, hơn nữa chị không thể tranh giành với người đàn bà yếu hơn chị về mọi mặt, đang rất cần anh, và con anh cũng cần có cha. Lần đầu tiên chị thấy một người đàn ông khóc, nức nở, nghẹn ngào. Chị dỗ dành và khóc theo anh, lúc ấy chị muốn chiếm giữ anh, giữ lấy tình yêu hạnh phúc của mình, chị muốn được anh yêu, ý muốn có một đứa con với anh xuất hiện rất mãnh liệt, chị muốn là người đàn bà của anh, chị mơn trớn để anh vào cuộc nồng nàn say đắm. Trong cơn xúc cảm chị lên tiếng anh yêu em đi, lần đầu cũng là lần cuối, em muốn có với anh một đứa con... Anh ngồi bật dậy, bỏ ra ngoài, với anh nếu là lần cuối thì không thể có lần đầu. Rồi anh đi, lá thư cuối anh viết: ngàn lần xin lỗi chị, anh là người tạo ra nghịch cảnh, anh không có quyền làm tổn thương chị thêm nữa, chị không thể vượt qua dư luận, để sống với nhau, thì nuôi con một mình là không nên.
- Vậy là tới bây giờ chị không yêu ai nữa.
- Ừ, ngao ngán lắm.
- Chị có dịp gặp lại các cố nhân của mình không?
- Thân tình lắm, anh chàng bác sĩ trước vợ con, chức vụ đề huề, thường gặp nhau, vợ con biết chuyện, biết điều, chị là bạn của cả nhà, cũng vui.
Còn anh bác sĩ sau này vừa mất vì bệnh năm rồi, chị cũng đến đưa tang – chị nói tên và nói có lẽ em cũng biết anh ấy.
- À, thế thì em có biết. Tiếc thật, giá mà anh chị gặp nhau thì tuyệt như là thanh mai trúc mã. Mà nè, em hỏi thật, chị vẫn còn y nguyên thật hả. Tôi ôm chị kề tai hỏi nhỏ.
-Ừ, đây là cái mà chị thấy tiếc. Sống một mình thét rồi quen, mai mốt về hưu không có chốn riêng tư để lo, chắc buồn, mới thấy rồi ra mình chẳng còn gì ở cuối đời. Ôm lấy cái trinh tiết để làm cô gái già vô duyên vô phận, có lẽ số chị đã định vậy rồi, ý là chị đã cố ý sửa lại cái tên hồi còn đi học mà vẫn không tránh được vận hạn.
- Thế chị còn có tên khác.
-Tên cha mẹ đặt là Trần Nguyên Trinh, chị giấu biệt, bật mí cho em thôi đó.
- Hèn nào, có phải cái tên nó vận vào số phận của mỗi người không, em thì tin đó, như em cái tên ba đặt cho thì bình thường, vậy mà khi làm khai sinh viết trật chánh tả thành ra đọc lên nghe trúc trắc nên em làm gì cũng hay trục trặc.
- Vậy sao, nghe nói gia đình em hạnh phúc lắm mà.
- Dạ phải, nhưng em muốn nói chuyên công danh sự nghiệp kìa.
- Thôi cô đừng có tham quá, được nầy thì mất kia chứ cô, chồng con trai gái đề huề công việc thế nầy mà còn than gì nữa, chị mầy mùi đời chưa biết già cả cô đơn đây nè.
- Nhưng mà em thấy chị còn chị còn mức lắm, ăn thua chị có muốn hay không, em mong chị sẽ có mùa xuân muộn, em tin như vậy, hãy mở lòng mình đi chị
- Chị cười buồn: ừ để xem con tạo cơ cầu đến đâu !
CA GIAO.