.
  Ba tui
 
17/4/2014   


Nghĩ thời gian thắm thoát thoi đưa,kể từ ngày  God Father ( bố già )của tui ra đi không hẹn ngày trở lại, thế mà đã 29 mùa Xuân trôi qua . Ôi, 29 khoảnh khắc mùa Xuân.

Mỗi lần nhớ tới “bố già” lòng tui dâng lên một nỗi bùi ngùi không gì tả nỗi. Những kỹ niệm tầng tầng, lớp lớp sắp đặt, xen kẻ nhau ngồn ngộn trở về từ quá khứ .


Từ khi tui biết nhận thức mọi chuyện trên đời  thì biết rằng  mấy anh em tui là con ông thầy  giáo tiểu học,dạy ở trường tiểu học Nguyễn Du, một ngôi trường tiểu học danh giá của tỉnh Biên hòa thời bấy giờ. Tất cả anh em tụi tui đều xuất thân từ trường tiểu học nầy và thằng em kế của tui cũng từng là ...học trò lớp năm (bây giờ là lớp 1) của thầy giáo  Lê văn Đấu.

Thuở ấy nhà tui ở trong 1 đường hẽm, thuộc xã Bình Trước, cách chợ Biên hòa chừng  2 cây số. Tuy nhiên vào thời đó nơi nầy  còn có vẻ “ngoại ô” lắm . Nhà cửa nơi đây cũng đông đúc nhưng đa số vách ván đơn sơ, mái ngói âm dương. Thỉnh thoảng mới có vài căn nhà của “đại gia” xây bằng gạch, tô đá rữa, nóc bánh ú (model nhà thập niên 50-60) . Tuy gọi là “đại gia” nhưng chẵng  là gì so với mấy đại gia ngày nay!.Thời đó người ta gọi mấy ngôi nhà như vậy là nhà “tô”.

Trở lại ngôi nhà của...ba tui, đó là căn nhà bằng  gỗ vách tắp, lợp ngói âm dương giống như hầu hết nhà ở nơi đây. Sau khi bỏ con đường nhựa vào đường hẽm chừng 500m, sau đó lại rẽ vào con hẽm nhỏ hơn mới tới nhà ba tui. ( Theo cách gọi ở miền Nam là 2 lần “xẹt” / ,/   ( âm theo tiếng Tây = sur ), còn cách gọi miền Bắc là ngõ và ngách ! hihi ) thiệt là rắc rối cái mớ sự đời  !

Nơi đây tôi đã trải qua thời thơ ấu của giai đoạn  tiểu học. Nhớ lại thời đó,không hiểu sao tui...ngu động trời. Bài tập làm văn và học thuộc lòng còn đỡ, riêng môn toán là tui luôn....đội sổ! Cũng may là có thầy giáo nhà “kèm cặp” mỗi ngày, nhưng tui  ngu vẫn hoàn ngu. ! Gì chứ về khoản “toán đố” là tui “đầu hàng  2 tay”. Đến nỗi dạy hoài không hiểu, ba tui nổi xung thiên cú cái “cốc” lên đầu tui và phát ngôn :- Ngu ơi là ngu ! chắc óc mầy là óc heo, óc bò quá con ơi!.

Kèm theo phát biểu đó là mấy cái “cốc,cốc” ra-phan lên đầu tui. Thế là nước mắt ngắn, dài tuôn rơi và ....buổi học chấm dứt ! Haha. Tui nghĩ nếu như thời bây giờ chắc ba tui bị kỹ luật nặng vì ..dám bạo hành  học trò. Cũng may thời đó là thập niên 50!


Nhưng bù lại, thường thì sau vụ bị “cốc, cốc” là ba hay dẫn tui đi coi “chớp bóng”. ( Chắc ỗng “hối hận” vì... quá tay với tui hay vì biết tui mê chớp bóng  nên “dụ” để tui cố gắng không biết chừng ). Nhớ lại hồi đó ở Biên hòa có 2 rạp chớp bóng (bây giờ gọi là rạp chiếu phim) là Vạn Khành Hưng ở sát chợ chuyên chiếu phim VN và Ấn Độ, còn rạp Biên Hùng  gần ga xe lửa thì chiếu phim Tây,Nhật,...

Vì rạp Vạn Khánh Hưng gần nhà nên ba hay dẫn tui đi coi rạp nầy. Hồi đó cả khu  thị tứ Biên hòa chỉ có 2 rạp nên cạnh tranh nhau dữ lắm. Ngày nào cũng có xe của rạp hát chạy vòng quanh các con đường thị tứ quảng cáo phim sẽ chiếu. Hai bên hông chiếc xe tải nhỏ (gọi là cam-nhông nết = camionette) có gắn pa-nô giới thiệu phim do họa sĩ vẽ bằng bột màu ( vì có thể xóa rửa dễ dàng khi giới thiệu phim khác). Bên trong xe là đội chiêng, trống đánh khua “tùng ,cheng”.Nhờ tiếng trống, chiêng đó, từ xa anh em tui và mấy đứa trong xóm ùa ra chạy theo  xe xin tờ bướm giới thiệu phim mà bọn nhỏ như tui rất mê.

Hồi đó tui mê nhất là phim thần thoại Ấn Độ vì dễ hiểu và...lồng tiếng Việt. Đặc biệt phim nào cũng có rắn hỗ mang và mấy bài ca, múa dài thòong. Vì vậy thay vì mấy phim Âu Mỹ chỉ có 90 phút thì phim Ấn độ thường là trên 2 giờ .

 Cũng vì “ngu” toán nên tui bị rớt trong kỳ thi tuyển chuyển cấp lên đệ thất  ( lớp 6 hiện nay) trường Trung học Ngô Quyền Biên hòa và phải học đúp(double ) 2 năm lớp nhất. Các bạn ơi, ngày xưa thời tui đi học cũng có “ô dù” đó nha. Sở dĩ tui được ở lại 2 năm lớp nhất tại trường Nguyễn du cũng nhờ bố già tui là giáo viên trong ngành, chứ nếu dân “ngoại đạo” là phải a-lê-hấp, ra trường tư ngay.


Tui còn nhớ ba tui viết chữ và trình bày  sổ sách rất đẹp, nhất là viết tựa và viết nhãn cho sổ điểm. Ba có khiếu viết rong. Chắc các bạn trẻ hiện nay không biết ngòi viết rong như thế nào đâu? đó là ngòi viết được tra cán và chấm mực để viết, tuy nhiên, thay vì ngòi viết nhọn đầu,đàng nầy nó được cắt bằng để có chiều ngang ngòi bút độ chừng 2 mm . Loại viết nầy nếu biết sử dụng sẽ cho chữ viết rất đẹp, nhất là viết theo khiểu chữ Gothic.

Người ta thường nói : Càng biết nhiều thì càng cực. Không biết thì khỏe re!. Ba tui cũng ở vào trường hợp nầy. Vì  biết viết, vẽ đẹp nên mấy thầy, cô trong trường thường hay nhờ...giúp đỡ. Khi thì trình  bày dùm sổ điểm, khi thì vẽ mấy câu cách ngôn để trang trí trong lớp học. Mà ác cái, ai nhờ ba tui đều vui vẻ ...Ô kê! Nhất là trước vài tuần chuẩn bị tựu trường là ba được mùa...nhờ vả. Mấy lúc đó, tui thường hay ngồi kế bên ba “học nghề”. Tui còn nhớ ba soạn bài chuần bị dạy ( bây giờ gọi là giáo án lên lớp) rất kỹ lưỡng và rất đẹp. Thời đó xài toàn viết chấm mực . Tựa màu đỏ, bài màu xanh hoặc tím. Chữ nét lớn, nét nhỏ đều tăm tắp.


Nói về khoản trang trí lớp, nào là bảng danh dự, thời khóa biểu, câu cách ngôn cho đến mấy hình vẽ động, thực vật, bộ xương người....ba đều “tự biên tự diễn” khiến cho lớp học rất sinh động và học sinh cũng dễ nhập tâm khi học tới những bài có hình ảnh minh họa. Có lẽ nhờ ngồi cạnh ba lúc ba sáng tác nên dù ít hay nhiều tui cũng ảnh hưởng cái khoản vẽ vời  học lóm từ ba. Do đó khi còn đi học, môn vẽ  của tui lúc nào cũng cao điểm và có lần thầy khen :- thằng nầy có hoa tay, chắc mai mốt lớn làm họa sĩ ! Họa sĩ đâu không thấy, có lúc phải đi làm mướn cho lò mỹ nghệ ở khâu vẽ trang trí trên bình bông ! Hihi ( mời các bạn xem lại “cuộc đời “chiến đấu” của tui” đã đăng trước đây )

Rồi thời gian qua đi, qua đi......Nơi đây ba má tui sản xuất được 7 anh chị em, có nếp có tẻ, chí chóe  từ nhà ra ngõ và rồi một ngày nọ, bọn tui phải khăn gói theo ba má về nơi ở mới.(Vì chỗ nầy chủ đất người ta lấy lại)

Tui còn nhớ cuộc “di dân” hôm ấy nhằm tháng mưa, bầu trời sụt sùi, đường đất nhão nhoẹt. Mấy người lớn khiêng tũ giường và những thứ lớn, nặng lên xe tải, còn bọn nhóc tụi tui thì rinh nồi , niêu, soong , chảo, ồn ào cả xóm. Tui cũng không quên ẳm con chó phèn thảy lên xe ( Tui còn nhớ ngày hôm sau, khi về nơi ở mới con phèn bỗng biến mất, tìm hoài không thấy.  Sau nầy, về thăm lại xóm cũ, nghe bà con ở đó nói lại là mấy bữa sau thấy nó có  nằm ở thềm ba nhà cũ và có vẻ buồn bã, rồi sau đó đi đâu không biết .) Nếu quả thật như vậy thì tui rất thương mến và khâm phục trí nhớ tìm đường tài tình của nó. Khoảng  cách từ nhà cũ đến nhà mới chừng 4 km, lại qua nhiều con đường, không hiểu sao nó biết tìm về nơi cũ?!

Đến đây cuộc sống của anh em tui bước qua một trang mới, nơi ở mới, xóm giềng mới, đi học xa hơn và ba tui cũng “chuyển hệ” từ giáo viên đứng lớp, bây giờ làm nhân viên văn phòng ty tiểu học Biên hòa ( nằm phía sau trường tiểu học Nguyễn Du). Năm đó là 1959, tui học lớp nhì, trường Nguyễn Du.( tương đương lớp bốn bây giờ)


Nơi ở mới của anh em tui  nằm trên “đường đắp mới”, cách cầu Gành chừng 1,5 km (Chú thích : nó còn gọi là Quốc lộ 1,bây giờ là đường Hà huy Giáp. Ngày xưa đi xuyên Việt qua tỉnh lỵ Biên hòa có đoạn đường Hàm Nghi nằm sát sông Đồng Nai.Về sau dân cư đông dần nên chính quyền trước đã mở thêm con đường mới dài độ 3km , từ cầu Gành tới rạp hát Biên Hùng ,vì vậy nó có tên “đường đắp mới”để giảm áp lực xe vào nội ô . Con đường nầy trước đây coi như đường vành đai của tỉnh, nó chạy lên ngã 3 Vườn Mít, Tam hiệp  rồi đi ra miền Trung ). Nơi đây lúc bấy giờ nhà cửa còn thưa thớt.  Chung quanh còn ruộng nhiều . Ban đêm ểnh ương,bồ tọt kêu rân ba ton.Từ nhà tui nhìn ra phía trước chừng  1km là đường rầy xe lữa. Lúc đó vì thưa nhà và đồng trống , tui thấy xe lữa chạy đi chạy về mỗi ngày mấy chuyến và rúc còi inh ỏi khi chuẩn bị vào ga. Ác nỗi, còi xe lữa cứ rúc lên lúc 4 giờ sáng . Không hiểu có phải vì lý do nầy mà thời gian ở nhà mới nầy ba tui sản xuất thêm  5 đứa em nữa, vị chi là 12 người, chẳn 1 tiểu đội , HiHi.

Nhà tui cách chợ nhỏ chừng 200m,về hướng cầu Gành. Chợ nầy còn gọi là “chợ chồm hỗm”. Nơi đây là nơi tụ họp của bà con trong xóm với hàng hóa mang tính cách “tự sản tự tiêu”. Coi vậy chứ hàng hóa cũng đầy đủ cung ứng cho mọi nhu cầu hàng ngày và nó chỉ ồn ào, náo nhiệt có buổi sáng .Cái cụm từ “chợ chồm hỗm” quả  là độc đáo và tượng hình ,vì nơi đây đa số bà con trong quê ra với cái thúng, cái mẹt nên khi bày ra bán thì chỉ có nước...ngồi xổm, hoặc ngồi “chồm hỗm” xuống đất.

Vì  bầy con đông như bầy gà nên ba má tui cố gắng tằn tiện mới đủ gói ghém trong gia đình.Tất cả đều trông vào kinh phí là đồng lương giáo viên của ba. Tui nhớ lúc đó mỗi lần khai lý lịch thì ghi : Nghề nghiệp mẹ : nội trợ. Có nghĩa là mẹ chỉ đi chợ, nấu cơm và chăm sóc con cái. Theo như nhà thơ Xuân Diệu có viết, má tui ...chỉ biết “yêu” thôi, chả biết gì! Hihihi.

Sau nầy, nhiều khi tui tự hỏi khả năng nào mà ba tui “gánh vác” cả nhà qua những thăng trầm của cuộc đời như thế? Tui nể bố già của tui ghê.

Nhưng công bằng  mà nói, lương giáo viên lúc đó, cộng phụ cấp vợ, con, nếu biết gói ghém cũng đủ sống và có dư. Hơn nữa, việc học lúc đó đơn giản hơn bây giờ rất nhiều. Sách vở của anh, chị đi trước truyền lại cho em và tự chỉ bảo nhau, không có màn đi học thêm. Còn đi học thì chân đất, cuốc bộ tự đi, tự về, dù trường cách nhà 2,3 cây số, không phải cha mẹ đưa rước đứng đầy cổng trường như bây giờ . Chỉ bấy nhiêu thôi thì đủ thấy đở tốn biết bao tiền lương của gia đình so với hiện nay.

À, khi nhắc tới đi bộ 2-3 cây số từ trường về nhà ,tui chợt nhớ tới món si-rô đá nhận. Trên đường về nhà ngang qua cây me rợp bóng là xe nước đá của chú chệt ,tụi nhóc tui thường hay ghé . Chú già, ốm nhách nhưng chế biến các món có đá, con nít rất mê. Nào là đá đậu bánh lọt, sương sâm, sương sáu , hột é,hột ươi...và nhất là món đá nhận si-rô ngon hết chê.


Cách chế biến là như thế nầy : đầu tiên chú cầm cục đá đặt lên bàn bào (giống như cái bào gỗ của thợ mộc nhưng được đặt ngữa và có chân chống  vừa tầm cái ly hứng đá bên dưới.) Khi bào, đá nhuyễn rơi xuống đầy ly,chú dùng tay ém chặt số đá bào trong ly để nó nén lại thành khối. Kế tiếp chú chế si-rô màu đỏ lên đá nhận, không quên xịt tí “dầu va-ni” cho có mùi thơm. Cuối cùng chú trút phần đá nhận đã nén chặt thành khối giao cho người mua.Thế là chú hoàn thành công đoạn chế biến cục đá nhận. Mặc dù biết si-rô là nước đường pha màu, nhưng hồi đó bọn nhóc tui rất khoái, vì ngọt, rẽ mà ...chắc hỗng có bỗ chút nào !

Nói về khoản tiết kiệm của gia đình, khi nấu cơm chiều, má tui thường nấu hơi dư một chút để sáng hôm sau ba “tái chế” làm món cơm chiên cho cái đám “tàu há mồm” no bụng đi học. Anh em tui thích nhất là cơm ba chiên có tóp mỡ béo ngậy, thêm một ít tôm khô, xịt xì dầu vào , ngon ơi là ngon bá cháy. Hồi đó đa số người ta nấu ăn chiên, xào bằng mỡ ( chỉ có mấy bà ăn chay mới dùng dầu), đâu có ai “hù” ăn mỡ bị cholesterone như bây giờ !

Tuy “than thở” về gia cảnh như thế, nhưng  ba má tui cũng không keo kiệt lắm đâu.Trong tuần, anh em tui cũng được đổi món ăn sáng như bánh mì, xôi, bắp...ở chợ chồm hổm (mà tui đã đề cập phía trên), và tui là người thường lãnh nhiệm vụ đi mua về cho cả nhà .

Tui nhớ  ở chợ lúc đó có dì ba mập bán xôi . Dì rất thương và hay khen tui :- thằng nhỏ nầy đẹp trai quá , dì ba cho con thêm miếng xôi nè, hehe..

Nói xong dì ngắt một cục xôi  bằng ngón tay út bỏ thêm vào gói “đặc biệt” cho tui. Các bạn biết không, thời đó 2 món xôi , bắp  là món phổ biến, bình dân , phục vụ ăn sáng cho giới nhà nghèo ( bây giờ hình như hiếm thấy ).


Xôi thời đó thường là xôi đậu đen,có nhưn (nhân ) đậu xanh, dừa nạo, và một chút đường cát, đậu phọng đâm nhuyễn,  gói bằng lá chuối. Về sau có cải tiến thêm là xôi gói bằng góc tư bánh tráng phồng rồi mới lá chuối bên ngoài.

Còn bắp thì trắng bông. Tui không hiểu cách chế biến như thế nào mà bắp trắng tinh,nhìn hơi giống như cháo đặc nhưng rất thơm ngon. Sau  khi cho vá bắp vào miếng lá chuối, người bán cẩn thận  dùng miếng lá chuối nhỏ đậy lên phần bắp đó rồi cho một ít hổn hợp muối- đường - mè,đậu phọng lên trên, xong bắp được gói lại .Người bán không quên cắm vào đó “cái muỗng” làm bằng  sống cây dứa ( ngày xưa đâu có ai kêu gọi bảo vệ môi trường mà người ta sử dụng toàn là lá chuối, muỗng dứa, không như bây giờ đâu đâu cũng thấy bao nylon, muỗng nhựa, hộp xốp...) . Sở dĩ phải để  bắp và gia vị ở ngăn riêng mục đích là giữ cho gói bắp ngon lâu, chừng nào ăn ta mới trộn chung với nhau và ăn liền.

Nói về  mua đồ ăn sáng, tui nhớ có một chuyện tức cười. Lúc đó tui chừng 9-10 tuổi gì đó màcòn ...rất khờ  nên khi sai mua đồ ăn sáng ba tui không yên tâm,nhất là cái thằng dốt tính như tui. Vì vậy sau khi đưa tiền, ba tui dặn : ổ bánh mì  là 1 đồng  rưỡi . Con mua đồng rưỡi bánh mì, nhận 5 cắc bì là chẵn 2 đồng. Về nhà 2 đứa chia nhau 1 ổ. Nhớ nha con.

Trên đường đi tới chỗ bán bánh mì, tui cứ lẫm nhẫm : “đồng rưỡi bánh mì, 5 cắc bì , đồng rưỡi bánh mì, 5 cắc bì”.Trời xui đất khiến thế nào khi tới chỗ tui nói với chú chệt bán bánh mì : đồng rưỡi bì, 5 cắc bánh mì! Báo hại khi về  nhà bánh mì thì không đủ chia cho 7 anh chị em mà bì thì nhận nhóc ké! Hahaha. Trận đó tui bị bố già chửi te tua.

Trở lại thời “khai thiên lập địa”, nơi đây còn  hoang vu, thưa thớt lắm. Ngoài cái khoản ểnh ương, nhái bầu còn có chuột. Thiên địa thánh thần ơi. Ngoài chuột nhắc, chuột mén còn có chuột cống nhum, còn gọi là chuột cà sóc to bằng bắp chuối người lớn ! Mấy lần ba má tui định “tăng gia sản xuất”,cải thiện kinh tế bằng  cách nuôi gà, nhưng lần nào cũng thất bại vì lũ chuột. Đàn gà đang lớn phổng phao thì một sáng nọ thức dậy thấy nằm chết la liệt, máu nhuộm thiếu lâm tự! Ba tui tức mình mua cái bẫy lồng về quyết phen nầy trừ khữ bọn đạo tặc.Tối đó ba dặn nhỏ anh em tui : mấy đứa bây đừng nói gì hết, nó nghe được là không ăn mồi đâu nha( ông thầy giáo nầy cũng “tin dị đoan dữ” ta). Sau khi gắn cục mồi vào bẫy, ba cẩn thận đem đặt cạnh chuồng gà. Sáng  hôm sau ra xem : cái lồng và mồi còn y chang, riêng bầy gà hao thêm mấy con nữa. Tức không chịu được , mấy hôm sau ba làm mồi thiệt ngon và việc gì đến sẽ đến. Lúc bọn tui còn nằm ngũ trong nhà thì nghe ba la toáng lên : haha,vô rồi!


Anh em bọn tui tung mùng chạy ra thấy 1 con chuột cống nhum to tố nái nằm trọn trong cái bẫy lồng.Nó cố cắn mành lưới để chui ra nhưng không thể . Ba tui vụt có “tối  kiến” : ông rút ra 1 xị xăng trong xe gắn máy SACH rồi ...tưới lên con chuột,châm lửa.Tội nghiệp,con chuột bị phỏng lửa cố vùng vẩy chí chóe khiến chiếc lồng lăn lông lốc,còn anh em tụi tui nghịch lấy cây chọt, chỉa con chuột  .Rồi đột nhiên, bằng sức mạnh sinh tồn, nó tung một cú mạnh, dọt ra khỏi cái lồng và chạy băng băng như ngọn đuốc sống .Nó băng qua đường đắp mới,băng về phia đám ruộng khô. Trong lúc anh em  tui vô tư reo hò hoan hỉ thì bố già tui ...xanh máu mặt , miệng “nam mô a di Đà...Lạt”  lia lịa . Ổng sợ  lở con chuột nó chạy vào xóm nhà lá là  đời cha con mình tiêu tùng !!! Cũng may nó chạy xuống hang rồi ..mất tích luôn và cũng từ đó nạn chuột xơi gà giãm hẳn , còn ba tui thì đem cái bẫy treo...giàn bếp làm kỷ niệm.!

Tui còn nhớ một chuyện nữa, đó là vấn đề chăm sóc sức khỏe mà ba tui lúc nào cũng quan tâm hàng đầu. Chắc các bạn tuổi U-50 -60 trở về trước  hẳn không quên trong đời “được” ba má bắt uống xỗ lãi (giun). Đó là loại dầu  chiết suất từ đu đủ tía rất khó uống, tuy nhiên, đã uống thì hiệu quả 100%. Cứ định kỳ 6 tháng là ba ra tiệm thuốc Tây mua về 4-5 chai để sẵn . Sáng hôm sau, trời còn mờ sương ,ba dựng đầu mấy anh em tui dậy ,ngồi 1 hàng dọc đàng trước thẳng (đàng sau cong)!,từ đứa lớn uống trước để làm gương , tới đứa nhỏ .Ba không quên làm sẵn 1 ca sữa lớn để khi uống thuốc xong  nốc sữa vào liền cho đỡ....ói! Mỗi lần uống như vậy, anh em tui khóc mẹ khóc cha, năn nỉ ba, nhưng “quân lịnh như sơn” không đứa nào được “trốn nghĩa vụ” hết! Vừa bắt uống , ba cầm cái roi nhịp nhịp nên anh em tui đứa nào cũng như Tỉ Cang  Hoàng thúc uống thuốc độc vậy, vừa uống vừa khóc, vừa ói, mặt mũi tèm lem. Hahaha. Ngày nay tui không còn thấy loại dầu xổ lãi nầy nữa, mà thay bằng  Fugacar rất dễ uống mà ...hỗng thấy ra con lãi nào hết á!

Ngoài chăm sóc sức khỏe cho anh em tui, ba còn quan tâm tới việc ..chăm sóc dung nhan cho đám “xây-lố-cố” của ổng. Đó là hớt tóc!

Sở dĩ ba có cái nghề tay trái nầy là hồi còn dạy học ở Tân Ba ,Tân Hạnh,thấy mấy đứa học trò tóc tai dài mú mà hỗng thèm hớt tóc. Hỗng phải tụi nó mô-đen gì đâu mà là vì...không có tiền. Vậy là ba sắm bộ đồ nghề đầy đủ với tông-đơ (tondeuse ), kéo, lược và ...bàn cạo râu !  Sau giờ dạy học, ba “đè đầu” tui nó “sởn” sạch ót. Ban đầu không quen , ba hớt  có đứa đầu như “cóc gặm”, có đứa như cái gáo dừa úp lên,...vậy mà ba má mấy đứa tới cám ơn ba quá xá! Thời gian qua đi, “tay nghề” của ba cũng khá khá. Cái đầu của mấy đứa học trò đẹp dần .Công đoạn cuối là xịt nước ( thay  dầu thơm)cho ướt ót và hai mép tai, xong ba dùng bàn cạo râu gắn dao lam cạo sạch, coi chẳng khác gì thợ chuyên nghiệp.

Vì vậy sau nầy áp dụng “hành nghề” lên mấy cái đầu của anh em tui thì tay nghề của ba “cứng” rồi, không phải làm  “chuột bạch” thử nghiệm của bố già nữa. Ba tuyên bố : Chỉ nội bấy nhiêu cũng đủ tiết kiệm cho ngân sách gia đình 1 khoản kha khá mỗi tháng , vì vậy tui nhớ  mỗi lần giải quyết xong gần chục cái đầu cùa anh em tui thì ba ...tự sướng bằng 1 chai la-de con cọp .( bây giờ thường gọi là bồi dưỡng )

Các bạn biết không, thời đó chỉ có bia con cọp là phổ biến ( biere larue ) do nhà máy bia của Pháp sản xuất cho cả Đông dương. Ở ngoài chai có in hình đầu con cọp và trang trí  chung quanh nó là hình trái nho hoặc trái khóm. Tui nghe nói trong 1 kết bia chỉ có 1 chai có hình trái khóm là ngon đặc biệt,không biết có đúng không ?  nhưng hồi đó mỗi lần sai tui đi mua, ba đều dặn nhớ lấy chai có trái khóm nha con.

Có lần tui thử coi nó ngon cở nào, đợi ba đi chỗ khác, tui lén nốc mấy hớp, báo hại lát sau  thằng nhỏ ... “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu” tới tối . hihi.

Rồi thời gian cứ trôi, bọn tui ngày càng trưởng thành thì lưng ba ngày càng còng thêm và sức khỏe có phần suy giảm.

Theo nguyện vọng của ba và cũng do nhu cầu công việc lúc đó, ba được chuyển về Ty Giáo Dục Biên Hòa làm bộ phận Học liệu ( bây giờ là “đồ dùng dạy học”). Thời gian sau ba kiêm luôn nhiệm vụ Phát ngân viên( nói nôm na là phát tiền ). Nói thiệt,  “nghề” Phát ngân viên của ba coi vậy mà “oai” lắm nhe . Ba làm nhiệm vụ nầy tuy là nhân viên của Ty nhưng giáo viên cả tỉnh Biên hòa đêu biết hết , vì cứ mỗi cuối tháng, giáo viên từ các nơi trong tỉnh tấp nập kiếm bác Đấu để.....lãnh lương. Ba nắm cái bao tử mà! Hihi

Sau năm 1975, ba tiếp tục công tác tại phòng giáo dục tp Biên Hòa,tỉnh Đồng Nai. Và mừng vui của anh em tui khi ba LỤC TUẦN vừa qua chẳng bao lâu  thì một sáng nọ, ba ra đi một cách nhẹ nhàng  lúc sáng sớm chuẩn bị đi làm.

Mấy lúc sau nầy, cảm thấy sức khỏe giảm sút, ba có làm đơn xin nghỉ hưu vì đã 60, đến  tuổi hưu rồi . Trong ngày viếng tang, mấy chú ở phòng Giáo dục có mang đến Quyết định nghỉ hưu để lên bàn vong của ba .Có Quyết định hưu rồi, thôi ba yên tâm ra đi ba nhé.

Ba mất ngày 17 tháng 3 năm 1985 âm lịch ,thọ 61 tuổi .

Cái chết của ba đem lại nhiều tiếc nuối và mất mát lớn cho anh chị  em tui .Các con chưa có chút thời gian phụng dưỡng nào thì ba đã ra đi. Thời khắc khó khăn nhất của gia đình là lúc các con còn  quá nhỏ, chưa đủ biết hết lo toan, lo lắng của cha mẹ làm sao để các con không bị đói, không bị dốt. Đến khi các con nhận thức được công lao của cha mẹ thì không còn kịp nữa rồi......


Tuy nhiên sau nầy ngồi suy gẫm lại, sự ra đi của ba có lẽ đã phá được lời nguyển chăng? Vì các chú, bác, cô,...bên nội tui đều chết dưới 60 tuổi cả! Chỉ có ba tui leo qua được lục tuần 60 + 1 thì mới ra đi. Vậy là anh chị em tui từ nay yên tâm..thọ trên 60. Bằng chứng là chị hai tui năm nay 69 tuổi, anh ba tui  67 tuổi , thằng em kế tui 61 tuổi , còn tui đã bước qua tuổi 63 nhưng vần còn khỏe  re, chỉ có rơi rụng vài cái răng và cặp mắt cái pha , cái cos mà thôi. Hahahaha.

                                                   Xin tạm biệt,

 

Bài nầy tặng các độc giả lứa U 50 – U 70 xem để nhớ lại cuộc sống thời đó và nhất là tặng các đồng liêu của tui ở 2 trường tiểu học Nguyễn Du và Trung học Ngô Quyền Biên hòa .Để mà thương ,mà nhớ một thời tuổi thơ. Các thầy cô dạy tiểu học của tui:

- cô Nữ : lớp Năm

-thầy Nữa :  lớp tư

-thầy Bổ   : lớp ba

-thầy Tân   :lớp nhì

-cô Trang   :lớp nhì                                                                               

 -cô Tuyết : lớp nhất

 -thầy Chấn  : lớp nhất          

Các bạn đồng liêu có còn nhớ mấy thầy  cô nầy không?

Ghi chú: Chắc có bạn thắc mắc sao lại 2 năm lớp nhì và 2 năm lớp nhất ? Lý do vì hồi đó tui học “giỏi” quá nên “đúp” 2 năm lớp nhì và 2 năm lớp nhất.hehe   .Nói thiệt các bạn nghe,hồi cấp 1,chỉ số IQ của tui xuống thấp lè tè vì chất xám chưa phát triển.Mãi tới khi lên đệ ngũ thì chất xám mới từ từ bung ra và từ đó tui nằm trong “top five” của lớp cho tới lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ).

Còn các thầy cô ở Trung học đông quá,kể không hết,các bạn thông cảm nhe.

Hẹn sáng tác lần sau.

 

 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693512 visitors (2231199 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free