.
  Em tôi
 
13/7/2014
                                 
   

 

Cái chung duy nhất mà em tôi và tôi có đó là hai đứa có cùng cha cùng mẹ, cùng họ Lương. Còn những riêng tư, chi tiết khác biệt thì nhiều đến độ hai đứa tôi như hai người xa lạ.  

      Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng kinh nghiệm đời nó có 20 lần hơn tôi. Gần mẹ trong lúc trẻ, nó đi vượt biên ở tuổi 25. Nó nghỉ học cuối năm lớp ba, tôi học xong đại học. Trường đời của tôi dài chừng nào thì trường học của nó ngắn ngần ấy. Nó sống với ba tôi trên Sài Gòn một khoản 4 năm. Như một đứa con rơi của ông ta vậy, tôi chỉ ghé lại nhà ba tôi hôm đi học Bảo Lộc và từ Bảo Lộc về để nhận tiền tháng khoảng 5 lần trong năm 1972. Nó từng đập vỡ tan trái tim của mẹ tôi vài lần hoặc còn khiến cho má tôi tự vẩn trong khi tôi chưa hề có một lần nào làm mẹ tôi phải nhíu mày. Nó khiến mẹ tôi phải rời bỏ căn nhà bà chính tay tạo ra ở Cần Thơ để về Rạch Giá làm rẩy. Tôi tự động bỏ những thứ và rất ít ai có được ở Sài Gòn, cán bộ đại học và làm rễ một gia đình khá giả, để về Rạch Giá theo mẹ tôi. Nó từng nhiều lần khiến mẹ đau khổ đến nổi muốn tự vận vài lần, khiến ba tôi phải kêu trời. Tôi chưa lần nào làm cho cả hai phải phật lòng. Bà Ngoại tôi bị nó lừa một chỉ vàng còn tôi chưa hề gây cho bà một khỏan tốn kém nào. Cô Bảy tôi cũng đã chịu đựng những ngày nó tá túc trong cái villa của cô trong khi tôi chưa hề tiếp xúc với cô ấy.

    Nó làm má tôi than khóc, kêu rêu với mọi người. Tôi từng nhiều lần khiến mẹ tôi tự hào và bà nhận được nhiều lời khen tặng từ các bà bạn. Tôi đã từng trách mắng thầm sau một giây ngủ gục còn em tôi đã khiến cho bà phải thức trắng hàng vài trăm đêm. Nó phá tiền hoặc ăn cắp tiền của mẹ tôi nhiều đến nổi bà xem như có trộm trong nhà trong khi tôi chưa xài phí một xu của mẹ tôi. Ngày ra đi học đại học, tôi xin mẹ tôi một thứ mà ít có đứa con nào từng nghĩ đến- cái đồng hồ cũ mà mẹ tôi đang đeo. Dù thấy đủ thứ vật dụng trong nhà, tôi xin mẹ tôi một thứ mà ai cũng chê bai, một đồng hồ đánh thức bằng nhựa khi mà nó đã từng gọi người lại tháo tole của gian nhà sau để bán, tháo đầu máy may, khiên đi cái tủ lạnh mới toanh và nhiều thứ khác.

    Nó giống cha tôi, mắt hai mí trông điển trai hơn tôi. Tôi giống mẹ nhiều với cặp mắt một mí. Nó tung tin nói nhăng nói cuội, ít uy tín, ít khi giúp người giống cha tôi. Tôi ít nói âm thầm chịu đựng, vị tha, giúp đở người giống mẹ tôi. Khác tôi, nó không chơi thể thao tí nào, nên nó đứng thấp hơn tôi những 6 centimet. Nó được mẹ tôi bỏ ra rất nhiều đêm thức rất khuya chờ nó đi chơi về để bà có cơ hội tâm tình, kể lể, thuyết phục nó và chỉ mong cho nó nghĩ lại trong khi mẹ tôi hoàn toàn yên tâm về tôi. Nó ra đi như “cóc bỏ dĩa” trong khi tôi luôn nghe tôi xin phép khi đi bất cứ đâu làm bất cứ điều gì. Nó chẳng biết làm một thứ thức ăn uống gì khi mẹ tôi cần trong khi tôi là một tay đầu bếp mẹ tôi hòan tòan tin cậy.

   Em trai tôi và tôi cùng chịu cái hậu quả thường gặp của các gia đình đỗ vở. Nó bỏ học trong khi tôi cố gắng lo việc đèn sách. Sau khi bỏ học, nó đi rong, hút sách, phá làng phá xóm và chơi xì ke ở cái tuổi 13. Nó không có cái để xây mà cũng chẳng có cái gì để mất. Nó lấy nhóm đệ tử nhỏ tuổi, mà nó gọi là cái thứ “đâm cha chém chú” làm huynh đệ. Nó lấy bất cứ nơi đâu làm chổ qua đêm, một khách sạn hạng sang hay một cái mall nhỏ xiú hôi thối. Nó làm mọi việc để có cái thứ bột trắng trắng đó hoặc nhựa đen đen vào người, đâm thuê chém mướn, trộm cắp, xin đểu và bám gấu áo mấy đứa đệ tử gái. Nó sẳn sàng từ bỏ hết mọi thứ đang có hoặc tiêu xài, phá hủy hết ở Cần Thơ để lên Sài Gòn sống với ba tôi người đang có chiếc xe tải nhỏ để chuyên chở hàng để nuôi gia đình thứ hai của ông với 4 người con. Sau khi đi theo xe của ba tôi một lúc, nó học nghề và rồi nhanh chóng thành một tay thợ chánh của một tiệm sửa xe gắn máy trước cổng làng cô nhi SOS trên đường Quang Trung.

    Má tôi buồn khi nó ra đi nhưng lại rất khỗ khi nó trở về. Bà bỏ ra rất nhiều đêm không ngủ để thuyết phục, giải thích hoặc khuyên can nó. Bà bỏ ra rất nhiều tiền để mua nữ trang, đồng hồ đẹp, quần áo đúng thời trang để nó vui lòng ở nhà nhiều hơn đi rong chơi. Bà yên lòng khi nhìn nó ngủ hay quanh quẩn trong cái quán nhỏ của bà như nóng ruột lo toan khi nó bước ra khỏi nhà. Để giử chân nó, để cho nó vui lòng, mẹ tôi mua cho nó bất cứ gì nó thích từ xe Honda mới đến sợi dây chuyền 4 chỉ vàng hoặc cái đồng hồ model mới nhất. Để nó thấu được lòng bà, mẹ tôi chờ nó về để tâm tình nhỏ to cho đến khi mòn mỏi phải ngủ thiếp đi. Bao nhiêu điều ấy, như một vài cơn mưa rào không thấm tháp vào đâu trên miếng đất khô hạn, cằn cổi của thằng em tôi.

    Sau một vài xung đột với gia đình của bà kế mẫu, có 4 đứa con với ba tôi, nó quay về với mẹ. Ở Cần Thơ, nó có thể như một tay bụi đời thứ thiệt, quần xà lỏn, làm lơ xe, thợ sửa xe gắn máy chân tay lấm lem dầu nhớt. Nhưng lạ thay cũng nhanh chóng chuyển thành một công tử, ăn mặc bảnh bao chải chuốt như một tài tử điện ảnh. Lúc nào nó cũng có thể táo tợn, vô tâm, tàn nhẩn khiến cho mẹ tôi khóc hết nước mắt. Một lúc khác nó chọc phá, nói chuyện tiếu lâm lại có thể làm cho bà cười vang, ra nước mắt.

    Lạ thay, tôi khác hẳn với nó. Mẹ tôi chưa hề tốn một giây phút nào để nhắc nhở tôi. Bà chưa mua cho tôi một món đồ gì. Trước khi đi Bảo Lộc, tôi phải vào Cái Răng mua cái áo măng tô cũ. Tôi ra chợ lựa mua một cái vali vừa đủ lớn, chọn một ít vỡ và tự động làm một bửa tiệc chia tay. Khi tôi về nghỉ hè, bà thậm chí không phải tốn công làm đồ ăn sáng cho tôi. Bà chắc chưa hề nghe tôi hỏi xin bất cứ khoản tiền nào. Có một lần, sau khi đôi giày bata chơi bóng rổ quá mòn, tôi dùng tiền dành giụm được để tậu một đôi mới. Biết xin lên trường NLS Cần Thơ để ngủ “canh giử lúa” là điều trái khuấy, tôi chỉ cho phép mình lấy đi một bịch gạo nhỏ mỗi tối. Biết mỗi tháng phải nhận tiền của mẹ để đóng tiền nhà, tiền cơm tháng, tôi chưa hề xin thêm một khoản tiền nhỏ nào cho một nhu cầu cấp thiết lớn nhỏ nào tong 3 năm học ở Bảo Lộc.

        Nó được mẹ tôi cho cả cuộc đời, trọn một trái tim, nhưng nó nào có màng đến. Tôi, đặc biệt thay, không hề có một chút tị hiềm nào với nó cả. Tôi đi Bảo Lộc học như là một cách để tôi tránh đi sự chi phối của mẹ tôi, để mẹ tôi có thêm nhiều thì giờ cho nó và để nó có thể gần mẹ tôi hơn. Trên Bảo Lộc tôi thèm “mẹ” bao nhiêu thì ở Cần Thơ, em tôi thừa “mẹ” ngần ấy. Tôi học xa nhà lạnh lẻo thiếu thốn đủ thứ đến dường nào thì nó ở nhà có thừa mứa đủ thứ đến dường ấy. Những củ khoai tôi đã phải cố nuốt có lẻ tương đương với số các tô hủ tiếu, mì mẹ tôi mua cho nó hằng tối. Dẩu sao đó là luật bù trừ. Dẩu sao hai anh em tôi cùng bú chung bầu sữa mẹ. Nó có quyền tự do đập tan tình thương mẹ trong khi tôi luôn tưng tiu giữ gìn như một báu vật dễ vỡ. May mắn thay, nó chưa hề dập tan hoặc làm sứt mẻ gì cái tình huynh đệ giửa hai chúng tôi.

    Học xong trên Bảo Lộc tôi về Cần Thơ chờ ngày thi vào Đại Học, hằng ngày hằng đêm lo đèn sách. Ban ngày là lúc em tôi hành sự khắp phố phường. Đến khuya nó kéo tụi đàn em về nhà. Căn gác nhà tôi có hai phần. Trong phần gác trước, tôi đang học thi với hai miếng bông gòn nhét vào tai dán mắt vào các trang sách. Ở phía gác sau, nó và đệ tử đang quậy phá, chửi mắng hoặc hút xì ke, nhậu nhẹt. Ngoài việc học tốt ra, tôi còn yêu quý một thứ, cây đàn guita dây nylon màu đen hiệu Hoffners của tôi. Một tối nào đó. thiếu thốn quá, nó đã tháo đi bộ giây đàn để bán vì một ít tiền ít ỏi nhưng đó là một mất mát rất lớn đối với tôi. Tôi có thêm một lần im lặng nữa. Nó cũng khiến má tôi cả tin để mua một chiếc xe đạp đòn giông cũ mà nó nói là sẽ giữ cho tôi đi học sau này. Chiếc xe ấy bị nó bán ngay hôm sau.

  Tôi là người bỏ nhà đi có xin phép mẹ. Trước hết vì tôi vừa làm mất chiếc xe đạp mini của chị Tư tôi. Thứ hai là thấy khó tồn tại được trong cái gia cảnh như vậy. Thứ ba là vì Khuê có một nơi để ở và để làm. Nhà Cậu Hai nó và miếng rẩy bỏ hoang ở trên Bảo Lộc. Tối hôm đó 14 tháng 5 năm 1975, chờ đến khi quán vắng khách- sau 11 giờ khuya, tôi nói chuyện với má tôi và tôi xin bà cho tôi đi Bảo Lộc để kiếm sống. Sáng hôm sau, tôi hơi nghẹn khi nói lời chia tay nó,

“Mình đập bể cái gì cũng được nhưng phải gìn giữ trái tim của mẹ mình.”

Tôi không ngờ nó đã khóc khi tôi gạt nước mắt và nỗi đau để ra đi.   

     Xế chiều một ngày cuối năm 1976, nó lên trường ĐH SPKT Thủ Đức thăm tôi với tấm thân tàn, quần xà lỏn, áo thun lá, tay cầm một cái giỏ bàng. Nó nói thều thào với tôi rằng,

“Tối hôm qua tui chơi quá “phê”. Tụi nó lột sạch hết những gì trên người tui. Không biết làm gì nữa, tui lên đây thăm anh.”

Tôi lấy một khúc chỉ dài để khâu cái quần kaki của tôi cho nó mặc. Tôi dắt nó ra trạm xe lửa ở Thủ Đức chờ qua đêm. Sáng sớm tôi tiển nó lên xe buýt về và nghẹn ngào căn dặn nó,

“ Người ta có thể bỏ đi mọi thứ, đánh đổi mọi thứ, phá bỏ mọi thứ, trừ tình thương mẹ ra, đúng không? Về Cần Thơ cố gắng sống sao cho má vui. Anh hiện chưa chắc chắn tương lai sẽ ra sao nữa.”

     Một ngày tháng 8 năm 1979, trong nhũng ngày tôi chờ phân nhiệm sở, tôi ra Trại giam Cồn Sơn để thăm nó sau 3 năm không có liên lạc nhau. Tôi nghẹn không nói được một lúc rất lâu khi nhìn thấy nó đến trước mặt tôi. Hơn ba năm trong tù làm nó thay đổi quá nhiều. Tôi chỉ cho nó một bịch thuốc rê, một bịch gạo nhỏ một chai nước tương và một lời chúc,

“Cố giữ gìn  sức khoẻ về sống với má. Anh chắc rồi có việc làm và có thể tự lo thân được nhưng cũng chưa chắc sẽ ra sao.”

Từ một cán bộ thể thao tại trường đại học, tháng 3 năm 1979, tôi chuyển về Rạch Giá công tác. Ngày 2 tháng 9 năm đó, em tôi được ân xá. Hai năm sau khi tôi còn rất lận đận trong con đường sự nghiệp, nó đi vượt biên. Mãi cho đến tháng 3 năm 1985, khi nó bên Úc bắt đầu làm chủ một hảng ủi lớn, thì bên đây tôi bắt đầu đi làm cho một cơ quan thứ nhì. Vì thấy chị tôi về thăm mẹ, cho tôi tiền cất lên một cái nhà, tháng 10 năm 1992, em tôi lảnh tôi qua Úc 6 tháng. Tôi làm cho nó như một lao công trong hảng. Tôi học được từ nó cái khí phách, khôn ngoan của một thương nhân. Chở tôi đi nhà băng lảnh tiền trả tiền công cho 16 người thợ, nó kể lể:

“Mỗi tuần em rút 6 ngàn đô trả tiền thợ và em cũng kiếm được ngần ấy tiền lời.”

Tôi trở về Việt Nam tiếp tục những gì đang dở dang. Em tôi bên đó tiếp tục làm giàu. Nó có thể bao ăn ở, biếu quà cho cả một đoàn nghệ sĩ từ Sài Gòn qua bên đó diển một tuần lễ. Nó thỉnh thoảng gởi cho mẹ tôi 100 đô để ăn Tết. Mỗi năm, tôi chỉ gởi thiệp Xuân cho nó. Ngày con gái tôi đầy năm, tôi mời khá nhiều bạn Nông Lâm Súc từ Bảo Lộc, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn đến mừng, nhưng không dám báo cho nó biết vì tôi ngại mang tiếng lợi dụng.

    Sau khi mẹ tôi mất, em tôi khánh kiệt. Nó hút xì ke lại và con trai nó phải tốn 7 ngàn đô cho nó cai nghiện. Một hôm vì uống quá nhiều rượu, nó xuất huyết rất nhiều và hôn mê sâu. Nó bị cắt mất nữa lá phổi, hư dây thần kinh thị giác và mất khả năng vận động. Sau một năm điều trị bên Úc, nó xin vợ con cho về Sài Gòn chữa trị. Gần 9 năm nay, tốn kém khá nhiều, chữa trị đủ cách, đi về cũng khá nhiều lần, nó vẫn chưa thuyên giãm, chưa cầm nắm được, chưa tự đi được. Nó lấy cô gái chăm sóc nó làm vợ. Chính phủ Úc cho người phụ nữ ấy trợ cấp sau khi qua đến đây 3 tháng.

   Được bác sĩ điều trị cho biết lá gan của nó bị suy thoái rồi, nó nhờ ông viết mấy lời đề nghị cho anh em qua thăm lần cuối. Tôi được cấp visa ngay sau hôm nộp hồ sơ. Tôi đang sống với em tôi trong những ngày cuối đời nó. Điều duy nhất tôi có thể làm là suốt ngày trong nhà với nó và viết nốt câu chuyện này. Tôi tự hỏi,

“Ta có nên đọc cho nó nghe không đây. Ta có nên gửi đăng truyện này hay không?”

 Nhưng tôi chắc sẽ làm một chuyện mà nó vừa nhắn nhủ, mang tro của nó về quê hương để đặt cạnh bên mộ của mẹ tôi.

 

 

       Sydney, NSW, Jul 3, 2014

Lương Ngọc Thành                                                                                        

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638858 visitors (2128561 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free