.
  Nhớ quá Hò cấy lúa P1
 
18/9/2014

.

Phần 1: Cấy lúa

Ngày nay, theo các nhà nghiên cứu về nông nghiệp thì sạ lúa có lợi hơn cấy lúa. Thứ nhứt là thu hoạch lúa nhiều hơn; thứ hai là ít cần đến nhân công: Một vài mẫu lúa chỉ cần một người cật lực sạ quá buổi là xong; đó là chưa nói ngày nay có máy sạ thì năng suất lao động tăng cao gấp bội! Trong lúc cấy lúa phải trải qua nhiều công đoạn mà giai đoạn nào cũng cần nhiều người và lắm gian nan. Từ nhổ mạ, bó lại từng bó, rồi dùng cộ* kéo đi hoặc đòn xóc** mà gánh (lên bờ hoặc đem về nhà). Đợi ba bốn ngày sau cho mạ ra rễ non; trong lúc nầy người nông dân phải làm lại ruộng cho thật bằng phẳng, sạch sẽ, sẵn sàng cho công đoạn cấy.
Ngày nay đồng lúa bị nhường chỗ cho cây ăn trái, hay công nghệ nuôi trồng thủy sản nên hiếm thấy được những cánh đồng bạt ngàn cò bay thẳng cánh như xưa; từ đó cũng khó thấy được cảnh cấy lúa với hàng trăm công cấy lô nhô trên ruộng. Thiết tưởng cũng nên sơ nói qua cho người sau được biết.
Cấy lúa có thể nói là công đoạn gay go nhứt trong qui trình trồng lúa. Người chủ ruộng phải chuẩn bị trước nhiều ngày, có khi cả tháng để “kêu” công cấy – tức những người “thợ” cấy lúa. Tùy theo ruộng nhiều hay ít mà “kêu” số công cấy thích hợp, thường thì cũng không dưới hai mươi; lắm khi “kẹt công”, người chủ ruộng phải “kêu” công cấy thêm ở những làng lân cận, hay thợ cấy từ xa đến.
Sau khi ăn sáng – thường là xôi và muối mè hay tép rang mặn; không thấy chủ ruộng “đãi” cơm bao giờ, vì ngoài “ăn xôi cho chắc bụng”, chủ ruộng cũng không có thời gian lo thức ăn cho năm sáu chục người. Xôi thường được đựng bằng thúng, bên trong được lót mấy lớp lá chuối; chén đũa cá nhân cũng không, người ăn cứ lấy nhiều đôi đũa công cộng rồi mạnh ai nấy vít vào tay, chấm vào mấy tô muối mè hoặc vừa cầm xôi, vừa cầm tép để trong nhiều tô, dĩa lớn ở chung quanh. Công cấy đủ mọi lứa tuổi trong đó có những thanh niên nam nữ trong lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nên sức ăn như hổ. Tại những thửa ruộng gần đường đi, chủ ruộng luôn mời những người đi đường ngang qua “ăn cho vui” và cho lũ học trò chúng tôi, vì thế lượng xôi phải thật nhiều vì chủ ruộng không muốn mang tiếng là keo kiệt! Thành ngữ “nấu như cho công cấy” là nhằm phê bình các chị nào nấu cơm quá nhiều so với lượng người ăn.
Khi no bụng, các công cấy “xuống công”. Nếu đủ người, họ dàn hàng ngang hết thửa ruộng rồi “bắt luống”. Mỗi “luống” do một người phụ trách, có thể từ 4 đến 6 bụi bề ngang, họ cứ khom lưng xuống thụt lùi mà cấy từ đầu ruộng bên nầy đến đầu bờ ruộng bên kia. Tới bờ ruộng bên kia là dứt luống cấy của họ. Trường hợp bề ngang thửa ruộng quá lớn mà công cấy không đủ dàn ngang một lần, thì họ phải “bắt luống” lại từ đầu bên kia trở lại đầu khởi điểm lần trước. Nếu cũng chưa xong, thì tiếp tục quay lại “bắt luống” cho đến khi nào cấy giáp thửa ruộng thì thôi.
Với công cấy người địa phương, thì những người cấy giỏi họ tự chọn đứng gần nhau để không ai bị “nhốt” - Nhốt là bị hai người cấy giỏi “dẫn luống” qua mặt, bỏ lại người cấy yếu phía sau bị kẹp ở giữa hai “luống” hai bên. Nếu người cấy giỏi “bắt luống” gần người cấy yếu thì họ nương nhau, tức là người giỏi cấy chậm lại để chờ, hoặc “gánh” giùm một bụi cho người cấy chậm hơn - nếu mỗi người cấy 5 bụi thì người cấy giỏi sẽ cấy 6 bụi, còn người kia cấy bốn bụi. Cùng làng mà!
Còn với công cấy phương xa đến, thì những công cấy xuất sắc trong làng âm thầm cấu kết xen kẽ với công cấy xa, cho công cấy ở xa xen giữa; với mục đích để người ở xa bị “nhốt” chơi! Người nông thôn không có tính ác, nhưng họ muốn cho “đối phương” phục dân làng mình có những tay cấy thượng thừa!
Nếu công cấy phương xa ấy cấy kém – đã bị “nhốt”, thì lúc nghỉ ăn xôi trên bờ ruộng, họ đến nói với hai người đã “nhốt” mình: “Hai anh/ chị cấy hay quá, tui “chạy” theo muốn chết mà cũng không kịp”, chỉ cần câu nói đó là người địa phương khoái chí, họ liền nói: “Anh/ chị đừng lo, để lát nữa tụi tui phụ chị một hàng”. Thế là vui vẻ cả… hai làng! Dân quê là như vậy đó!
Cấy lúa ngoài việc khom lưng suốt buổi dưới ánh mặt trời, mỏi lưng còn có thể đứng thẳng lên một lát nhưng mỏi chân thì chỉ chịu trận bởi bên dưới là nước; ngoài ra họ còn thường xuyên bị đỉa bám cho nên phải nói cấy là công đoạn rất gian nan. Để tạo niềm vui cho quên đi những nhọc nhằn của công việc, người xưa đã bày ra những câu hò. Câu hò gắn liền với động tác lao động: Hò giã gạo, hò chèo ghe, hò cấy lúa.

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638128 visitors (2126986 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free