30/3/2014
Việc tình cờ gặp anh Bảy Việt, nghe câu chuyện do chính anh kể lại đã khiến tôi nhận ra một trong rất nhiều điều trớ trêu, oan trái, nghịch lý hoặc hữu tình. Nhưng điều hơn hết là cái triết lý,“Chỉ có cái thiện mới thiện mới hóa giải được cái ác.”
Trong những lần tôi vào Đường Xuồng, một xã nhỏ cách rạch Giá 32 km, tôi đã gặp một phụ huynh của người học trò cũ. Anh Sáu La rất mến tôi. Và trong một đám giỗ gần đây, anh Sáu giới thiệu với người em kế, Bảy Việt, người đã kể cho tôi nghe câu chuyện “tìm con”, người khiến tôi ứa nước mắt như tôi chính là người trong cuộc.
Vốn là người chất phát, tảo tần nuôi 3 đứa con, Ngô Văn Việt làm đủ nghề và kiêm nhiệm chức ấp đội trưởng, xã Long Thạnh, huyện nhà. Mặc dù bị tỵ hiềm, trù dập và hăm dọa của tay xã đội trưởng, thay vì trả thù, ăn thua đủ, anh Bảy Việt tìm cách trốn đi. Bị bắt lại, tịch thu mất hết tài sản, Bảy Việt dọn về ở chung với ba mẹ. Là một nông dân giỏi đạo đức, ba của Bảy Việt thương con, cháu và rất có trách nhiệm. Mẹ anh Bảy, sinh ra 7 người con, yêu thương chăm sóc các con đều như nhau. Sau đó không lâu, đang làm một xưởng nước đá với vốn liếng do cha mẹ thương tình cấp riêng cho, một chiều tối, anh Bảy bất ngờ bị cướp gần hết những gì có giá trị của gia đình. Để tránh mặt, để quên đi cái thảm cảnh âý, người đàn ông 26 tuổi này phải ly hương, cầu thực cách xa hai xã, làm bất công việc gì có ai cần đến suốt một năm trời sau khi đã gởi vợ con về ở với gia đình của nhạc gia.
Anh thật tình kể lại,
“Tôi sốt sắng kéo xe cho các người bán hàng suốt ngày và chỉ mong họ cho một gói xôi và một ly cà phê đen.”
Thật may mắn, anh Bảy với vợ và 3 đứa con, chỉ còn có mỗi 2 chỉ vàng, có dịp theo một chuyến vượt biển. Vốn đã là một nỗi kinh hoàng nhất trong đời, chuyến đi bằng ghe bầu cũ kỹ, không có cả be cản sóng, vào cuối tháng 3 năm 1981 ấy đã để lại một vết thương, cắt gần đứt gan ruột của anh ấy suốt 31 năm. Anh Bảy nghẹn ngào kể lại,
“Sau 3 lần bị cướp, chưa ra hết hải phận Việt Nam, trong lần cuối ấy mọi người và tôi chỉ mong vào một phép mầu. Không cướp, cũng không hảm hiếp nhưng hải tặc đã bắt đi con trai của tôi 3 tháng tuổi và một đứa bé gái 11 tháng tuổi khác sau khi đã kéo chúng tôi đi đến gần nửa ngày.”
( ành minh họa: Hội ngộ)
Sau những năm tháng thống khổ trong trại tị nạn Thái Lan, vừa đặt chân lên nước Mỹ làm đủ mọi nghề có thể được, có gần mọi thứ người đời mong ước, anh Bảy còn thiếu một thứ mà người bình thường không thể có, không hề nghĩ đến: đứa con bị bắt đi ngày nào. Có dịp đi holiday nào, anh Bảy luôn đi Songkhla, Thailand để dò la, tìm kiếm tung tích của đứa con. Người cha mất con này không bỏ sót một tài liệu, tin tức, vào các tổ chức, hội đoàn nào có liên quan đến hải tặc, đến trẻ em thất lạc trên biển.
Sau 31 năm trong nỗi tuyệt vọng, một hôm tại Mỹ, anh Bảy Việt nhận được phone của hai vợ chồng Khuê- Hoa, có cùng cảnh ngộ, đang đi tìm con, từ bênThái,
“Cô Saomai Turkrau, hướng dẩn viên du lịch, đã giúp tôi đăng tin truy tìm được vài đứa thanh niên gốc Việt đang sống bên đây, trạc tuổi 30. Có một đứa trai trông rất giống anh. Bay qua đây ngay nhé.”
Được tin này, Bảy Việt bay ngay đến Bangkok và may mắn gặp được một Chookiat Suwanrungsri, cựu tỉnh trưởng Songkhla, nay là giám đốc Sở An Sinh Xã Hội, người hết sức nhân từ, đã hết lòng giúp đở anh. Chookiat đã nói một câu bất hủ,
“Việc giúp tìm được con cho anh Bảy Việt cũng giống như việc tôi vừa có thêm một đứa con.”
Bệnh viện địa phương đã nhanh hơn bao giờ hết xác định được ADN của hai cha con họ. Người dân làng đó đã giúp anh Bảy cảm thấy như đang ở trên làng quê của chính mình. Sau 3 tháng tiếp xúc với dân làng, nhận ra con trai, anh Bảy Việt đã nhờ sự trợ giúp của chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly để ghi hình và để biến cái cuộc trùng phùng rất kịch tính ấy thành chương trình số 56- 57. Trớ trêu thay, tại cái làng Thaweewathana, trên con đường Thanon Yaring, dảy phố của những cựu thủy thủ, dò la qua lại, anh Bảy từng nhiều lần vào các hẻm sâu, hỏi thăm các người lớn tuổi làm nghề biển ở đó. Đứa con trai của anh, Buff, Ngô Văn Đảm, đang làm kế toán cho doanh nghiệp thu mua hải sản của người cha nuôi, người hải tặc 31 năm trước, người vốn có vợ chấp nối với 4 đứa con riêng. Buff, ngoan ngoản hiếu thảo, đã được người cha nuôi ấy, vốn không thể có con, thương yêu hết mực và Buff có học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh và vừa lập gia đình với một phụ nữ Thái.
Ngoài gương mắt rất giống anh, Buff còn có một mép tai bên phải bị lép. Khi vừa gặp anh, thông qua một phiên dịch, thằng con đã hỏi ngay,
“Tại sao trước đây ba đã bỏ con?”
Là câu hỏi đầu tiên, cậu con trai gốc Việt, trắng trẻo, cao 1 mét 8, có quốc tịch Thái, nói được chút ít tiếng Anh, hỏi người ba ruột đang mang quốc tịch Mỹ. Qua lời thông dịch, chàng trai Việt, có hai người cha ấy, mới hiểu hết cái ly kỳ của chuyến đi biển 31 năm trước.
Tại phi trường Tân Sơn Nhất, cả nhà anh Bảy, 5 người, từ Mỹ bay về để đón Đảm và người vợ Thái mới cưới. Về đến quê, anh Bảy mở một tiệc lớn 2 ngày liên tiếp cho bà con cả vùng đó đến thăm, chứng kiến chia vui với gia đình anh Bảy Việt, một niềm vui hiếm có.
Ngồi cạnh tôi trong một bửa tiệc đám giỗ ồn ào, nhưng câu nói của anh Bảy Việt đã làm tôi nghẹn ngào ứa lệ,
“Nếu tôi không hiếu thảo với mẹ tôi, sống tử tế đạo đức, thì làm sao tôi có thể gặp được con tôi.”
Quẹt nhanh nước mắt, tôi chú ý lắng nghe anh Bảy kể tiếp,
“Cái động cơ của cướp biển là sự thù hận. Các tàu đánh cá lớn của VN cũng đã từng tấn công, cướp tàu của người Thái vậy.”
Cho tôi xem rất nhiều hình ảnh trên iphone, anh Bảy còn khoe với tôi,
“Tôi hiện là thành viên của SEAMCF- South East Asia Missing Children Foundation. Việc tôi tìm được con càng khiến tôi muốn giúp đở cách thuyền nhân đã thất lạc con thời trước. Tôi và bà xã đang làm nhiều việc từ thiện. Tôi có ý nguyện dạy các cháu trong vùng này nói được tiếng Anh.”
Có ai đấy hỏi anh,
“Bảy Việt có lảnh thằng nhỏ qua Mỹ không?”
Anh Bảy vui vẻ trả lời ngay,
“Hai vợ chồng thằng Đảm sắp qua Mỹ rồi.”
( ảnh minh họa: hôi ngộ trên đất Hoa Kỳ)
Vì từng đã được một bà mẹ nuôi yêu thương hết lòng, vì cảm kích con người của anh Bảy Việt, tôi tự nguyện hứa giúp anh nhiều việc tôi có thể làm được như cái thành ngữ,
“Making someone happy makes ourselves happy too-
Việc làm ai đó hạnh phúc khiến chính chúng ta hạnh phúc.”
Rạch Giá Nov 8, 2013
Lương Ngọc Thành