18/9/2014
( Hình minh họa)
“ Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!” (P.D.)
Tôi còn yêu tiếng nước tôi vì nó là một ngôn ngữ vừa đẹp, vừa phong phú, bảo đãm không có tiếng nước nào “giàu” hơn được! Trong giờ học “Sự phong phú của tiếng Việt”, mọi người thật thích thú khi nghe G.S L.T. Khảo nêu lên một vài ví dụ đơn giản như tả màu đen tiếng Việt có: đen bóng, đen tuyền, đen nhánh, đen thui, đen giòn, đen sì…Cũng là diễn tả đen nhưng có lồng trong đó khen, chê và cảm tình của người nói. Ngoài ra còn tùy theo đối tượng mà gọi khác nhau: Ngựa ô, gà ác, đũa mun, hắc ín, chó mực, quần lãnh, áo thâm…Rồi còn nói lái nhưng lại có ý nghĩa rất sâu sắc, thâm trầm:
“Đẻ con, con đẻ, con nuôi
Nuôi con há cậy con nuôi bao giờ?” (Riêng câu này nghe ra rất phù hợp với thời bây giờ!)
Hay là diễn tả cách xưng hô với nhau, tiếng Việt không chỉ đơn thuần “you & me” mà “muôn hình vạn trạng” để diễn tả thứ bậc, trên dưới, người lạ, người thân, cảm tình hay không cảm tình, kính trọng hay xem thường…Người nước ngoài chỉ học vụ xưng hô này cũng đủ “tẩu hỏa nhập ma” rồi!
Chúng ta thấy cả trí thức và bình dân cùng góp phần làm phong phú tiếng Việt, chúng ta là con cháu phải học hỏi để am tường tiếng Việt, vì “vô tri bất mộ”, không biết thì làm sao mà yêu mến được? Do đó đã là người Việt cần phải học tiếng Việt cho giỏi để biết, để hiểu và để “yêu thêm cho nồng nàn”. Nói tới đây tôi nhớ lại lời chia sẻ của một cô ở New York: Lớp cô có 22/25 học sinh là người Mỹ, chỉ có 3 người Việt thôi. Trong đó có cặp vợ chồng Mỹ xin con nuôi Việt Nam, nên ông chồng Mỹ tự nguyện đi học tiếng Việt để về dạy lại cho con nói, để nó khỏi quên nguồn cội của nó! Tôi biết có những cặp vợ chồng Mỹ có con nuôi VN, ngoài việc học tiếng Việt, Văn hóa Việt, món ăn Việt, hằng năm họ còn đem con về thăm VN cho nó khỏi quên đất nước, nơi nó xuất thân! Trong khi đó nhiều gia đình Việt Nam 100% lại quan niệm con quên tiếng Việt, văn hóa Việt là chuyện bình thường không đáng bận tâm. Sau này lớn lên khi chúng về thăm Việt Nam, chúng sẽ là người khách lạ bỡ ngỡ ngay trên quê hương mình: Đi đâu ? làm gì? Nói gì…cũng phải có thông dịch viên. Tiếng nói là linh hồn của một dân tộc, buồn thay chúng đã đánh mất linh hồn của dân tộc mình rồi!
Trong phần thắc mắc, một thầy giáo đã nêu lên câu hỏi của 1 em hoc sinh Việt Ngữ: “Tại sao Hồ Cẩm Đào, rồi Tập Cận Bình …họ tên Việt, người Việt mà sao họ ác với Việt Nam thế?? thì ra em lầm tưởng các ông này là người Việt Nam, vì thấy tên Việt! Câu hỏi ngây ngô nhưng thật khó trả lời! Đây là phần trách nhiệm của giới truyền thông, báo chí hải ngoại. Tại sao ta không dùng đúng như tên Tàu của họ mà lại dịch ra tiếng Việt, như chúng ta vẫn gọi tổng thống Bush, chứ đâu gọi tổng thống “Bụi”. Hay khi gọi tên các nhân vật lảnh đạo các nước Châu Á, ta vẫn gọi và viết đúng như tên của họ. Tại sao ta lại ưu ái cho bọn lảnh đạo China được mang một cái tên Việt Nam thân quen, trong khi chúng gian ác với dân tộc Việt Nam. Mong rằng giới truyền thông báo chí Việt Nam hải ngoại hãy xem xét lại và mau chấn chỉnh càng sớm càng tốt! kẻo gây sự hiểu lầm nơi con cháu chúng ta. Tại sao chỉ có tên bọn lảnh đạo China là được Việt hóa? hay đây là kế hoạch lâu dài của nhà nước CSVN để tập cho người dân nghe quen tai, hầu sau này dễ biến Việt Nam thành 1 tỉnh lỵ của China ( 2020) mà chúng đã toa rập ký giấy bán nước rồi .Chúng ta cần phải cảnh giác và độc lâp với ngôn ngữ báo chí trong nước, không thể bắt chước họ để gọi bọn đầu sỏ China bằng một tên Việt thân quen được. Dứt khoát là không!
Mới đây trên “Bản Tin khoa học. net”, tôi đọc được: “GS Nguyễn Văn Tuấn từ Úc đã đưa ra lời bình luận trên Facebook: “Đọc phát biểu của viên phát ngôn ngoại giao VN mà bực mình. Viên phát ngôn nói: ‘Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động vô nhân đạo nhằm vào tàu cá của ngư dân hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam’. Đến hai chữ Trung Quốc – Tàu cộng mà còn không dám nói! Sao gọi là ‘vô nhân đạo’? Phải nói đó là hành động của QUÂN CƯỚP BIỂN. Quân cướp biển thì sao có chuyện ‘nhân đạo’? Tại sao không nói thẳng thủ phạm là Tàu cộng? Sao mà hèn như thế?
Phải gọi đúng tên hành động như thế: ‘Chúng tôi lên án hành động cướp biển và phá hoại của các tàu China nhắm vào các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi phản đối các tàu của China xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu các tàu cá China phải lập tức rời khỏi vùng biển của Việt Nam’. ( Trong đọan cuối này, nếu để ý bạn sẽ thấy GS Tuấn dùng chữ China, chứ không dùng tiếng Việt: Trung quốc, Tàu cộng, để gọi tên họ)
——– 00000 ——–
Sau giờ ăn trưa, chúng tôi bắt đầu đi tìm xem nhóm của mình tập họp ở đâu? Và được BTC chỉ định tham gia văn nghệ với đề tài gì cho “Đêm Văn Hóa” tối nay ở Đài Truyền hình SBTN. Đây là 1 thách thức qúa lớn về khả năng văn nghệ tập thể của BTC dành cho các thầy cô giáo ( phải trình diễn tập thể, phải có trang phục phù hợp..) vì tối phải trình diễn rồi mà giờ này vẫn có người lang thang đi tìm nhóm của mình.Khi tìm được nhóm “Tây Kết” rồi, tôi mới biết nhóm được phân công bài “Áo dài quê hương”. BTC đưa CD nhưng không có máy làm sao “chơi”, nên cũng chẳng biết nội dung bài hát nói gì? May là qua tựa bài, đoán là nói về áo dài. Như vậy là bắt buộc phải có Áo Dài trong phần trang phục. Hỏi các cô giáo trong nhóm: “Ai có áo dài?” Ai cũng có hết, nhưng để ở nhà, chỉ có 2 cô mang theo. Vậy là tôi đành phải chấp nhận “hy sinh”, buổi chiều sau giờ học sẽ chạy vội về nhà để thay áo dài. Không biết sao ngày xưa ở Saigon đi học 7 năm trung học GL, 4 năm ĐHSP rồi sau đó bao nhiêu năm đi dạy, mỗi ngày đều mặc áo dài đến trường mà vẫn thấy rất thoải mái! Còn bây giờ nói tới mặc áo dài là một “hy sinh” vì áo dài lướt thướt, quần dài lòe xòe, đi không khéo sẽ vấp té, rồi chật chội không thoải mái chút nào, nên tuy vẫn còn mê áo dài song “may thì nhiều, nhưng mặc chẳng bao nhiêu”. Nói tới áo dài khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm khá độc đáo với chiếc áo dài: Sau 75 các trường trung học công lập, cả cô giáo lẫn nữ sinh đều tự động bỏ áo dài thay vào đó là quần đen, áo somi. Còn đâu nữa hình ảnh nên thơ, duyên dáng mà Nguyên Sa đã từng miêu tả về tà áo dài trắng nữ sinh:
“Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay”
Đến những năm đầu thập niên 80, bà HT trường tôi nhìn hình ảnh trong các cuốn kỷ yếu ngày xưa thấy hình ảnh các tà áo dài đẹp quá, nên trong một kỳ họp Hội Đồng nhà trường, bà đề nghị các cô giáo nên mặc áo dài làm gương trước, vào mỗi sáng thứ 2 chào cờ. Vì là đề nghị nên chỉ có một số cô mặc. Tôi nghĩ tiếc cả tủ áo dài đẹp, nên chịu khó lấy ra mặc, không ngờ lại thành cái “tội” sau này.
Sau đó trong kỳ họp HĐ tháng tiếp theo, bà HT ra lệnh cho các cô phải mặc áo dài đến trường bắt đầu từ tháng tới. Rồi sang năm học mới, các nữ sinh sẽ mặc áo dài trắng đi học. Giờ giải lao các cô than trời như bộng, không hiểu sao bà thay đổi ý kiến nhanh thế? từ đề nghị qua bắt buộc, từ chỉ 1 ngày thứ 2 qua cả tuần? Tôi cũng thắc mắc nên 1 cô kéo tôi ra ngòai nói nhỏ:
- Tại chị đó! Tội chị lớn lắm, ở đó mà còn lo thắc mắc!
Tôi ngơ ngác: “Tội gì? Chị có làm gì đâu?”
Cô bắt đầu kể : “Thứ 2 tuần trước, sau lễ chào cờ, chị mặc áo dài, xách cặp đi dưới sân. Bà HT và một số thầy cô giáo đứng trên lầu, em đứng gần bà, bà chỉ chị đang đi dưới sân rồi nói với em: “Xem kìa, cô giáo mặc áo dài trông duyên dáng đầy nữ tính, đẹp thế kia mà các cô khác còn không chịu mặc? Kỳ tới họp HĐ tôi sẽ ra lệnh bắt các cô mặc áo dài mới được!” Thiệt tình em thấy dáng chị cao, mặc áo dài đẹp thiệt nên em cũng phụ họa với bà. Những tưởng bà nói vậy rồi thôi! Ai dè bà làm thiệt, nên chị là “đầu giây mối nhợ” trong vụ này, “tội” chị là vậy đó!”
Tôi nghe giật mình: “Thiệt vậy sao? Thôi làm ơn đừng nói ai biết kẻo chị bị các cô “dũa” chết!
- Vậy thì chị phải “hối lộ” em cái gì để em “giữ bí mật” dùm chị.
- Được rồi, ngày mai chị sẽ mua cho em 1 gói bánh, chịu chưa?…
Sau đó tôi nghe bà HT tâm sự: Ở miền Bắc chúng tôi sống khổ quá cơm không có mà ăn, toàn ăn khoai sắn nên làm gì có áo dài mà mặc. Còn trong Nam các cô có áo dài tại sao không chịu mặc?? Nghe bà than thở tôi bỗng nhớ lại câu chuyện của một số nhà văn, nhà thơ miền Bắc vào miền Nam thời gian đầu: Khi đi ngang các cổng trường trung học vào giờ tan trường nhìn thấy những tà áo dài trắng của các nữ sinh bay rợp khắp các ngã đường như một đàn bướm xinh. Các ông sững người đứng ngắm đến ngơ ngẫn, rồi bảo nhau:
- Ngoài kia bọn mình cứ lo hô hào, cổ vũ mọi người xây dựng Thiên đường XHCN, nhưng hình ảnh thiên đường nào thấy đâu? Ngay cả mấy cô tiếp viên hàng không cũng chỉ quần đen áo sơ mi trông chán chết!
- Vào Nam, họ chả hô hào xây dựng thiên đường gì cả, nhưng bao nhiêu là hình ảnh đẹp tuyệt vời như cảnh trước mắt chúng ta đây. Ngắm mà không thích mắt sao?
- Ôi từ lâu cảm xúc thẩm mỹ của chúng ta đã bị thui chột mất rồi! hôm nay nó mới có cơ hội sống lại!. Làm sao mà không vui, không ngây ngất cho được…
Thì ra XHCN:“Nói vậy mà không phải vậy” hay “Hô hào vậy mà không phải vậy”, chỉ toàn là “bánh vẽ”, là “một rỗ danh từ” thôi!…
Trở lại với vụ phân công văn nghệ trong nhóm, nhìn đồng hồ tay thấy còn 10’ là tới giờ vào lớp buổi chiều, nên tôi vội vàng nhận việc “Thôi để tôi phụ trách phần viết và đọc lời giới thiệu. Phần còn lại các bạn chia nhau làm nghen!” mọi người đồng ý lẹ! Rồi cả nhóm xúm nhau bàn nên làm gì? Diễn tả làm sao? Chưa đâu vào đâu hết thì đã tới giờ học buổi chiều. Phải chi BTC cho thời gian họp nhóm và biết đề tài từ tối qua thì đỡ biết bao! Đúng là BTC chơi ép các thầy cô quá, khiến cho nhiều người muốn bắt chước nàng Kiều mà thưa rằng: “Chút lòng “văn nghệ” từ nay xin chừa” vì cập rập quá không có giờ để suy nghĩ và chuẩn bị gì cả!
Rời nhóm, tôi vội vàng đi tìm phòng của môn “Điều hành lớp học” do cô Diệu Quyên phụ trách. Ai đã từng đi dạy cũng đều biết khả năng điều hành lớp học rất quan trọng, thiếu khả năng này, chúng ta sẽ không dạy học sinh được. Cô Diệu Quyên cung cấp nhiều kỷ năng và kinh nghiệm mà cô đã có khi dạy ở trường Mỹ để giúp các thầy cô điều hành lớp học cho tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được nghe các thầy cô khác chia sẻ những kinh nghiệm đặc biệt khi điều hành lớp học rất thú vị, như làm thế nào để hòa mình với các em, thân cận với các em…Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Lâu lắm mới được trở lại với “vị trí học sinh”, tôi bắt chước các em học sinh ngày xưa: thích ngắm nhìn cô giáo mặc áo dài. Cô D.Q. có rất nhiều áo dài đẹp: áo dài mặc trong lễ nghi bái tổ quá xuất sắc, quá phù hợp, rồi những lần sau đó áo dài nào của cô cũng đẹp “mỗi áo một vẽ, mười phân vẹn mười”. Tà áo dài Việt Nam đã được bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ, nhà văn khen ngợi vì nó lột tả được hết nét đẹp duyên dáng, dịu dàng, nhưng cũng không kém phần lôi cuốn hấp dẫn của phụ nữ Việt Nam. Do đó tà áo dài cũng là biểu tượng của Quê hương Việt Nam, vì vậy khi xa quê hương, người Việt Nam muốn giữ lại quê hương của mình qua hình ảnh tà áo dài thân thương ấy! Đó có lẽ cũng là lý do trong khóa tu nghiệp kỳ này các cô giảng viên và cả những cô trong BTC đều mặc áo dài mỗi ngày, rất đẹp, rất duyên dáng làm tôi cảm thấy sân trường đại học Long Beach mang đầy dáng dấp hình ảnh quê nhà thân yêu! Đúng là “Chúng ta đi, mang theo quê hương”. Mới đây trong một chuyến đi Cruise ở Châu Âu do nhóm cựu H.S trường SNA tổ chức, cô trò chúng tôi rủ nhau “Đêm Thuyền Trưởng” sẽ mặc áo dài. Khi nhóm chúng tôi xuất hiện, ai trông cũng yêu kiều duyên dáng với nhiều tà áo dài bông hoa, màu sắc khác nhau khiến bao khách nước ngoài trông thấy đều không tiếc lời khen ngợi (Oh! Beautiful, Wonderful, Very Interesting, Très bien…) Lúc cô trò chúng tôi chụp hình chung với nhau, một số khách thích hình ảnh chiếc áo dài quá, bèn xin chụp hình chung, kể cả vị thuyền trưởng. Thật đáng hãnh diện thay với chiếc áo dài Việt Nam…
Giờ học tiếp theo là giờ của BS Tâm lý Đông Xuyến nói về tâm lý trẻ em (mà cũng có thể áp dụng cho người lớn). BS tâm lý nói chuyện thì bao giờ cũng hấp dẫn và lôi cuốn nên mọi người im lặng lắng nghe!
Trước hết cô cho biết khi người ta làm việc chung với nhau (kể cả hát, đi chơi, đi ăn…chung) sẽ nảy sinh ra sự gắn kết giúp tâm người ta dịu xuống, giảm bớt sự căng thẳng và gần gũi nhau hơn. Thực tế, tôi thấy đi chơi chung, rồi đi ăn cả nhóm là thấy vui và giảm stress thấy rõ. Điều căn bản của Tâm lý là “hiểu ta, hiểu người” kiểu như câu nói nổi tiếng “Biết người, biết mình 100 trận, 100 thắng” là vậy! Các thầy cô phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh các em khi đi học Việt Ngữ, hướng các em về điều tích cực. Tìm cơ hội để khen các em hơn là chê trách, để các em thấy vui thì học mới vô. Tránh cho các em cảm giác Sợ và Giận ( tức) vì theo tâm lý học khi những cảm giác tiêu cực này xảy ra thì bộ não sẽ cản trở (close)khả năng tư duy và trí nhớ khiến các em không học được, cũng không kiểm soát được hành vi và lời nói của mình… kiểu như ông bà xưa thường nói “Giận mất khôn”
Nên khuyến khích các em hoạt động nhiều, chơi nhiều vì càng chơi nhiều các em sẽ năng động và thông minh hơn. Nhưng không phải là chơi game, mà chơi những trò chơi có tương quan xả hội, với những người chung quanh. Ngoài ra BS còn tiết lộ một chuyện lạ: Theo các nghiên cứu khoa học mới đây cho biết những trẻ em hay chơi đất, nghịch cát, lại là những đứa trẻ khỏe mạnh hơn ( vì có nhiều kháng thể hơn, nên có sức đề kháng tốt hơn) Hèn gì ngày xưa thấy con nhà nghèo lê la lấm đất, lấm cát lại khỏe mạnh cùi cụi, còn trẻ càng được giữ kỹ chừng nào càng dễ ốm đau sổ mũi, ấm đầu liên miên. Các phụ huynh ở Mỹ nên lưu ý điều này để bớt vệ sinh kỹ lưỡng quá chỉ làm trẻ yếu đi! Cô cũng nhắc nhỡ việc các thầy cô giáo phải ăn mặc đẹp để tạo hứng khởi cho học sinh học tốt. Do đó bắt học sinh mặc đồng phục thì được, nhưng bắt các thầy cô giáo mặc đồng phục là điều không nên! Dĩ nhiên là phải mặc đẹp trang nhã, phù hợp với vai trò cô giáo. BGH các trường nên xem xét lại vụ này vì yếu tố thẩm Mỹ khi đứng lớp cũng rất quan trọng.
Cô cũng nhấn mạnh cần phải “Quên cái Tôi” của mình : khi HS hỏi nếu không biết thì thành thật nói không biết, hẹn lần tới Khi thầy cô giáo nói sai thì xin lổi và đính chính lại, vì không có ai là người hoàn hảo cả! Nét Văn hóa Mỹ này có lẽ không chỉ áp dụng trong lớp học, mà nên áp dụng cả trong các gia đình Việt Nam. Vì theo Văn hóa xưa các ông bố gia trưởng thường thích câu “Muốn nói ngoa, thì làm cha mà nói” nên đôi khi tạo sự bất mãn nơi các con ảnh hưởng đến bầu khí vui vẻ trong gia đình. Bởi vậy “Quên cái Tôi” luôn là điều khó làm, nên người ta mới nói “Chiến thắng chính mình là chiến thắng quan trọng nhất của một đời người”
(Còn tiếp 1 kỳ)
P.V
Nguồn khoahoc.net