.
  Nhòa nhạt kiếp người P2
 
18/5/2014

Tản Văn:

2. Tôi có đọc mẫu chuyện đã lâu: Chuyện kể về một Trung Úy người Đức bị cầm tù nhiều năm dài trong một trại giam xa xôi hẻo lánh. Chàng lặng lẽ dùng những mảnh gổ nhỏ ghép lại làm nên chiếc đàn dương cầm. Và nơi đó, giửa địa ngục thống khổ, giửa đám tù nhân rách rưới đói khát, chàng đã sáng kiến nên bản nhạc dị thường chỉ mỗi mình chàng nghe được. Tôi không là chàng Trung úy ấy, không bị giam cầm, nhưng có bao nhiêu buổi chiều, bao đêm khuya nơi chái lá ở ngôi trường hắt hiu hẻo lánh nầy, tôi sống âm thầm với những phong ba nhồi đập nội tâm. Tôi viết ra như những lời độc thoại, lảm nhảm một mình. Tôi viết như tiếng kêu bơ vơ của con chim nhạn lạc bầy, không tìm ra tổ, chẳng thấy nơi chốn để về lúc hoàng hôn buông xuống…

  Tôi mang cái họ rặc Tàu: Tiêu Trường Thanh. Hẳn cũng nhiều người họ Tiêu, nhưng dây dòng của tôi chỉ biết được từ ông Nội.  Ông là hạt mầm theo gió cuốn trôi rơi xuống đất nầy. Và tôi là hạt cuối cùng còn khả dĩ lưu truyền cái họ. Nếu một bất trắc đưa đến cái chết cho tôi, cho đứa em gái thì là dấu chấm hết. Cũng gần trăm năm kể từ người ông lưu lạc, trăm năm rồi cũng rụi tàn!. Có một phần tư dòng máu Hoa, nhưng chưa bao giờ tôi cãm nhận mình liên hệ gì đến đất nước Trung Hoa rộng lớn kia. Quê hương dân tộc trong trái tim mình, xác nhận lý lịch âu là hình thức. Tôi sinh ra nơi đây, không biết tiếng Hoa nào, bà và má tôi là người Việt. Đây còn là nơi yên nghĩ của họ.

  Ông Nội mất lúc tôi chưa sinh, còn bà mất lúc tôi còn quá nhỏ nên cuộc đời chỉ nghe ba tôi kể lại. Ông là người ở tỉnh Quảng Đông, một mình trôi dạt đến Việt Nam. Tôi nghĩ phải có hoàn cảnh bức bách lắm mới khiến ông ra đi đơn độc như vậy. Tôi cũng có giấc mọng phiêu bạt, nhưng chỉ trong ý tưởng. Ông trụ lại đất phương nam làm nghề bốc thuốc rồi cưới được bà nhờ chửa khỏi bệnh cho ông cố. Nói thế nào về điều nầy? Có phải mọi diễn biến như định mệnh, và hình thù đời sống của ông bà con cháu được hình thành từ căn bệnh người cố?

  Cưới bà rồi, bổng nhiên đôi mắt bị mờ hẳn. Hai vợ chồng trẻ dắt dìu nhau sang Hồng Kông nương nhờ vào người chị ruột duy nhứt của ông, bà nầy rời lục địa sang lập nghiệp nơi đó. Tại đây ba tôi chào đời, như vậy ba được sinh ra trên xứ sở của cha mình, dù đã thành nhương địa nước Anh. Ở đó ba năm, đôi mắt không chửa khỏi, nội bị mù hẳn. Đất lạ, quê người, chồng mù, con nhỏ, ngôn ngử chưa thông và không thể bám nhờ mãi vào chị chồng, bà tôi đưa ông về lại quê nhà.

  Bà hết sức vất vả buôn bán nuôi chồng nuôi con. Rồi bệnh tật thiếu thốn đưa ông đến cái chết lúc tuổi trung niên. Bây giờ thì hai mẹ con coi như chẳng còn liên hệ gì đến cộng đồng người Hoa, ngoài cái họ của ba, tuy vậy vẫn bị ngươi trong xóm chọc gọi là “chệt”. Một định kiến phân biệt mà kẻ định cư xứ người phải cam chịu. Nhà nghèo nên ba tôi chẳng được học cao, chỉ hết tiểu học. Lớn lên , ông theo nghề thợ bạc và đó là nghề đã đeo đuổi suốt đời, nhưng chỉ làm công chứ chưa hề mở được tiệm làm chủ.

  Đến khi ba tôi có vợ sinh tôi ra thì bà mất. Má tôi buôn bán, chơi hụi gây nợ nần chồng chất, phải bán căn nhà của nội để trả nợ. Căn nhà nhỏ nhưng biết bao công  khó nhọc của bà tạo dựng nên. Từ đó gia đình tôi đi ở nhà thuê, cứ thay đổi luôn, mổi chổ đôi ba năm, và cũng loanh quanh trong phạm vi thị trấn. Ngay ở tuổi thơ của tôi,cái không gian sống bị cắt vụn, chẳng có một kỷ niệm sâu đậm thân thuộc nào bén rể từ căn nhà. Vì thế khi lớn lên, đi học xa tôi chưa bao giờ nhớ nhà, nhớ về nơi chốn của mình. Và hình ảnh đứa bé mong ngóng mẹ đi chợ về, những món đồ chơi con diều giấy là những gì xa lạ trong ký ức. Phải bán nhà vì buôn bán, má tôi không từ bỏ chợ, chẳng bán thứ nầy thì bày cái khác. Ba tôi khốn khổ vì cái ghiền ấy. Hai người sống không hạnh phúc và ba chịu đựng. Sự chịu đựng quá lâu trở thành thói quen khiến ông mặc kệ với điều bất ý, chấp nhận bất hạnh đời mình. Nói như những kẻ khôn ngoan, biết vượt lên số phận thì ông là người ù lì, cam phận, yếu đuối, không ý chí nghị lực…Chẳng biết thời trai trẻ ba sống ra sao, có những đam mê giấc mọng gì? Từ lúc tôi biết thì chẳng thấy ông đi xa ngoài cái thị trấn nhỏ hẹp. Ông sống lặng lẽ, buồn tênh!.

  Thời thơ ấu của ba tôi trôi qua đầy tủi buồn, mặc cãm. Tôi không có được thương yêu trìu mến của má. Hằng ngày tôi bị má la mắng, đánh chửi. Chưa bao giờ nhận được lời ngọt  ngào âu yếm hoặc một món đồ chơi má mua cho. Dưới mắt má, tôi là thứ quả báo, cái mầm tai quái mà bà phải gánh chịu. Tôi phản ứng bằng im lặng, lì lợm cố ý làm trái bà và càng bị coi là đứa bất thường ngổ nghịch. Vì sao người mẹ không yêu thương đứa con mình sinh ra? Tôi lý giải nguyên nhân sự ghét bỏ ấy: ghép nhặt qua các mẩu chuyện rời rạc, tôi biết trong thời gian mang thai có sự bất hòa trầm trọng giửa ba tôi và bên ngoại, suýt đến đổ vỡ. Má tôi bỏ về sống với cha mẹ ruột ở một xã nhỏ miệt vườn. Từ đó, ba rất ít đến nhà ngoại. Sau nầy giửa tôi và các bà con bên má gần như là kẻ lạ người dưng. Rồi khi chào đời, tôi đã hành hạ người sinh ra mình. Suốt bốn tháng, tôi chỉ nằm yên trong tay ẵm bồng của má, mổi lúc đặt xuống giường là giãy dụa khóc thét, da thịt tái tím như sắp chết. Má phải ôm tôi suốt mấy ngày đêm, làm lụng, sinh hoạt chỉ với một tay. Ba tôi kể: Tôi không chịu bú mẹ, mỗi lần bú thì ọc sửa ra nên chỉ uống sửa bò và nước cháo. Đến khi tôi chịu nằm xuống lại mang bệnh ghẻ, chốc  lỡ khắp cả người lầy lụa gớm ghiếc: “ Thật là nghiệp chướng, sơn trường khổ ải!”. Má tôi hay nói câu ấy khi nhằc lại. Có phải từ vô thức sâu thẫm của một linh hồn, tôi phản kháng sự ra đời của mình, chống kiếp luân hồi bằng cách hành hạ người sinh ra mình! Còn má, trong giai đoạn mang nặng đẻ đau nên tâm hồn rất dể bị kích động và sự rạn nứt hạnh phúc ấy cùng nổi quá khổ nhọc vì tôi đã tạo ấn tượng oan khiên, quả báo cho má!

  Tình thương của ba dành cho tôi chỉ thể hiện âm thầm. Ông đi làm suốt ngày.  Sự quan tâm của ba là cố lo cho tôi ăn học, thỉnh thoảng xem xét tập vở của tôi vào buổi tối. Ông rất khổ tâm phải thường xuyên nghe má hài tội, than phiền về tôi. Tôi nhớ mình không có bạn để chơi, ít khi tụ tập cùng bọn trẻ con hàng xóm. Thú vui lặng lẽ của tôi là ngồi vẽ lại, đồ lại những hình in trong sách, trong báo. Tôi chỉ đồ vẽ hình phụ nữ và bộ ngực cặp vú là chổ hấp dẫn tôi. Tôi cũng nhớ nhiều lần trốn ra sau hè, ngồi trong góc kẹt khóc một mình mỗi khi ba má tôi gây gỗ với nhau mà chuyện ấy thường xẩy ra.

  Khúc nhạc đầu đời sai hỏng cung bậc đã trổi lên thì nó vang vọng suốt cả đời. Mặc cãm bị ghét bỏ đè bẹp tuổi thơ hồn nhiên của tôi và hình thành lối sống khép kín, tư tưởng bi lụy bất thường. Vào tưởi 14, 15 tôi có mơ tưởng lệch lạc. Bản tính nhút nhát, tôi mất hẳn tự nhiên khi đối diện hay trò chuyện với những đứa con gái học chung, có khi còn ghét chúng. Và tôi chỉ mơ tưởng đến các thiếu phụ lớn tuổi, tôi được những người tình ấy ôm ấp, yêu chiều đủ cách mà tôi tưởng tượng ra, còn tôi thì hành hạ đối xử thô bạo với họ. Đúng là mơ tưởng lạ lùng của một tâm hồn khuyết tật, một trả thù từ ức chế tình thương.

  Sau tôi là đứa em gái Tiêu Ngọc Lan. Má tôi lại rất mực yêu thương bé Lan. Lan là niềm vui hạnh phúc của bà, bù đấp cho thằng con chướng nghiệp quả báo. Tôi không hề ganh tị với em mình. Bây giờ chiêm nghiệm lại, tôi cho rằng má hành xử có nhân quả. Chính Lan  sau nầy là đứa con hiếu thảo, chăm sóc thuốc men, thương yêu má nhiều nhứt.

  Một vết thương nung mủ có lành lại, dù không còn gây đau nhức nhưng vẫn hằn sẹo chẳng thể nào trơn nguyên láng mịn. Từ những năm tôi học sư phạm rồi ra trường đi dạy, không thường xuyên ở nhà thì thái độ má tôi đã thay đổi, không tỏ ra ghét bỏ như trước. Nhưng giửa mẹ con như có ngăn cách, không tự nhiên thăm hỏi trò chuyện. Lạ lùng điều nầy cũng diễn ra giửa tôi và Lan. Tình cãm nhập nhòa giửa yêu thương và xa lạ. Anh em có sự khắc khẩu với nhau nên ít khi chuyện trò tâm sự, mổi người là một thế giới khép kin. Ruột thịt cũng cần học thương yêu, đâu phải tự nhiên có được. Ba má tôi chẳng dạy điều nầy. Một kỷ niệm ngày xưa cứ đọng mãi trong tôi. Vào buổi chiều hoàng hôn hiu hắt, nhà vắng vẻ, Lan ngồi co chân thui thủi một mình trước hiên thềm, thấy tôi bước vào, em nói: “ Đời buồn quá anh hai ơi!” Mới sáu, bảy tuổi Lan đã thốt lời trầm thống! Tiếng than báo ứng cả một cuộc đời đơn độc của em. Ba tôi cũng nói: “ Tội nghiệp, nó tuổi Canh Tý phải hứng chịu nổi canh cô đơn độc”. Giờ hơn 30 tuổi, Lan ở vậy không có người yêu. Nào phải xấu, Lan đẹp và hấp dẫn nữa là ngoại hình cao ráo, khuôn mặt phúc hậu đoan trang. Nhưng sao cuộc đời đầy nước mắt: Khóc cho mối tình đầu tan vỡ, khóc cho chướng nghiệp của mẹ cha…Nhiều khi tôi thấy mình quá nhẫn tâm!

                          *****

Lâm Thành Nghiêm

Còn tiếp

                        

 

 

 

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640477 visitors (2134242 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free