7/8/2014
Lâm Thành Nghiêm
Vậy là sáng ngày 5/1/2008, tôi đi sớm ghé nhà Phạm Thuyết, gặp Lai Minh ở Trà Vinh và Lô, Ngữ từ Đà Nẵng vào từ hôm qua. Nguyễn Đăng Ngữ xưng tên mà phải lúc lâu tôi mới nhận ra. Lần lượt Thức ở Phan Thiết, rồi Cảnh, Sơn (Nguyễn) ở Củ Chi ghé. Chúng tôi lên xe tới nhà Trần Văn Tám ở quận 7, nơi tổ chức họp mặt. “Tám kinh tế” là một doanh nhân thành đạt, cơ ngơi rải nhiều nơi. Tôi có viết một bài báo ngắn ca ngợi anh trên báo “Thế Giới”, tôi mong những điều mình viết đúng là sự thật.
Giây phút gặp nhau rất cảm động, có cả vợ chồng Trần Sắt cũng từ Mỹ về, vài khuôn mặt lạ lẫm khác hẳn nét xưa. Cũng chỉ có 25 người. Hơn 40 năm rồi, cụm bèo sóng xô tan dạt có thể nào tựu lại đủ đầy. Cuộc đời dâu bể mất còn, thành bại âu phận người. Một nét chung là thời gian cày lên da mặt những đường rạch nhăn nheo, mái đầu phất phơ bạc trắng. Sắp bước vào hàng bảy hết rồi, nhiều người lên đến chức ông.
Biết bao kỷ niệm được ôn nhắc lại, những đêm “etude” trên giảng đường. Giờ Nông Ba Trực (Nguyễn Viết Trực) hí hửng chờ đợi câu: “Hôm nay trời lạnh, ba cho các con nghỉ sớm”. Buổi nông trại mang giày “bốt” kéo lê xà bất trên lộ nhựa, ồn ào như đám giặc chồm. Vào vườn thu hoạch cà phê, chợt nghe ai đó thốt lên “cà phê đỏ, cánh tay xanh”, câu thấm đậm ước vọng tương lai. Trưa chiều lên câu lạc bộ gõ mâm, gõ bát chọc phá bác lao công tội nghiệp. Câu chuyện thế nào rồi cũng xoay về những mối tình học trò thơ mộng ngày ấy. Chiều cao nguyên sương mù tràn ngập không gian, lòng bâng khuâng mơ tưởng áo đỏ, áo xanh thấp thoáng xuất hiện từ “chiến khu D”. Trên “đại lộ Hoàng hoa”, dưới hàng Đổ mai trắng xóa, từng đôi, từng cặp nắm tay thả hồn mơ mộng. Bao tâm tình còn đều gì đọng lại với cỏ cây, mây trời nơi ấy? Mà “mây trời theo gió thoảng bay, nên duyên phận nào ai định được?”. Thôi! “Dù rằng, dù sọc” cũng có một quãng đời quá đẹp.
Tôi không có hình bóng người con gái nào đọng gửi trong tim nơi khung trời ấy, nhưng muốn nhắc lại những cuộc tình của bạn bè. Có những đôi lộ diện công khai: Thuyết – Trợ, Cảnh – Cần, Thuận – Ngò, Hồng – Hạnh. Có những tình đơn phương lặng lẽ âm thầm. Anh chàng Bửu Linh yêu mà không dám tỏ, mua một bản nhạc, vẽ hình trái tim với mũi tên xuyên qua rỉ máu, lén lút gởi cho Trần Thị Nguyên. Bây giờ trên đất Mỹ anh có còn nhớ con tim rỉ máu trên giấy đó không? Nguyên giờ đây hẩm hiu số phận, bản thân đau bệnh, chồng chết, sống cô đơn vò võ một mình. Một Đỗ Đăng Tề mơ mộng văn thơ thầm nhớ Hoàng Thị Bích Liên, da đen giòn, giọng nói trọ trẹ khó nghe. Lại có cuộc tình nhiều sóng gió (tôi xin lỗi vì nhắc lại), Phan Thị Thu Hà là mẫu người dễ gây thiện cảm. Chị có dáng dấp hơi thô bề ngang, nhưng khuôn mặt rất đoan trang, phúc hậu. Đôi mắt to, giọng nói từ tốn nhỏ nhẹ. Chị đã làm điên đảo một con tim, phải dùng “optalidon” mà “giải cảm”. Bao nhiêu mối tình ấy, ít đôi nào thành tựu, có phải “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, hay như Tề viết: “Điếu thuốc búng vào không gian vẽ thành vệt cong. Tình yêu đẹp không đi theo đường thẳng”. Hay vì vùng trời cao nguyên lộng gió mà hạnh phúc mong manh như sợi mây trời. Chỉ có cặp Thuận – Ngò và mãi sau này khi đã ra trường thì có Hồ Thành Huân – Phan Thị Đức.
Trời đã về khuya, không gian lạnh lạnh, có phải khí lạnh của Blao, của vùng trời cao nguyên quá khứ dội về. Tôi không muốn nhắc đến những người bạn đã mất, nhưng trong im vắng của đêm khuya vẫn loáng thoáng bóng hình, có phải giờ của người ở cõi âm. Qua thông tin các bạn trong buổi họp mặt, cũng nhiều đó: Hồng (T.L), Quế, Ánh, Bưu, Biên, Hoàng, Tháo, Trung, Bình, Tú… Nhớ hai câu thơ của ai đó mà tôi cho là rất cải lương, sáo rỗng: “Bạn chết rồi, yên phần bạn – Tôi ngồi đây ẩm mụt cả linh hồn”, giờ nghe ra cũng ngậm ngùi. Rồi ngày nào trong danh sách kia sẽ thêm tôi, thêm bạn. Điều quan trọng là làm sao “Ta đi mà không vĩnh biệt”. Tôi cũng nhớ đến những người bạn bỏ quê hương đang ở xứ người, không ngờ cũng nhiều thế: Ni, Tài, Oanh, Thìa, Linh, Hoa, Trường, Tuấn, Giang, Bích Hoà, Sắt, Tâm, Vân, Huân, Đức, Văn Xua, Sơn (Trần)… Ra đi dù bởi hoàn cảnh, lý do nào cũng ít nhiều mang nỗi hụt hẫng trong lòng. Tôi nhận thấy tâm trạng đó qua những bài viết của các bạn Nông Lâm Súc ở Mỹ trong đặc san “Trường xưa bạn cũ” ấn hành năm 2007.
Tôi bây giờ trong tuổi xế chiều, quá khứ cứ hiện về đeo đẳng nhớ nhung. Đúng là trẻ sống tương lai, già sống quá khứ. Nhưng nếu không có quá khứ thì sẽ sống với gì? Thế nên phải cám ơn quá khứ, cảm ơn ngôi trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc ấy. Nó đã cho tôi biết bao kỷ niệm, cho tôi tình bạn thân thương./.
Cai Lậy, tháng 02 – 2008.