.
  Thầy trò cũ gặp nhau
 
18/12/2014


 : 
- Ngày ni không có thu nhập chi rồi, cậu ơi! Anh Hòa buồn bã nói với Đồng trên đường trở về nhà.
Anh Hòa là chồng chị họ của Đồng. Trước năm 1975, anh phải đi lính. Tính anh nhút nhát, xông pha chiến trường sợ bỏ mạng. Anh đào ngũ và bị bắt tù nhiều lần. Cứ mỗi lần tù mãn hạn, anh bị đưa sang binh chủng khác. Từ địa phương quân, qua bộ binh, đến thiết giáp. Nhờ thế, thời gian trận mạc giảm đáng kể. Anh chỉ một lần bị mảnh pháo găm vào chân ở đầu gối; bánh chè phải tháo, anh đang chống nạng đi, chờ ngày ra hội đồng y khoa, thì chiến tranh chấm dứt, anh may mắn sống sót.
Sau năm 1975, anh lao động trong các tổ chức nông nghiệp hợp tác tại địa phương. Từ tổ vàn công, qua tập đoàn sản xuất, đến hợp tác xã. Tàn cuộc chiến, gia đình anh không còn “của dư của để”, “lương lính tính liền”, có mô mà dư! 
Chị yếu ớt; các cháu nhỏ dại. Đã đông đứa rồi, anh tháy máy răng đó, chị sinh thêm con Bòn rồi hai mẹ con thường xuyên ốm đau. 
Thu nhập từ nông nghiệp không đáng gì; sau khi trừ phần thuế, trừ phần bán nghĩa vụ, phần hao hụt do thói bất cần của người lao động trong làm ăn hợp tác hóa, phần ăn chia mỗi ngày công chỉ vài lạng thóc. Anh phải tranh thủ đi làm “thợ đụng” – ai thuê gì làm nấy. 
Anh vui tính, có biệt tài nói hề, chọc cười thiên hạ. Thời niên thiếu, mồ côi mẹ, anh phải sớm lao động giúp đỡ bố nuôi đàn em thơ dại; nhờ thế, anh tương đối rành những công việc lặt vặt. Nhiều người trong vùng quen biết anh; khi có việc, họ đều mướn anh làm vì thích tính anh.
Nhà Đồng ở gần nhà anh. Đồng và anh cùng lao động trong một đội sản xuất. Mỗi khi ra ruộng, anh được phân công cày, Đồng xin được phân công dắt trâu. Cày mỗi ngày được chấm 14 điểm, dắt châu chỉ 10 điểm. Đồng muốn cầm cày, khỗ nỗi chưa biết! Đồng xin dắt trâu là để có cơ hội tập cày. Nhờ công việc, hai người rất thân nhau. Những đêm trăng sáng, gặp lúc không hội họp đội đoàn, không tập trung học tập đường lối, chủ trương của chính quyền mới, hai người thường qua lại nhà nhau, ngồi trên chiếc “đòn bào” – ghế băng – đặt giữa sân, dưới bóng trăng, trò chuyện, đùa giỡn bên ca nước chè. Giữa hai người, ngoài tình xóm giềng, tình bà con, tình “đồng đội”, còn có tình bằng hữu.
Đồng xuất thân từ một gia đình nông dân cũng nghèo. Chán ngán cái cực khổ của nông nghiệp - dầm mưa dãi nắng, bùn đất lấm lem, được mùa mới hy vọng sống qua ngày, mất mùa thì “úp om” luôn, bố mẹ đã thắt lưng buộc bụng cho Đồng học hành đến nơi đến chốn. Thật ra, bể học vô bờ, biết răng mà gọi là đến nơi đến chốn được. Dù sao, trong thập kỷ 1960, ở miền Nam, là dân thôn quê, Đồng tốt nghiệp đại học với mảnh bằng cử nhân, cũng ghê lắm rồi! 
Ra đời, Đồng làm việc trong lãnh vực giáo dục, ban đầu là giáo sư trung học đứng lớp, dần dần, “sống lâu ra lão làng”, được tín nhiệm cất nhắc lên hiệu trưởng trung học rồi phó ty giáo dục một tỉnh. Chế độ miền Nam sụp đổ, Đồng bị tập trung cải tạo theo diện “ngụy quyền”. 
Vợ Đồng đã mất cách đó 3 năm trong một trận tập kích của “quân giải phóng” vào trại tỵ nạn – nơi gia đình Đồng tạm cư, để lại cho Đồng 4 đứa con dại: 03 trai một gái. Đứa đầu 7 tuổi và đứa cuối mới 8 tháng. 
Thời gian Đồng bị bắt, các con theo ông bà nội về quê. Chế độ ăn uống trong trại cải tạo rất thiếu thốn, Đồng không được ai thăm nuôi, phải bồi dưỡng thêm cơ thể bằng nắm rau rừng kiếm được khi giải lao trong buổi lao động của trại viên bên ngoài. Đã đôi lần ăn nhầm rau độc, Đồng xâm xoàng, choáng váng, sủi nước bọt; nhờ Trời, ngộ độc mà chưa chết. Thân thể Đồng gầy mòn dần. Đến ngày chỉ còn da bọc xương, tái mét thì Đồng được phóng thích.
Về ở với làng, Đồng đang có một gia đình 5 miệng ăn. Chỉ có Đồng lao động trong hợp tác xã mà lại lao động lếu, công điểm mỗi vụ mùa ít, phần ăn chia nhận từ hợp tác xã không đáng kể. Đồng găp rất nhiều khó khăn để trang trải các chi tiêu đã rút gọn đến mức tối thiểu – từ cái ăn, cái mặc, cái bút, cái vở cho các con đến chi phí che chắn nơi ở, đi kỵ, đi đám tang bên nội bên ngoại ... Thế nên Đồng và 4 con ăn uống bữa đói, bữa no, bữa có, bữa không.
Thấy tình cảnh của Đồng, một hôm, anh Hóa thương, gợi ý:
- Nếu cậu không ngại thì từ nay cậu đi làm thêm với tôi.
Nghe nói, Đồng mừng quýnh. Đồng đã định xin đi theo anh lâu rồi, nhưng ngại nói ra. Việc anh làm cần sức mạnh, cần dẻo dai, cần khéo tay. Những thứ ấy Đồng không có. Oái oăm thiệt! Những gì Đồng đang có thì không đem ra dùng được, những gì Đồng không có thì người ta đang cần. Học vấn, bằng cấp, thơ văn ... cho không ai lấy mà nhiều khi còn mang họa vào thân – người có những thứ ấy thì không còn được xếp vào giai cấp bần cố nông hay “dân nghèo thành thị”, những giai cấp đang được tìm dùng, giao việc. 
Cái ngại thứ nhất của Đồng là trong thời buổi khó khăn có việc kiếm thêm cơm cho đầy chén hơn thì ít ai muốn chia sớt; cái ngại thứ hai là người đem mình theo sẽ phải chịu nặng nhọc thêm để bù phần việc mà mình làm không tròn do vừa yếu về sức lực vừa kém về kỹ năng; cái ngại thứ ba là mình, do vụng về, có thể làm hỏng công việc của chủ thuê khiến người đem theo mình mất uy tín; cái ngại thứ tư là một số người có thể dè bĩu mình từng làm quan chức mà không biết dự phòng nên bây giờ ra nông nỗi này – người ta thường nghĩ rằng làm quan chức là hối lộ, tham nhũng, có của cải nhiều mà không hiểu rằng làm quan chức chỉ là cơ hội để phục vụ người khác và còn ... nhiều cái ngại nữa.
Lời gợi ý hôm ấy của anh Hòa làm Đồng suy nghĩ, băn khoăn: nên đi hay không nên. Cuối cùng, do bản năng sinh tồn, Đồng đã nhập cuộc và sắm cuốc, rựa, cúp, xẻng, búa, kềm, cưa, đục ... làm đồ nghề.
Ở Đông Hà, lúc ấy, việc buôn bán, mánh mung, vận chuyển ... dựa vào quốc lộ 9 lên Lào rất sôi động. Nhiều người gặp may, “nước lả mà vả nên hồ, tay không mà dựng cơ đồ khỏe re”. Họ trở thành giai cấp được trọng vọng số 1 trong xã hội. Cơm ăn không độn, lại thịt cá chiên xào đầy đủ; trang phục ra đường sang trọng; con cái dễ hỏi vợ gả chồng. Trai gái mới lớn trong vùng đều mơ ước lấy được chồng hay cưới được vợ là con nhà có mẹ buôn đường Lào, có sạp vải hay sạp quần áo tại chợ, có bố tài xế cục 6, cục 5, cục 4; y như bây giờ người ta muốn lấy chồng Việt kiều hay người nước ngoài vậy.
Chính giai cấp này tạo ra công ăn việc làm cho giới “thợ đụng”. Việc thuê làm đơn giản thôi! Đất ở - hoặc tự chiếm hoặc được Nhà Nước cấp – trên vùng đồi núi của các làng lân cận rộng đến vài ba sào mỗi hộ, cần cuốc xới, rào giậu. Nhà cửa, vì điều kiện chưa tính chuyện kiên cố hóa, chỉ làm tạm bợ, cần tráp phên, lợp mái bằng tôn hoặc bằng tranh; đất trống quanh nhà cần trồng cây lương thực hay cây rau màu; chuồng lợn chuồng gà cần che chắn. Nhà nhà lo sản xuất để vừa có thêm thức ăn, vừa có thành tích với xã hội.
Cứ vài ba ngày, Đồng được anh Hòa gọi đi làm một ngày. Anh sai gì Đồng làm nấy. Cái gì Đồng chưa biết mà anh nghĩ Đồng có thể làm được thì anh bày vẽ; cứ thế, Đồng học đánh tranh, học lợp tranh lên mái nhà. Cái gì quá nặng nhọc thì anh tự làm lấy.
Một hôm, Đồng và anh Hòa đánh vồng trồng khoai cho một chủ thuê. Công việc vừa xong. Mặt trời sát gần ngọn núi cao trên dãy Trường Sơn, lóe quầng đỏ chói nơi chân trời. Gió biển từng luồng mơn man làm ráo mồ hôi đang đẫm lưng áo; hai người đang được chủ thuê ra trả tiền công tại ngay chỗ làm. Một người đàn ông trạc tuổi dưới 30 đứng ở sân nhà bên cạnh, áo mai-giô, quần cụt để lộ cẳng tay, bắp chân trắng phêu, rắn chắc, nói vói qua:
- Nhờ hai bác ngày mai lên làm vườn cho tui với. Nhớ nghen!
Anh Hòa và Đồng nở hoa trong bụng. Công ăn việc làm đều đặn thế này thì có thể mua thêm con trích, con nục ... bồi dưỡng các con đang tuổi phát triển thể xác.
Trời nhá nhem tối. Hai người, cuốc lên vai, thong thả vừa bước đi vừa nói chuyện. Đã qua một ngày vừa vui vì có tiền trong túi, vừa có hậu vì ngày mai cũng lại có tiền và biết đâu ... ngày mốt ... ngày tê!
Đêm đó, đầu hôm, do mệt mỏi, Đồng nằm xuống ngủ liền. Tự dưng Đồng trở giấc thức dậy. Bóng trăng hạ tuần chiếu xiên qua song cửa sổ, phủ trắng lên người. Mắt nhắm mắt mở, Đồng tưởng trời đã sáng. Bật ra khỏi giường, Đồng vội chạy qua gọi anh Hòa chuẩn bị đi làm. Ăn xong mấy củ khoai lang nấu để dành từ đầu hôm, Đồng đi ra rồi đi vô, đứng dậy rồi ngồi xuống, cả hồi lâu trời mới sáng mặt.
Bốn đứa con đang ngủ giữa nền nhà, chân cẳng gác xuôi ngược lên người nhau. Chúng chọi đạp vì muỗi cắn khiến chiếc chiếu trải xộc xệch, cái chăn cuộn lộn xộn về một góc.
Không thức các con dậy, Đồng cùng anh Hòa lên đường. Ngọn gió ban mai phe phẩy thổi vào mặt, Đồng cảm thấy sảng khoái trong người lạ thường. 
Đường từ nhà đến chỗ làm trên 2 cây số; vừa thoăn thoắt bước, vừa nói chuyện tầm phào, chẳng mấy chốc, hai người đã tới cổng nhà thuê. Con chó đứng trong hiên, chìa mỏ, sủa báo động. Cánh cửa bật mở, một người đàn bà trạc tuổi trên 20 bước ra, đưa tay che mắt nhìn cho rõ, khỏi chói. Thấy hai người tới, chị vội ra đón đường, bộ quần áo ngủ nhàu nát; có thể trong đêm, chị trằn trọc qua về, không ngủ được vì trời hè nóng nực; cũng có thể chị phải suy nghĩ sẽ đối phó thế nào trước tình huống với sự xuất hiện của hai người làm thuê mà chồng chị đã lỡ kêu.
Chị đến trước mặt Đồng, chắp hai bàn tay trước ngực, nói như van xin:
- Em lạy Thầy, em không dám thuê Thầy dọn vườn. Xin lỗi Thầy vì “nhà em” không biết Thầy, nên thất lễ với Thầy. Em xin lỗi vì Thầy đã lỡ đến. Em mong Thầy thông cảm!
Đồng gượng cười, nhìn chị chủ nhà rồi nhìn qua anh Hòa. Anh Hòa ngoảnh mặt sang phía khác, có vẻ không vui. Anh lắc đầu mấy cái, rồi buột miệng:
- Thôi, về cậu ơi!
Hai người vác cuốc lên vai. Cáo từ. Chân bước lững thững như có cái gì níu vướng./.
29/11/2014      
HOÀNG ĐẰNG
(Hao Van st)
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641174 visitors (2135109 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free