11/9/2014
Phần 1
(Hình minh họa)
Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại với khóa TNSP do BĐD các TTVN Nam Cali tổ chức hằng năm cho các thầy cô giáo dạy Việt Ngữ khắp nơi về tham dự. Đây là dịp các thầy cô cùng nhau học hỏi, mở mang kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để làm tốt hơn nhiệm vụ giữ gìn tiếng Việt trong các gia đình Việt Nam ở hải ngoại. Nhớ lại ngày xưa ở Việt Nam khi đã cầm trong tay mãnh bằng tốt nghiệp ĐHSP ( 4 năm) rồi là “khỏe re”, cứ thế mà dạy dài dài cho tới lúc về hưu, chả cần tu nghiệp gì cả! Nhưng thời đại ngày nay hoàn toàn khác, kiến thức mới, kỷ thuật mới…thay đổi từng ngày. Do đó nền giáo dục ở Mỹ yêu cầu phải luôn luôn được cập nhật hóa, nếu không muốn bị đào thãi, mà có lười không muốn học cũng không được vì “Teacher Permit” chỉ có giá trị trong 5 năm, hết 5 năm phải “Renew”(phải có đủ bao nhiêu tín chỉ college, bao nhiêu giờ workshop… mới được Renew) và họ thi hành nghiêm túc. Tôi nhớ một cô giáo cùng trường lu bu quên Renew trước, đúng ngày hết hạn, chưa có Permit gửi về, cô phải ở nhà, đợi khi nào có Permit gửi về BGH mới cho cô tới lớp lại.Đó là những người đã được đào tạo có chuyên môn, huống hồ gì các thầy cô giáo Việt Ngữ, đa số chỉ có tấm lòng yêu tiếng Việt là chính. Do đó khóa TNSP là một cơ hội cần thiết để cho các thầy cô dạy Việt Ngữ học hỏi, tu bổ, làm mới lại kiến thức sư phạm của mình
Chủ đề khóa TNSP kỳ 26 là “GIA ĐÌNH VIÊT, NÓI TIẾNG VIÊT”, nhằm nhấn mạnh tiếng Việt phải là ngôn ngữ chính được dùng hằng ngày trong các gia đình Việt Nam. Ngày nay, nhìn lại nhiều gia đình Việt Nam ở hải ngoại, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ phụ, nhất là trong các gia đình trẻ, tiếng Việt dần dần bị mai một, con em không biết nói tiếng Việt hoặc nói ngọng nghịu, lơ lớ khó nghe, khó hiểu và lắm khi “cười ra nước mắt”: Gia đình sắp có nhiều vị khách “trưởng thượng” đến thăm, ba mẹ lo dặn dò con kỹ lưỡng phải ra khoanh tay chào khách cho lễ phép, con ngoan ngoản gật đầu. Khi khách tới ba mẹ giới thiệu con ra chào, con đứng ngẫn một lúc rồi quay lại hỏi ba : “Nhiều thằng quá, vậy con phải chào thằng nào trước?”
Trước giờ chính thức khai mạc, thầy Quyên Di mời các thầy cô cùng hát bài ca sinh hoạt chào mừng nhau, để cùng nói lên tâm tình chung của mọi người tham dự:
“Chào anh, chào chị, hôm nay ta về gặp gỡ
Lương sư hưng quốc nơi này mình đã thắm duyên
Gặp nhau bữa nay, mốt mai mỗi người một miền
“Mối tình Việt Ngữ” vun trồng triền miên muôn năm”
Trong nghi lễ khai mạc, có phần lễ nghi bái Quốc Tổ rất trang trọng , áo dài khăn đóng rồi nhang đèn, cồng, chiêng và văn tế đầy đủ làm nhiều người thấy lòng lâng lâng niềm cảm xúc gắn bó với Hồn thiêng sông núi, với Anh Linh của Tổ tiên…Tôi chợt nhớ lại bản tin mới nghe sáng nay: “Ngày mai 16/8/2014, sẽ cử hành lễ động thổ xây dựng tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, ngay góc Bolsa – Magnolia”. Ít ra cộng đồng Việt Nam Nam Cali cũng đã làm được một việc có ý nghĩa là vinh danh và ghi nhớ công ơn Đức Thánh Trần, người được ghi nhận là “một trong mười danh tướng giỏi nhất thế giới” nhờ tài đánh đuổi được quân Trung quốc xâm lược dù họ mạnh hơn quân ta gấp bội lần. Như vậy từ đây đồng hương Việt Nam ở xa về Nam Cali chơi sẽ có cơ hội giới thiệu cho con cháu vị anh hùng dân tộc mình và chụp hình làm kỷ niệm, từ bỏ lần những hình tượng Phước, Lộc ,Thọ của văn hóa Tàu…Ngoài ra uớc gì cộng đồng Việt Nam biết kết họp với nhau để vận động đổi tên đường Bolsa thành đường Trần Hưng Đạo thì tuyệt vời biết bao! ( Sao nhiều tiếu bang khác ít người Việt hơn, nhưng đã có nhiều tên đường Việt Nam??). Nghe nói ở Việt Nam môn Sử bắt đầu bị lọai ra khỏi kỳ thi TNPT, vì lịch sử Việt Nam đa số ghi nhận những gương anh hùng chống giặc Tàu ngoại xâm phương Bắc? nên chúng ta ở đây cần phải khôi phục những trang sử hào hùng, bất khuất đó của dân tộc
Trong phần phát biểu nhân lễ khai mạc L.S. Nguyễn Quốc Lân đã cho biết theo những nghiên cứu mới nhất : trẻ từ 4 -5 tuổi có khả năng học và tiếp thu 5 ngôn ngữ một lúc. Khi được học thêm 1 ngôn ngữ khác trẻ sẽ thông minh hơn, học giỏi hơn so với các bạn cùng lứa và ông đã dẫn chứng thực tế : nơi nào có cộng đồng Việt Nam đông, các học sinh giỏi tiếng Việt, thì tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt thủ khoa và xuất sắc rất cao
Khi BTC mời một cô giáo ở xa nhất (Canada) lên phát biểu cảm nghĩ. Cô cho biết dù còn quá mệt, vì sáng cô phải dậy thật sớm để ra phi trường, rồi máy bay bị delay, rồi bao nhiêu là trục trặc…nhưng cuối cùng cô cũng đã nhận được phòng khách sạn và chạy vội tới đây để dự lễ khai mạc dù bị trễ, nhưng cô vẫn thấy ấm lòng khi được nhìn thấy hơn 200 thầy cô cùng tâm huyết “giữ gìn tiếng Việt” như mình tề tựu nơi đây trong không khí linh thiêng qua nghi lễ bái Tổ…. Nghe cô nói mà tôi thấy xúc động và thương cảm, mới hồi chiều ngồi gần một chị ở San Jose phải ngồi xe đò 6,7 tiếng mới tới được đây, tôi đã thấy phục. Bây giờ được biết có người ở tận “Xứ lạnh, tình nồng” xa xôi vạn dặm mà cũng chịu khó lặn lội “bay” tới đây để học thì không cảm động làm sao được? Nhìn lại mình đi từ quận Cam lên đây đã thấy xa, kẹt xe một lát trên xa lộ, tới đây chạy vòng vòng không biết đậu xe ở đâu đã thấy bực! Mỗi tuần hy sinh một buổi chiều chúa nhật để đi dạy Việt Ngữ, đã thấy mình là nguời tốt. Nếu so với cô Canada thì mình thật thua xa (Ở xứ lạnh những tháng mùa đông đi dạy chắc là vất vả lắm!) Đúng là mình sướng mà không biết!
Theo chỗ tôi biết đa số các thầy cô dạy Việt Ngữ đều thiện nguyện ( không có lương) đôi khi phải bỏ tiền túi ra để mua bánh kẹo hay quà làm phần thưỡng để “dỗ” các em học . Đúng là “dạy dỗ” như ông bà xưa thường nói. Tuy có thể có một vài nơi tận dụng tinh thần thiện nguyện của các thầy cô để biến thành một Business kiếm lợi nhuận riêng cho cá nhân hay nhóm của mình, nhưng đó chỉ là số ít. Còn đa số đều theo tinh thần “Vì tiếng Việt mến yêu”, khi chúng ta xa quê hương, nếu còn làm được gì cho quê hương dù nhỏ bé, vẫn cố làm để lương tâm chúng ta không cảm thấy xấu hổ khi thấy người nước ngoài còn nhiệt tình với quê hương Việt Nam hơn chúng ta. Như câu chuyện ông Andre Hồ Cương Quyết, ông người Pháp, nhưng nói tiếng Việt thông thạo, viết báo tiếng Việt rất hay đặc biệt là ông luôn có mặt trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Saigon. Đáng ca ngợi hơn nữa là ông đã bỏ tiền bạc, công sức, tài năng để làm một cuốn phim “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” để chứng minh bằng sử liệu Hoàng Sa là của Việt Nam và nỗi đau của Ngư dân Việt Nam khi bị tàu TQ luôn đánh phá, gây hấn, bắt giam đòi tiền chuộc…Ông đau nỗi đau mất mát của ngư dân Việt Nam, trong khi nhà nước CSVN lại quay mặt làm ngơ!!?
Trong phần mở đầu buổi hội thảo “Gia Đình Việt, nói tiếng Việt” GS Lưu Trung Khảo đã cho biết Tổ tiên ta có tinh thần bất khuất rất cao, nhờ đó chúng ta vẫn giữ được Văn hóa Việt, tiếng Việt và truyền thống Việt Nam dù đất nước phải trãi qua:
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây”
Nhưng tổ tiên ta đã vượt qua âm mưu đồng hóa rất khốc liệt của giặc Tàu ( tịch thu sách Việt đem về Tàu đốt, bắt dùng tiếng Hán…) và sau này giặc Tây cũng thế dùng chính sách chia 3 miền để trị, rồi bắt học tiếng Tây…
Tiếp theo là phần chia sẻ kinh nghiệm dạy con nói tiếng Việt tại nhà của bà Bùi Mỹ Dương, con gái nhà giáo Bùi văn Bảo với câu nói nổi tiếng:
“Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt
Đừng lo lủ trẻ dốt Anh văn”
Bà đã tâm tình “Hễ con về tới nhà là phải nói tiếng Việt”, không thì ăn đòn. Phải có nội quy và kỷ luật rõ ràng thì trẻ mới chịu thi hành. Ngoài nói tiếng Việt phải cho con cháu đọc sách, báo tiếng Việt . Hiện nay các tờ báo Việt Ngữ ở đây đều có trang Thiếu Nhi, xin các phụ huynh tận dụng để trẻ có cơ hội đọc tiếng Việt thường xuyên cho quen. Bên cạnh đó cho các cháu thực tập viết tiếng Việt với những chữ đơn giản. Một chị lên chia sẻ : Tôi nấu các món ăn Việt Nam cho các cháu ăn, khi các cháu ăn quen và thích. Lúc nào các cháu yêu cầu ăn món nào tôi yêu cầu viết tên món đó xuống (Phở, Cơm tấm, Chả giò…), nếu viết đúng sẽ được cho ăn món đó Nhờ vậy mà các cháu hăng hái học và viết tiếng Việt lúc khởi đầu. Đúng là phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc học tiếng Việt của con cháu. Quả là:
“Con giỏi tiếng Việt nhờ mẹ
Cháu rành tiếng Việt nhờ bà”
Tập cho các cháu nói tiếng Việt từ nhỏ sẽ dễ hơn là khi lớn, tuy nhiên “trễ còn hơn không” nếu các cháu lớn có nói giọng lơ lớ hay dùng từ sai ta không được cười, trẻ sẽ bị mặc cảm. Phải kiên nhẫn sửa sai cho trẻ, từ từ chúng sẽ tiến bộ. Điều quan trọng nên nhớ là “Dùng tiếng Việt tại nhà”
Ngoài ra nên tập hát với con cháu những bài hát tiếng Việt ngắn và dễ, ở nhà. Ở tiết mục này, cần phải tuyên dương đài Litlle Saigon Radio hằng tuần đều có mục “Bé ngoan, bé hát”để các bé gọi vào “Cùng hát tiếng Việt cho nhau nghe” rất dễ thương! Qua đó rèn luyện các bé tinh thần Lễ nghĩa của người Việt Nam, biết yêu quý gia đình cha mẹ, ông bà…Bên cạnh đó cũng tập cho các bé niềm tự hào “Em là người Việt Nam”:
“Nếu có ai hỏi rằng: Em là ai?
Xin thưa rằng: Em là người Việt Nam”
Ngày xưa Hồ Quý Ly đã cho dùng chữ Nôm ( không dùng chữ Hán) để thể hiện tính độc lập của dân tộc. Nhờ đó mà Việt Nam đã có tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du nổi tiếng thế giới ( viết bằng chữ Nôm). Tuy nhiên học chữ Nôm rất khó, phải tinh thông chữ Hán, mới học được chữ Nôm, do đó tình trạng thất học rất cao. Nhưng sau này Việt Nam may mắn nhờ có giáo sĩ Bá Đa Lộc đã dùng chữ Alphabet để sáng tác ra chữ Quốc Ngữ dễ học, nên tình trạng thất học giảm nhanh.Nhờ vậy mà người Việt và con cháu chúng ta sau này ở hải ngoại học tiếng Việt dễ dàng hơn nhiều. Cứ hình dung ra các chữ viết vừa khó đọc lại vừa khó nhớ của các nước Á châu chung quanh: Tàu, Nhật, Hàn, Campuchia, Lào, Thái, Miến điện… mà thấy ngán! Ý thức điều này chúng ta mới thấy công ơn của giáo sĩ Bá Đa Lộc to lớn chừng nào! GS Lưu Trung Khảo cho rằng chúng ta nên hãnh diện vì có Quốc Bảo là chữ Quốc Ngữ vì Việt Nam là nước duy nhất trong các nước Á Châu có Quốc ngữ dùng Alphabet.
Sang mục chọn lựa giờ học, tôi vốn rất mê âm nhạc, nên chọn giờ học “Dùng âm nhạc để dạy Việt Ngữ” của cô Hồng Trang. Người ta thường nói “Hát Thánh ca bằng 2 lần cầu nguyện” tôi cũng thấy “Học tiếng Việt bằng âm nhạc hiệu quả gấp 2 lần” vì vừa vui, vừa dễ thuộc, nhờ điệp khúc hát lập đi lập lại. Nhạc sĩ Hồng Trang sáng tác nhiều bài hát tiếng Việt để giáo dục các em rấy hay và ý nghĩa:
“Hằng tuần cắp sách đến trường, học tiếng giống nòi. Để cho, để cho em biết đâu là văn hóa Việt Nam
Hằng ngày nói với bạn bè tiếng nước non nhà. Để cho, để cho em biết đâu là tiếng nói Việt Nam…
Ngày ngày kính mến ông bà, yêu quý cha mẹ. Để cho, để cho em biết đâu là lễ nghĩa Việt Nam…”
Riêng tôi với kinh nghiệm thô thiễn, lại chẳng phải là nhạc sĩ có tài sáng tác, nên tôi cứ lấy mấy bài hát đơn giản, phổ thông ai cũng biết, như bài “Twinkle, twinkle Litlle Star” rồi “chế” lời Việt vô để dạy các bé hát nhân ngày lễ Mother’s Day:
“Mẹ , mẹ ơi! con yêu mẹ
Con yêu mẹ với trái tim con
Con yêu mẹ với cả tấm lòng
Mẹ, mẹ ơi! con yêu mẹ
Con yêu mẹ, yêu suốt cả đời”
Rồi dạy các em một số động tác ( movement) theo lời bài hát để các em về nhà hát tặng Mẹ, tặng Bà ( nếu có Bà), chỉ thay chữ mẹ bằng chữ bà. Câu hát kết thúc sẽ chạy lại ôm và hôn mẹ 2 bên má. Không ngờ bài hát đơn giản mà có tác dụng to lớn! Sau ngày lễ Mẹ, khi đưa các bé tới trường, các mẹ, các bà cám ơn rối rít:
“Cám ơn cô dạy bé bài hát hay quá! Nghe bé hát mà thấy “mát cả ruột”.Đến câu cuối bé chạy lại ôm hôn, mà nước mắt tôi cứ ứa ra! Không có món quà Mother’s day nào quý hơn bài hát đó, cô ơi!” làm cô giáo nghe cũng thấy “mát cả ruột”! Tôi chợt nhớ tới lời tâm sự của một chị bạn, mỗi năm chị bay từ Cali sang Boston 2 lần chỉ để được nghe thằng cháu nội ôm hôn và thỏ thẻ nói vào tai: “Bà nội ơi! con thương bà nội lắm!” là đủ làm chị thấy sung sướng quên cả mệt nhọc của chuyến bay dài từ Tây sang Đông. Ôi sức mạnh của ngôn ngữ Việt Nam tuổi bé thơ thật diệu kỳ!
(Còn tiếp)
Nguồn khoahoc.net