Tôi mở nắp nồi. Vắt cơm đã nằm gọn trong đó.
Trưa nào, ngoại cũng lấy cơm nguội rắc thêm ít muối rồi vắt thành một cục to bằng nắm tay cho tôi ăn thay quà bánh. Nhà ông tôi rất xa chợ. Muốn đến cái quán duy nhất trong xóm phải vượt qua ba cây cầu khỉ lắt lẻo. Vì vậy, vắt cơm là một thứ quà quí đối với một đứa trẻ con nhà nghèo như tôi.
Hôm nay, vắt cơm to hơn thường lệ. Ngày mai, tôi đã rời xa nơi nầy để theo ba lên tỉnh học. Chắc ông muốn tôi ăn thật nhiều để bù đắp những ngày sắp tới. Tôi chạy ra sau vườn tìm ngoại. Ông đang cuốc đất để bồi mấy gốc bưởi đào. Gần hết mùa hạ, trời sắp sang thu, vậy mà có cây vẫn còn nở đầy hoa trắng. Hương bưởi thơm lừng làm cho niếng cơm trong miệng tôi như được nấu bằng một thứ gạo “Nàng thơm” hiếm quí. Loại gạo mà chỉ những ngày Tết ông cháu tôi mới dám mua để “rước ông bà”. Thấy tôi, ông dựng cái cuốc tựa gốc cây, ngồi xuống rồi ngoắc tôi lại gần. Ông vừa vuốt tóc tôi vừa dặn dò:
- Lên đó, ráng học nghe con! Phải vâng lời ba. Tội nghiệp. Từ ngày mẹ con chết, ba con vất vả lắm. Tối ngủ con nhớ dắp mền và nếu trong người khó chịu, muốn bệnh, phải cho ba con hay liền.
Ông móc túi, lấy ra một gói nhỏ đưa cho tôi:
- Ông cho con một trăm ngàn đồng. Con cất để trưa trưa mua bánh ăn. Ở đó bán bánh nhiều lắm.
Cầm gói tiền, nước mắt tôi chảy dài xuống má. Đây là số tiền ông bán bưởi hồi sáng. Tôi nghẹn ngào nói:
- Con cảm ơn ngoại!
Ông quay vội đi. Ông muốn giấu ánh mắt long lanh ngấn nước của mình.
x x x
Tiếng chim hót ríu ran ngoài cửa sổ đánh thức tôi dậy. Nắng không còn gay gắt, xuyên qua mấy chỗ thủng trên vách, in xuống nền đất những bóng nắng ngộ nghĩnh. Khi có gió thoảng qua, vách lá lung lay, những cái bóng nắng nhảy nhót theo như khiêu vũ. Những chú chim ban nãy chắc đã bay đi. Quanh tôi yên tĩnh vô cùng. Tôi tưởng như mình có thể nghe rõ tiếng gặm nhấm của mối mọt từ trong mấy cây cột tre xiêu vẹo. Tôi bỗng nhớ trường, nhớ lớp, nhớ chỗ ở mới, nhớ tỉnh lỵ rộn rã tiếng xe cộ, tiếng nói cười…Cứ mỗi trưa, dù ở tận sau bếp, tôi cũng nghe rõ mồn một tiếng rao lanh lảnh của mấy chị bán bánh bò, bánh tiêu, bánh còng, bánh cam, tiếng chuông đồng leng keng của ông lão bán cà rem gọi mời. Đó là những món ăn quyến rũ mà tôi bắt đầu ưa thích. Đôi khi, ba còn đưa tôi đi ăn chè thập cẩm rồi vào rạp xem phim. Những phim thần thoại tuyệt vời! Và tôi như cô bé quê mùa lạc vào thế giới thần tiên đầy món ngon, vật lạ.
Hôm nay, trở về quê giỗ mẹ. Tôi bỗng ngạc nhiên sao ngoại tôi lại có thể sống được ở một nơi xa xôi, hẻo lánh , thiếu thốn mọi thứ như vậy?
Tôi nhảy xuống đất, chạy ra sau. Trên bàn, vẫn cái nồi quen thuộc. Tôi lấy ra vắt cơm. Gạo “thần nông” đã nguội khô cứng. Ăn được mấy miếng, tôi ngán quá, ném vắt cơm ra sân. Mấy con gà nhảy xổ tới, mổ túi bụi. Tôi bỗng nhìn thấy ngoại. Ông đang ngồi bên chiếc giỏ tre đan mới được nữa chừng. Mắt ngoại thẩn thờ nhìn những hạt cơm văng tứ tung, lấm đầy đất cát. Tiếng thở dài của ông làm tôi giật mình. Chợt hiểu ra, tôi thảng thốt gọi:”Ngoại ơi!”
Ông lúng túng cúi xuống , tay phải vụng về, run run chụp lấy cọng nan tre, xỏ vội vào chiếc giỏ. Nhưng nó lại trợt ra ngoài, đâm vào đầu ngón trỏ trái của ông. Máu ứa ra. Tôi bật khóc Ông nhìn tôi:
- Ngoại định đan cho con cái giỏ để chiều chiều con đi hái hoa lục bình chơi. Nhưng ngoại mới nhớ ra là ở đó đâu có thứ hoa nầy, phải không con?
Tôi khóc to hơn. Lúc ngẩng lên, ông đã vào nhà. Ông lại muốn giấu tôi cái sắc đỏ của trời chiều vừa rơi vào đáy mắt.
Khi đưa tôi với ba ra bến đò. Ngoại trao cho tôi một trăm ngàn đồng và lặp lại lời dặn dò y như ngày trước. Nhưng lần nầy, trở lên tỉnh, buổi trưa, tôi không ra cửa đón mua bánh trái gì hết. Tôi tự vắt lấy một nắm cơm ăn trưa. Tôi giữ nguyên một trăm ngàn đồng và cả tiền ba tôi cho để ăn sáng. Tôi mua một cái áo ấm cho ngoại. Nhưng mùa hạ chưa kịp đến, tôi chưa kịp về bày tỏ lòng hối hận của mình thì ông mất. Sau một cơn bão lớn, người hàng xóm đến nhà mua bưởi đã phát hiện ông tôi nằm chết cứng trên giường.
Tôi treo chiếc áo ấm bên cạnh bàn học của mình. Và, cứ mỗi trưa, tôi vắt nắm cơm rồi vừa ăn vừa khóc.
Nguyễn Thị Mây