.
  Cơn bệnh P3
 
21/8/2014

 

Truyện ngắn (P3)

                              

 


Lâm thành Nghiêm

5. Tân trở về nhà, bắt đầu cuộc sống với những viên thuốc hàng ngày, những kiêng cữ phải tuân thủ trong các sinh hoạt. Tân cố gắng không nghĩ ngợi hay hoạch định cho mình một lối sống ra sao. Điều quan trọng là thích ứng. Tân nhận ra mọi diễn biến của đời sống trước kia đều ngoài mong muốn, ý định của mình. Hãy để mọi sự đến và mọi sự sẽ trôi qua như việc Tân nằm bệnh viện, phải chịu ca mổ tốn kém, việc gặp gỡ và chia tay Hà. Ngẫm lại quá khứ mọi việc diễn ra như định mệnh! Vậy thì hoạch định cố sống thế này, cố sống thế nọ có được không? Biết bao danh ngôn của thánh hiền ai học và làm theo được? Như vậy cuộc đời con người có ý nghĩa không? Khi định mệnh xen vào chi phối?

Cơn bệnh không chỉ thay đổi sinh hoạt của Tân mà cả thái độ cư xử của vợ đối với anh. Hằng thường gợi chuyện để Tân nói, phá vỡ cái “làm thinh” ở anh trước đây, cô trở nên dịu dàng hơn, đảm đang lo cho chồng. Hằng nhắc nhở anh uống thuốc đúng giờ, hỏi anh thích ăn gì để mua nấu. Cô như muốn dồn tình cảm để chăm lo cho Tân để bù đắp lại những hời hợt nhạt nhẽo lúc trước. Cô lo sợ thời gian còn lại của hai người đã gần cạn! Cô nhìn thấy bóng chiều lay lắt.

Thời trai trẻ, trừ những tình cảm lãng mạn, bốc đồng, Tân có những mối tình thật sự yêu và được yêu tha thiết. Thế mà chẳng đến được với nhau dù không có trở ngại gì lớn! Rồi với một người không quen trước, không vì nhan sắc, không ngang trình độ mà lại “dính” nhau! Bây giờ tuổi lớn, đã qua “ngũ thập tri thiên mệnh”. Tân tin vào duyên số, tin không phải để bấm bụng chấp nhận một cách “hận đời” mà là thỏa hiệp cùng nó. Nhờ cơn bệnh, nhờ đứng giáp bờ sinh tử mà Tân yêu lấy số phận mình, còn muốn nói “cảm ơn”.

Cám ơn cũng đắng lòng cho người cùng kiếp nợ duyên. Đeo mang hơn 30 năm trời, một mai Tân nằm xuống, Hằng một mình cô độc xiết bao, cô ở với ai? Các con có gia đình riêng rẽ và tuổi trẻ có cách sống, suy nghĩ khác với người già. Liệu cô có vượt qua thói đời, sống chung đụng giữa mẹ chồng và nàng dâu, mẹ vợ và chàng rể.

Từ lúc vào bệnh viện cho đến hôm nay, tính cách hành vi của các con làm Tân suy nghĩ. Nhớ đến khi các con còn nhỏ, Tân thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm người cha. Trách nhiệm cha mẹ không chỉ lo cho con về mặt vật chất mà cả về tinh thần. Xã hội trước khi mở cửa đổi mới vô cùng khó khăn, người dân bị ngăn cấm đủ điều, thiếu thốn đủ thứ. Gia đình Tân từng đói, các con phải ăn độn, húp cháo lỏng qua bữa. Thời ấy nuôi được hai con học đại học là cả một nỗ lực quá sức của Tân, anh không còn tinh thần để nghĩ ngợi sâu xa ngoài chuyện phải kiếm tiền. Thế nên tính cách của các con tự phát triển theo thiên hướng của chúng. Và nên, hư, xấu, tốt của con được lý giải là có phần có phước hay vô phước, với Tân thế là có phước. Ba đứa con của Tân đều tốt nghiệp đại học dù chẳng thành đạt theo mô thức: có địa vị, nhà lầu mặt tiền, xe xịn, nhưng chúng đã thành người. Thành người đơn giản, sống lương thiện, không làm hại xã hội, biết nghĩ đến cha mẹ, lo cho tương lai.

Vâng, các đứa con đều quan tâm đến Tân. Chúng thăm hỏi thường vì nghĩ nội tâm ba mình đang dao động bất an, cần chia xẻ, chúng tranh thủ về thường hơn. Đứa nào cũng đưa tiền nài nỉ Tân lấy, bảo cất mua thuốc hay cần tiêu xài gì thì có. Đứa nào cũng muốn được làm điều gì đó cho Tân, giúp anh “sống vui, sống khỏe, sống có ích” trong những ngày còn lại…

Tất cả tình cảm, nghĩa cử của vợ con làm Tân rất xúc động và anh nghĩ lại trước đây sao mình có những ý tưởng hẹp hòi sơ cứng đến vậy? Trong nhiều gia đình biết bao nghịch cảnh xảy ra, những đối xử đau lòng giữa chồng vợ, cha con, Tân được thế này là phúc lắm rồi. “Tư tưởng xét lại” nên khi bóng hình Hà xuất hiện trong tâm tưởng làm Tân thấy mình có lỗi cùng vợ con như kẻ phản trắc thay lòng, Tân dùng lý lẽ phân tích nội tâm của mình.  Vào tuổi hoàng hôn, tâm hồn, tình cảm con người bỗng hồi xuân, lóe rực để rồi phụt tắt. Vậy nếu không phải là Hà thì cũng sẽ là bóng hình ai đó mà Tân gặp hay đã gặp rồi. Đây chỉ là giấc mộng, sao lại để nặng lòng vì giấc mộng . Mình và Hà như hai khách lạ tình cờ chung một chuyến đò, thuyền cặp bến thì mỗi người mỗi ngã, níu kéo vướng víu mà chi…

Cũng từ hôm Tân về, một số học trò cũ hay tin, tổ chức đến thăm viếng tặng quà làm Tân hết sức cảm kích nhưng trong lòng mang nỗi e ngại. Trong cái e ngại của kẻ tự nghĩ mình đóng góp ít sao nhận được nhiều. Hương trở về Mỹ hay tin, điện hỏi thăm và sai đứa cháu mang quà đến, Tân biết do chính Hường loan báo. Hôm còn trong bệnh viện Tân dặn Hường đừng cho các bạn biết vì sợ các em chứng kiến cảnh y công xua đuổi nặng lời với người thăm, Tân ngại các em đi thăm xa xôi lại phải khó chịu vì điều ấy.

Tân bồi hồi nhận ra tình cảm thầy trò, bạn bè trong ngành Nông Lâm Súc trước đây sâu đậm, bền chặt mà ngành phổ thông ít gặp. Có lẽ vì số trường ít, lúc Tân học cả nước chỉ có ba trường ở những tỉnh trọng điểm: Huế, Bảo Lộc và Cần Thơ, Tân xuất thân từ trường Bảo Lộc, ngôi trường rất thơ mộng. Về sau được mở thêm ở Bình Dương, Tây Ninh, Định Tường… Giữa thầy trò không cách biệt nhau nhiều về tuổi tác. Trong sinh hoạt học tập gần gũi, tự nhiên nhất là giờ nông trại. Rồi cái màu áo đồng phục đặc trưng làm đậm thêm tình cảm đồng môn, Tân đã làm gì, đã “nuôi, cấy, trồng” gì trong những năm học để bây giờ gặt được, nhận được thân tình mến trọng của các học trò: Hường, Hạnh, Lâm Anh, Tuyết, Hương,…

Theo giấy hẹn, mười ngày sau Tân trở lên tái khám. Tân đòi đi một mình vì cho rằng mình đã bình phục. Vào bệnh viện, nộp sổ xong, thấy người chờ nhiều, Tân đến phòng cũ mình nằm cũng gần đó. Chỉ ông bà cụ Thy còn ở, những bệnh nhân khác đều lạ. Từ căn phòng này, ai trở lại cõi sinh, ai đi về cõi tử? Ông cụ bảo Tân về được bốn ngày thì Hà cũng xuất viện. Nhìn chiếc giường Hà nằm, Tân cảm xúc, bồi hồi, định khám xong sẽ tìm thăm Hà theo địa chỉ cô cho.

 Một dằng co nội tâm khi ngồi đợi khám. Có nên hay không? Có nên hay không? Con tim và lý trí trì kéo đẩy xô. Hãy để Hà yên, trở về với cuộc sống của nàng. Đừng quấy động trái tim vốn đau bệnh của nàng. Cuối đời rồi, giờ ra chơi đã hết, khu vườn ảo diệu đã khép – Hà còn hai đứa con, hãy để nàng là thần tượng của con mình. Hình bóng người chồng chưa phai mờ, nàng vẫn nuôi hy vọng. Đừng phá vỡ bóng hình nọ, trám lại bóng hình kia, chỉ nặng nề thêm nghiệp chướng… Thế là tái khám, mua thuốc xong Tân vội vã đón xe về. Anh sợ nếu lưỡng lự cái máu bốc đồng thời trai trẻ lại nổi lên…

 6. Mỗi ngày đi chợ, Hằng đều mua báo, một việc mà trước đây ít có. Hằng ít khi đọc sách báo, cô chỉ xem phim truyện Hàn Quốc. Bây giờ vì nghĩ đến Tân, muốn anh có cái giải khuây. Thói quen lúc cầm tờ báo Tân liếc qua tít lớn ngoài bìa rồi lật trang văn học nghệ thuật. Đọc hết những bài ở đây Tân mới xem tin tức thời sự, còn quảng cáo chẳng mấy khi nhìn đến nhưng hôm ấy chả biết sao anh lật trang quảng cáo và thấy ngay chữ cáo phó và tên người mất. Cái tên làm Tân thót người, hối hả chăm chú đọc. Không thể khác, không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên lạ lùng cùng nhiều yếu tố. Đúng là Hà với họ tên, chữ lót, năm sinh, tên đường, số nhà và cả tên hai đứa con của Hà ghi bên dưới.

Vậy là Hà đã mất hai ngày rồi, hưởng dương 57 tuổi. Sơn và Giang đăng cáo phó như lời nàng trối dặn, nhưng chồng có còn trở về như hy vọng của nàng? Tân thẫn thờ suốt ngày hôm ấy. Tại sao mình không ghé thăm Hà, Tân tái khám cách nay một tuần, nếu ghé Hà, anh gặp nàng và thực hiện điều Hà mong muốn: “Mời anh ghé nhà. Em mong còn được gặp anh”. Tân hối hận như một người thất hứa, một kẻ phụ lòng với người đã mất, sẽ chẳng bao giờ được ghé thăm

Lâm Thành Nghiêm (NLS/BL/K1.63-67)

 

 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693456 visitors (2231009 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free