.
  Nghĩ về nghề
 
7/8/2014

  

 

 

Tuy tôi xa nghề đã lâu, hơn 20 năm nhưng cái gốc giáo hình như không bỏ được, nó đã trở thành tính cách cho nên trong giao tiếp hay bị người ta đóan chắc trước đây chị là cô giáo, mấy lúc như vậy bỗng thấy ấm lòng. Nói chuyện với các em tre trẻ cứ thích xưng cô; lại hay ngẫm nghĩ những chuyện có liên quan đến giáo dục.

Nhớ hoài tâm trạng  ray rức không thể gọi tên vì thực ra chuyện nhỏ như cái móng tay, lại chẳng ảnh hưởng gì đến quyền lợi của ai.

Số là tôi xem chương trình trao học bỗng cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh do đài truyền hình phát, phần phóng sự tại chỗ nhiều câu chuyện rất cảm động về cảnh đời bất hạnh vất vả của các em trong cuộc mưu sinh và học hành, nghe chuyện cậu bé kể dùng một phần học bỗng mua 8 con gà để nuôi, thật chất phát, dễ thương khi mà ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới mà em đã phải toan tính chuyện sinh nhai. Rồi đến chuyện của một em khác cũng rất thương tâm khi phải mồ côi cả cha mẹ, sống với bà nhưng bà cũng qua đời, được người cậu nghèo cưu mang, hai chị em phải đi bán vé số trái buổi học... Các em nói ngập ngừng tìm từ để diễn tả ý của mình tôi nghe cay cay ở mắt, rất thương.

 Vậy mà cũng với nội dung đó tại diễn đàn của buổi trao học bỗng, các em nầy được mời báo cáo điển hình kể về chuyện của mình theo bài cô giáo chuẩn bị, như trả bài học thuộc lòng với đủ ca kệ, nhìn các em phải nhíu mày lắp đi lắp lại để nhớ tiếp đọan chưa thuộc như là một băng cat-sét thu bị lỗi, lòng tôi nhoi nhói. Không biết các vị tâm huyết với chương trình đang có mặt ở hội trường có đồng cảm hay tại tôi nhạy cảm. Dù biết chẳng phải lỗi của ai, bởi vì từ cô giáo đến những người thực hiện chương trình đều mang tâm ý tốt, chả lẽ lại đổ lỗi cho sự chu đáo, đành chắc lưỡi mà kêu: giá mà để cho em đối thọai thật thà tự nhiên, giá mà sự chuẩn bị chỉ là những gợi ý hướng dẫn mang tính định hướng để các em được quyền tư duy, được tự diễn đạt chuyện của mình theo cảm nghĩ của chính các em.

                        

 

Từ chuyện nầy tôi liên tưởng đến những suy tư về nghề mà tôi đã chọn làm cái nghiệp của mình khi thi vào sư phạm và ra trường làm cô giáo, 11 năm gắn bó với ngành giáo dục, dù xa nghề lâu rồi nhưng bây giờ khi thấy chuyện bất bình từ những chuyện của giáo dục tôi vẫn còn canh cánh cảm giác bất lực, bất chí.

Hồi đó với chức trách quản lý ngành của mình, tôi đã từng là nhà tổ chức các cuộc thi, là giám khảo chấm chọn và xếp hạng, phát hiện năng khiếu các em; việc tổ chức các kỳ thi kể chuyện theo sách dành cho học sinh tiểu học, nội dung và ý nghĩa của sinh họat nầy thì khỏi phải bàn, rất hay ho bổ ích, hào hứng lắm, nhưng càng về sau thì hình như nó không còn là cuộc thi của các em, tôi thấy nó trở thành cuộc đọ sức với nhau của các trường, các giáo viên, các phòng giáo dục huyện và các em trở thành con gà chiến được huấn luyện uốn nắn công phu như là diễn viên chuyên nghiệp, diễn như là người lớn được thu nhỏ, giọng đọc, nét biểu cảm cũng thành khuôn mẫu, công thức...y như mẫu thầy cô dàn dựng mất hết nét hồn nhiên thơ trẻ của lứa tuổi.

 

                         

 

Thi thoảng trong cuộc thi có thí sinh rất tự nhiên, trong cách kể chuyện có những vấp váp trẻ thơ rất thật, làm người nghe cảm xúc, tôi đánh giá cao, thế nhưng hội đồng giám khảo căn cứ vào thang điểm, vào quy định mẫu cho rằng như vậy là thiếu điêu luyện, thiếu chuẩn bị chu đáo, thế nên tôi thành thiểu số, không tự lý giải được các em  là đối tượng của cuộc thi để đánh giá hay là chấm điểm người nhào nặn ra các em? chấm điểm học sinh kể chuyện theo sách hay là tuyển chọn diễn viên ?

Lại còn chuyện quy định chương trình của các cấp phổ thông mà hồi thời ấy tôi được cán bộ cấp trên dặn dò đó là pháp lệnh của ngành, với 45 phút của một tiết học phải thực hiện đủ các bước lên lớp chặt chẻ khít khao đúng phân phối chương trình, thế mới gọi là nề nếp,( mà tôi là người đã từng thực hiện nghiêm chỉnh và đạt danh hiệu giáo viên giỏi dù chính mình cảm nhận là máy móc), giáo viên nào cũng ám ảnh nỗi lo cháy giáo án nên cứ thế mà làm lớp nào cũng vậy, không có thời gian để khắc sâu kiến thức, để uốn nắn thói quen tốt, rèn nết rèn người, mối quan hệ thầy trò trên lớp cũng công thức, tôi đành mặc nhiên chịu đựng cho qua những lỗi của học trò.

 

Còn nữa các tiết dự giờ kiểm tra, học mẫu... đã trở thành chuyện phải chuẩn bị tốt, giáo viên giỏi là người dàn dựng tốt tiết dạy, thầy trò cùng diễn các bước lên lớp như kịch bản, thậm chí có khi dạy nháp trước, mặc nhiên các em đã được dạy về cách ứng phó một cách không trung thực.Còn việc chấm thi môn văn theo đáp án, có lần làm giám khảo, không bảo vệ được một bài thi mà tôi cho điểm cao, được đưa ra chấm hội đồng, nhóm chấm và cả hội đồng đều công nhận bài hay, có nhiều ý tưởng, khúc chiết mạch lạc, nhưng có quá nhiều chi tiết vượt ngòai đáp án khó áp thang điểm, nên không thể cho điểm quá cao, nguyên tắc mà, chị chủ tịch hội đồng hòa giải bằng cách yêu cầu anh bạn cùng nhóm chấm điểm thấp nên nâng lên một chút khi tôi cương quyết bảo lưu ý kiến và điểm 9 mà tôi đã chấm. Thế thì chính giáo viên dạy văn đã bị tước mất cái quyền cảm thụ văn học thì trách sao thầy trò không dạy và học theo văn mẫu để đạt yêu cầu chỉ đạo chuyên môn; sau vụ đó tôi buồn, cũng may tôi không trực tiếp dạy văn nữa nên tránh được ức chế tâm lý. Điều an ủi là sau nầy tôi biết thí sinh tác giả bài văn thi gây tranh cải hồi đó đó bây giờ là cây viết văn trẻ khá nổi danh. 

  Chuyện như thế là bình thường, thế nhưng với tôi  đó chính là biểu hiện nhận thấy được của quan điểm về giáo dục, là hệ quả tất yếu của phương pháp giáo dục theo kiễu: dạy là theo và làm sẵn các khuôn mẫu, học là đổ các em vào khuôn mẫu ấy, làm suy giảm sự năng động sáng tạo trong tư duy của trẻ .

 Cho nên tôi không lạ khi mà ai cũng than phiền là bây giờ học sinh phổ thông và sinh viên ra trường rất yếu về khả năng thích ứng với cuộc sống xã hội, không nói đâu xa, con cháu mình đã tốt nghiệp đại học loại giỏi chính quy hẳn hoi, vậy mà ngơ ngác lắm khi thâm nhập vào cuộc sống, lúng ta lúng túng khi thực hành mớ kiến thức chuyên môn vào công việc! Đó là nói cái số đông phổ biến, để không cực đoan phủ nhận một bộ phận thế hệ trẻ rất giỏi đang trở thành động lực phát triển xã hội nhưng còn đang trong tình trạng quý hiếm và cũng không loại trừ đó là số cá biệt thoát khỏi khuôn mẫu giáo dục đang có.

Trong khi không ai có thể phủ nhận ngày nay giáo dục nước ta dù có khó khăn nhất định nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng điều kiện vật chất và khoa học kỹ thuật đã tiên tiến biết bao nhiêu so với các thế hệ trước, kể cả những tiện nghi xã hội đã trở thành phổ thông mà dù có khó khăn các em cũng được tiếp cận và trí thông minh của trẻ em Việt Nam thì đã được thế giới công nhận qua các kỳ thi quốc tế.

Những việc ấy được xem như chuyện thường ngày ở đâu cũng có... lại chính là thủ phạm của một kiểu giáo dục:hết lòng vì học sinh thân yêu không đúng, không khoa học, không phát huy được sự năng động trí lực của các em, mà cứ ra sức cày sẵn những đường rảnh tư duy. Và nguy hiểm hơn là đang có nhiều người hoặc mặc nhận hoặc ngộ nhận hoặc công nhận quan điểm ấy là bình thường và xã hội trở nên vô cảm trước những hệ quả của nó.

 Chuyện giáo dục là quốc sách  trọng đại, nên không dám lạm bàn, chỉ là hồi ức của cô giáo đã xa ngành lâu lắm rồi mà lại còn hay chạnh lòng, cả nghĩ khi đã gần đến tháng 11.

 

                                                                                          CA GIAO.

 

 

 

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641327 visitors (2135275 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free