.
  Những người hoài cổ
 
14/8/2014

 

 - Kỳ cuối: Giúp nhau trên mọi nẻo đường

 

 (AGO) - Đối với dân biết chơi dòng xe đời cũ như Lambretta, Sachs, Vespa, Mobylette, Honda 67, Cub 78…, khi ra đường chỉ cần thấy xe của “đồng môn” bị nạn, họ lập tức “tương trợ trước, làm quen sau”. Vì vậy, những người yêu xe cổ luôn có bạn bè ở khắp nơi. Tương tự, những người có cùng đam mê về bàn, ghế, đèn, bình, chậu, gốm sứ… thời xưa cũng dễ dàng tìm được tiếng nói chung.

 Những người hoài cổ - Kỳ II: Khoảng lặng giữa đời thường

Kết nối đam mê

Anh Lê Trung Hiếu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Vespa – Mobylette An Giang, cho biết, hầu như ở tỉnh, thành phố nào cũng có CLB của những người yêu xe cổ. Có địa phương còn thành lập được nhiều CLB dành cho từng dòng xe khác nhau. Tuy nhiên, để CLB phát triển bền vững, đòi hỏi các thành viên phải hợp tính, biết lắng nghe ý kiến và chia sẻ vui buồn. Đó cũng là lý do mà một số thành viên ở Thốt Nốt (Cần Thơ), kênh 10 (Tân Hiệp, Kiên Giang) thích đăng ký tham gia sinh hoạt ở CLB Vespa – Mobylette An Giang. “Tìm được chiếc xe cổ ưng ý đã khó, kiếm phụ tùng thay thế còn khó hơn. Do vậy, các thành viên trong CLB phải hỗ trợ nhau “săn” phụ tùng, sửa chữa xe. Trường hợp không tìm mua được thì tự mày mò, chế tạo phụ tùng thay thế. Đã là xe cũ nên thỉnh thoảng bị hư, chết máy. Khi đi đường xa phải “thủ“ vài số điện thoại quen, chỉ cần “alô” là anh em hỗ trợ liền” – anh Hiếu chia sẻ.


Thành viên CLB Vespa – Mobylette An Giang luôn hỗ trợ nhau.

Câu “tứ hải giai huynh đệ” quả đúng với dân chơi xe cổ. Hầu như khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, những thành viên của CLB Vespa – Mobylette An Giang đều đã cưỡi “ngựa sắt” đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. CLB thậm chí còn kết nối đám mê lên Tây Nguyên, ra miền Trung, miền Bắc. Ngược lại, đến ngày sinh nhật của CLB (1-11), anh em ở khắp nơi lại kéo đến giao lưu. “Sinh nhật năm 2013, CLB dự kiến chỉ mời 300 đại biểu nhưng có đến hơn 400 người tham gia. Các loại xe cổ đậu dày đặc trong Nhà Thiếu nhi An Giang. Năm nay, dù còn vài tháng nữa mới đến sinh nhật nhưng anh em các tỉnh đã gọi điện thoại đăng ký tham gia” – thầy giáo Cao Văn Hà, thành viên CLB, chia sẻ.

Hướng về giá trị đẹp

                
                          (ảnh minh họa, internet)

Anh Lê Trung Hiếu cho biết, chỉ cần nhìn dáng vẻ của chiếc xe cổ, có thể đoán được tính cách của người chơi xe. “Xe cổ có 2 loại: Nguyên bản và xe độ. Người thích loại nguyên bản thì dù xe cũ thế nào họ vẫn giữ nguyên để chơi, không thay mới hay sơn phết lại. Đối với dân chơi xe độ, họ dựa trên nền xe cũ để tân trang, làm mới, gắn thêm thiệt bị… theo sở thích của mỗi người. Cách chọn dòng xe nào để chơi cũng thể hiện cá tính chủ nhân. Ví dụ, chiếc Mobylette thanh mảnh, có tua chậm như xe đạp, kiềm chế con người bớt vội vã; Vespa thiết kế nguyên khối, thể hiện sự quý phái; Honda 67 bền bỉ, gợi nhớ lại thời khổ cực ngày xưa… Bên cạnh đó, dân chơi xe còn căn cứ vào nhiều yếu tố để chọn “cục cưng” cho mình. Ngoài màu xe, mẫu thiết kế, thời gian và công nghệ sản xuất, người ta còn chú ý đến hoàn cảnh ra đời, quá trình sử dụng của những chủ nhân trước đó. Đối với loại xe càng hiếm trên thị trường, giá trị càng cao” – anh Hiếu giải thích.

“Nhiều người chê xe cổ không có chức năng hiện đại, tốc độ chậm, khó tìm phụ tùng thay thế, sao phải tốn nhiều tiền mua về, tôi thì suy nghĩ ngược lại. Ngày xưa, để sở hữu chiếc Cub 78, phải tốn hơn 20 cây vàng, chỉ dân nhà giàu mới mua nổi. Do giá trị xe quá cao, người ta rất quý, luôn chăm sóc kỹ lưỡng, bảo quản cẩn thận, gìn giữ được giá trị đẹp của xe. Tôi bỏ ra hơn 30 triệu đồng mua chiếc Cub 78, có người nói giá cao nhưng tính ra chỉ khoảng 1 cây vàng, có thấm vào đâu so giá trị xe. Bây giờ, nhiều người hỏi mua lại giá 50 triệu đồng, tôi đâu chịu bán” – ông Hà Văn Lai, thành viên CLB Vespa – Mobylette An Giang bộc bạch. Còn đối với anh Võ Đông Sơn, việc thức đến 1 – 2 giờ khuya nghiên cứu những phụ tùng thay thế cho CLB đã trở nên bình thường.

Không riêng gì dân chơi xe, những người biết chơi đồ cổ luôn trân trọng giá trị đẹp của nó. Anh Nguyễn Văn Rê (hai Rê, 44 tuổi) được xem là một “cao thủ” sưu tầm đồ cổ ở huyện Chợ Mới. Trong căn nhà đơn sơ của người nông dân ở ấp Long Bình (xã Long Kiến) này, có nhiều món đồ “độc” mà không phải ai cũng sở hữu được. “Tôi thường cùng với nhóm bạn mê đồ cổ ở Chợ Mới kết hợp mấy anh em cùng sở thích ở Long Xuyên rong ruổi khắp nơi để sưu tầm đồ cổ. Tôi ít khi có mặt ở nhà nhưng anh em cần món gì cứ điện thoại, tôi tranh thủ về nhà chia sẻ với mọi người. Ngoài những món đồ cổ, tôi còn rất thích chơi cây kiểng, vừa thỏa niềm đam mê và cũng là nguồn kinh tế của gia đình. Khi ai đó muốn mua món đồ cổ nhưng chưa hiểu giá trị của nó, tôi sẵn sàng giải thích để họ trân trọng cái đẹp” – hai Rê chia sẻ.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693449 visitors (2230981 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free