Trong một căn phòng không lớn nhưng ánh sáng cũng đủ phát ra từ một ngọn đèn nhỏ treo lơ lửng trên trần nhà thấp. Trên một mặt bàn nhựa đã phai màu, một mâm cơm dọn sẳn với vài món ăn đơn sơ đã nguội dần. Một người mẹ đang thấp thỏm đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn lên những con số của một mặt đồng hồ cũ đang chơ vơ nằm yên trên vách. Nhịp tích-tắc của nó vẫn đều đặn nghe được, nên mẹ biết nay đã quá chín giờ mà con của mẹ thì đi học vẫn chưa về.
Mắt mẹ lại mõi mòn trông ra cánh cửa đã nửa mở nhưng sao vẫn im lìm, mẹ nghe rõ âm thanh đang reo vang từ chiếc máy truyền hình của nhà láng giềng bên cạnh. Hình như mẹ cũng đã từng nghe được những âm thanh quen thuộc nầy, của những ngày nào năm ấy. Âm thanh của những dòng nhiệt huyết từ những con tim, mà cũng vào thời điểm đó, trong lòng của mẹ cùng các bạn trẻ với mình, cũng đã từng tuôn chảy. Những khẩu hiệu đồng loạt hô to, vang lên cùng lúc, mẹ nghe quen thuộc quá…
Tiếng của chuyến xe điện ngầm nào đó đang rung chuyển dưới lòng đất, khiến ngọn đèn đang phát sáng cũng phải lập loè như sắp tắt, mẹ chợt rùng mình như nghe được những tiếng gào khóc của những ai xa xưa. Và hình như lúc nầy, mẹ lại nghe được tiếng gọi của con mình. Mẹ hoảng hốt nhìn nhanh vào chiếc điện thoại đang cầm trên tay, lắng tai nghe. Chiếc điện thoại nầy sao nó vẫn còn im lìm lặng tiếng, để rồi bây giờ khiến mẹ lại phải thầm trách con sao quá nỡ vô tình.
Chiều hôm trước, cơm nước cũng đã chuẩn bị xong trên chiếc bàn nầy. Người mẹ nơi đây vẫn chờ con tan học về để cùng nhau chung bửa. Tiếng nhạc báo quen thuộc từ chiếc điện thoại nầy, khi ấy lại chợt phát vang, để rồi mẹ nghe được giọng nói thân thương của con mình từ bên kia máy:
-“Con xin lỗi mẹ! Mẹ đừng chờ con về đêm nay. Con có chút việc cần phải làm nên sẽ ở lại trường cùng chúng bạn. Lo xong công việc nầy thì chúng con sẽ về. Mẹ ăn cơm trước rồi đi nghỉ sớm. Đừng trông cửa chờ con đêm nay nghe mẹ.”
(Kể từ ngày trẻ vào trường đại học thì nó cũng đã lớn khôn lên rồi, mẹ rất thông cảm với con.) Sau đấy, chẳng màng phải hâm nóng lại thức ăn đã nguội, mẹ yên lặng ngồi nhai những muỗng cơm khô, cùng vài miếng thức ăn lạnh vào dạ dày cho qua bửa; bởi khi ấy trong lòng của mẹ cũng đã no, khi biết rằng…con đã lớn. Trong bóng khuya đêm đã có đôi lần chợt tỉnh giấc, phát hiện trẻ vẫn chưa về nên lòng lại nôn nao, lo lắng, mẹ đã muốn gọi điện tìm con.
Trời vừa sáng, mẹ chưa kịp gọi điện tìm con, người láng giềng đã sang nhà báo tin cho mẹ biết, rằng đám trẻ đang tập trung ngoài phố chính từ tận đêm qua. Mẹ tỏ ý nghi ngờ. Người láng giềng tốt bụng bảo mẹ sang nhà xem tin. Đài truyền hình nào đó đang trực tiếp trình chiếu những hình ảnh quá rõ ràng, mẹ bàng hoàng, cảm thấy trong người bổng dưng hơi mệt đành phải sớm cáo từ.
Liên tục gọi điện tìm con sau đó, nhưng sao trẻ vẫn không trả lời nên lòng của mẹ lại càng thêm nhiều bồn chồn, lo lắng. Giờ cơm trưa mà con vẫn chưa về, mẹ cũng không còn màng đến ăn với uống. Những người trong gia đình hàng xóm bên kia vẫn không ai rời nhà để đi làm như mọi ngày, và chính mẹ bên đây cũng ngồi yên như thế. Buổi chiều nầy, mẹ cũng đã chuẩn bị xong cơm nước, và vẫn ngồi đây chờ trẻ về, nhưng sao con vẫn cứ bặt tin, vắng tiếng.
Tiếng nhạc hiệu từ chiếc điện thoại nầy bây giờ mới chịu phát vang, mẹ vội vàng mở máy. Tai nghe được giọng nói quen thuộc của ai nơi kia, lòng mẹ nơi đây đã nhẹ nhàng hơn nửa.
“Con xin lỗi mẹ! Mẹ đã gọi điện tìm nhiều lần nhưng con thì không biết. Nơi nầy ồn lắm, có thể con không nghe được nên đã không trả lời với mẹ.”
Mẹ cũng không còn nhớ rằng mình đã có ý hờn trách con ban nãy:
“Mẹ không có trách gì con cả. Con hãy an tâm. Mẹ không sao đâu. Nghe được tiếng nói của con là mẹ mừng rồi.”
Ngập ngừng trong khoảnh khắc, trẻ bắt đầu thỏ thẻ:
“Con nghĩ rằng bây giờ thì chắc mẹ cũng đã biết chúng con đang ở đâu, và đang làm những gì. Con thành thật xin lỗi với mẹ, vì đã không báo cho mẹ biết trước.”
Mẹ thật sự phân vân khi mà trong lòng hãy còn nhiều mâu thuẫn:
“Mẹ nghĩ rằng…Các con có cần phải tham gia vào việc đó hay sao?”
Con mạnh dạn trả lời:
“Nếu chúng con không làm, thì còn ai làm nữa mẹ.”
Kinh nghiệm lần thất bại trước đây của chính mình và các bạn đã trải qua, mẹ hôm nay không còn nhiều can đảm:
“Nhưng mẹ vẫn sợ…rằng các con sẽ không thành công…rồi còn nguy hiểm nữa…”
Con cố gắng giãi thích:
“Không sao đâu mẹ. Chúng con chỉ muốn trình bày quan niệm sống tối thiểu của một con người trong một xã hội văn minh mà thôi.”
Rưng rưng giọt nước mắt sắp tuôn, mẹ bắm chặt đôi môi rồi khẻ nói:
“Mẹ cũng đã biết những chuyện gì đang xãy ra. Mẹ chỉ lo sức khoẻ của các con. Hình như là con của mẹ hiện giờ cũng không được khoẻ? Mẹ nghe giọng nói của con hơi khác.”
Con trấn an lòng mẹ:
“Không có gì quan trọng đâu mẹ. Trúng phải khói cay nên nước mắt của con chảy ra hơi nhiều.”
Mẹ hoảng hốt:
“Bị như thế…Con của mẹ có đau đớn lắm không?”
Con mĩm cười giãi thích:
“Không sao đâu mẹ ạ! Chỉ phải tuôn nước mắt ra trong đôi dăm phút rồi thì sẽ khỏi. Dầu có đớn đau thật sự đôi chút, nhưng chúng con vẫn hy vọng cho tương lai của mình, cùng những thế hệ mai sau nầy, sẽ không có ai lại phải đổ lệ cho suốt cả cuộc đời.”
Mẹ vẫn không cảm thấy an lòng:
“Nếu đôi mắt của mình có mệnh hệ gì thì sẽ khổ sở lắm con ạ!”
Con vẫn mạnh dạn cả quyết:
“Con cám ơn mẹ đã sinh con ra đời. Mẹ đã cho con đôi mắt tuyệt vời để thấy được những gì mình cần phải thấy, cho nên nhất định con sẽ bảo vệ đôi mắt nầy của mình. Chỉ tội nghiệp thay cho những ai kia, dẫu bây giờ vẫn còn nhìn rõ, nhưng sao họ lại chịu sớm nhắm mắt làm mù. Nhưng thôi nha mẹ! Bây giờ con phải trở lại nơi kia với các bạn đang chờ. Tạm biệt mẹ.”
Giọt nước mắt của người mẹ đã không còn kềm giữ lại được, vì bởi… Tuổi trẻ của mẹ giờ đã qua, và nay con đã lớn:
“Ừ! Con đi…Cố mà giữ gìn sức khoẻ. Mai nầy có được việc hay không, mong con cũng nhớ trở về nhà. Mẹ vẫn chờ con.”
Viết cho HK14, một ngày đầu tháng mười,
Một nơ vàng từ Cali.
TL12
|