Đi Thăm Xứ LÀO
Chuyên Gia Phạm Thanh Khâm
Lời Dẫn Nhập:
Mấy bữa nay tôi phải soạn vài đề mục phát triển nông nghiệp nước A-Phú-Hãn (alternative livelihoods) trong khuôn khổ thay đổi nền kinh tế bất thường dựa trên kinh tế á phiện (opium economy), nên đã đọc nhiều tài liệu so sánh với các nước trồng cây á-phiện như Miến Điện, Lào, Colombia, Bolivia, Peru, Ma-Rốc , v.v. Tuần lễ làm việc ở A-Phú-Hãn bắt đầu từ thứ bảy đến thứ năm. “Weekend” là ngày thứ sáu (Friday), và nhóm chuyên gia của chúng tôi lại tiếp tục bị “cấm túc”: không được ra phố, không được đến tiệm ăn, nếu vạn bất đắt dĩ cần di chuyển, không được đi một mình, thay đổi lộ trình, phải có hai chiếc xe chạy nối đuôi nhau, v.v. và v.v... Ngày nào Tòa Đại sứ Mỹ và văn phòng đại diện Liên Hiệp Quốc ở Kabul cũng gởi đều đặn vào email mỗi người tin tức về an ninh. Đọc tài liệu về nước Lào, tôi nhớ xứ Lào. Hôm nay thứ sáu ngày "weekend", xin mời quí bạn đi thăm nước Lào với tôi.
Thầy Nguyễn Tố ở trường Đức Trí dạy tôi về môn địa lý nước Lào ở niên khóa 1951-1952. Tôi nhớ chi tiết gió Lào nóng. Đầu tháng 6, 1952 Thầy Tố dẫn lớp chúng tôi đi xe ngựa vào Nha Trang thi bằng Tiểu học. Thầy và nhóm 9 học trò trong tổng số 25 (16 có nhà thân nhân) ở trọ tại nhà Bác Mười Bài ở Hòn Chồng Nha Trang. Tôi được nghe về nước Lào tại nhà trọ do Mục Sư Nhương (con rễ của Bác Bài) truyền giáo ở Lào về nghỉ ngơi kể chuyện lại. Tôi chỉ nhớ thêm chi tiết người Lào hiền lành. Hơn 40 năm sau tôi mới được dịp đặt chân đến đất Lào.
Đi Nhà Thương Cấp Cứu
Vào sáng sớm ngày cuối tháng 12, 1993, trên chiếc xe jeep từ Bộ Canh Nông đến bịnh viện cấp cứu Vạn Tượng, tôi ngồi ở hàng ghế sau canh chừng đồng nghiệp Jan V. Giáo sư Kinh tế học thuộc trường Đại học Tilburg ở Hòa Lan. Da mặt tái nhạt, mắt nhắm nghiền, hơi thở rất yếu, đầu dựa vào một bên hông xe. Hàng ghế trước có tài xế và bên cạnh là một chuyên viên nông nghiệp Lào. Chiếc jeep chạy hết tốc độ không có còi hụ của chiếc xe cứu thương. Cuối cùng, xe jeep mang bịnh nhân đến được bịnh viện. Không có y tá, y công, hoặc xe đẩy, chúng tôi đã dìu được đồng nghiệp nằm trên bàn khám của một vị Y sĩ Lào. Đồng nghiệp Jan của tôi bị ăn trúng độc (food poisoning). Một giờ sau, vị Y sĩ gặp tôi và đồng nghiệp Lào cho biết bạn có thể trở về khách sạn nghỉ ngơi vài ngày, không cần di tản về Âu châu. Tôi đưa bạn về khách sạn Ekalath Metropole. Xem bạn có vẻ tỉnh táo lại. Trước khi rời phòng, bạn cho tôi sự yên tâm với lời nói rất khẽ và rõ ràng: - I am a good boy!
Bắt Đầu Làm Việc
Nữ Tiến sĩ Carine S., chuyên gia về sinh hoạt gia đình phát triển phụ nữ (Women and Development) vừa từ Tân Đề Li đến Lào để nhập đoàn nghiên cứu của chúng tôi do Cơ Quan Lương Nông của Liên Hiệp Quốc FAO tài trợ. Nữ chuyên gia Carine là phu nhân của Đại sứ Hòa Lan tại Ấn Độ. Thiếu Jan vài ngày đoàn chúng tôi tiếp tục công việc nghiên cứu để viết đề án lúa gạo trung hạn (Medium-Term Integrated Rice Production Program). Chuyến công tác cho FAO tại đất Lào trong sáu tuần lễ đã cho tôi bổ túc sự hiểu biết ở tuổi học trò về một đất nước nhỏ bé nằm trong nhóm gọi là các quốc gia “Đông Dương”. Được gặp lại nông dân nghèo Á châu để so sánh với nông dân nghèo ở lục địa đen. Một điều sâu đậm khác là nhìn thấy mình gần gũi hơn vì màu da của tôi giống màu da của họ. Tôi đã viếng thăm hầu hết các vùng trồng lúa của nước Lào, một đất nước có “full name” dài như sau: Sathalanalat Paxathipatai Paxaxon Lao.
Người Lào Ăn Xôi
Nét đặc thù của người Lào là ăn xôi nếp (glutinous rice). Khi có dịp thích hợp tôi đều đặt cùng câu hỏi vì sao lại thích ăn xôi. Câu trả lời đại để, ăn xôi lâu đói, xôi lâu thiu hơn cơm ngụi để cách đêm, mang ra đồng trong bao đan bằng lá gọn hơn, v.v... Đến một phố nhỏ hay vào thôn xã người Hạ Lào, bữa ăn được dọn trên sàn nhà, hay trên ghế thấp. Xôi làm chuẩn, ăn bốc với các món thịt gà hoặc vịt bằm nhỏ trộn chung gạo rang tán nhỏ và rau sống: món ăn này có tên gọi là "Laap". Món thứ hai, "Tam Mak", có thể gọi là món ăn chơi gồm đu đủ xanh xắt nhỏ trộn với tỏi ớt, đậu phọng rang, chanh, nước màu. Nem "som moo" làm bằng thịt heo (chắc chắn không bằng nem Ninh-Hòa) và nem nướng ăn chung với "Tam Mak” cũng mang hương vị thơm ngon của đặc sản Lào.
Dân Số
Dân số vào đầu năm 2005 ghi nhận 6.2 triệu người với 80 phần trăm sinh sống ở 11,512 ngôi làng, nói tiếng Lào, Pháp, Anh và 68 nhóm thổ ngữ. Ba nhóm dân chính gồm Lao Loum sống ở Hạ Lào (Lowland Lao) chiếm 68% dân số nói ngôn ngữ Lao Tai. Người Lao Theung (Midland Lao) chiếm 22% nói nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer. Người Lao Soung (Upland Lao) chiếm 9% nói theo nhóm tiếng Tibeto-Burman. Tuổi thọ trung bình đàn ông 53, đàn bà 57. Người Trung Lào theo văn hóa Mon-Khmer với các nhóm Katu, Alax có tục lệ cúng trâu, ngày lễ hội nhộn nhịp. Đàn bà Lawae trước đây có tục lệ xăm mặt. Ngày nay họ bỏ bớt đi.
Người Việt và Tàu chiếm khoảng 1% dân số nhưng đã ảnh hưởng sâu rộng vào hậu trường chính trị kinh tế của đất nước này. Tại VạnTượng, nhóm chuyên gia chúng tôi ở tại khách sạn Metropole, sau bữa cơm chiều, tôi đều ghé lại khách sạn “night club” gần đó do chị em nhạc sĩ Thành quản lý. Anh Thành trình diễn mỗi đêm vừa đàn vừa hát thỉnh thoảng được phụ họa bởi một nhóm vũ công nam nữ Lào. Anh hát nhạc Lào, Pháp, nhạc Mỹ, nhạc Việt lời Lào. Nhân một lúc cao hứng Anh bắt tôi hát một bài nhạc Việt lời Việt, tôi không biết thối thoát chạy trốn đi đâu, đành liều, ngồi vào chiếc Organ Casio, anh đệm Guitar, với giọng vịt cồ, tôi cống hiến đám khán thính giả hâm mộ anh bản tủ duy nhứt “Nắng Lên Xóm Nghèo". Họ rộng lượng cho tôi tràn pháo tay: kỷ niệm khó quên ở thủ đô Lào! Đi về các tỉnh miền Nam, có thể tìm được nhiều tiệm ăn của người Việt.
Lịch Sử
Tuy được Pháp trao trả độc lập từ tháng 7, 1949. đất nước Lào chìm đắm theo chiến tranh dai dẳng trong vùng, bị chèn ép giữa các thế lực lớn. Năm 1975, Pathet Lao khai tử sáu thế kỷ nền quân chủ để đứng trong quỹ đạo Việt Nam. Phe đối lập rời xứ từ năm 1975. Bắt đầu mở cửa kinh tế năm 1986, nhận vào ASEAN năm 1997. Nhưng sự phát triển kinh tế chưa có cơ hội cất cánh bay cao. Tài nguyên gồm có gỗ, thạch cao (gypsum), thiếc (tin), vàng, bảo thạch (gemstones), và thủy điện. Thống kê đưa ra ước lượng 60% dân theo đạo Phật, 1,5% theo Thiên chúa giáo. Hối xuất đổi tiền giữa tháng 4, 2005 được ghi nhận 1$US = 10,500 LAK (KIPS). Ngành ngoại thương với các nước chính như Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Đức, Singapore còn rất yếu kém.
Những Nơi Thăm Viếng
Lào không có đường xe lửa. Đường giao thông xấu vì chỉ có phân nửa đường được tráng nhựa. Vận chuyển bằng thuyền hay tuk tuk trên sông được xử dụng nhiều. Trên quãng sông đến Huay Xay, phần lớn hành khách trên thuyền là du khách ngoại quốc. Sông Cửu Long là mạch sống của người Lào cũng như con dân của các nước ở thượng nguồn và hạ nguồn.
Thủ đô Vạn Tượng còn giữ các kiến trúc của Pháp xen lẫn những chùa Phật giáo lớn như Haw Pha Kaew xây từ năm 1565, được Thái Tử Souvanna Phouma trùng tu năm 1930. Chùa không cho phép chụp hình, chỉ dành cho tín hữu thập phương. Chùa That Luang cũng được trùng tu. Du khách và Phật tử có thể đến Luang Prabang viếng chùa Wat Xieng Thong trên nhánh sông Nam Khan chảy vào sông Cửu Long do vua Setthathirat (1548-1571) xây từ năm 1560. Chùa này được hoàng gia làm nơi tấn phong các vì vua mới. Đầu thập niên 1960 chùa được trùng tu đẹp hơn. Còn nhiều ngàn ngôi chùa nhỏ với vô số tượng Phật, xây rải rác khắp nước, một số không được trùng tu bị bỏ hoang phế. Đặc biệt tại nhiều ngôi chùa ở Luang Prabang, các sư sãi và các chú tiểu từ các nơi thôn quê nghèo nàn về đây tụ tập. Chiếc áo chùa màu vàng tô điểm đường phố rất tôn nghiêm mỗi ngày đi khất thực.
Nếu không muốn đi “shopping” chợ buổi sáng, du khách hay những hội thảo viên của các hội nghị thư dãn (workshops, seminars) đến Lao Pako trên sông Nam Ngum cách Vạn Tượng 50 cây số. Tự lái xe hoặc đi ô-tô buýt từ Vạn Tượng đến làng Som Sa Mai, rồi lấy thuyền 25 phút bồng bềnh đến bờ Lao Pako gần với thiên nhiên quên hết mọi ưu phiền. Đến thành phố tĩnh mịch Luang Prabang mà không đi thuyền chừng một giờ đến thác Kuang Si là môt thiếu sót cho chuyến đi. Người Tây phương thích mua hàng tơ lụa Lào, không thích vàng 24 ca-rat vì màu có vẻ không sậm đối với họ khác với du khách Á châu.
Trong một dịp thăm viếng bảo tàng viện cung điện của nhà vua cuối cùng tại Vạn Tượng vào ngày cuối tuần, tôi có thể hình dung đời sống bình dị của họ, từ chiếc giường của nhà vua đến các phòng dành cho hoàng hậu và con kiến của họ. Có lẽ người dân chịu đựng quá lâu về cuộc sống thiếu thốn, họ chỉ mong chờ một nhiệm mầu nào đó để đưa đất nước họ khá hơn. Nông dân Lào không nói được tiếng Việt nhưng phần lớn các cấp lãnh đạo có theo học các lớp chính trị ở Hà Nội, họ nói tiếng Việt trong phạm vi hạn hẹp.
Người Thượng Lào Trồng Nhiều Cây Á Phiện
Người Thượng Lào trồng nhiều cây á phiện khoảng 23,200 mẫu (thống kê 2002), thống kê 2005 ước lượng chỉ còn phân nửa. Tuy vậy Lào vẫn còn xếp hạng 3 sau A-Phú Hãn và Miến Điện về sản xuất á-phiện, nước Colombia xếp vào hạng tư. Theo tài liệu của Văn phòng về ma túy và tội ác Liên Hiệp Quốc (Office on Drugs and Crime- United Nations), thu nhập trồng á phiện của người Thượng Lào (farm income, 2002) chỉ bằng 16% lợi nhuận của giới trung gian buôn lậu (income from trafficking).
Cây Á Phiện
Dư Âm của Chiến Tranh
Khi đến Sepon, lần dầu tiên tôi nghe một chuyên viên Lào nhắc nhở về hậu quả của thuốc khai quang và 1.1 triệu tấn chất nổ dọc theo đường biên giới Việt Lào. Các phe tham chiến chưa chính thức ngồi lại xem hậu quả của 4 năm (1965-1969) rải thuốc khai quang làm hại môi sinh ở vùng biên giới này. Vùng Phonsovan có hàng trăm hũ bằng đá lớn (plain of jars) trên 50 địa điểm khác nhau. Chưa có giải thích thỏa đáng về nguồn gốc của các hũ đá từ 3,000 năm nay. Người Hmong đã biến vùng này làm chiến địa ngay trên làng mạc của họ ở thập niên 1960, 1970. Di tích còn thấy vỏ bom đạn làm hàng rào hay trên nóc nhà.
Hiện tại, hơn 73% dân Lào có thu nhập mỗi ngày dưới 2 đô la.
Trở Lại Kabul
Ngày thứ sáu qua mau, tôi phải trở lại Kabul làm việc vào sáng thứ bảy. Chắc chắn chưa hướng dẫn các bạn thăm hết xứ Lào kỳ này. Xin hẹn các bạn một dịp khác. Cop chai lai lai.
Phạm Thanh Khâm
Viết tại Kabul chiều ngày thứ sáu 27/05/2005
|