Phần 4 ( tiếp )
Khu Cái Răng, phần lớn đã thành cư xá của nhân viên giảng huấn, khu vực Phòng thí nghiệm Bảo vệ mùa màng, Thổ nhưỡng, Di truyền, Chương trình Mekong, nay là một bộ phận của khoa ngoại ngữ. Các giảng đường, bây giờ đã trở thành các căn hộ của nhân viên trường. Nhìn chung cảnh quan khu 1 Cái Răng chẳng thay đổi nhiều sau bao năm biến động.
Chúng tôi đi sâu vào trong, nơi hơn 40 năm trước là khu vực chính thức của Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ, gồm giảng đường L, dãy văn phòng khoa, ban Ngư nghiệp, ban Công Thôn. Cái ao vuông phía trước ban Ngư nghiệp giờ đã lấp đầy, dù vậy mọi cựu sv K1 đều vẫn nhớ về một kỷ niệm …tức cười. Trong một đêm “hát hội trăng rằm” Võ quang Điện châm dầu đống lửa, bổng phựt cháy, Nguyễn thành Nghiệp cùng Điện nhảy xuống ao, nhờ vậy mới không bị hỏa thiêu! Nhưng cũng phỏng sương sương may nhờ mấy em lưu trú xá mang kem Thorakao qua thoa xức, báo hại Lê Thành Đương than thầm : lửa ơi sao hổng cháy luôn tao để tao được …hưởng phước này!
Còn nửa, sau khi Thầy Nguyễn Viết Trương nhậm chức, ngay phía trước ao, chỗ con đường nhỏ dẫn vào, phía sau cái cổng vào, trường cho đấp một mô đất hình tam giác, cạnh đáy cao hơn ở phía trong, còn mũi nhọn thì chuồi xuống hướng ra đường, trên trồng kiểng lá nhiều màu, sắp xếp hình logo của CĐNN, đại khái giống như cái mũi trước của xe “con bọ” Volkswagen trông rất “ư” là ấn tượng ! Lại còn có một cây gì khá lạ, có trái giống trái thù lù, bọng thang, nhưng rất bự, bự như…, Lê Thành Đương bèn viết 1 ê-ti-kết gắn vào : “Cây dái bọng (Testiculum sortilungtung spermaceae), báo hại mấy hôm sau cây bị nhổ bỏ, làm mất…giống luôn, thiệt là uổng!
Cái mô đất tam giác nằm chỗ hàng kiểng sau lưng Lê thành Đương.
Bây giở trở lại chốn cũ, trường xưa không còn nhưng cảnh cũ vẫn chẳng khác xa, ai nấy tranh nhau chụp ảnh để lưu lại dấu vết thân yêu một thời. Quả thật có lẽ đây là lần họp mặt thú vị và ý nghĩa nhất mà nhiều bạn cảm nhận được.
Lê Tấn Tồn: Chỗ cái ao sau lưng thằng Ân là nơi Thầy Bạch…thọ nạn !
Bây giờ xin nhắc lại một chút chuyện xưa. Tôi không nhớ chính xác năm nào, trong đợt nhận hàng viện trợ Nhật (hình như 1972), Thầy Bạch lái chiếc xe nâng để chuyển các kiện hàng vào Ban Công thôn, khi ngang qua đoạn đường nhỏ chỗ cổng trường, đất bị lún do xe và hàng quá nặng, lật xuống ao bên phải, một chân của Thầy Bạch bị mui xe ép chặt dưới sình.Ông Thầy lóp ngóp dưới ao, chỉ lú có cái đầu, hổng biêt chìm thêm không khi cái con xe Hyster có thể tiếp tục lún xuống. 2, 3 cái máy bơm chạy ào ào để tháo bớt nước trong khi chờ đợi xe cứu nạn tới, Ông Thầy Ohta thì chạy tới chạy lui ôm cái Nikon chộp lách cách! Nghĩ lại, lúc đó Thầy ngu đã đành, mà học trò cũng ngu tuốt luốt, sợ Ông Thầy chết chìm, cứ lo bơm nước, ống nhựa lớn, nhỏ nhóc ké trong phòng thí nghiệm ngư nghiệp, mà không ai biết cắt lấy một khúc, thảy xuống cho Thầy ngậm, lở có chìm luôn cũng không sao, he he, ngu thiệt ! (Chắc tại quýnh quá thành ra u tối cái đầu). May mà sau đó thì cứu Thầy kịp thời, tuy nhiên do cái chân bị ngâm lâu dưới sình nên bị nhiểm trùng, phải mổ lại vài lần mới ổn, tại bệnh viện quân đội Mỹ ở Trà Nóc.
Sau tai nạn đó, có lẽ thấy cái mô đất “tam giác” ám tài, sinh họa nên trường cho dẹp luôn, cái logo ấy cũng không còn.
2 “thằng” này đương cự cãi vụ gì đây? Sao giống hồi còn đi học thế?
Tôi lần bước vào bên trong để tìm lại cảm giác xưa, chụp vài tấm hình của ngôi trường cũ. Nhìn giảng đường L chợt nhớ tới chỗ dán thông báo, thời khóa biểu năm xưa…
…rồi nhớ tất niên đầu tiên của Khóa 1 được tổ chức nơi đây, Đỗ thoại Sơn và Hà Thế Tạo, là những tay đàn thứ thiệt. Thầy Trần Đăng Hồng lúc đó còn trẻ măng.
Thầy Hồng năm 1969, trẻ măng!
Tất niên 1969, chụp với Thầy Ngô Gia Định.
Tôi bước dần vô trong, tới dãy phòng của khoa, căn đầu tiên là Giám đốc, kế tiếp là ban Sinh nông, sau này là ban ngư nghiệp cũng là nơi làm việc của Giáo sư Kawamoto, có chị Trần thị Túy Hoa tốt nghiệp từ Sài gòn về…
Sau này khi chuyển thành nhà ở, gia đình Thầy Nguyễn Dương ở căn thứ 2, kế phòng Giám đốc. (Chắc là Thầy Dương cùng Cô nhận ra nhà cũ của mình?).
Thật là thiếu sót khi không nhắc tới dãy K, song song với giảng đường L, có một thời là Ban Sinh nông mà Thầy Võ Tòng Xuân là Head Dept., tôi còn nhớ một kỷ niệm tại đây, nó cũng gắn liền với cái sự “cực khổ giàng trời” của sv nông nghiệp. Năm 1973, trước ngày báo cáo luận trình tốt nghiệp của Khóa 2, thằng nào cũng thức “lòi con mắt” để hoàn chỉnh cuốn luận trình, lo nhờ mấy anh chị trên văn phòng(Anh Trí…) đánh máy, in roneo thử 1,2 cuốn,… Xong xuôi đem vô trình Thầy hướng dẫn duyệt, trước khi in chính thức. He he tui còn nhớ thằng “còng gió” Bùi Ngọc Phùng (tôi không nhớ có phải là Phùng không, nhưng chính xác là một “con còng gió”) mang quyển luận trình còn thơm mùi mực roneo vừa in xong hồi tối, vào cho thầy Xuân xem lại. Xem xong, Thầy phán một câu “em về sửa lại đoạn này…đoạn này…,” thì ba má ơi, thằng “còng gió” từ từ…xỉu xuống, may nhờ dầu gió của chị Út và sự giúp đở của mọi người, bạn ấy tỉnh lại, thật hú hồn!. Vụ này chắc Thầy Xuân và chị Út còn nhớ.
Khi trở ra chỗ đường gần sân bóng rổ, Hà Thế Tạo kề tai tôi hỏi nhỏ : “ê Minh đâu bạn chỉ cho tui cái hướng nhà cũ của tui coi…”, tôi nói từ sân bóng rổ bạn nhin về hướng mặt trời, nhà cũ của bạn chỉ cách khoảng hơn 100m. Nhân đó, tôi cũng xin nhắc thêm với các bạn, khu vực này còn phòng Bảo vệ mùa màng, Thổ nhưỡng, Phòng Di truyền và phòng SLTV.
Riêng phòng Sinh Lý Thực Vật, một thời là niềm tự hào của trường Cao Đẳng NN Cần thơ vì được trang bị những thiết bị tối tân nhất lúc bấy giờ, do Nhật viện trợ. Để tri ân vị Giáo sư Nhật bản, trưởng đoàn đến giúp giảng dạy và nghiên cứu tại trường, Thầy Ng.V.Trương đã cho đặt tên dãy này là Kawamoto hall. Phía trước sân có bải cỏ là nơi K1 thỉnh thoảng tổ chức họp mặt, xéo về hướng Đông là trạm quan trắc khí tượng và các giảng đường O, P, Q cùng với trại chăn nuôi và khu trồng lúa thí nghiệm, thử nghiệm nông cụ…nhà Hà Thế Tạo, Thầy Phan văn Chương và Phạm văn Kim đã từng ở đó.
Sau đây kính mời quý Thầy và các bạn tiếp tục theo chân tôi qua thăm lại một số nơi “ngày cũ”.
Họp mặt K1 vào năm 1973, tổ chức vào buổi chiều, tối lại tiếp tục chơi thêm tại sân cỏ phía trước phồng SLTV (Kawamoto hall)
Giảng đường P, Q và trạm quan trắc khí tượng, người đi trên đường là em út của Thầy VT Xuân, vợ anh Nguyễn Tri Khiêm đang dẫn con.
Hội chuyên viên và kỷ sư nông nghiệp thăm phòng thí nghiệm Thổ nhưỡng, 1973.
He he, tui không hiểu sao lại “lọt” “thằng” Lương phước Vĩnh (khóa 3) vô đây?
Lại là “hắn”, hi hi, Lương Phước Vĩnh, hãy lên tiếng xem nào!
Thầy Thiện, Thầy Xuân, Thầy Ohta Thầy Quyền.
Buổi báo cáo luận trình Khóa 3, tại Giảng đường nhỏ cạnh phòng Di truyền.
Và tiếp theo đây, xin mời quí Thầy và các bạn trở về với mảnh ruộng nhỏ cạnh khu chuồng trại để chứng kiến Thầy Nguyễn văn Ni, thử nghiệm máy cấy lúa, ảnh “độc” này chưa từng được công bố.
(Còn tiếp)
2013/8/7 Vo-Tong Xuan <xuan.vo@ttu.edu.vn>
Minh mến,
Người bị xỉu tại vp thầy Xuân không phải là Phùng. Thầy cũng quên tên bạn này, nhưng thầy biết là bạn ấy đã sang Úc. Sự kiện hôm ấy là cái phần TÀI LIỆU THAM KHẢO bạn ấy cho đánh máy dấu chấm, dấu phết vài nơi không đúng, họ tên tác giả cũng có chỗ sai, nên buộc phải đánh máy lại. Phải chi lúc đó có laptop thì làm gì có chuyện xỉu này
Xuân.
Kính thưa Thầy ,
Rất cảm ơn Thầy đã nhắc lại cho chính xác, nhất là "người đương thời" đã lên tiếng về một sự kiện "không thể chối cãi" được. Cũng xin cảm ơn bạn Đỗ văn Chuông đã sửa chửa giùm mấy chi tiết, sẳn đây cũng nhờ các bạn hoặc các Thầy góp ý cho những thông tin sai (do không nhớ rõ).
Kính chào Thầy và các bạn,
Mong Phước Minh.