19/01/2014
Nghe bác nông dân nói “Nhất nước, nhì nông, tam cần, tứ giống”. Thì mình liền nghĩ ngay câu đối: “Nhất áp, nhì đường, tam cô, tứ béo”, ý nghĩa ra sao, mời xem chi tiết sau đây…
I. NHẤT ÁP
Nhất áp là triệu chứng áp huyết cao, đứng hàng đầu tại Hoa Kỳ về chầu Trời so với tất cả bệnh, hiện có 7,5 triệu người bị bệnh này và 250.000 người bị biến chứng về với Ngọc Hoàng mỗi năm. Tai biến mạch máu não (stroke) với 600.000 làm 150.000 theo ông theo bà hằng năm. Cao áp huyết được xem là sát nhân thầm lặng. Thống kê của cơ quan y tế Hoa Kỳ, có trên 10 triệu người trong số 43 triệu người cao áp huyết mà không biết. Số người biết bị cao áp huyết thì có đến 16% không chịu dùng thuốc. Ngay cả những người uống thuốc thì có đến hơn 50% áp huyết vẫn cao không hạ xuống ở mức tốt cho cơ thể. Hai con số đo áp huyết: systolic pressure đo lường sức ép trên mạch máu khi van tim đóng lại, và diastolic pressure đo lường sức ép trên mạch máu khi van tim mở rộng ra. Từ 18 tuổi trở lên: (systolic/diastolic: 120mmHg/80mmHg) là ở trạng thái bình thường, tốt. Khi trên 140/90 là áp huyết cao, chia ra 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 = 140-159 (systolic) và 90-99 (diastolic)
Giai đoạn 2 = 160-169 (systolic) và 100-109 (diastolic)
Giai đoạn 3 = > 180 (systolic) và > 110 (diastolic)
Triệu chứng bệnh cao áp huyết
Bệnh thường không có triệu chứng nào cả cho nên không hề hay biết ở khi mới phát khởi, bác sĩ khám phá ra bệnh nhân hơi cao áp huyết khi khám tổng quát hàng năm, vì thế được mệnh danh là sát nhân thầm lặng. Có vài người than phiền nhức đầu, hơi mệt, choáng váng mặt mày, tim đập mạnh nhưng chưa quả quyết là do áp huyết cao gây ra. Nếu áp huyết đột ngột lên trên 180/110 thì may ra mới có những triệu chứng như hoa mắt, nôn mửa, nhức đầu dữ dội.
Về lâu về dài nếu không chữa trị đúng mức sẽ gây ra nhiều biến chứng:
- Bệnh sơ cứng động mạnh gây đau tim (heart attack)
- Tai biến mạch máu não (Stroke)
- Nhồi máu cơ tim (Congestive Heart Failure)
- Suy thận cần chăm sóc lọc hoặc thay thận (Kidney Failure)
- Hư mắt (Retinopathy)
II. NHÌ ĐƯỜNG
Là bệnh tiểu đường thường ở những người cao niên, vì tầm quan trọng của bệnh, nên cần tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị.
Thế nào là bệnh tiểu đường ?
Ðây là một tình trạng đường gia tăng trong máu bởi vì cơ thể không điều hành mức đường ở nồng độ lý tưởng. Chúng ta phải hiểu “đường” là (glucose) đơn chất, một trong 3 thành phần hữu cơ của cơ thể, hai chất kia là chất đạm (protein) và mỡ (lipid). Ở Mỹ, bệnh tiểu đường chiếm độ 5% dân số, vào khoảng 16 triệu người mắc bệnh, gồm 8 triệu đàn ông và 7 triệu đàn bà, và độ 100.000 thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Mỗi năm độ 650.000 trường hợp mới chẩn đoán và hơn 170.000 long thể rời cõi thế, phần lớn do biến chứng. Thông thường khi biết là mình bị bệnh tiểu đường do kết quả khi khám bệnh định kỳ thì vẫn là phương cách tốt nhất cho việc trị liệu, hơn là đến lúc bệnh tiểu đường được chẩn đoán sau khi đã có biến chứng như nhiễm trùng lâu lành, đau thận, tê chân...
Tại sao có bệnh tiểu đường?
Bệnh này liên quan đến chất INSULIN trong cơ thể. Ðây là một kích thích tố được phân tiết ra từ tụy tạng pancreas hay còn được gọi là lá mía (đừng lẫn lộn với lá lách spleen là một cơ quan của hệ bạch huyết). Tụy tạng là một cơ quan nằm kề phía sau bao tử. Tụy tạng vừa là tuyến ngoại tiết tiết ra điều tố vào ruột non để tiêu hoá chất mỡ, vừa là tuyến nội tiết tiết ra chất INSULIN đưa vào máu. INSULIN có nhiệm vụ chính trong viễc vận chuyển đường vào từng tế bào nhưng không có vai trò trong sự biến dưỡng của đường. Vì lý do nào đó, INSULIN không được sản xuất hoặc sản xuất không đủ, hoặc dù có được sản xuất ra INSULIN nhưng bị cơ bị cản trở (resistant) không dùng được, vì chất đường sẽ không vào đến tận tế bào được và ứ đọng trong máu và thoát ra ngoài theo nước tiểu để sinh bệnh tiểu đường. Khi nào độ đường cao trong máu trên 180mg/dl thì đường mới xuất hiện ở nước tiểu, cho nên nhiều khi có bệnh tiểu đường mà vẫn chưa có đường trong nước tiểu.
Có mấy loại bệnh tiểu đường?
Một cách tổng quát, bệnh tiểu đường được chia làm hai loại chính: bệnh tiểu đường loại 1 (do INSULIN không được sản xuất được), và bệnh tiểu đường loại 2 (do INSULIN có được sản xuất nhưng thiếu hay trong cơ thể có sự cản trở đường vận chuyển của INSULIN). Loại 1 hay xảy ra ở tuổi trẻ nhiều hơn, bắt đầu từ năm mười tuổi trở lên (chiếm khoảng 10%). Loại 2 thường xảy ra ở lờn tuổi, thường trên 50 tuổi (chiếm 90%). Xét về di truyền thì bệnh tiểu đường có thể di truyền từ trong gia đình, nhưng diễn tiến của phương cách di truyền như thế nào chưa được xác định rõ ràng. Phần lớn bệnh tiểu đường di truyền là loại 2.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh tiểu đường?
Sự chẩn đoán bệnh tiểu đường dựa vào việc thử máu và thử nước tiểu. Thông thường bệnh tiểu đường không có triệu chứng trong khoảng thời gian tiên khởi rất lâu. Bệnh nhân tiểu đường hay khát nước nên uống nước nhiều lần, thường hay đi tiểu và ăn nhiều mà không lên cân. Bình thường mức đường trong máu khoảng từ 60-110 mg/dl là bình thường, khi mức đường trong máu lên trên 126 mg/dl được xem là có sự hiện diện mầm móng của bệnh tiểu đường trong cơ thể.
Tại sao bệnh tiểu đường nguy hiểm?
Bệnh tiểu đường đưa đến nhiều biến chứng rất phức tạp và nguy hiểm thật khó chữa. Biến chứng cấp tính khi mức độ đường huyết quá cao trên 400-500mg/dl hay trên 1000mg/dl, có thể làm bệnh nhân hôn mê và suy hô hấp do cơ thể bị khô nước do tiểu quá nhiều, do nhiễm độc chất acetone và làm máu bị acid hoá. Phần lớn các trường hợp này xảy ra vì bệnh nhân lơ là trong vấn đề trị bệnh không dùng thuốc đúng liều, kèm thêm sự nhiễm trùng.
Những trường hợp biến chứng kinh niên trong bệnh tiểu đường thì rất nhiều và trầm trọng. Những biến chứng có thể là: mờ mắt vì động mạch máu vùng thần kinh mắt phình ra gây mất cảm nhận của thần kinh cảm giác đưa đến mù lòa. Biến chứng thận có thể đưa đến suy thận nên bệnh nhần cần lọc thận. Biến chứng thần kinh ngoại biên làm tê bàn chân, mất cảm giác và nhiều khi nhiễm trùng trầm trọng, nhiễm trùng vốn cũng là một biến chứng quan trọng của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân hay bị nhiễm trùng và lâu lành do sức đề kháng bị suy giảm. Phối hợp với hai biến chứng trên, biến chứng bệnh mạch máu làm nghẽn tắc mạch máu ngoại biên ở chân rất dễ đưa đến chân tay bị hoại tử phải cắt bỏ bàn chân. Những biến chứng khác như bất lực, bệnh trầm cảm, lở loét ở chân... Nói chung biến chứng kinh niên của bệnh tiểu đường rất trầm trọng, và một khi đã xảy ra những biến chứng này cứ từ từ tiến tới không ngăn cản được. Cho nên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, người bệnh phải luôn luôn cố gắng giữ mức đường trong máu bình thường càng lâu càng tốt bằng cách dùng thuốc đầy đủ và theo sự hướng dẫn tường tận của bác sĩ, kỹ lưỡng trong mọi sinh hoạt hàng ngày, ăn uống cẩn thận, và vận động thể dục thể thao. Ðể kiểm soát biến chứng của bệnh tiểu đường, nên có một chương trình khám định kỳ theo đúng hẹn với bác sĩ.
III. TAM CÔ
Không phải là tam cô nương, mà là nồng độ của chất cholesterol trong máu, cholesterol thuộc về dạng chất béo rất cần thiết cho cơ thể, trong máu lúc nào cũng có mỡ, kiểu nói “máu nhiễm mỡ là hoàn toàn sai”. Khi nồng độ mỡ trong máu (plasma) gia tăng quá cao, nó sẽ bám dầy bên trong vách mạch máu sẽ làm nghẽn mạch máu nhất là động mạch vành (của trái tim coronary arteries). Cholesterol được biến hóa từ mỡ, cũng được chế tạo ra từ gan (liver) khi cơ thể cần. Cholesterol dự phần vào việc kiến tạo cho vỏ của tế bào (cells walls), kích thích tố (hormones), vitamin D, mật (bile acids)… Khi cholesterol trong máu quá cao là nguyên nhân làm nghẽn mạch máu. Thịt của động vật dồi dào cholesterol, ăn nhiều thịt sẽ bị cholesterol cao hơn thức ăn thực vật. Song, mỡ từ thực vật vào cơ thể cũng tạo nên cholesterol, vì thế ăn nhiều dầu cũng sẽ bị cao cholesterol.
Mỡ trong máu
Thử máu sẽ đo lượng: 1-Cholesterol tổng quát, 2-Cholesterol HDL (mỡ tốt), 3-Cholesterol LDL (mỡ xấu), 4-Glyceride và 5-Lipoprotein. Cholesterol LDL là “xấu” vì nó làm nghẽn mạch máu nhất là nghẽn mạch máu não... Cholesterol HDL giúp loại cholesterol LDL ra khỏi mạch máu hầu tránh bớt tình trạng mạch máu bị nghẽn nên Cholesterol được gọi là “tốt”.
Sơ lược lịch sử của bệnh cholesterol
Vào đầu thế kỷ 20, khoa học gia khám phá được chất Nicotinic acid (Niacin) và Nicotinamide (vitamin B3) là một loại Vitamins B cần thiết trong đồ ăn. Vào năm 1955, nhà khoa học Altschul khám phá Niacin có khả năng làm giảm Cholesterol. Năm 1961, bác sĩ Parsons dùng Niacin trị cho 50 bệnh nhân bị bệnh cao Cholesterol (Cholesterol LDL và Triglyceride giảm 23-29%, và làm cho Cholesterol HDL gia tăng rất tốt cho cơ thể). Vào thập niên 1960, cơ quan Y Tế Thế Giới (World Health Organization = WHO) khuyên nên dùng thuốc Clofibrate để trị bệnh cao Cholesterol. Ðến bây giờ, cuộc nghiên cứu này vẫn là cuộc nghiên cứu lớn nhất. Hơn 10 ngàn người đã tham dự chương trình thử nghiệm này. Kết quả vào năm 1978 cho thấy thuốc Clofibrate làm giảm Cholesterol 8%. Vào năm 1984, kết quả của cuộc nghiên cứu từ Trung Tâm Khảo Cứu Mỡ (Lipid Research Clinics) được phổ biến. Hơn 3,8 ngàn người bệnh cao Cholesterol được trị bệnh bằng thuốc Cholestyramine (Questran). Kết quả cho thấy thuốc Cholestyramine làm giảm lượng cholesterol LDL và tăng Cholesterol HDL, đồng thời tỉ lệ bệnh tim mạch cũng giảm. Năm 1987, kết quả của cuộc nghiên cứu thuốc Gemfibrozil (Lopid) từ nhiều trung tâm thuộc Helsinki Study được khuyên nên dùng. Hơn 4 ngàn bệnh nhân bị cao Cholesterol được uống thuốc Gemfibrozil. Thuốc này làm giảm Cholesterol LDL (11%), giảm Triglyceride (35%), và làm tăng lượng Cholesterol HDL được 11%. Tỉ lệ chết vì bệnh tim mạch cũng được giảm xuống.
Vào năm 1987, cơ quan Food and Drug Administration (FDA) chấp thuận cho thuốc Lovastatin (Mevacor) được bán ra ở Hoa Kỳ. Thuốc này được bào chế ra từ một loại thuốc tương tự là Mevastatin (xuất phát ra từ nấm Penicillium citrinum). Lovastatin là một khám phá lớn trong lịch sử thuốc trị bệnh cao Cholesterol, vì đây là thuốc đầu tiên của nhóm thuốc Statins mà hiện nay đang được thông dụng vì có rất ít ảnh hưởng phụ xấu mà lại có nhiều hiệu quả. Từ lúc có Lovastatin, những thuốc Statins tương tự Pravastatin, Simvastatin, Fluvastatin, Atorvastatin, Cerivastatin đã được cơ quan FDA chấp thuận được tung ra thị trường. Những cuộc nghiên cứu lớn gần đây như WOSCOPS (Pravastatin), AFCAPS/TexCAPS (Lovastatin), 4S Study (Simvastatin), CARE (Pravastatin), LIPID (Pravastatin) chứng minh chắc chắn rằng dùng thuốc Statins để trị bệnh cao Cholesterol sẽ giúp cho bệnh nhân ít bệnh tim mạch, ngăn chận được tai biến mạch máu não, và sống khỏe, sống lâu hơn.
Cao lượng cholesterol sẽ dẫn đến triệu chứng gì?
Lượng Cholesterol cao sẽ đưa đến những triệu chứng bệnh. Nếu nghĩ rằng cao lượng Cholesterol sẽ gây nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu… điều này không đúng. Nếu chúng ta bị cao lượng Cholesterol nhưng chưa bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch... thì sẽ không sao cả. Nhưng khi bị rồi thì quá trễ. Có những trường hợp ngoại lệ, những bệnh nhân có Triglyceride trên 1.000 thì dễ bị sưng tụy tạng.
Tại sao ta phải trị bệnh cao cholesterol?
Như đã đề cập ở trên, lượng Cholesterol cao trong máu sẽ dễ dẫn đến những bệnh tim mạch như nghẽn động mạch vành của tim gây nhồi máu cơ tim (Coronary Heart Disease), tai biến mạch máu não, nghẽn mạch chân. Nên giảm lượng Cholesterol trong máu sẽ giúp bệnh nhân tránh được bệnh, không nên để “nước tới chân mới nhảy”.
Làm thế nào để tránh bị cao cholesterol?
Vì cholesterol từ chất béo, chất béo có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Nếu ăn nhiều mỡ, thịt, dầu (dầu của thực vật tương đương với mỡ của động vật) làm cho cơ thể tạo nên nhiều cholesterol. Nên chúng ta cần kỹ lưỡng ăn ít lại và tránh lên cân, nên làm cho giảm cân thì nồng độ cholesterol trong máu giảm ngay.
Có khám phá mới gì trong vấn đề trị bệnh Cholesterol gần đây hay không?
Gần đây với những nghiên cứu y học khuyên rằng những người đã có bệnh nghẽn động mạch vành tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường thì nên giữ mức Cholesterol với mức độ an toàn. Nhằm bảo vệ sức khỏe nên giữ cho thân hình cân đối, ăn uống kỹ lưỡng, vận động cơ thể.
IV. TỨ BÉO
Là mập mạp gọi nôm na là phì lũ, người quá mập được xem là bệnh liên hệ đến áp huyết cao, tiểu đường và mỡ trong máu cao cần chữa trị ngay cho thon thả thì tốt cho sức khỏe.
Bệnh mập phì tai hại như thế nào?
Bệnh mập là đầu dây mối nhợ đưa đến các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Mập làm tăng tỷ lệ ung thư ruột và bệnh sạn mật, ợ chua lở thực quản, sưng gan. Hãy tưởng tượng cơ thể phải vác 10-20 kg thịt mỡ dư thừa mỗi giây phút ngày này qua tháng nọ thì cơ thể sẽ mệt mỏi như thế nào. Khối thịt mỡ đè nặng lên các khớp xương lớn như xương sống lưng, xương chân, và xương chậu làm cho các khớp xương lớn bị đè nén giống như ống nhún xe nếu chở đồ nặng và lâu ngày thì dễ bị hư và bị gãy. Cho nên người mập dễ bị đau phong thấp nhất là đau lưng, đầu gối và xương chậu.
Tại sao bị mập?
Mập là một bệnh tạo ra do sự thiếu quân bình giữa dinh dưỡng và tiêu thụ năng lượng của cơ thể. Một cách giản dị mập là do mình ăn quá nhiều đồ bổ dưỡng năng lượng nhiều hơn là cơ thể cần dùng nên các chất bổ dưỡng đường và đạm biến thành dạng mỡ tích trữ trong người. Hai yếu tố chính tạo ra bệnh mập là di truyền và hoàn cảnh sinh sống. Bệnh mập phì ít xảy ra ở những nước nghèo kém. Một người có di truyền mập sẽ bị mập nếu ăn uống đầy đủ và ít vận động. Ngược lại, một người có di truyền bệnh mập nhưng ăn uống chừng mực, hoạt động hàng ngày và thể thao đều đặn thì không bị mập vì năng lượng tiêu thụ mất đi của cơ thể quân bằng với năng lượng cung cấp. Ngược lại, người không mang di thể mập, nhưng ăn uống quá nhiều số năng lượng cần thiết thì cũng có thể bị mập, ngày ăn ba bữa chưa kể ăn lặt vặt giữa các bữa; sáng phở điểm tâm, trưa cơm chiên, bánh xèo, tối ăn cơm với thịt bò bít tết. Chính vì ăn nhiều làm cho mình mập phì. Khi lớn tuổi cơ thể tiêu pha năng lượng chậm lại, nên năng lượng cần thiết mỗi ngày cho cơ thể cần phải giảm. Người cao niên thường ít hoạt động hơn trẻ thanh thiếu niên cho nên những người lớn tuổi thường dễ bị mập.
Thế nào là mập (overweight) hay phì lũ (obesity)
Bác sĩ dùng đơn vị gọi là Body Mass Index (BMI) để định cho chính xác và khoa học thế nào là vừa cơ thể và sao là mập béo. Y Khoa định bệnh mập và phì theo thể trọng và chiều cao của cơ thể BMI. Tỷ lệ dựa theo tỷ lệ của trọng lượng cơ thể so với chiều cao, cao 1,60m sức nặng lý tưởng là 54kg. Một người cao 1,69m, nặng 63,6kg, ính theo BMI là: 63,6/(1,69x2)=18,82. Dựa theo bảng BMI mà bác sĩ cho biết cơ thể chúng ta thuộc vào hạng “ốm”.
Ðo vòng eo
Vòng eo là một phương cách thông thường đo mỡ bụng. Nghiên cứu cho thấy người có bụng bự tức nhiều mỡ bụng có nguy cơ cho các bệnh tim, mạch máu và bệnh tiểu đường. Thế nhân có thói quen khen người có bụng bự kiểu ông địa là phúc hậu. Tuy nhiên, về phương diện y khoa thì bụng bự cho là “yểu tướng” vì dễ mắc bệnh trầm kha bất trị. Vòng eo đàn ông trên 102cm, vòng eo đàn bà trên 88cm thì có nguy cơ dễ bị bệnh.
Tỷ lệ vòng eo trên vòng mông (waist to hip ratio)
Tỷ lệ vòng eo chia cho vòng mông cũng là phương pháp đơn giản để đo bệnh mập. Mỡ tập trung ở vòng bụng tăng tỷ lệ nguy cơ bị bệnh hơn là mỡ tập trung ở mông hay đùi. Nếu người có tỷ lệ của vòng bụng so với vòng mông lớn hơn một thì dễ bị bệnh tim và các bệnh liên quan do bệnh béo. Phái nam tỷ lệ dưới 0,9 và cho phái nữ dưới 0,8 là tốt. Cho nên “bụng eo đít to” như mấy cô kiểu mẫu không những đẹp người mà còn tốt tướng nữa.
Làm sao để tránh bị mập?
Căn bản rất đơn giản tránh bị mập là giữ cân bằng năng lượng hấp thụ vào trong cơ thể và tiêu hao năng lượng. Với một người cao 1,5 mét, nặng 50 kg và làm công việc nhẹ ngồi bàn 8 tiếng mỗi ngày thì cơ thể cần 1500 calories mỗi ngày.
a- Thức ăn
Nên dùng nhiều rau, trái cây, cá, thịt nạc, ít thịt ba rọi, ít mỡ; tránh ăn nhiều đồ ngọt như bánh kem. Tránh ăn nhiều chè nhất là chè với nhiều nước cốt dừa có nhiều cholesterol và cao năng lượng, uống ít nước ngọt, ít nước trái cây; nên uống nhiều nước lã mỗi ngày.
b- Cách nấu ăn
Hấp, nướng hay luộc tốt hơn là chiên xào. Ăn cá hấp hay cá nướng cuốn bánh tráng tốt hơn là cá tẩm bột chiên, chả giò hay tôm chiên.
c- Nghệ thuật ăn
Có câu “Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”, ăn càng nhiều thì năng lượng hấp thụ càng cao thì càng phì lũ, đừng ăn vặt, đi ra một viên kẹo, đi vô một miếng bánh, hay ăn làm tăng trọng lượng. Nên ăn ba bữa đều đặn mỗi ngày ăn vừa đủ no. Tránh đừng để “cái miệng hại cái thân”.
d- Hoạt động mỗi ngày
Hoạt động thể thao ít nhất 3 tới 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần khoảng 30-50 phút, như đi bộ lẹ, chạy bộ, nhảy dây, xe đạp, bơi lội, đi bộ mỗi ngày, ra đồng nhổ cỏ lúa…
e- Phương cách chữa bệnh mập phì
Nếu đã bị mập rồi thì ráng giữ đừng để lên cân nữa. Nên tập thể thao đều đặn và ăn uống kỹ lưỡng theo công thức giúp cho cơ thể xuống cân giữ cho trọng lượng cơ thể lý tưởng.
g- Dinh dưỡng và hoạt động
Ðiều căn bản để làm xuống cân là bớt ăn lại và làm tiêu hao năng lượng cơ thể. Rất khó mà xuống cân nếu không hoạt động thể lực như chơi thể thao thể dục.
Bác sĩ Trần Văn Diên ngày 18/01/2014