.
  31 ngày P 98 - 99
 
9/10/2014



Phần 98-99

 
Từ cửa Nam chùa Shwedagon, theo con đường cùng tên ngay phía trước, chúng tôi được đưa thẳng đến chợ Bogyoke Aung San, mà tên cũ là chợ Scott, cách đó khoảng 2,5km. Nằm trên đường Bogyoke Rd, chợ này là 1 trong rất nhiều công trình kiến trúc thời thuộc địa còn sót lại với tuổi đời gần 100 năm, nhưng đó không phải điều làm cho chợ nổi tiếng, mà vì bởi đây là nơi tập trung mua bán đá quí hàng đầu của Myanmar.
Cẩm thạch(jade) là 1 loại đa khoáng, gồm có 2 loại jadeite và nepherite, tùy thuộc hàm lượng của chúng có trong đá, cao hay thấp. Cẩm thạch jedeite được ưa chuộng nhờ độ trong cao, độ cứng và màu sắc đẹp hơn.
Nepherite có nhiều ở Trung quốc, Nga, Canada, New Zealand. 
Jadeite có nhiều ở Nga, Mỹ, Guatemala và nhất là Myanmar.
Từ thế kỷ thứ 16, cẩm thạch jadeite Miến Điện đã được xuất sang Trung Quốc, nơi từng nổi tiếng có nhiều cẩm thạch đẹp, nhưng ít người biết rằng nguồn gốc xuất phát lại là Myanmar.
Cẩm thạch Miến Điện, từ lâu được xem là tốt nhất thế giới, cho nên nếu có dịp đến xứ này, nhiều người thích tìm tới chợ Bogyoke Aung San, để biết thực hư, vì đây là nơi tập trung buôn bán lẻ các loại đá quí. Nhiều người khi vừa đặt chân tới đã bị cuốn hút nên… rờ lại túi tiền để liệu tính mà bảo toàn lộ phí trở về. Và sự thật chẳng ngoa, cả một chợ rộng lớn được dành phần nhiều cho mặt hàng đá quí, sắc màu lấp lánh, khiến mấy chị… ngẫn ngơ. Có những cửa hàng rộng mấy chục m2, nhưng cũng rất nhiều nơi chỉ vài m2 khiêm tốn! Nhưng giá cả thì chẳng chênh lệch nhau, nếu biết …mặt dày trả giá! Có điều đá quí ở đây …chẳng quí chút nào! Và bạn cũng không cần phải đắn đo nhìn lại túi tiền, vì nếu muốn có 1 ít ngọc để về khoe với người thân hay làm quà cho bè bạn, thì chỉ cần 50$ US thôi, cũng đủ. Tôi nói ngọc, có nghĩa đó là ngọc, không phải là đá, nhưng vì rẻ quá nên ai cũng nghi ngờ…để rồi mang bệnh tức khi trở về nhìn thấy đá…Non Nước!
Bây giờ, mời các bạn hãy theo tôi vào chợ. 
Chợ Bogyoke Aung San với lối đi xưa cũ gần trăm năm.
 
 


Đã hơn 10 năm tu học và qua lại Myanmar rất nhiều lần hàng năm, có kiến thức về đá quí, từng mua về làm quà cho người thân ở Việt Nam và Mỹ( năm 2007 Sư có mang về cho bà xã tôi 1 chiếc cẩm thạch đen rất hiếm gặp), nên Sư H. quen với cửa hàng số 108, Heyday, chủ nhân là 1 người gốc Hoa, biết chút ít tiếng Việt. Hôm nay, nhờ Sư, mọi người hoàn toàn yên tâm mua đá quí, chẳng sợ nhầm, nhầm hàng và nhầm giá. Ông chủ cửa hàng người Hoa thật vui vẻ, dễ thương.
Đá đẹp… và cô gái Miến bán hàng cũng đẹp!

Biết Sư H. khá rành về mặt hàng này, nên bà xã đã nhờ Sư lựa cho một số. Sư còn bày cái này cho cháu nội, cái này cho con dâu, còn cái này cho con gái cưng nè. Ông M. thì cho mấy cục sỏi ở …ngoài đường, như vậy ai cũng có cả. Hi hi, dù bây giờ là đệ tử của Đức Di Đà, Sư H. vẫn hồn nhiên đùa giỡn như hồi còn đi học, không hổ danh đứng thứ 3 sau ma và quỉ!
Sư xem giùm chiếc vòng tay này…
 
 
Sắc màu sặc sở, bóng lộn, tôi mù tịt về đá quí nên chỉ đứng nhìn.
 
 
Chọn được bi nhiêu nè, cái này chỉ mới là quà thôi…còn lựa tiếp nữa…
 
Sư Th. cũng có nhiều cháu lắm ở Sóc Trăng, đi Miến Điện về mà không có quà thì các cháu…buồn lắm!

Tôi là kẻ “ngoại đạo” chỉ biết nhìn và thấy …sao giống đá Ngũ Hành quá! Nhưng khi lại gần xem kỹ thì đúng là…đẹp thiệt. Tại cửa hàng bên cạnh, chỉ chuyên doanh các loại đá quí không phải là cẩm thạch, tôi mê mẩn trước 1 viên rubi đỏ cực đẹp, bằng ngón tay cái, nhưng tiếc rằng nó có 1 vết nứt nhỏ ở phía đáy, người ta nói đá như thế sẽ mang lại điều xui! Tôi trả lại, chẳng ai phiền trách gì!
Sư Th. cũng hào hứng chọn lựa, hình như đã được 1 bọc nhỏ làm quà. Có điều, tất cả mọi trao đổi tiền bạc, các Sư đều nhờ sự giúp đở trung gian của những thành viên đi cùng, dĩ nhiên tiền là của các Sư, đã đưa trước cho họ giữ.






Anh A. đang kiểm tra bọc quà:… “nhiêu đây thi lam sao đu cho hơn …20 con, chau? Con tui cho tui tơi 2.000 đô lân, mơi mua co 100!” Anh thiệt tình bộc bạch bằng tiếng Việt không dấu với cái giọng Khmer, thật tức cười. 




Cuối cùng mọi giao dịch mua bán hoàn tất, ông chủ còn biếu thêm cho khách hàng nhiều món nửa, theo yêu cầu tùy thích và dĩ nhiên cũng tùy giá trị của hàng tặng. Chúng tôi chào từ giã và mong…sẽ sang mua nữa.
Sau này, khi về nước kiểm lại, tất cả đều là loại tốt, dù là hàng …dạt.











10h50’, ra khỏi chợ, trên đường Bogyoke, thấy có một số Sư trẻ, tôi chụp vội tấm hình làm tư liệu, chắc các Sư này đang trong thời gian xuất gia báo hiếu, một sinh hoạt truyền thống của thanh niên những dân tộc theo Phật giáo Theravada.





Thời may tôi thấy Sư Th. và Sư Hoa đang trò chuyện bên hè phố, phía sau khu vườn cây xanh lá, một tháp giáo đường sừng sửng vượt trời cao, nên vội vàng bấm máy. Thật là một hình ảnh ấn tượng, với tôi, không biết mình có sai chăng, khi luôn nghĩ rằng Phật và Chúa cũng chỉ là một, là bậc đại hiền, đại giác, chỉ là khác nhau ở cái “danh”, mà danh thì là…không thật! Ô hô, tôi đang rất muốn đặt tên cho bức ảnh là : “Áo nâu dưới tháp giáo đường”, với tâm trạng đang thật sự thú vị!





10 phút sau, chúng tôi tới khu vực các con đường Bahan1, 2, 3, chỗ cửa hàng Zawtika, chuyên kinh doanh y phục và vật dụng Phật giáo, nơi Sư H. đặt may y để chuẩn bị cho lễ “Dâng Y” sẽ được tổ chức vào ngày 03-11-2013, tại thiền viện ở Kalaw.

Các Sư vào đây để nhận hàng. 


Các vị che dù nâu, áo choàng hường là các ni cô Theravada Miến Điện.

Trong khi chờ đợi, tôi lãng vảng quanh khu vực đó, để nhìn tiếp đời thường tại 1 góc khác của Yangon. Dường như đây là con đường chạy sát với chùa Shwedagon. Vì tôi thấy những hoa văn viền mái của 1 công trình phụ có mô típ giống với cửa ra vào chùa Shwedagon.


 
 
rước khi tiếp tục, tôi lại xin phép có mấy lời cùng quí độc giã và Sư H. Hồi đầu topic, tôi đã có phần nhỏ giới thiệu về bạn tôi, Sư H., người đã tạo cái duyên cho chúng tôi có chuyến đi thú vị này. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, lại viết về một hành trình trên đất Phật, nên tôi thầm nhủ phải viết cho trung thực, để tránh vướng tội “vọng ngôn”, vì vậy có nhiều chi tiết riêng tư thú vị của Sư vốn lâu nay ít người biết đến, nhưng lại liên quan tới bài viết, nên tôi “mạo muội” xin phép tỏ bày, mong rằng đó là chuyện nhỏ(vì nhỏ nên Sư …im re, trừ vài người thân thiết), xin Sư hỉ xả …coi như không. Từ hôm nay, cho đến ngày rời khỏi đất Myanmar, chúng tôi luôn “sát cánh” cùng thổ địa “Sãi già” (Sư thường tự xưng với tôi như thế), cho nên bài viết có liên quan đến Sư là điều không tránh khỏi. Kính mong Sư hỉ xả.
 

 
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630231 visitors (2116232 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free