20/9/2013
KỸ THUẬT CHĂN NUÔI BÒ CÁI GIỐNG
I. Phát hiện động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp
1. Các phương pháp phát hiện động dục
- Quan sát trực tiếp
Thả đàn bò ra bãi chăn hoặc một khoảng trống để quan sát các dấu hiệu động dục. Thời gian quan sát: tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Mỗi lần quan sát từ 15-30 phút tùy thuộc số lượng đàn gia súc. Các dấu hiệu động dục có thể quan sát được :
+ Âm hộ sưng và ẩm ước, niêm mạc đường sinh dục sung huyết và không dính.
+ Dịch trong suốt, hoặc hơi đục chảy ra từ âm hộ. Có thể thấy dịch 1-2 ngày trước khi động dục thực sự.
+ Lông ở phần mông xù lên do nhiều bò khác liếm và nhảy lên lưng.
Bò cái có các biến đổi về hành vi:
+ Bồn chồn ,mẫn cảm hay chú ý đến sự xuất hiện của người hay của gia súc khác.
+ Kêu rống đặc biệt vào ban đêm.
+ Nếu quan sát thấy vào ban đêm gia súc đứng ở tư thế đứng trong khi những con khác nằm.
+ Nhảy lên lưng con khác nhưng chưa chịu đực.
+ Đứng yên khi có con khác nhảy lên lưng( chịu đực).
+ Liếm và húc đầu lên những con khác.
+ Hít và ngửi cơ quan sinh dục (hành vi đặc trưng như con đực).
+ Ăn kém ngon miệng.
Dấu hiệu để khẳng định chắc chắn bò đã động đục là phản xạ đứng yên của gia súc động dục khi bị gia súc khác nhảy lên. Một con bò cái nhảy lên một con bò khác thường là dấu hiệu bò sắp động dục hoặc động dục đã trôi qua một vài ngày.
Lưu ý: Có thể có trường hợp những gia súc đang chửa cũng có thể có dấu hiệu động dục, tuy nhiên khi bị những con khác nhảy lên thì chúng không có phản xạ đứng yên.
- Dùng đực thí tình
Dùng một bò đực đã được thắt ống dẫn tinh hoặc mổ bắt chéo dương vật sang bên để phát hiện con cái động đục. Phương pháp này tốt, tin cậy và hiệu quả cao. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng trong chăn nuôi trang trại vì chi phí tốn kém do phải nuôi bò đực thí tình.
Có thể dùng bò đực thí tình với hộp sơn đánh dấu. Bò đực thí tình được buộc vào cổ một hộp thủng đáy đựng chất màu và sẽ bôi màu lên mông những bò cái động dục mà nó đã nhảy. Tỷ lệ bò đực thí tình dùng trong đàn bò cái cũng bằng với bò đực được sử dụng (4%).
- Dùng các dụng cụ hỗ trợ phát hiện động dục
+ Chỉ thị màu: Đây là dụng cụ KAMA được gắn lên đỉnh mông bò cái và bình thường dụng cụ không màu khi bị nén và vỏ đổi màu do bò cái động dục được con khác nhảy lên nhiều lần.
+ Sơn đuôi: Bôi một lớp sơn ở cuống đuôi bò cái. Lớp sơn nầy sẽ bị xóa khi bò cái động dục được những con khác nhảy lên.
2. Xác định thời điểm phối giống thích hợp
Trứng chỉ được thụ thai khi gặp tinh trùng ở đoạn 1/3 phía trên ống dẫn trứng. Tinh trùng di chuyển đến 1/3 phía trên ống dẫn trứng mất 10-14 giờ, thời gian di chuyển của trứng mất 6-12 giờ. Căn cứ vào thời điểm rụng trứng, thời gian di chuyển của tinh trùng và trứng thì về lý thuyết thời điểm phối giống thích hợp vào cuối giai đoạn chịu đực (nếu nhảy trực tiếp), tức là vào cùng lúc buồng trứng có noãn bào mọng nước sắp rụng, cổ tử cung nở to, niêm dịch nhiều, keo dính như nhựa chuối thì đó là thời điểm chịu đực độ cao. Nếu truyền tinh nhân tạo thì tiến hành vào giai đoạn hậu động dục.
Tuy nhiên, thời gian bắt đầu và kết thúc động dục la rất khó xác định.
Phương pháp đơn giản để xác định thời điểm phối tinh thích hợp là quy tắc sáng – chiều: sáng phát hiện động dục thì chiều phối lần 1 và chiều hôm sau phối lần 2.
Khoảng 2/3 số bò bắt đầu độngdục vào ban đêm nên thường nhìn thấy động dục vào buổi sáng sớm. Tuy vậy, với bò tơ áp dụng phương pháp này không hoàn toàn chính xác và nên dẫn tinh ngay sau khi quan sát thấy động dục, chịu đực.
II. Nuôi dưỡng, chăm sóc bò cái mang thai
1. Nuôi dưỡng
Mục tiêu của giai đoạn này là làm sao để bào thai phát triển tốt và chuẩn bị cho bò mẹ sau khi đẽ có nhiều sữa nuôi con. Như vậy, ngoài khẩu phần duy trì, bò mẹ cần được cung cấp các chất dinh dưỡng cho nhu cầu phat triển của thai và chuẩn bị cho tạo sữa. Nhu cầu dinh dưỡng cho duy trì phụ thuộc vào khối lượng cơ thể của bò mẹ, bò mẹ càng to con càng cần lượng lớn các chất dinh dưỡng cho duy trì. Nhu cầu dinh dưỡng cho phát triển bào thai phụ thuộc vào tháng tuổi của thai. Càng về cuối giai đoạn chửa, đặc biệt là 3 tháng cuối, tốc độ phát triển của bào thai càng lớn và vì vậy bò mẹ càng cần nhiều dinh dưỡng.
Các lọai thức ăn thô xanh cho bò là cỏ trồng (cỏ voi, cỏ ghi nê …) cây bắp sau khi thu bắp non, rơm lúa , cỏ tự nhiên … Khả năng thay thế các loại thức ăn này như sau:
- 35 kg cỏ voi = 30 kg cỏ tự nhiên + 2 kg rơm lúa
- 35 kg cỏ tự nhiên = 35 kg thân cây bắp xanh ngay sau khi thu bắp
- 35 kg cỏ tự nhiên = 25 kg cỏ tư nhiên + 2 kg rơm lúa
- 35 kg cỏ tự nhiên = 35 kg cây bắp cắt tỉa + 1,5 kg rỉ mật đường
2. Chăm sóc
Hình ảnh bò siêu âm khi mang thai
Thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ cho bò mang thai. Nếu chăn nuôi tập trung cần phân đàn theo thời gian có chữa: dưới 7 tháng và trên 7 tháng đến sắp đẻ và đàn chờ 15-20 ngày trước khi đẻ. Những con tuy chưa đến ngày đẻ dự kiến nhưng phát hiện thấy có triệu chứng sắp đẻ ( sụt mông) cũng phải đưa về đàn này.
Không được chăn thả bò mang thai ở nơi dốc 20-25o và nên chăn thả ở nơi gần chuồng, dễ quan sát để đưa vào chuồng đẻ kịp thời khi có triệu chứng sắp đẻ.
Đối với bò chửa, việc chăn thả rất quan trọng, vì ngoài lượng cỏ tươi thu nhận thêm bò cái còn được vận động, giúp vho chúng sinh đẻ được dễ dàng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không được dồn đuổi, đánh đập bò, nhất là vào giai đoạn chửa cuối. Khoảng 10 ngày trước ngày dự kiến đẻ, nên hạn chế chăn thả.
Chuồng trại phải sạch sẽ, yên tỉnh, khô ráo, có chuẩn bị rơm rạ và cỏ khô trước khi bò đẻ.
Vào 2 tháng chửa cuối, nên cho bò ăn thêm 1 kg thức ăn tinh/ngày.
III. Nuôi dưỡng, chăm sóc bò trước và sau khi đẻ
1. Hộ lý bò đẻ ( đỡ đẻ)
Khi thấy bò có triệu trứng sắp đẻ cần khẩn trương chuẩn bị các dụng cụ đở đẻ, buồng đẻ và cũi bê. Dùng cỏ khô lót nền dày 3 – 5cm. Để con vật ở ngoài dùng nước sạch pha thuốc tím 0,1 % rữa sạch toàn bộ thân sau. Sau đó lao khô và sát trùng bằng dung dịch crésyl 1% . Dùng bông cồn sát trùng bộ phận sinh dục bên ngoài ( mép âm môn). Sau đó cho bò vào buồng đẻ đã có chuẩn bị sẵn, có cỏ và nước uống đầy đủ. Cần để cho con vật được yên tĩnh, tránh người và gia súc khác qua lại.
Bò mang thai 3 tháng tuổi
Thai trong tư thế bình thường thì để gia súc mẹ tự đẻ. Nếu thai trong tư thế không bình thường thì nên sữa sớm như đẩy thai, xoay thai về tư thế chiều hướng bình thường để cho gia súc mẹ sinh đẻ được dễ dàng hơn. Trong lúc này rất dể xoay thai vì thai chưa ra ngoài.
Bò mang thai 9 tháng tuổi
Trong lúc rặn đẻ của gia súc mẹ trong trường hợp đẻ bình thường thì tuyệt đối không được lôi kéo thai, làm tổn thương đường sinh dục. Trong trường hợp gia súc đẻ ngược, thì việc can thiệp lại rất cần thiết, càng sớm càng tốt, nếu chậm thai có thể bị ngạt do uống phải nước ối.
Khi đầu thai đã lọt ra ngoài mép âm môn nhìn thấy rõ mà còn bị phù màng ối thì phải xé rách màng ối và lau sạch nước nhờn dính ở mũi thai để cho thai dễ thở. Tuy nhiên, không nên vội vàng xé màng ối cho nước ối ra quá sớm sẽ làm cho tử cung bóp xiết chặt lấy đầu thai , thân thai, chân thai khi cơn co bóp của tử cung đang mạnh.
Khi nước ối chảy ra có thể hứng lấy để sau đẻ cho bò mẹ uống nhằm kích thích ra nhau.
Sau khi đẻ quá trình trao đổi của gia súc tăng lên nhiều do đó thức ăn phải đảm bảo chất lượng tốt, dễ tiêu hóa. Không nên cho ăn quá nhiều thức ăn tinh dể gây rối loạn tiêu hóa và gây bệnh cho bầu vú. 10 ngày sau khi đẻ chuyển về khẩu phần ăn bình thường. Trong ngày đầu nếu bò mẹ nhiều sữa, bầu vú căng đỏ, không nên cho ăn nhiều thức ăn có chất lượng cao, thức ăn ủ xanh.
Khi xây dựng khẩu phần cần chú ý để bò ăn được càng nhiều thức ăn thô càng tốt và giảm thiểu lượng thức ăn tinh nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và cho con.
2. Chăm sóc bò sau khi đẻ
Bò mẹ đẻ bị mất nhiều nước nên phải cho uống nước muối hoặc chính nước ối của nó. Hai ba giờ sau khi đẻ nên cho bò ăn cỏ xanh chất lượng tốt.
Rửa sạch phẩn thân sau của bò mẹ bằng nước sạch có pha thuốc tím 0,1% hoặc crésyl 1%. Dùng cỏ khô sát mạnh lên cơ thể bò đẻ đảm bảo cho hệ tuần hoàn được lưu thông. Không cho bò mẹ nằm nhiều đề phòng bại liệt sau đẻ.
Thường 4 - 6 giờ sau khi đẻ nhau thai ra hết. Khi đã sổ nhau thai ra ngoài, phải kiểm tra thật kỹ xem nhau thai có bình thường hay không. Chẩn đoán nhau thai có ý nghĩa cho việc chẩn đoán bên trong của tử cung xem có bị bệnh hay không đồng thời xem nhau thai đã ra hết chưa, tránh sát nhau.
Có thề làm cho nhau ra nhanh hơn bằng cách treo vật nhẹ 400-500g vào đầu cuống nhau, hoặc có thể tiêm ergotine hoặc oxytoxin để kích thích ra nhau nhưng phải tiêm sớm, nếu quá muộn không có tác dụng. Nếu quá 12 giờ mà nhau không ra thì phải can thiệp sát nhau.
Sau khi đẻ, ở âm hộ chảy nhiều dịch,lúc đầu hồng đỏ sau nhạt dần (ngày thứ 3 – 4 ). Nếu sau một tuần vẫn còn dịch này chảy ra, mùi hôi thối thì khả năng đã bị nhiễm trùng gây viêm âm đạo hoặc tử cung.
3. Giai đoạn bò mẹ nuôi con
Mục tiêu của giai đoạn này là làm sao bò mẹ có nhiều sữa để nuôi con. Trong chăn nuôi bò thịt, người ta thường để cho bê con bú sữa trực tiếp bò mẹ khoảng 6 tháng. Lượng sữa của bò mẹ càng cao càng bú được nhiều sữa và càng nhanh lớn, có khối lượng cao khi cai sữa. Bò mẹ phải được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu duy trì và cho tiết sữa.
Nhu cầu dinh dưỡng cho duy trì được tính theo khối lượng cơ thể. Cứ 100 kg khối lượng cần khoảng 1,0 – 1,3 đơn vị thức ăn. Nhu cầu dinh dưỡng cho tiết sữa phụ thuộc vào tỷ lệ mỡ sữa và sản lượng sữa. Tỷ lệ mỡ sữa trong 1kg sữa càng cao và bò càng cho nhiều sữa thì nhu cầu dinh dưỡng càng lớn.
Hiện nay, trong chăn nuôi bò cái sinh sản, chúng ta thường sử dụng bò Vàng Việt Nam và bò Lai Zebu. Để đơn giản và thuận tiện cho người chăn nuôi, chúng ta có thể áp dụng khẩu phần thức ăn thô xanh tính theo khối lượng cơ thể: lượng thức ăn thô xanh một ngày đêm cho một con bò bằng 8 – 10% khối lượng cơ thể của nó. Trường hợp bò cái đang nuôi con cũng được ăn thêm thức ăn tinh hoặc cám theo định mức 0,34 kg cho 1 kg sữa.
Như vậy, trong thực tế, thức ăn cho bò có chửa cũng như bò đang nuôi con chủ yếu là thô xanh, bao gồm một phần là cỏ gặm, một phần là thức ăn thô xanh bổ sung thêm. Khi nuôi bò theo phương thức vừa chăn thả vừa cho ăn thêm tại chuồng thì chỉ cho bò ăn vào buổi sáng khoảng 30 – 40% khẩu phần thức ăn thô xanh. Tùy theo mùa, tính chất và sản lượng bãi chăn, trung bình mỗi ngày bò có thể thu lượm được khoảng 10 kg cỏ tự nhiên, phần còn lại cần bổ sung cho bò.
IV. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh sản của bò cái
1. Đặc điểm bẩm sinh
Các giống khác nhau và các cá thể thuộc cùng một giống cũng có khả năng sinh sản khác nhau. Tuy nhiên, hệ số di truyền về khả năng sinh sản rất thấp nên sự khác nhau về sinh sản chủ yếu do ngoại cảnh chi phối thông qua tương tác với cơ sở di truyền của từng giống và cá thể. Những giống hay cá thể có khả năng thích nghi với khí hậu, chống đỡ bệnh tật tốt trong một môi trường sẽ cho khả năng sinh sản cao hơn. Cố tật bẩm sinh, nhất là về đường sinh dục sẽ hạn chế hay làm mất khả năng sinh sản.
2. Nuôi dưỡng
- Mức dinh dưỡng:
Cung ứng quá ít hoặc quá nhiều chất dinh dưỡng đều ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh sản của bò cái. Bò cái tơ được ăn khẩu phần thấp sẽ kìm hãm sinh trưởng nên chậm đưa vào sử dụng và giảm khả năng sinh sản về sau. Thiếu dinh dưỡng với bò trưởng thành sẽ kéo dài thời gian hồi phục sau đẻ. Hơn nữa dinh dưỡng thiếu gia súc sẽ gầy yếu, dễ bị mắc bệnh nên giảm khả năng sinh sản. Ngược lại, nếu dinh dưỡng quá cao, đặc biệt là quá nhiều tinh bột sẽ làm cho con vật quá béo, buồng trứng tích mỡ nên hoạt động chức năng sẽ bị giảm.
- Loại hình thức ăn:
Thức ăn kiềm tính thích hợp cho sự phát triển của hợp tử và bào thai. Thức ăn toan tính làm giảm tỷ lệ thụ thai do các yếu tố tạo ra nhiều axit1 gây mất cân đối trong bản thân thức ăn, mặt khác kiềm bị cơ thể thải ra ngoài cùng với các yếu tố tạo axit thừa dưới dạng muối gây toan huyết, không thích hợp cho sự hình thành hợp tử.
- Cân bằng các chất dinh dưỡng
Cân bằng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần có ảnh hưởng sâu sắc và nhiều mặt đến tới hoạt động sinh sản của con cái. Ví dụ: thừa P sẽ tạo ra photphat Ca, Na, K thải ra ngoài dẫn tới mất kiềm gây toan huyết. Ngược lại, nếu thiếu P sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ năng buồng trứng: buồng trứng nhỏ lại, noãn bao ít, sau khi đẻ thường chỉ động dục lại 1 – 2 lần, nếu không phối giống kịp thời phải đến sau cạn sữa bò mới động dục trở lại.
3. Chăm sóc quản lý
Nếu chăm sóc quản lý không tốt để gia súc gầy yếu, sẩy thai, mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh sản khoa sẽ làm giảm khả năng sinh sản. Bỏ qua các chu kỳ động dục không phát hiện được, phối giống không đúng kỹ thuật, không có sổ sách theo dõi, cho phối giống đồng huyết…là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sinh sản của bò.
4. Bệnh tật
Các bệnh đường sinh dục, sảy thai truyền nhiễm, ký sinh trùng đường sinh dục, bệnh ở buồng trứng và tử cung… đều là những bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
5. Phẩm chất tinh dịch vả kỹ thuật dẫn tinh
Tinh dịch quá loãng hay phẩm chất kém sẽ làm giảm khả năng thụ tinh. Trình độ phối giống của dẫn tinh viên, phương pháp phối giống đều có ảnh hưởng trực tiếp tỷ lệ thụ thai.