.
  Về thăm trường cũ P13
 
30/8/2013



 Đoàn xe con chở các cựu sinh viên Nông nghiệp đã rời khu 1, sang khu 2. Tôi thì sử dụng con Daehan100cc, từ Long Xuyên xuống nên lót tót theo sau. Trước khi đi, tôi nhìn lại lần cuối, ngôi trường xưa, mà 45 năm trước, K1 bắt đầu vào học, chợt một nỗi bồi hồi khó tả gợn lên trong lòng. Do làm khu cư xá cho cán bộ trường, chỉ có thể thay đổi chủ chứ không thể thay đổi kiểu dáng bằng nâng cấp, nên hầu như trường xưa không thay đổi, bây giờ vẫn lặng lẽ nép mình nơi cuối cùng của khu 1 Cái Răng, giáp với ngọn con rạch Bà Lễ đã một thời mà nhiều sinh viên nông nghiệp gắn bó.

Minh , Nam, Đương, Triều, Đúng, Thuấn…làm sao quên được những tháng ngày từng men theo con đường mòn, uốn lượn theo rạch Bà Lễ, để đến trường qua ngã nhà Chú Tư Ngộ hay nhà Bác Tám. Hôm nay, thành phố Cần thơ đã phát triển đến khỏi cả Cái Răng, rạch Bà Lễ xưa, nay đã là trung tâm nội thị, không có thì giờ để len lỏi, thăm lại chốn cũ, tôi đành giã từ trường với tâm trạng “cóc kèn, mái dầm , rau mác…” đã một thời lặng thầm, hoang dại nép mình dưới con rạch đục ngầu nước phù sa. Thoáng đó, đã gần nửa thế kỷ, vậy mà bây giờ tôi thấy… như mới hôm qua!

Tôi không theo đoàn chạy bọc vào Đầu sấu, ghé nhà Hiệp, mà quay ngược ra phía Tham tướng, để qua khu 2, vì một người bạn tôi, K1, từ Sài gòn, vừa xuống tới. Có thể nói, dù chỉ một người, Đỗ văn Chuông cũng đã đại diện cho rất nhiều cựu sinh viên Nông nghiệp, do hoàn cảnh không thể trở lại trường, dịp này. Sự hiện diện của Đỗ văn Chuông, có thể xem là một biểu tượng của tình đồng môn nông nghiệp, không những làm “ấm” thêm cho số cựu sv K1 ít ỏi ở Cần thơ hôm nay, mà còn làm “mồi” cho những cựu sinh viên khác, sẽ sắp xếp để trở về họp mặt trong tương lai. Có lẽ, trước khi cuộc họp mặt này diễn ra, ít ai nghĩ tới sự thành công và ý nghĩa tuyệt vời của nó. Dù BTC lấy tiêu đề là Họp mặt cựu sinh viên Nông nghiệp Cần thơ, nhưng các bạn ngoài K2, chắc chắn đều mang tâm trạng “ăn theo” trước giờ “khai hội”, nên không “mặn” lắm để trở về, và nếu đến dụ thì vẫn có chút gì đó hơi không ‘thoải mái”. Chừng  mọi sự diễn ra theo một “kịch bản” được “set up” bởi Hà Triều Hiệp, dù đã biết trước qua lịch được công bố, vẫn đầy bất ngờ …cảm động và dễ thương, chan hòa tình bạn cũ!

Cũng như khu 1, khu 2 tận cùng cũng là 1 con rạch, rạch Ngỗng. Đã một thời gian dài khoảng10 năm (1966-1976), Cái khế là vùng đất mênh mông, phèn chua nắng dội! Là một cánh đồng lớn, chỉ có thể trồng lúa hoặc mía thí nghiệm để cải tạo dần dần. Một con đường đá mấp mô, chạy từ cổng sau, dưới chân cầu số 1, thẳng vào đến tận bờ rạch Ngỗng. Hai bên con đường là những mảnh ruộng thí nghiệm của trường Cao dẳng nông nghiệp Cần thơ.



 Như đã nói, Thầy Quyền đã từng trình diễn chiếc “kiệu” di truyền độc đáo lần đầu tiên trên mảnh ruộng này. Nhưng có lẽ hình ảnh thân thương nhất mà sinh viên Nông nghiệp Cần thơ luôn nhớ là chiếc tractor Johndeer 1020 màu xanh lá, nó hiện diện từ lúc nào không biết, nhưng khi khóa 1 vào trường, đã thấy nó “ngạo nghễ”, mới toanh…

 



…Và cánh đồng khu 2 mới đủ rộng để  chú “nai John” tung hoành …bốn bánh!

Nhưng một lần, tai nạn đã xảy ra, ly kỳ và nghiêm trọng không thua vụ Thầy Thanh Bạch. Đó là lần chú Kiệt, công nhân lái máy kéo, điều khiển con Johndeer làm đất trên cánh đồng khu 2. Lần này, Johndeer gắn cặp bánh lồng, nhưng lại chẳng may mắc lầy! Việc giải quyết “thoát lầy” cũng có thể là một bài học xương máu, nhưng là “xương máu” theo nghĩa bóng thôi. Ai ngờ lần này đúng là gảy xương và đổ máu thiệt. Giàn chảo được tháo rời, con “nai xanh” mệt nhọc bò được một đoạn ngắn rồi không thể nào nhích thêm được, 2 bánh lồng cứ trợt hoài trên ruộng nước. Lúc bấy giờ mọi người chọn giải pháp “thọc gậy bánh xe”, nghĩa là dùng các cây lớn sỏ ngang qua 2 bánh lồng để tăng cường độ “bám”, hy vọng rằng nhờ thế chiếc máy kéo sẽ đè sình, tiến tới. Nhưng nó vẫn không tiến, 2 bánh lồng không còn tuôn trợt, mà bám cứng mặt ruộng. Hậu quả là đầu con Johndeer cất lên, không hiểu do hoảng hốt hay muốn “chơi bạo lấy tiếng”, chú Kiệt vẫn cố tiếp tục cho đến khi con “nai xanh” lộn ngược ra sau. Mọi người kinh hải khi thấy chiếc tractor lộn ngược đè lên chú Kiệt.  May mắn vô cùng khi chú chỉ bị gảy tay do tay lái đè ép. Chắc chắn tai nạn này là duy nhất trên đồng ruộng của Khoa nông nghiệp Cần thơ. Xin nhờ quí Thầy kể lại rõ hơn nếu Minh này tường thuật chưa chính xác.

Sau 2 tai nạn “xe cộ” kinh hồn ấy, Thầy Khoa Trưởng Nguyễn Viết Trương, có lẽ qua sự “tư vấn” của ai đó, bèn cho mở lệ cúng cô hồn tháng 7 hàng năm. Thật sự kể từ đó mọi thứ đều êm ru. Riêng sinh viên khóa 1, nhờ chỉ có vài chục mạng (đông quá thì đâu có đủ!), được Thầy Trương cho nhậu heo quay cúng cô hồn, uống rượu đế “quắc cần câu” trước ngày ra trường 1972.

 
 
 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693550 visitors (2231324 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free