19/8/2013
Phần 7
KS: Mong Phước Minh
Từ giảng đường N, nhìn ra là sân bóng rổ, vừa là nơi thi đấu thể thao vừa là sân phơi lý tưởng của vài nông sản thí nghiệm. Còn đối với cựu sv NN từ K1 tới K7, có lẽ đây là nơi lưu nhiều kỷ niệm. Bởi đó chính là chỗ thường xuyên được tổ chức các sinh hoạt tập thể như hát hội trăng rằm, thi đấu bóng chuyền…và nhất là lửa trại cuối “Tuần lễ nhập môn”.
Không cần phải nói, tất cả sv các khóa từ 1 tới 7 đều đã có những kỹ niệm đáng nhớ về tuần lễ này. Khóa 1, vì không có khóa đàn anh nên tuần lễ nhập môn do các Thầy Giảng nghiệm viên lúc đó hướng dẫn. Thầy Trần Đăng Hồng, trong buổi sáng đón sinh viên khóa 1, bắt đầu “Tuần lễ nhập môn” nói: ở Bảo lộc, sinh viên khóa đàn anh bắt sinh viên đàn em phải mang cà vạt ngược sau lưng, hoặc buộc sinh viên mới dùng hộp quẹt cây để đo khoảng đường từ cổng vào tận cuối trường, …thông thường là tân sinh viên được dẫn xuống các chuồng, trại, xưởng nông cơ… tắm heo, vệ sinh chuồng trại, lau chùi máy kéo, xuống ruộng nhổ cỏ….
Dĩ nhiên, đối với tân sinh viên, “Tuần lễ nhập môn” ghi trên thời khóa biểu chắc chắn có nhiều mới lạ, nhưng nội dung là gì nào ai biết được ? Lẽ thường, lên được đại học, kiếp học trò đã trở thành kỷ niệm sau lưng, các chàng trai, cô gái bây giờ như vừa thành người lớn, không còn phải đồng phục một màu, nên hôm nhập học, là cơ hội để diện đồ “kẻng” , nam thì áo quần mới, giày vớ chỉnh tề, nữ thì áo dài sắc màu, tha thướt …nói chung ai cũng xinh tươi, lịch sự như dự hội khai trường, nào ngờ phải tiếp xúc ngay với cái thực tế “bùn sình, dơ dáy, dầu mỡ, nhớt nhao…” kỷ niệm này chẳng nhớ đời mới là lạ!
Khóa một, do các Thầy hướng dẫn nên tương đối “lịch sự” và nhẹ nhàng, sau buổi gặp mặt gọn nhẹ để giới thiệu chương trình “Tuần lễ nhập môn”, là những công việc vệ sinh đơn giản, rồi từ buổi chiều là những công việc liên quan với ngành nông nghiệp, dĩ nhiên mọi người đã rõ mình sẽ ăn mặc thế nào cho thích hợp. Có lẽ đó là cái may của khóa 1, nhưng có lẽ không thú vị lắm so với các đàn em.
Từ khóa 2 sự hướng dẫn trong tuần lễ nhập môn là do chính các sinh viên khóa đàn anh đảm nhận, dưới sự chỉ đạo của nhà trường. Dĩ nhiên, đàn anh được quyền tự chỉ huy, lại vẫn còn mang trong mình cái máu học trò (vốn thuộc dòng bá đạo, đứng thứ 3 sau quỷ và ma) nên đây là cơ hội một lần duy nhất trong 4 năm học, tha hồ sáng tác ra các “kịch bản” độc đáo để đàn em nhớ đời. Cứ thế, mỗi năm “kịch bản” lại đổi mới cho “độc” hơn, khóa 1 “hành” khóa 2 thì khóa 2 “chơi” khóa 3 nặng đô hơn…dĩ nhiên vẫn trong vòng hợp lý và nhất là phải gắn liền với nghề nghiệp tương lai. Chương trình làm quen với chuồng trại, đồng lúa không lạ gì với dân nông lâm súc, nhưng lại đặc biệt với bọn học trò phổ thông. Không kể những thí sinh đã đậu nhưng không học vì đã đỗ các trường khác thích hợp hơn; nhiều người trong số họ, sau tuần lễ nhập môn, đã chán nãn, “bỏ của chạy lấy người” , chuyển ngành học khác, đó là trường hợp của sv Ngô thị Ngọc Bích, khóa 6, cuối tuần lễ nhập môn, khóc nức nở và sau đó chuyển sang Sư Phạm, báo hại Nông nghiệp mất đi một người đẹp(may mà người đẹp này cũng không “dứt tình” hẳn với nông nghiệp khi chấp nhận bạn cùng khóa 6, Phạm Tấn Kiệt cưới làm vợ). Thật ra đây là một tuần lễ thú vị, rất đặc thù mà sinh viên nông nghiệp hảnh diện có được. Nó chẳng những là cơ hội cho tân sinh viên làm quen với chuyên ngành nông nghiệp, mà còn khởi đầu cho một “truyền thống” sinh hoạt tập thể suốt 4 năm ròng rã, và có lẽ nhờ đó, các sinh viên nông nghiệp là những người gắn bó với nhau thật bền chặt, đầy nghĩa tình đến mãi tận cuối đời!
Vui nhất là ngày cuối, với những trận thi đấu thể thao, đặc biệt có thi chạy bộ “băng đồng” từ khu 2 Cái Khế về khu 1 Cái Răng, hình như Tôn Thọ Tế đã giựt giải quán quân vào năm 1969 ?... Cuối cùng là buổi lửa trại tổ chức vào ban đêm. Về sau đêm lửa trại còn thêm màu sắc “thần thoại” khi có 3 hồi trống giục, thỉnh Thần Nông về đón nhận “Tân sinh viên” niên khóa mới, dưới ánh lửa bập bùng nhiều cảm xúc!
(Bạn nào có ảnh cũ về Tuần lễ nhập môn, xin tham gia gửi thêm, rất cảm ơn)
Mời xem tiếp P8