.
  Nghỉ nắng
 
23/2/2014

 
Description: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-TuaDe-2A.gif


Description: http://www.ninh-hoa.com/images/divider-7.GIF
 
Description: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-star-1.gifDescription: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-star-1.gif   Description: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-star-1.gifDescription: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-star-1.gif
 
 
Cái nóng kỷ lục của mùa hè Houston cùng với gần 20 tiểu bang Hoa Kỳ năm nay chưa làm tôi bị “heat stroke”, nhưng khi nghe tin Anh Phạm Hồ Tôn đột ngột qua đời vào ngày cuối tuần, tôi quá đổi bàng hoàng. Tôi gọi điện thọai đến gia đình anh định cư tại Orlando. Điện thoại reo. Không có người trả lời. Tôi đoán người nhà đều đến nhà thương lo hậu sự cho anh. Tôi gọi Anh Phạm Ngọc Cửu để hỏi chi tiết hơn. Anh Cửu nói vừa mới đi thăm về và mục sư Hội Thánh Tin Lành đang tiếp tay với gia đình anh lo việc mai táng. Chưa kịp nghe hết những gì Anh Cửu nói thêm, đột nhiên tôi không kiểm soát được tôi nữa, tôi bật khóc. Anh Cửu kiên nhẫn giữ đường dây, tôi cố đè nén xúc động và chỉ nói được lời xin lỗi anh không tiếp tục điện đàm với anh.. Tôi gát máy điện thoại.
 
Lấy lại bình thản của ngày mới, và để nhớ đến anh, tôi muốn ghi lại những gì mà các đồng môn, đồng nghiệp cũ, và gia đình của anh chưa viết ra.. Giữa thập niên 1940’s, hai cậu bé trai chưa biết đi học là gì, dắt díu nhau lội qua mấy đám ruộng lúa nước sau chùa Ông (còn gọi là Võ Đế Miếu), theo sau chiếc quan tài do mấy thanh niên lực lưỡng trong làng Văn Định kê vai mang đi. Hai cậu bé tiễn đưa Ông Nội đến phần mộ trong khuôn đất của đại gia đình. Đó là hình ảnh đầu tiên tôi và anh Phạm Hồ Tôn nhắc nhở trong ngày Hội Ngộ Ninh-Hoà Dục Mỹ Hải Ngoại tại Orlando tháng 6, 2011. Anh nói với tôi thắm thoát mình đã vào tuổi thất thập cổ lai hi.
 
Khi Anh Vinh Hồ yêu cầu từng người lên bục giới thiệu ngắn gọn về mình trong đêm tiền hội ngộ ở nhà hàng Vinh, tôi đã mở đầu ngoài động lực đến từ cụm từ Tình Yêu Quê Hương Kỷ Niệm, tôi muốn đến để gặp lại Anh Phạm Hồ Tôn sau nhiều thập niên xa cách. Tôi nhắc cho mọi người hiện diện nghe chuyện anh cho tôi tiền lì xì vào ngày Tết ở các năm đầu tiên khi tôi chưa đi học. Rồi năm sau, anh ở Mỹ Hiệp về làng Văn Định thăm tôi. Tôi hỏi anh, sao không đi học, anh bảo anh đang “Nghỉ Nắng”. Tôi ngẩn ngơ. Chị Tuyết đứng cạnh giải thích từ “nghỉ nắng” cho cậu em họ bằng một từ mới “vacances d’été”. Tôi lại càng ngẩn ngơ. Hai chị em phải giải thích lại là học 9 tháng, nghỉ 3 tháng vào muà hè nên nghỉ nắng hay nghỉ hè “la même chose”. Chị Tuyết lúc nào cũng quen hay giải thích bằng tiếng Pháp trước. Từ đó tôi bắt đầu có ý niệm về việc phải đi học ra sao!
 
Khi anh và gia đinh vừa đến định cư ở Hoa Kỳ, món quà đầu tiên anh gửi cho tôi là tấm ảnh xưa, ở mặt sau anh có ghi với bút tự của anh: “Gởi Khâm và Tím một bức ảnh xưa để lâu lâu nhớ về một mãng kỷ niệm quí giá, trong ngần, tuyệt đối không thể nào tìm lại được. Tôn 12/90”. Lúc ấy tôi đang làm việc cho ISNAR đặt bản doanh ở The Hague Hoà Lan công tác tại Cameroon. Tôi trân quí cất giữ tấm ảnh trong đó có thân mẫu của tôi đứng ở đầu hàng bên phải. Tôi còn một thắc mắc là bức ảnh này được chụp năm nào? Câu hỏi này được tôi và anh tìm câu trả lời trong kỳ đại hội 6/2011 ở Orlando từ hình của chị Tuyết đứng cạnh cô mười út. Hai chúng tôi có nhiều kỷ niệm với chị. Ngày đi học ở trường Pháp Việt Ninh Hòa, chị là chim sơn ca của những ngày lễ lớn như ngày mãn niên học cho học trò “nghỉ nắng”. Chị phải hát nhiều bài. Tôi nhớ điều chị lo nhứt là hát không hay và không thuộc lời thì chỉ có độn thổ nguyên văn của chị là “bị bể dĩa”. Sau này lớn lên tôi đã hiểu vì chị sợ bị “bể dĩa” và không muốn tập một mình nên nhận hai cậu em tí hon vừa làm thính giả vừa hát phụ họa. Nhưng nhờ đó tôi bắt đầu ưa thích âm nhạc.
 


 

 
 
Buổi sáng trong ngày đại hội, tôi điện thoại từ phòng ngủ mời Anh Chị Phạm Hồ Tôn và gia đình các cháu đi ăn sáng với tôi. Anh hẹn ở Phở 88. Các cháu bận phải đi làm việc Chúng tôi gặp nhau đúng hẹn. Tại đây lần lượt có Anh chị Lê Văn Ngô, Anh Chị Thành-Giỏi, Cháu Kim Loan, Anh Chị Thành-Chất, Chị Hoàng Tiên (Phi-Ròm) đến. Sau bữa ăn sáng anh muốn tôi ghé thăm nhà của anh. Tôi lái theo xe Anh Chị về nhà. Từ 11 giờ sáng đến trước giờ đại hội chính, tôi và anh ở tại nhà anh kể lại những gì đã xảy ra trong đời. Tôi nhận ra một điều anh là người có đức tin tuyệt đối. Không còn hận thù những ai đã hành hạ anh thời gian tù cải tạo. Quan sát bàn viết của anh, quyển Kinh Thánh mở ngay trên bàn, từng trang từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, trang nào cũng đều có gạch bút lông màu vàng và màu đậm những đọạn anh suy gẫm. Anh không đề cập với tôi điều gì về tín ngưỡng,về đức tin. Anh chỉ hỏi thăm về gia đình con cháu từng đứa một. Anh nhắc lại những ngày tháng hai chúng tôi cùng trọ tại nhà anh chị mười Trương, con của cô Hai chúng tôi. Anh theo học trường Quốc Gia Hành Chánh. Tôi theo học trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc.
 
Bất chợt anh hỏi tôi có còn hát cho bà xã nghe nữa không. Câu hỏi bất ngờ và đầy thú vị, gợi lại nhiều kỷ niệm xưa tại căn nhà trọ này. Tôi nói vẫn còn hát cho vợ nghe như thuở nào. Năm 1961, tình hình an ninh trên trục lộ giữa Xuân Lộc - Bảo Lộc không cho phép các giáo sư Pháp và Hoa Kỳ đến Bảo Lộc dạy cấp cao đẳng. Khoá 1, khóa 2 và khóa 3 của chúng tôi phải dời về Sàigon. Ở Bảo Lộc, chúng tôi ở nội trú vì trường có cơ sở khang trang. Khi về Sàigon, mỗi sinh viên phải tự lo liệu nơi ăn chốn ở để tiếp tục học. Nhà của anh chị mười Trương có một căn gát. Anh Tôn đã giữ một góc. Anh Trương nói tôi mới về Sàigon có thể dời thẳng đến cùng chia căn gát với anh Tôn. Hành trang của tôi từ miền cao nguyên về thủ đô chỉ có một valise sách vở và cây đàn. Ngày đầu tiên tôi đến nhà trọ, Anh Tôn mở cửa đón tôi và giúp mang hành lý lên gát trọ. Một bóng hồng đứng cạnh chào mừng tôi như một người trong gia đình đi xa nay trở về nhà. Và chúng tôi thân nhau từ đó. Hai năm sau ra trường vừa đúng 1 tháng, chúng tôi lập gia đình với nhau năm 1963.
 


 Phù Linh Trân.
Ảnh chụp tại chùa Hải Nam Ninh-Hòa 1961


Phạm Thanh Khâm.
Ảnh chụp tại trường ở Bảo Lộc 1961
Anh Tôn và tôi cùng vào đời với thân phận nổi trôi theo vận mạng của đất nước. Trong sự đau buồn thấy anh ra đi đột ngôt, tôi và Trân thương tiếc anh, cầu mong Chị và các cháu bình an. Anh là người trung nghĩa. Kinh Thánh chép rằng nước Thiên Đàng thuộc về người trung nghĩa. Tôi tin anh đã về cõi thiêng liêng mà anh đã tin khi còn tại thế.  
 
 
 
  Description: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-lightening.gifDescription: http://www.ninh-hoa.com/images/bg-lightening.gif
 
 
 
Phạm Thanh Khâm
Viết tại Houston, Texas
Ngày “Nghỉ Nắng” cuối cùng của mùa hè 2011
 
 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693650 visitors (2231591 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free