.
  Số ăn chực P2
 
5/12/2013


 

Phần II

Dường như cái số của tôi cứ đi loạng quoạng là thế nào cũng đâm rầm vô dân NLS hay sao ấy. Sau ngày bị “mất dạy” tôi phải lang thang lây lất rày đây mai đó quanh vùng biên giới miền đông. Chán ngán tình đời tôi đi vượt biên. Tiếng là “đi” chứ có được đi đâu mà thật sự là vừa im lặng vừa chạy vừa trốn. Chạy trối chết. Chạy từ rừng đước này qua bãi mấm nọ, từ con kinh nhỏ sang rạch nước to mỗi khi xuống bến mà bị động. Trốn từ nhà chứa dấu tạm này qua nhà chứa khác để chờ giờ xuất hành thuận tiện. Có lúc trốn chui trốn nhủi trong lùm tre,  bụi chuối hay dưới khoang ghe nhỏ chuyển sang tàu lớn y như con thú bị săn đuổi. Nói tóm lại sau bảy tám lần thất bại, một lần đi tù sáu tháng ở Kinh Làng Thứ Bảy - U Minh Thượng - vì tội vượt biên, vậy mà tôi vẫn cứ ngoan cố, im re bà rè quoánh một ván bài chót thẳng một lèo sang Thái Lan. Lần này vừa thoát tù và thoát chết cho nên khi đặt chân vào trại tị nạn Songkla là tôi đi lâng lâng, nhẹ nhàng, thơ thới như dạo chốn bồng lai. Mắt tôi đảo dáo dác xem có tên thân sơ thất sở nào mình biết mặt trong rừng người đứng hai bên lối vào đang tò mò soi mói nhìn mình không. Qua khỏi cổng trại một đỗi tôi chợt có ý nghĩ muốn quay đầu nhìn lại đoạn đường mình vừa mới đi qua. Bỗng nhiên tầm mắt tôi bị cản trở bởi hai dáng người đang đi lơn tơn vào trại. Một cao dong dỏng, một tầm thước, cả hai vừa ốm vừa đen đúa nhưng vẫn còn ăn mặc tươm tất hơn tôi mấy bậc. Rồi cả ba chúng tôi đồng nhận ra nhau cùng một lúc…
 
 Mới từ cõi chết trở lên bờ, mới tỉnh hồn để chợt nhớ giờ đây mình đã vĩnh viễn xa rời tất cả: quê hương, gia đình, người thân, bạn bè… Nơi đây, mình đang tứ cố vô thân. Rồi bất chợt hiện ra ngay trước mặt anh Đặng Tấn Lung và chị Huỳnh Thị Hương - là dân NLSBL đó - vừa là đồng nghiệp ở trường NLSBD và cũng là bạn bè thân cũ. Té ra họ đã đến đây trước tôi mấy hôm. Có nằm mơ cũng không dám tin vào mắt mình. Tôi mừng đến lịm người, bất động. Mấy giây sau tôi phản ứng một cách vô thức là cứ vã vào hai bên má anh Lung liên hồi. Dường như đây là sự sai khiến từ trong tâm thức để kiểm chứng xem có phải người thật chuyện thật hay không.  Tôi như người đang ngoi ngóp giữa dòng nước chảy siết bỗng đâu níu lại được cái bè cũ của mình vậy. Khi lên đến bờ tôi không còn một đồng su dính túi, giờ đây lại trở về cái nghiệp đi ăn chực của mình như xưa. Hay nói văn hoa hơn, tôi đã có “quới nhân” là anh chị Lung Hương phù trợ cho trong những ngày ở trại tị nạn.
 
 
Hình chụp tại trại tị nạn Songkla tháng Giêng 1980. Từ phải sang trái: Hương, Lung, Thu, Thành (em Thu). Bé Lu và Linh ở phía trước
 
Ngày tôi rời trại đi định cư vẫn là anh chị Lung Hương chuẩn bị khăn gói quả mướp cho tôi lên đường. Họ chạy vạy cho tôi môt bộ đồ hơi tươm tất một chút và chiếc giỏ cói cũ kỹ của Bảy Trực - em chị Hương tặng – để tôi chứa gia tài quý báu là chiếc quần đen vải thun cũ và chiếc áo nâu bạc màu mà tôi đã mượn của mẹ mặc đi trong ngày vượt biển. Chị Hương - vẫn với bản chất chu đáo, ân cần và tốt bụng muôn thuở - đã không quên nhét vào chiếc giỏ này hai khúc bánh mì kẹp lạp xưởng để chị em tôi ăn dọc đường lên Bangkok. Đó là phần thức ăn chị sắm cho gia đình để đón Tết Nguyên Đán và chị đã xén bớt ra mà lo cho chị em tôi. Chiếc giỏ nặng trĩu tình biển cả của mẹ tôi, chứa đầy thâm tình bạn hữu và hương vị Tết quê hương. Tôi đã mang chiếc giỏ này theo đến vùng đất mới và đến hết cuộc đời.
 
Tôi sang định cư tại San Jose - tiểu bang Cali - chẳng được bao lâu thì bắt liên lạc lại với anh chị Lung Hương cũng mới sang và ở San Francisco. Cali động đất thường xuyên, mặt đất đong đưa, sàng qua sàng lại thét rồi gom chúng tôi quy tựu về gần nhau hơn, cùng ở San Jose. Thế là “bè” cũ được “bện” lại từ đó. 
 
Từ anh chị Lung Hương tôi nghe kể rất nhiều chuyện lý thú về trường NLSBL. Chuyện thầy cô, chuyện học trò, bè bạn, chuyện phá phách tuổi học trò ly kỳ, hấp dẫn. Dù không biết mặt nhưng tên tuổi và những việc liên quan đến của nhiều người tôi đều nghe qua và nhớ hết. Lâu dần tôi cảm thấy như chính mình cũng là người trong bọn luôn, thật gần gũi, thật quen thuộc. Còn có nguyên nhân khác làm cho tôi thích nghe chuyện NLSBL.  Là tôi vốn cũng xuất thân từ một trường nông nghiệp ở miền tây, do đó tôi thấy mình cũng là dân cày cuốc như nhau, cũng có điểm tương đồng. Họ làm cho tôi đỡ nhớ trường xưa, lớp cũ và bạn bè đồng môn thuở nào. Tôi càng thích nghe chuyện thuộc về NLSBL, thấy như họ gần gũi, như có một chút liên quan với mình. Đó là vì họ đã có một thời cùng chia sẻ khoảng không gian, cùng hít thở chung bầu khí quyển Bảo Lộc  - quê ngoại và cũng là khung trời chợt nhớ chợt quên của tôi.
 
Sau này qua anh chị Lung Hương tôi quen biết thêm một số anh chị khác cũng từ NLXBL. Đi ăn chực mấy lần nhà anh chị Mới. Ăn ké vài lần trong dịp họp mặt của ĐHNLSBL tại San Jose. Mặt mày trở nên chai cứng, dày dạn, nên khi sang Dallas dự Đại Hội NLSBD I hai năm về trước, tôi lại tiếp tục tham gia tái diễn cái chiêu cũ rít này. Khi anh chị Lung, Hương và tôi bay sang Dallas thì nhóm chúng tôi kết hợp với anh chị Vương Thế Đức và trú nhờ nhà Chi, em gái nuôi của anh Đức. Sau đó anh chị Công, Mỹ Châu, cô Vàng, chị Nữ, Ngọc cùng đến sáp nhập vào luôn. Anh VTD xuất thân từ NLSBL, tuy là đồng nghiệp với tôi ở NLSBD trước kia nhưng tôi chỉ biết anh mà chưa quen.  Vậy mà tôi cũng tỉnh bơ gia nhập ngay với anh chị, rồi thản nhiên tiếp tục đi theo ở nhờ và ăn chực nhà 2 cô em nuôi của anh Đức là Chi và Bích Loan dưới danh nghĩa người…lạ hoắc lạ huơ.  Nhờ dịp này tôi mới thấy anh VTĐ còn hơn tôi mấy bậc về tài đi ăn chực, đáng được tôn làm sư phụ. Đi đâu anh cũng kéo nguyên một đám “khách không mời mà tới” theo cùng. Vậy mà chủ nhà vẫn cứ vui vẻ, nhiệt tình tiếp đãi. Sao chiếu mệnh của chúng tôi về khoản này sáng hết biết.
 
Thừa thắng xông lên, lợi dụng thời cơ trong dịp họp ĐHNLSBD I này tôi theo nhóm bạn cũ gồm Cô Vàng, Nữ, Ngọc, anh chị Huỳnh Văn Công và Mỹ Châu từ Úc bay sang tuốt Canada. Lại tiếp tục ăn chực nằm chầu nhà anh chị VTĐ ngót một tuần lễ. Dân Canada hiếu khách vô cùng. Nhờ vậy mà đi ăn chực quanh trong đại gia đình chị em của anh VTĐ chẳng những đã không ngại ngùng mà còn hết sức vui vẻ, thoái mái.  
 


Cũng những gương mặt quen thuộc đi ăn ké trong dịp lễ Thượng thọ của thân mẫu anh VTD
 
 
Chúng tôi được anh chị Đức đưa đi thăm Toronto, vài thắng cảnh khác. Hôm đi thác Niagara có thêm Khang và Nguyên – đàn em thân tình của anh chị Đức - tận tình đưa đón và hướng dẫn. Nhất là Nguyên, đã không quản ngại cực khổ mà theo chúng tôi xuống tàu chui vào dưới gầm thác đầy bụi nước bắn tung tóe ra như mưa to, ướt hết cả đầu cổ. 


Cảnh ướt ngoi ngóp khi tàu chui xuống chân thác Niagara với Nguyên

Tấm thịnh tình và lòng tốt của anh chị Đức cùng chị em trong đại gia đình của anh và những người bạn hữu trên ấy thật tràn đầy và cuồn cuộn như nước trên dòng thác. Vì vậy tôi rất hy vọng còn nhiều dịp được lên Canada nữa để trầm mình trong giòng thác chân tình này. Đúng là Canada xứ lạnh tình nồng.
 
 
Hễ đi đâu gặp dân NLS là y như gặp bà con họ hàng thân cận vậy đó. Mừng vui không kể siết. Cuối năm 12, đầu năm 13, vì đeo đuổi theo mấy con Kangaroo mà tôi trôi dạt sang tới xứ Úc, vùng đất gần cuối đáy quả địa cầu. Trên đường đi tôi không quên ghé tạt vào đảo thần tiên Hawaii để thăm bà chị cả BTV. Ngoài ra cũng có một chút cố tình tò mò muốn xem mặt mũi Nguyễn Ngọc Sương - tác giã bài thơ “Nhớ trường xưa” - ra sao mà đã làm cho nhiều người cảm khái từ câu đầu đến câu cuối. Tôi hẹn NNS và chị Vàng cùng chở nhau đi thăm một vòng đảo. Gặp rồi mới biết Sương xuất thân từ NLSBL, trôi dạt xuống NLSBD, cuối cùng trấp vào DHNNCT. Hóa ra ngoài cái dính dấp chút xíu dưới danh nghĩa cùng là dân NLS, tôi và NNS còn có mối liên hệ đồng môn, tình sư tỉ sư đệ đề huề. Cuộc đi chơi nửa chừng thì tình trạng sức khỏe không cho phép nên NNS về nghỉ sau khi nhờ con trai tiếp tục hướng dẫn chúng tôi cho đến hết ngày. Tôi thật mừng vì nhờ dịp này mới được gặp NNS và không biết có còn lần may khác nữa không. Cũng thật bùi ngùi vì biết chắc NNS sẽ mãi mãi tiếp tục “buồn lặng lẽ” nhìn “biển hoàng hôn che khuất bóng trường xưa”. Tôi xúc cảm vô vàn khi hiểu thấu nỗi niềm riêng tư của em.
Bơ vơ quá! Ôi biển trời non nước…
                       Trời bao la mà…biển cũng bao la.
 
Còn con người thì quá nhỏ nhoi, bất lực và cô đơn! Em “ước có một ngày về”. Tôi cũng cầu mong như vậy cho em.  Dù chỉ một lần thôi!



    NNS, Thu, chị Vàng
 
Rời Hawaii đến Sydney. Nơi đây vợ chồng tôi được anh chị Huỳnh Văn Công cho tá túc hơn một tuần lễ. Anh Công xuất thân từ NLSCT và là đồng nghiệp với tôi ở NLSBD.  Anh chị cho ở, nuôi ăn và dẫn đi chơi khắp nơi dù chân anh đi bộ rất khó khăn và đau đớn. Vợ chồng tôi được tiếp đón hết sức niềm nở, nhiệt tình bởi nhiều thành viên trong gia đình NLS ở Sydney. Phía ĐHNNCT có anh Lê Quang Dũng, Trần Thu Thạnh, Quách Như Quan, Huỳnh Liêm. Bình Dương có vợ chồng Mỹ Châu, vợ chồng cô Tám - em gái anh Công và là cựu học sinh NLSBD - và một số bạn khác. Nhóm Bảo Lộc có cô Dương Tuấn Ngọc -  cựu giáo sư NLSBL - và chị Trần thị Nữ. Họ luân phiên nhau hoặc hợp lại đưa chúng tôi đi thăm khắp các nơi và đãi đằng hết sức nồng hậu và linh đình.  Tôi có cảm tưởng như mình đi dự đại hội hết nhà này qua nhà khác. Mới ăn xong ở nhà anh chị Công lại sang nhà anh chị Thạnh, rồi tới nhà Quan, Liêm, Châu… Không lúc nào hết niềm vui, dứt tiếng cười. Dịp này thật may mắn chúng tôi cũng được hội ngộ cùng thầy cô Nguyễn Phi Long ở VN mới qua. 


Tái ngộ cùng thầy cô Nguyễn Phi Long tại nhà anh chị HVC, Sydney.
(Từ phải sang trái hàng đầu: chị Công, Thu, thầy và cô NPL)

Tôi thật cảm động và khâm phục về sự trân quý và duy trì bền vững mối liên hệ thầy trò, bằng hữu của mọi người ở đây. Tình thắm thiết, thân thiện, quan tâm và lo lắng lẫn nhau vì đồng ngành nghề, cùng môi trường, chung cảnh ngộ đã nối kết mọi người lại với nhau y như một đại gia đình trùng phùng vậy.  Tôi gọi tắt sự diễn tả lòng vòng này là “thâm tình NLS” vậy. Dựa vào thâm tình này, tôi xem như mình được biệt đãi, được “ăn chực” danh chánh ngôn thuận. Chẳng những được ăn, được nói mà còn được gói mang về. Tôi mang về Cali một gánh nặng trĩu ân tình khó quên, muôn vàn kỷ niệm thân thương, quý báu của anh chị Công, Dũng, Thạnh, Quan, Liêm, Châu và nhiều anh chị khác ở Sydney. Cũng mang theo luôn cái raincheck hẹn hò trở sang ăn báo anh chị Công nuôi thêm ba tháng nữa. Anh chị hứa chẳng ngại tốn kém bao nhiêu vì tôi nhỏ con ăn ít và chỉ thích ăn cơm cá kho, canh rau dền đất vườn nhà nấu tép riu.  Chuyện này xem ra tôi khó lòng quên lắm nha! Nên ráng gìn giữ cái “raincheck” của anh chị HVC cho thật kỹ mới được.


Họp mặt đông đủ tại nhà anh chị HVC ở Sydney
 
Đã cao số thì dù ở đâu cái số vưỡn cao. Từ Sydney tôi bay thẳng lên Brisban để thăm anh chị Hà Thế Tạo và Nguyễn Thanh Liễu. Anh Tạo tuy đồng môn và đồng khóa với tôi nhưng vì anh hơn tôi vài tuổi nên tôi xem anh như anh cả. Chị Liễu là dân NLSBL. Đến đây thì vợ chồng tôi được anh chị cưng chiều quá đỗi nên tha hồ nhõng nhẽo. Chị Liễu là một người vợ, người mẹ tuyệt vời. Tôi chưa thấy ai chăm sóc, lo lắng cho chồng con chu đáo như chị. Có lẽ nhờ vào sự hy sinh, tài khéo léo và đảm đang của chị mà chồng con đều thành công, thành danh và thành tài vẻ vang, gia đình toàn vẹn, hạnh phúc. Ngày nào chị Liễu cũng ráng làm mấy món ăn đặc biệt và đặc sắc để đãi đằng chúng tôi. Nào bò xứ Úc, tôm cua, hải sản nổi tiếng và hoa quả vùng nhiệt đới cứ ăn mệt nghỉ. Anh chị Tạo Liễu không quản ngại công khó cực nhọc, tốn kém, đã đưa đi chơi đó đây thăm thắng cảnh mà lại còn làm tiệc lớn rồi mời thầy cô Nguyễn Viết Trương (cựu Khoa Trưởng DHNNCT) đến dự để thầy trò chúng tôi hội ngộ, hàn huyên nhân dịp ngàn năm một thuở nay. Lòng tốt của anh chị chúng tôi xin ghi tâm khắc cốt. Nếu không phải trở về vì lỡ mọc rễ sâu ở Cali thì tôi đã ở luôn nhà anh chị Tạo Liễu để vừa ăn chực thoải mái vô hạn định mà còn ăn vạ để lợi dụng lòng tốt dư thừa của gia chủ. Cũng may, tôi trở về kịp thời để thấy mình vẫn còn chưa đến nỗi phải đổi quần áo khổ lớn hơn. Chiến lợi phẩm mang về là tình thương mến ăm ắp và sự quan tâm lo lắng của anh chị dành cho. Quà quý giá mà chị Liễu không quản nhọc nhằn và tốn kém gửi bưu điện theo sau đến tận nhà là hột giống bông phượng đỏ, phượng vàng, các loại rau và cây thuốc đặc biệt. Tôi gieo hạt và đã lên được vài cây. Đang lo ngoắt lo ngoẻo không biết chúng có sống sót qua mùa đông này không. Đó là chuyện của đầu năm.


Họp mặt thầy trò cũ tại Sydney
Từ trái sang phải: Thu, Cô NVT, chị Thanh Liễu, thầy Ng Viết Trương,
anh Hà Thế Tạo, anh Quý
Còn tiếp
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693713 visitors (2231790 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free