VỀ THĂM TRƯỜNG CỦ ( P 16)
Kỹ Sư Mong Phước Minh
Thầy Lê Quang Xáng đến sau Thầy Kim ít phút. Tuy Thầy là Giảng sư ủy nhiệm của Đại học khoa học, nhưng lại là người Thầy không thể thiếu của các sinh viên Nông nghiệp, cho nên đến giờ, Thầy vẫn là Thầy ruột của các Kỷ Sư nông khoa và các Kỷ sư trồng trọt sau này.
Môn địa chất thiệt sự là môn…khô như đất và khó gặm như…đá. Thôi thì cũng ráng “nhai’ dù mấy cái vỏ sò của các kỷ tam điệp (Triassic) thuộc nguyên đại trung sinh 200 triệu năm trước, hoặc mấy “mẫu” hóa thạch …cao thuộc kỷ Neogen, niên đại đệ tam cách nay 20 triệu năm, … chẳng ăn nhập gì với cái nghề làm ruộng sau này! Nói chơi cho vui, chứ nó lại là môn dẫn lối để vào …Thổ nhưỡng học, sự quan trọng của môn địa chất có khi còn hơn cả môn Động vật của Cô Trần Ngươn Phiêu, nhất là đối với sinh viên chuyên ngành canh nông.
Nhiều cựu sinh viên nông nghiệp chắc còn nhớ : “…tiếng lách tách kêu giòn trong đêm vắng sa mạc, bởi sự thay đổi nhiệt độ quá lớn, làm vở bể các tảng đá nơi chốn khắc nghiệt này…” là lời của Thầy Lê Quang Xáng khi nói về sự phong hóa của đất đá sa mạc. Ngoài ra, cựu sinh viên nông nghiệp và khoa học khi nhắc đến Thầy Xáng là nhớ đến chiếc xe La Dalat 3 ngựa, có lẽ là chiếc xe hơi riêng đầu tiên của một Giảng sư ở Đại học Cần thơ. Nếu còn, chiếc La Dalat này xứng đáng nằm trong bộ sưu tập “cổ vật” bằng thạch cao ở kỷ Phấn trắng (Cretaceous) trong phòng thí nghiệm Địa chất!
He he, cho Ông Thầy nhớ đến “một thời ngang dọc” Cần thơ chơi!
Hội trường khách sạn Công Đoàn khá ấm cúng bởi ánh đèn vàng nhạt trên nền tường và rèm màu kem, làm buổi gặp gỡ hôm nay thêm thân mật. Nhiều bạn bè cũ lại tụm nhau trò chuyện.
Giáo sư Nguyễn văn Huỳnh là người Thầy kế tiếp đến với buổi “đoàn tụ” hôm nay. Rất tiếc “quí phu nhân” Nguyễn thị Nghiêm, cựu sinh viên khóa 1, lại gởi lời cáo lỗi vì bị …chóng mặt thình lình!
…luôn vui vẻ với học trò…
Cũng là một trong những giảng nghiệm viên trẻ tuổi, đến với học trò nông nghiệp ngay từ khóa đầu, Thầy Huỳnh, quê gốc Mỹ Tho, vừa đẹp trai lại vừa “rất gần” với các đàn em mới lớn. Có lẽ nhờ vậy chuyện “tình yêu khó nói” của chàng kỷ sư trẻ tuổi cũng xuôi chèo mát mái nơi cái xứ đất lành chim đậu Cần thơ! Từng có rất nhiều kỷ niệm với nhóm sinh viên khóa 1 trọ học tại nhà Anh Tư Lánh, bằng những bửa cháo ếch đêm hay chè đậu xanh tối,Thầy Huỳnh, Thầy Nguyễn văn Nhiều và Thầy Hà Huy Hoàng luôn là những vị khách quí dễ thương; nhưng với Thầy Huỳnh, có lẽ là tương đối “sâu đậm” nhất, hổng biết tại sao?
Phương, Thầy Huỳnh, MPMinh và Thầy Thành.
Tuy nhiên khi bước vào phòng côn trùng làm thực tập, đứa nào cũng ngán cái ông Thầy với đôi tay khuỳnh ra kiểu con bọ Coreidae thuộc bộ “cánh nửa cứng” Hemiptera, nên ráng mà nhai tới nhai lui như đọc thần chú khi nhận diện các tiêu bản khô. Thằng Nguyễn văn Chuẩn, cứ chỉ con Braconidae:…con..gì…?con…gì?…braco…nidae…bra…co…nidae…con…gì..?…đến tối ngủ còn mớ! Nói chung chuyện chè, cháo chẳng ăn nhập gì với học hành, đừng thằng nào tưởng bở, hỏng thuộc bài thì …thi lại kỳ sau! Nhờ vậy ai cũng hảnh diện vì được đào tạo rất đàng hoàng!
Năm thứ 4, một hôm sinh viên khóa 1 thấy chị Nghiêm đeo chiếc nhẫn “lóng lánh” trên tay,…à thì ra…Thầy Huỳnh mới xong Msc. từ Phillippine về…Phải công nhận, chị Nghiêm kín bưng, đến “la vingt-cinquième heure” bạn bè mới …ngã ngửa! Thầy Huỳnh trở thành anh rể của sinh viên khóa 1 từ thuở đó.