Có hai vị y sĩ nói với tôi đôi điều. Vị thứ nhứt là bác sĩ khám sức khoẻ tổng quát trước và sau mỗi chuyến đi công tác của tôi, đã một lần nói với tôi sao lại thích đi đến các xứ có nhiều mầm móng bịnh tật và thiếu các phương tiện y tế tân tiến. Tôi chỉ im lặng không nói lời nào. Rồi cứ mỗi lần có thơ mời gọi lên đường, tôi tiếp tục đến phòng mạch của vị y sĩ này. Vị bác sĩ thứ hai viết email nói tôi là “chim đi lạc” nhưng chim hát khá hay khi welcome tôi vào nhóm Võ Tánh 5258.. Tôi không sao quên được lời của hai vị y sĩ, tự nhủ trong lòng đó là nghề và nghiệp của mình.
Nghề của tôi là đầu tiên đi học cách trồng lúa ở trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc cùng nhiều thứ khác, ở Viện Khảo Cứu Quốc Tế Lúa Gạo IRRI, ở trường Đại học Hawaii, rồi làm khảo cứu về luá, sau đó chỉ dẫn cho người khác cách trồng lúa giống mới, dạy lại các bạn trẻ về lúa ở Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh, làm việc cho FAO như một senior rice agronomist. Hình ảnh dưới đây là một kỷ niệm của thời xa xưa lúc tôi được chỉ định giới thiệu về cây lúa mới từ IRRI được du nhập trồng ở Việt Nam với Tổng Thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan đầu thập niên 1970’s.
Đi ở hàng trước : Giám Đốc Canh Nông Phạm Thanh Khâm giới thiệu cây lúa du nhập từ IRRI trồng ở Biên Hòa với Tổng Thống Tưởng Kinh Quốc của Trung Hoa Dân Quốc đầu thập niên 1970’s.
Người mình trồng lúa và ăn cơm từ ngàn năm xưa. Người Phi Châu mới biết trồng lúa nước những thập niên gần đây. Có lẽ hoạt cảnh giản dị, thoải mái đóng góp vào việc lượng giá mức thành công của một dự án lúa gạo là thăm viếng các chợ gạo bản xứ. Có nhiều cách làm sao để người bán gạo lẻ vừa bán hàng vừa có thể cung cấp một cách trung thực về cửa hàng gạo, về giá cả, loại gạo, nguồn cung cấp, sự ưa thích của người tiêu dùng… Sau đó người bán hàng còn có những câu hỏi khác hỏi lại không liên quan gì đến chuyện lúa gạo. Đường vào chợ lại có nhiều chuyện vui khác. Có thể một bà bán hàng duyên dáng như tôi đã gặp, thấy một người “Chinois” hay “Chinese” vào chợ, vóc dáng dễ nhìn, đến ôm tặng cho một nụ hôn nói lời tình tự : “I have everything you need !” ; hay “tu va entrer chez moi, d’accord.!”. Ảnh sau đây chụp một hàng bán gạo lẻ tại chợ Bamako, nước Mali trong chuyến công tác cho FAO cử tôi làm Trưởng Phái Đoàn (Chef de Mission) đến bốn nước Mali, Burkina Faso (tên cũ Haute Volta), Sénégal, Guinée năm 1994 để lượng giá một dự án lúa gạo (Riz Prospère Pour Les Petits Paysans en Riziculture Irriguée Pour Les Pays Africains Semi-Arides au Sud du Sahara).
Tác giả và người bán gạo tại chợ Bamako
nước Mali, 1994
Nhưng không phải lúc nào đều được nghe những chuyện vui. Đôi lúc những điểm đen của một dân tộc ở ngay cửa của phi trường quốc tế cũng được phát hiện như câu chuyện nước bùn sau đây tại đất nước mà vị nữ Tổng Thống vừa nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình 2011 với hai phụ nữ khác.
Người bạn trẻ tên Huang là một thương gia Đài Loan ở tuổi tứ tuần đến Liberia 2009 để tìm đường mối mua gỗ chở về Á Châu. Dịch vụ xuất nhập cảng gỗ không thuận lợi cho anh vì lệnh cấm vận về sản phẩm của rừng ở xứ này lúc bấy giờ chưa bãi bỏ. Hỏi nhiều giới chức thẩm quyền, nơi này nói thế này, nơi khác nói thế nọ không đồng nhứt, nhưng bạn tin lịnh cấm vận sẽ được bãi bỏ trong thời gian không xa. Đó là lời kể của bạn trong lúc gặp làm quen với tôi và Anh Đinh Xuân Quân lần đầu tiên trong một tiệm ăn Tàu ở Monrovia. Trong khi chờ đợi, anh không muốn ở một mình nên gọi điện thoại về quê sắp xếp cho người vợ trẻ đến đoàn tụ với anh. Sau khi cặp bạn trẻ này thuê một căn phòng trong lòng chợ Monrovia, họ mời chúng tôi đến nhà ăn bữa cơm chiều do vợ của bạn nấu thết đãi chúng tôi. Chị kể lúc đến phi trường Monrovia, chị bị giữ thẩm vấn rất lâu về mục đích đến thành phố đổ nát này. Họ không tin những gì chị khai, trong khi anh Huang ở ngoài hàng rào an ninh đón chờ. Họ nói chị đến để làm việc bán dâm trong các massage studios. Họ đòi chị nộp 500 đô la để được ra nhận hành lý rời phi trường.
Trong thế bị bắt bí, chị không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở hồ bao nộp cho họ 500 đô la không có biên nhận nào chứng minh về số tiền này.
Sự việc kể trên là tiêu biểu về những tệ trạng ở những nước nghèo. Viên chức nào có một ít quyền hành đều tìm cách làm tiền bỏ túi riêng không biết danh dự là gì.
Thay Lời Kết
Dù đã biết được hàng trăm loại gạo ngon trên thế giới, tôi luôn nhớ đến bữa cơm chiều với gạo Lúa Gòn thơm vừa mới gặt phơi khô đem xay nấu cơm ăn với lá é đâm nước mắm và cá rô đồng nướng ở làng Văn Định. Khung trời nhỏ bé của thuở vừa biết đi biết chạy sao quá êm đềm, không ưu tư bất cứ điều gì có ở trên đời. Tôi trân quí yêu thương khung trời nhỏ này.
Viết tại Houston Texas 15/11/2011
Thành phố của NASA
Phạm Thanh Khâm
|